Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2008

CHUA NHAT 3 PHUC SINH - NAM A

Ngày 6 Tháng 4, Năm 2008

CHUA NHAT III PHUC SINH - NAM A

ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA GIÊSU TRÊN ĐƯỜNG EMMAU

Trên thế giới ai cũng cho nước Hoa Kỳ là thiên đàng trần gian. Thế mà theo thống kê của American Academy of Child and Adolescent Psychiatry thì mỗi năm có hằng ngàn thiếu niên tự vận ở thiên đàng này. Cũng theo thống kê của viện này thì tự vận là nguyên nhân đứng hàng thứ ba trong việc gây tử vong cho các em từ 15 đến 24 tuổi và thứ sáu cho các em từ 5 đến 14 tuổi. Tại sao thế? Bởi vì các em bị căng thẳng bởi những xáo trộn trong gia đình, những áp lực của bạn bè, những đòi hỏi không được thỏa mãn của chính mình, và nhất là thấy đời vô nghĩa.

Hoàn cảnh của giới trẻ trong thời đại chúng ta chẳng khác nào hoàn cảnh của hai môn đệ trên đường Êmmau trước khi được Đức Kitô Phục Sinh đồng hành với họ. Con người ngày nay đang đánh mất Chúa Giêsu vì họ tìm cách đẩy các giá trị Kitô giáo ra khỏi xã hội. Họ đang truyền thụ cho giới trẻ một nền “văn hóa sự chết” trong đó ích kỳ, vật chất, lạc thú và danh vọng được đề cao, còn các giá trị tâm linh và luân lý nếu không bị loại ra ngoài thì cũng bị bị coi là lỗi thời vô ích. Chúng ta không mấy ngạc nhiên khi nhiều người trẻ cảm thấy chán chường, thất vọng, căng thẳng, và thiếu tự tin trong cuộc sống, vì không có Đức Kitô đồng hành với họ trong cuộc đời, thì tất cả mọi sự đều trống rỗng và vô nghĩa.

Hai môn đệ trên đường Êmmau cũng cảm thấy chán chường như thế. Ba năm theo Chúa với hy vọng là Người sẽ giải phóng Israel khỏi ách đô hộ của Rôma. Nếu không có tham vọng được làm khanh tướng thì hai ông cũng hy vọng là được sống tự do trong một quốc gia độc lập. Khi Chúa lãnh án tử hình và bị chết trên thập giá, thì cả bầu trời xụp đổ trước mặt các ông. Mộng đã vỡ thì chỉ còn cách chán chường trở về quê xưa, làm công việc cũ. Đức Kitô Phục Sinh đã đến và đồng hành với các ông trong quãng đường này. Người đã hỏi các ông, đã quan tâm đến tâm sự của các ông và đã lắng tai nghe từng chi tiết ngổn ngang của tâm sự ấy. Sự quan tâm và tình yêu của Người đối với các ông đã làm cho lòng các ông rộn ràng hy vọng. Ngườii đã vạch cho các ông chân lý bằng cách dùng Thánh Kinh mà giải thích về Đức Kitô. Rồi sau cùng Người đã đưa các ông đến bàn tiệc Thánh Thể. Và khi các ông nhận ra Người thì Người biến mất trước mặt các ông. Tuy biến mất, nhưng Người lại ở trong tâm hồn các ông, làm các ông nôn nóng không nghỉ được, mà phải vội vã trở về Giêrusalem bất chấp đêm đen, để mang tin mừng này đến cho mọi người.

Làm Giáo Lý viên, nhiều khi chúng ta cũng chán chường, thất vọng vì dù cố gắng cách mấy đi nữa chúng ta cũng chẳng thấy học sinh của mình tiến bộ chút nào. Đôi khi chúng ta còn chán chường hơn nữa vì không đạt được những “mục đích tiềm ẩn” trong việc phục vụ của mình. Sở dĩ như thế vì chúng ta đã không tin tưởng đủ nơi Chúa, đã không có Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta trên đường phục vụ, đã không đặt Chúa làm cùng đích của việc phục vụ. Hoặc chúng ta chỉ chú tâm đến mình trong việc phục vụ mà quên rằng Chúa đang đồng hành với mình, nên chúng ta đã không nghe thấy những lời dạy dỗ và an ủi của Người và không cảm nhận được tình yêu của Người. Một khi chúng ta thật sự đồng hành với Chúa và lắng nghe tiếng Người thì lòng chúng ta cũng sẽ rạo rực như hai môn đệ trên đường Êmmau. Một khi chúng ta “mời Chúa ở lại với chúng ta vì trời đã xế chiều” thì chúng ta sẽ được đồng bàn với Người, cùng sẽ nhận ra sự hiện diện của Người trong tiệc Thánh Thể, trong các Bí Tích, và cũng sẽ vội vã ra đi để chia sẻ niềm vui này với muôn người.

Là Giáo Lý viên, Chúa muốn chúng ta thay Người đồng hành với những học viên mà Người trao phó cho chúng ta. Chúa muốn chúng ta trở nên “những Kitô khác” để Người được hiện diện khắp nơi, với mọi người, qua chúng ta. Muốn chu toàn sứ vụ này, chúng ta phải giống Đức Kitô trong cách chúng ta đối xử với mọi người, đặc biệt là với những học viên mà Chúa trao cho chúng ta. Chúng ta cũng phải đồng hành với họ, cũng phải truyền tình yêu của Chúa cho họ làm cho lòng họ rộn ràng khi nghe Lời Chúa qua miệng chúng ta. Chúng ta phải biết đặt câu hỏi và biết lắng nghe như Chúa đã làm. Và nhất là chúng ta phải biết dùng Thánh Kinh để giải thích về Mầu Nhiệm của Đức Kitô cho họ. Đức Kitô phải là trọng tâm của chính đời sống chúng ta, để rồi chúng ta có thể nói cho người khác về Đức Kitô với nhiệt tình và đốt cháy lòng họ bằng tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta không phải chỉ dạy Giáo Lý trong lớp học mà phải đồng hành với học viên trên đường đời như Chúa đã đồng hành với các môn đệ. Đồng hành để dẫn họ đến Bàn Tiệc Thánh. Nơi đó họ gặp Đức Kitô Phục Sinh thực sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Nơi đó Chúa Giêsu trở thành thần lương nuôi dưỡng linh hồn họ, cùng làm cho họ tràn đầy niềm vui và hy vọng để họ trở về cuộc sống thường nhật đem niềm vui này đi chia sẻ với mọi người.

Còn chúng ta, chúng ta phải biến mất trước mặt họ sau khi họ đã nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, như Chúa Giêsu đã biến đi trước mặt họ sau khi bẻ bánh. Đừng mong được nhớ ơn, đừng mong lời ca tụng, và nhất là đừng mong nhìn thấy kết quả của việc mình làm.

Lạy Chúa xin luôn đồng hành với con và những người Chúa trao phó cho con trên đường trần thế này, để chính Chúa dùng con mà an ủi, mà yêu thương và dạy dỗ họ. Để chính Chúa trở nên trọng tâm của đời họ và con. Để chúng con cùng nhau no thỏa nơi Bàn Tiệc Thánh của Chúa và đem Tin Mừng của Chúa vào thế gian đầy thất vọng này. Sau cùng xin cho con biết quên mình, biết nhỏ đi, hay chết đi trong lòng họ để Chúa được lớn lên và sinh hoa trái trong họ. Amen.

Không có nhận xét nào: