Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2008

CHUA NHAT 2 PHUC SINH- NAM A

Tôma- “Ông Tổ Thực Nghiệm”

Chúa nhật 2 Phục sinh A

(Ga 20, 19-31)

Chúa nhật thứ 2 Phục sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục khám phá thực tại mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu qua lăng kính của một môn đệ vốn được mệnh danh là “ông tổ thực nghiệm” - Tôma Đyđymô, để xác tín niềm tin vào Chúa Phục sinh cách mạnh mẽ; đồng thời tuyên xưng niềm tin đó cho muôn người.

Tôma “sinh đôi” hay còn gọi là Đyđimô, người làng Galilê, một trong số 12 môn đệ của Chúa Giêsu. Tin mừng nói rất ít về người môn đệ này. Tôma trong Tin mừng Gioan chỉ xuất hiện vỏn vẹn bốn lần, nhưng có đến ba lần ông xuất hiện trong những trường hợp rất đặc biệt, để lại những dấu ấn khó phai mờ.

Lần thứ nhất khi Chúa Giêsu muốn lên đường tiến về Giuđê, về làng Bêtania thăm lại người bạn Ladarô “đang yên giấc” của Người. Trong khi các môn đệ can ngăn vì cho rằng điều đó hết sức nguy hiểm bởi người Dothái đang tìm cách trừ khử Chúa, thì Tôma dỏng dạc tuyên bố: “Chúng ta cùng đi (lên Giuđê) để cùng chết với Thầy” (Ga 11, 16b). Rõ ràng Tôma là con người rất nhiệt thành, tận tuỵ và dám hy sinh. Tính cách của ông so với các môn đệ kia là rất riêng, rất đặc trưng, nó chứng tỏ ông là con người dám nghĩ, dám nói và dám làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Lần thứ hai trong diễn từ Biệt ly của Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu khuyên nhủ các môn đệ đừng xao xuyến và lo lắng vì sự ra đi của Người. Bởi việc Người ra đi là có lợi cho các ông. Người đi để dọn chỗ cho các ông. Các ông vốn không hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì, giờ lại nghe Người “bồi” thêm một câu nữa : “Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi”, làm các ông rối tung cả lên, chả hiểu gì thêm được nữa. Trong lúc các môn đệ vừa buồn phiền vừa chẳng hiểu Thầy nói gì, Tôma lại lên tiếng : “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14, 5). Câu hỏi của Tôma là nguyên nhân dẫn đến câu trả lời bất hủ của Chúa Giêsu, tóm trọn đạo lý của Thầy : “Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự sống”.

Lần thứ ba là câu chuyện sau khi Chúa sống lại. Lần hiện ra đầu tiên, Tôma vắng mặt. Tin mừng không nói lý do nhưng chúng ta có thể hiểu tâm trạng của Tôma cũng như của hầu hết các môn đệ trước biến cố xảy đến cho Thầy. Như hai môn đệ Emmau, chắc hẳn Tôma cũng buồn phiền, lo lắng, thậm chí chạy trốn nữa, nhưng ông không thể rời xa cộng đoàn thân yêu của mình. Chính vì thế, ông đã quay về, ở lại để rồi chứng kiến việc Chúa Phục sinh hiện ra cho riêng cá nhân ông. Nghe các môn đệ thuật lại câu chuyện Thầy sống lại, Tôma thấy có điều gì đó không ổn. Không ổn là bởi vì Tôma cho rằng các môn đệ vì quá thương nhớ Thầy, tâm trí căng thẳng nên sinh ra những tưởng tượng chứ thực tế làm gì có. Theo ông việc này chớ vội vàng, cần phải kiểm nghiệm rõ ràng. Vì thế, ông dỏng dạc tuyên bố chính kiến của mình : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng tin”. Các môn đệ khác thì im lặng, đuối lý, còn Tôma thì ra sức chờ đợi và hy vọng…

“Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Chúa Phục sinh hiện đến, đáp ứng những đòi hỏi, những lý luận mang tính thực nghiệm của Tôma. Chúng ta thấy phản ứng tức thời của Tôma cũng chính là lời tuyên xưng duy nhất trong Tin mừng như để chuộc lại lỗi lầm vì đã không tin vào điều các môn đệ truyền lại : “Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con!”. Lời tuyên xưng của Tôma là nguồn cảm hứng được vang vọng trong kinh Tin kính của cộng đoàn Kytô tiên khởi và lưu truyền mãi đến muôn đời. Đây cũng là lời tuyên xưng của một con người tận mắt chứng kiến Đấng từ cõi chết sống lại để rồi trọn đời, Tôma đã sống và đã chết với lời tuyên xưng ấy.

Niềm tin vào Chúa Kytô Phục sinh không phải là một niềm tin ảo tưởng, mụ mẫm, rẽ tiền mà là niềm tin được chính Chúa Phục sinh hiện ra nhiều lần cho các môn đệ và đặt biệt, được chính Tôma “kiểm chứng” bằng phương pháp thực nghiệm rõ ràng. Chính vì thế, chúng ta- những người thừa kế di sản Tin mừng và tiếp nối niềm tin vào Chúa Phục sinh do các môn đệ truyền lại, nguyện sẽ không ngừng sống, loan báo và làm chứng niềm tin đó cho nhân loại.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2008

SU DIEP PHUC SINH NAM 2008 CUA DUC THANH CHA XVI

Sứ Ðiệp Phục Sinh năm 2008

của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI

Sứ Ðiệp Phục Sinh năm 2008 của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI:

Resurrexi, et adhuc tecum sum. Alleluia! -

Con đã sống lại, Con vẫn hiện diện bên cạnh Cha. Alleluia!

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu, Ðấng chịu đóng đinh và đã sống lại, hôm nay lặp lại cho chúng ta lời công bố đầy vui mừng này: đó là lời công bố biến cố Phục Sinh. Chúng ta hãy chào đón lời công bố này với sự kinh ngạc sâu xa và lòng tri ân!

Resurrexi et adhuc tecum sum - Con đã sống lại, Con vẫn ở bên Cha đến muôn đời.

Ðược trích từ bản văn cổ xưa của Thánh Vịnh 138 (câu 18b), những lời này vang lên vào khởi đầu Thánh Lễ hôm nay. Trong những lời đó, vào lúc mặt trời Phục Sinh mọc lên, Giáo Hội nhận ra chính giọng nói của Chúa Giêsu, là Ðấng khi trỗi dậy từ trong kẻ chết, thì hướng về Chúa Cha đầy hạnh phúc và tình thương, và thốt lên: Thưa Cha, này con đây! Con đã sống lại, Con vẫn kề cận bên Cha, và Con sẽ ở bên Cha mãi mãi; Thánh Thần của Cha đã không bao giờ bỏ rơi Con. Như thế, chúng ta có thể hiểu một cách mới mẽ những kiểu nói khác nữa trong thánh vịnh 138 này như sau: "Con có lên trời, Chúa đang ngự đó; Con xuống dưới âm ty, Chúa vẫn có đó... Cả những bóng tối cũng chẳng u tối đối với Chúa, và đêm đen thì sáng tỏ như ban ngày; đối với Chúa, bóng tối cũng là như ánh sáng." (Tv 138:8-12). Thật thế: trong đêm canh thức Phục Sinh trọng thể này, bóng tối trở thành ánh sáng, đêm đen nhường chỗ cho ngày mới không biết đến chiều tà. Cái chết và sự phục sinh của Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể là một biến cố của tình yêu không gì có thể hơn được, là chiến thắng của Ðấng là Tình Yêu, là Ðấng đã giải thoát chúng ta khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Biến cố ấy đã thay đổi được giòng lịch sử, vừa đưa vào trong cuộc sống con người ý nghĩa và giá trị đã được canh tân và không thể phai tàn đi được.

"Con đã sống lại, Con vẫn kề cận bên Cha đến muôn đời". Những lời này mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô phục sinh, vừa để cho tiếng nói của Ngài vang lên trong tâm hồn ta. Với hy tế có giá trị cứu chuộc của Ngài, Chúa Giêsu thành Nagiarét đã làm cho chúng ta trở nên những con cái của Thiên Chúa, sao cho giờ đây chúng ta có thể đưa mình vào trong công cuộc đối thoại mầu nhiệm giữa Người và Chúa Cha. Chúng ta nhớ lại tất cả những gì mà một ngày kia Người đã nói với những ai đang lắng nghe: "Mọi sự đã được Cha Ta giao phó cho Ta. Và không ai biết rõ Cha trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mặc khải cho" (Mt 11:27). Trong viễn tượng này, chúng ta ghi nhận rằng những lời Chúa Giêsu phục sinh nói với Chúa Cha hôm nay - "Con vẫn kề cận bên Cha đến muôn đời" - cũng áp dụng gián tiếp cho cả chúng ta nữa, "những con cái của Thiên Chúa và là những người đồng thừa tự với Chúa Kitô, miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người, để tham dự vào vinh quang của Người" (x Rm. 8:17). Nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô, thì ngày hôm nay cả chúng ta đây, chúng ta được sống một cuộc sống mới, và nhờ kết hiệp tiếng nói chúng ta với tiếng nói của Người, chúng ta công bố rằng chúng ta muốn ở lại mãi mãi bên Thiên Chúa, Cha chúng ta, Ðấng tốt lành và nhân từ vô cùng.

Như thế, chúng ta tiến vào trong chiều sâu của mầu nhiệm Vượt Qua. Biến cố đáng kinh ngạc về sự Phục sinh của Chúa Giêsu thiết yếu là một biến cố của tình yêu: tình yêu của Chúa Cha, Ðấng trao ban Con Ngài để cứu rỗi thế gian; tình yêu của Chúa Con, Ðấng phó thác chính mình cho thánh ý Chúa Cha, vì tất cả chúng ta; tình yêu của Chúa Thánh Thần, Ðấng làm cho Chúa Giêsu phục sinh từ trong kẻ chết trong thân xác được vinh hiển của Người. Và còn nữa: tình yêu của Chúa Cha, Ðấng giang tay "ôm lại" Con Một mình, vừa bao bọc Người trong vinh quang; Tình yêu của Chúa Con, Ðấng nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà trở về cùng Thiên Chúa Cha, mang theo nhân loại chúng ta đã được biến đổi.

Từ lễ nghi long trọng hôm nay, một nghi lễ làm cho chúng ta sống lại kinh nghiệm tuyệt đối và riêng biệt của sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta nghe được lời mời gọi trở lại với Tình Yêu Thiên Chúa; chúng ta nghe được lời mời gọi hãy sống giải thoát khỏi trừ thù hận và ích kỷ, và hãy vâng phục bước theo những bước chân của Chiên Con bị sát tế để cứu rỗi chúng ta, hãy bắt chước Ðấng Cứu Ðộ "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng", Ðấng là "nơi yên nghỉ cho linh hồn chúng ta" (x. Mt 11:29).

Thưa anh chị em Kitô khắp nơi trên thế giới, hỡi những con người nam nữ có tinh thần chân thành mở rộng đón nhận sự thật! Ước gì không một ai đóng kín con tim mình trước quyền năng của tình yêu cứu chuộc! Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại cho tất cả mọi người; Ngài là niềm hy vọng của chúng ta; là niềm hy vọng đích thật của từng người. Hôm nay, --- như xưa Người đã làm với các môn đệ tại Galilê trước khi về với Chúa Cha, --- Chúa Giêsu phục sinh cũng sai chúng ta đến mọi nơi, như những chứng nhân cho niềm hy vọng của Người và Người bảo đảm với chúng ta rằng: Thầy sẽ ở cùng anh em luôn mọi ngày cho tới tận thế (x. Mt 28:20). Khi hướng nhìn về những vết thương vinh hiển nơi thân xác đã được biến đổi của Người, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị của đau khổ, chúng ta có thể chăm sóc cho nhiều vết thương đang tiếp tục rỉ máu nơi nhân loại, cả trong những ngày chúng ta đang sống. Nơi những thương tích vinh hiển của Người, chúng ta nhận ra những dấu chỉ không thể phai nhoà của lòng nhân từ vô cùng của Thiên Chúa, Ðấng mà tiên tri Isaia nói đến như sau: Ngài là Ðấng chữa lành những vết thương của những tâm hồn tan nát, là Ðấng bảo vệ những kẻ yếu đuối và công bố sự tự do cho những ai làm nô lệ, là Ðấng yên ủi tất cả những ai sầu khổ, là Ðấng ban cho họ dầu của niềm vui thay cho chiếc áo tang chế; là bài ca chúc tụng thay cho một tâm hồn sầu thương (x. Is 61:1,2,3). Nếu chúng ta xích lại gần Người với một lòng tín thác khiêm cung, chúng ta sẽ gặp thấy trong cái nhìn của Người câu trả lời cho những khát vọng sâu xa nhất trong tim chúng ta: đó là được biết Chúa và được thiết lập với Người một tương quan sống động, một tương quan đổ tràn đầy tình thương của Người vào cuộc sống chúng ta và vào trong những tương quan quốc tế và xã hội chúng ta. Vì thế, nhân loại cần đến Chúa Kitô: trong Người, niềm hy vọng chúng ta, "chúng ta đã được ơn cứu rỗi" (x Rm 8:24).

Biết bao lần, những tương quan giữa cá nhân với cá nhân, giữa các nhóm với nhau, giữa các dân tộc với nhau, thay vì được tình thương ghi dấu, thì lại bị ghi dấu bởi ích kỷ, bởi bất công, hận thù, bạo lực! Ðó là những tai ương của nhân loại, những vết thương công khai và gây ra đau khổ ở mọi nơi trên mặt đất, cho dù những vết thương thường không được biết đến và đôi khi bị cố ý che đậy; đó là những vết thương làm tan nát tinh thần và thân xác của vô số anh chị em chúng ta. Những vết thương đó đang chờ được chăm sóc và chữa lành bởi những vết thương vinh hiển của Chúa Phục Sinh (x 1 pherô 2:24-25) và bởi tình liên đới của tất cả những ai, theo bước chân Chúa và nhân danh Người, thực thi những công việc của tình thương, dấn thân hữu hiệu cho công lý, và phổ biến quanh mình những dấu chỉ sáng chói của niềm hy vọng, tại những nơi đẫm máu vì xung đột và tại bất cứ nơi nào mà phẩm giá con người tiếp tục bị xỉ nhục và chà đạp. Ước mong là tại chính những nơi đó được tăng thêm nhiều hơn những lời chứng cho sự hiền từ dịu dàng và sự tha thứ.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy để cho ánh sáng rạng ngời của Ngày long trọng hôm nay soi sáng chúng ta; với lòng phó thác chân thành, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa Kitô phục sinh, ngỏ hầu sức mạnh canh tân của Mầu nhiệm Vượt Qua được biểu lộ nơi mỗi người chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong những thành phố và trên đất nước chúng ta. Ước chi sức mạnh canh tạn của Mầu Nhiệm Vượt Qua được biểu lộ mọi nơi trên thế giới. Ðặc biệt trong giây phút này, làm sao không nghĩ đến vài vùng bên Phi châu, như tại Darfur và Somalia, nghĩ đến vùng Trung Ðông đẩm máu, nhất là đến Thánh Ðịa, đến Iraq, Liban, và cuối cùng đến Tibet; Ðây là những vùng đất mà tôi khuyến khích đi tìm những giải đáp duy trì được điều thiện hảo và bình an! Chúng ta hãy khẩn xin Chúa ban cho dư đầy những hồng ân phục sinh, nhờ lời cầu bàu của Mẹ Maria; Mẹ đã cảm nghiệm được niềm vui khôn tả của sự Phục Sinh Chúa, sau khi đã chia sẽ những đau khổ của cuộc thương khó và chịu đóng đinh của Con Mẹ, Ðấng Vô Tội. Ðược liên kết với vinh quang của Chúa Kitô, Xin Mẹ hãy bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trên con đường của tình huynh đệ liên đới và hoà bình.

Ðây là những lời cầu chúc Phục Sinh của tôi, gởi cho anh em hiện diện nơi đay, và cho những con người mọi đại lục và quốc gia, được kết hiệp với chúng ta qua đài phát thanh và truyền hình. Chúc Mừng Phục Sinh tất cả anh chị em!

Bênêđitô XVI, Giáo hoàng

Quý vị và các bạn thân mến! Sau những lời trên, Ðức Thánh Cha chúc mừng Phục Sinh bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, trong đó có tiếng Việt Nam: "Mừng Lễ Phục Sinh". Như quý vị và các bạn đã biết, trong suốt Thánh Lễ Phục Sinh sáng Chúa Nhật do ÐTC cử hành tại Thềm Ðền Thờ Thánh Phêrô, thời tiết tại Roma rất xấu, mưa tầm tả. Hàng trăm ngàn tín hữu tham dự tại quảng trường núp mình dưới rừng dù muôn màu. Kết thúc Sứ Ðiệp Phục Sinh, ÐTC đã ban Phép Lành long trọng cho thành Roma và cho toàn thế giới - URBI et ORBI - cùng với ơn toàn xá, cho những tín hữu hiện diện tại quảng trường và cho những tín hữu nào hiệp ý tham dự qua các Ðài Phát Thanh Truyền Hình và các phương tiện thông tin internet.

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

TU SI ANH, CHI LA AI ?

TU SĨ
Anh, Chị là ai?

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 1,300,000 tu sĩ công giáo nam và nữ. Họ là ai? Lịch sử của đời sống tu trì bắt nguồn từ đâu? lúc nào? Sự khác biệt giữa các hội dòng là gì? Tháng 10-1994, một Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về "Ðời Sống Tận Hiến" đã được triệu tập tại Rôma cho thấy Giáo Hội có một quan tâm đặc biệt đến vai trò của các tu sĩ.

Ở Việt Nam, giới tu sĩ luôn có một vị trí tích cực và hữu hiệu trong đời sống chứng tá Tin Mừng giữa xã hội. Họ như thể hiện một bộ mặt nhân ái của Giáo Hội đối với cuộc đời.

Thế thì Tu Sĩ, các anh, các chị là ai? bài này xin giới thiệu với tất cả quý độc giả một câu trả lời.

I. Hiện diện từ buổi đầu của Kitô Giáo

Sống thành các cộng đoàn, tu sĩ là những người "đi theo Chúa", chấp nhận một đời sống chung trong khó nghèo, độc thân, và vâng lời vì mến Chúa. Và trong quá trình Lịch Sử, đời sống tu trì đó đã dần dần được củng cố và đa dạng hóa.

Những "tu sĩ của hoang địa" ở phương Ðông

Ngay từ thế kỷ thứ III, một nông dân trẻ người Ai Cập tên là Antôn, sau khi hiểu được lời của Chúa nói với người thanh niên trẻ tuổi trong Tin Mừng: "Nếu anh muốn trở nên hoàn hảo thì hãy đi bán tất cả tài sản của anh rồi theo ta", đã quyết định lui vào sống ẩn dật trong hoang địa để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, ăn chay hãm mình và lao động chân tay. Thế là có nhiều người khác noi gương anh và cũng làm như thế.

Cho đến năm 330, Pacôme, cũng một người Ai Cập, thấy rằng cuộc sống ẩn dật lẻ loi như thế cũng có nguy hiểm, nên đã thành lập một tu viện đầu tiên và đề ra những lề luật để sống thành cộng đoàn. Thế là các tu viện nhanh chóng được nhân ra ở phương Ðông: Xyri, Palestin... Và cả ở phương Tây bởi các Ðức Giám Mục: ÐGM Martin ỏ Ligugé và Marmoutier, ÐGM Honorat ở Lérins, ÐGM Césaire ở Arles... tại Bắc Phi, ÐGM Augustin ở Hippone cùng với các linh mục của mình đã thành lập một kiểu cộng đoàn sống nối kết tinh thần tu trì với sứ vụ tông đồ.

Thánh Benoit, ông tổ của các tu sĩ phương Tây

Vào đầu thế kỷ thứ VI, cũng trong chiều hướng muốn sống dâng hiến trọn vẹn cho Chúa mà Benoit de Nursie, 20 tuổi, đã lui về sống ẩn dật ở Subiaco, rồi sau đó ở núi Cassin, nơi đây, ngài đã soạn ra những điều luật mà về sau trở thành "Hiến Chương cho đời sống tu trì ở phương Tây". Như thế tu viện trở nên như một gia đình trong đó vị bề trên là gia trưởng, như một hình ảnh của nước Chúa ở trần gian.

Nhưng rồi những cám dỗ của quyền lực và của vật chất đã đưa đến việc các con cái của Thánh Benoit phải nhiều lần cải tổ dòng của mình: Cluny vào thế kỷ thứ X; Citeaux - Clairvaux vào các thế kỷ XI và XII.

Các dòng khất sĩ

Vào thế kỷ XIII, sự giàu sang của Giáo Hội đã làm nảy sinh những dòng khất sĩ như một phản ứng lại: những người hành hương hòa bình, gần gũi với người nghèo như Dòng Anh Em Hèn Mọn (Phanxicô) của Thánh Phanxicô thành Assise; hoặc là những người nghiên cứu và rao giảng chân lý như Dòng Ðaminh của Thánh Ðôminicô.

Cũng vào thời gian này, trên núi Carmel ở Palestin, các ẩn sĩ đã thành lập một dòng chiêm niệm lẽ ra đã không còn nữa vào thế kỷ XVI, Thérèse d'Avila cùng với Jean de la Croix không làm cho nhà dòng tìm lại được sự nhiệm nhặt ban đầu trong tinh thần mới.

Dòng Tên, Dòng Nữ Tử Bác Ái...

Vào thế kỷ XVI, thời kỳ Phục Hưng và những thái quá của nó, thời kỳ ly khai của Luther, và sau việc khám phá ra châu Mỹ, Ignace de Loyola thành lập một cách thành công Dòng Tên trong đó các tu sĩ có nhiệm vụ phục vụ Giáo Hội - đặc biệt là Ðức Giáo Hoàng.

Giới nữ cũng muốn hiến thân phục vụ nhân loại trong những lãnh vực giáo dục, giúp đỡ người nghèo, người bệnh tật. Nhưng trong thế kỷ XVI, Giáo Hội còn giữ họ lại trong tu viện như các dòng của Angèle de Mérici ở Ý, của Francois de Salles và của Jeanne de Chantal ở Pháp. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVII thì Giáo Hội cũng chấp nhận cho Dòng Nữ Tử Bác Ái của Vincent de Paul và Louise de Marillac, một dòng "lấy bệnh viện làm nhà dòng, lấy đường phố làm nhà ở..."

Thời kỳ nở rộ các dòng tu

Các thế kỷ XVII và XVIII được coi là thời kỳ của các dòng thừa sai đi truyền đạo ở nước ngoài hay phục vụ các tầng lớp quần chúng trong nước, cũng như là phục vụ giáo dục: các sư huynh trường công giáo...

Sau cuộc Cách mạng 1789, thế kỷ XIX chứng kiến sự hồi phục của các dòng tu. Và nhất là sự nở rộ các dòng chuyên về thừa sai, giáo dục thanh niên (Dòng Don Bosco), dạy học, đại kết, hành hương và báo chí (Dòng Thăng Thiên)...

Nhưng những luật lệ có tính chất chống các dòng tu vào những năm 1880, 1901 và 1904 ở Pháp đã gây ra vào đầu thế kỷ XX các vụ đóng cửa trường học công giáo, các vụ bắt bớ và trục xuất tu sĩ... Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, xuất hiện các dòng tu nhằm phục vụ giới thợ thuyền, phục vụ nông thôn, hay theo gương và theo tinh thần của cha de Foucauld.

Những cộng đoàn mới

Từ Công Ðồng Vaticanô II, các dòng tu đã có những định hướng lại chọn lựa của mình. Và nhiều cộng đoàn mới xuất hiện, thường thì mở ra và quy tụ nhiều thành phần trong xã hội: những người độc thân, những người đã có gia đình, các linh mục...

Và với thời gian, các cộng đoàn này có những quy chế đặc biệt cho mình.

II. Ðời sống tu trì là gì?

Theo dòng thời gian, cùng với việc sáng lập các hội dòng, các tu viện, các cộng đoàn, và cùng với kinh nghiệm, những tính chất căn bản của đời sống tu trì cũng được đề ra.

Một lời mời gọi của Chúa

Tất cả mọi Kitô hữu, qua phép Rửa, quyết tâm xa lánh tội lỗi để sống với Ðức Kitô. Mọi người được mời gọi vào cuộc sống thánh thiện, "trở nên hoàn hảo như Cha trên trời là Ðấng hoàn hảo". Nhưng Thiên Chúa cũng kêu gọi một số người thể hiện quyết tâm này ở một mức độ trọn vẹn hơn bằng cách từ bỏ mọi sự để theo Ðức Kitô (như Chúa Giêsu đã kêu gọi người thanh niên giàu có trong Tin Mừng). Ðể đáp lại ơn gọi này và để "dâng hiến" trọn vẹn cho Thiên Chúa, những Kitô hữu nam, nữ này đã chấp nhận một cách tự do một cuộc sống đặc biệt, được Giáo Hội công nhận.

Các lời khấn theo đòi hỏi của Tin Mừng

Ðể theo sát gương Ðức Kitô trong Tin Mừng, Người đã sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời Chúa Cha, các tu sĩ chấp nhận hy sinh một cách triệt để ba lãnh vực quan trọng của đời sống con người: của cải, tình cảm, tự do. Sau một thời gian là dự tu và tập sinh, người tu sĩ dấn thân "tuyên xưng", bằng các lời khấn, những đòi hỏi của Tin Mừng về sự nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời. Trước hết trong một khoảng thời gian, rồi sau đó là suốt đời.

Nghèo khó

Vì tình yêu, Ðức Kitô đã tự hạ mình xuống để làm người. Ngài đã tách mình ra khỏi mọi sự của thế gian nhưng không khinh chê nó.

Ðức Giêsu đã chia sẻ tất cả với các môn đệ của Ngài: thời giờ, niềmvui, nỗi cực nhọc, công việc, Thần khí. Ngài đã tỏ ra một sự ưu ái đối với người nghèo, các trẻ em, những người bị khinh rẻ vào thời đó.

Người tu sĩ chọn cuộc sống khiêm nhượng, nghèo khó, không có gì làm của riêng, lao động chân tay hoặc trí óc, chia sẻ thân phận mình và những gì mình có được với cộng đoàn của mình và với những người nghèo khổ là những đối tượng mà người tu sĩ có một sự quan tâm đặc biệt.

Ðộc thân trong khiết tịnh

Ðức Kitô đã sống độc thân, không hề biết đến hôn nhân cũng như tình phụ tử, nhưng Ngài không tỏ ra rụt rè trước phụ nữ và cũng không phân biệt đối xử với các môn đệ vì tình trạng độc thân hay đã có gia đình của họ. Vì sứ mạng của mình, Ngài chỉ muốn là Con Thiên Chúa để mạc khải khuôn mặt thật của Chúa Cha và anh em của mọi người.

Qua sự tự nguyện sống độc thân, người tu sĩ muốn sống một cách nào đó tình yêu duy nhất của Ðức Kitô đối với Chúa Cha, và sống một cách sẵn sàng phục vụ mọi người vốn là anh em của mình.

Vâng lời

Chúa Giêsu nói: "Tôi luôn làm theo thánh ý Cha", và "Lương thực của ta là làm theo ý muốn của Ðấng đã sai ta". Và Ngài đã làm như thế cho đến chết...

Ðược Chúa gọi, người tu sĩ sau khi đã dấn thân vào một hội dòng phù hợp với ơn gọi của mình, cam kết tuân giữ một cách tự nguyện Luật dòng do vị sáng lập đề ra hay do hội dòng đề ra theo tinh thần của vị sáng lập. Và phải vâng lời bề trên là những người có nhiệm vụ áp dụng luật dòng một cách huynh đệ. Như vậy, người tu sĩ biểu lộ ước muốn noi gương Ðức Kitô đã thực thi ý muốn của Chúa Cha.

Ðời sống cộng đoàn

Như những Kitô hữu đầu tiên "bỏ tất cả vào làm của chung" và "có chung một trái tim và một linh hồn", người tu sĩ sống một cách bình dị, đơn sơ trong một cộng đoàn. Như trong một gia đình. Họ chia sẻ với nhau Phép Thánh Thể, kinh nguyện, sự im lặng, công việc, sứ mạng, của cải, thức ăn, vui đùa... Với sự hiện diện của chính Ðức Kitô: "Ở đâu có hai hay ba người tụ họp vì danh Ta, thì Ta ở giữa họ". Với cách sống như vậy: yêu thương nhau đến độ tha thứ cho nhau, người tu sĩ là chứng nhân cho đức tin, đức cậy và đức ái.

Cầu nguyện

Tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và sống kết hợp với Ngài, người tu sĩ dành một vị trí đặc biệt quan trọng cho việc cầu nguyện để duy trì và đào sâu mối liên hệ với Chúa. Việc cầu nguyện được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng phụng vụ giờ kinh đọc chung với nhau, bằng những giờ yên lặng suy gẫm, bằng những kỳ tĩnh tâm... trong đó Bí Tích Thánh Thể là trung tâm.

Trong Giáo Hội và vì nhân loại

Bằng cả cuộc sống của mình, người tu sĩ là một yếu tố quan trọng trong việc nhắc nhở mọi Kitô hữu rằng họ được mời gọi hướng về sự thánh thiện; rằng Phúc Âm là một Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người. Và người tu sĩ giúp Giáo Hội trở nên dấu chỉ cho sự cứu rỗi này trong khi tham gia vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Người Tu Sĩ cũng làm chứng về một thế giới phải đến, trong đó mọi người sẽ được sống trong tinh thần các Mối Phúc thật và trong tình yêu.

III. Trăm hoa đua nở

Hiện nay trên thế giới có 1,243 hội dòng nữ và 250 hội dòng nam. Tất cả các hội dòng này đều tuyên xưng cùng một lý tưởng Tin Mừng. Tuy vậy mỗi hội dòng được khai sinh ra với một tinh thần và một cách sống riêng do đấng sáng lập đề ra để đáp ứng cách tốt nhất những nhu cầu tâm linh của thời đại.

Con số thống kê mới nhật cho biết trên toàn cầu hiện có khoảng 1,300,000 tu sĩ trong đó khoảng 1,000,000 nữ tu và 250,000 nam tu sĩ.

Các dòng nam và nữ (đôi khi bao gồm nhiều nhánh) có số tu sĩ quan trọng là:

NAM

-- Dòng Phanxicô: 35,500 tu sĩ
-- Dòng Tên: 24,300 tu sĩ
-- Dòng Xalêdiêng: 17,000 tu sĩ
-- Dòng Bênêđictin: 9000 tu sĩ
-- ...

NỮ

-- Dòng Phanxicô: 200,000 nữ tu
-- Dòng Nữ Tử Bác Ái: 29,000 nữ tu
-- Dòng Nữ Tu Thánh Giuse: 25,000 nữ tu
-- Dòng Kín: 24,500 nữ tu
-- Dòng Nữ Tu Thương Xót: 23,000 nữ tu
-- Dòng Chúa Quan Phòng: 21,000 nữ tu
-- ...

(Chuyển dịch từ tài liệu của báo Pèlerin
số ra ngày 16-09-1994,)

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2008

TAM NHAT THANH VA PHUC SINH

Tam Nhật Thánh và Phục Sinh

Đón nhận ơn Phục Sinh

Sau khi Đức Kitô phục sinh, các môn đệ biến đổi lạ lùng. Maria Mácđala buồn sầu ảm đạm trở nên phấn khởi vui tươi. Tô-ma cứng cỏi trở nên tin tưởng. Hai môn đệ Emmau lạnh lùng trở nên sốt mến. Tất cả các môn đệ hèn yếu trở nên vững mạnh, từ ích kỷ nhỏ nhen chỉ biết lo cho quyền lợi bản thân trở nên quảng đại hiến thân cho Nước Chúa, từ chia rẽ tranh dành địa vị trở nên đoàn kết yêu thương, từ khép kín trở nên cởi mở đi đến với mọi người.

Chúa Phục sinh đổ vào tâm hồn các ngài một nguồn sống mới. Tâm hồn các ngài được ơn phục sinh. Ơn phục sinh được tóm tắt trong một câu ngắn gọn: "Ông đã thấy và ông đã tin". Nhờ đâu các ngài đã thấy?

Các ngài đã thấy nhờ gắn bó với Chúa. Thương nhớ Thày, nên khi ngày Sabbat vừa chấm dứt các ngài đã vội vã ra thăm mộ Thày. Các ngài không đi, nhưng chạy. Các ngài chạy vì muốn thu ngắn quãng đường. Các ngài chạy vì muốn thu ngắn mọi khoảng cách ngăn các ngài với Chúa. Các ngài muốn ở sát bên Chúa. Các ngài muốn kết hiệp với Chúa.

Các ngài đã thấy vì đã biết dứt bỏ quá khứ. Khi nhìn vào mộ, các ngài thấy gì? Các ngài không thấy gì hết! Ngôi mộ trống rỗng. Không có gì, nhưng các ngài thấy tất cả. Nếu xác Chúa còn đó thì thật đáng buồn. Xác còn có nghĩa là Chúa vẫn còn trong thế giới kẻ chết. Ngôi mộ còn xác là ngôi mộ gieo niềm tuyệt vọng. Ngôi mộ trống là ngôi mộ chứa đầy niềm hi vọng. Ngôi mộ trống là một khởi điểm mới, là khối hỗn mang để Chúa làm nên một trời mới đất mới. Các ngài hiểu rằng không nên gắn bó với xác chết nhưng nên gắn bó với Đức Kitô đang sống. Không nên gắn bó với quá khứ chết chóc, nhưng nên gắn bó với tương lai tràn đầy sự sống.

Các ngài đã thấy vì đã có thái độ khiêm nhường. Tin mừng thuật lại: Các ngài đã "cúi xuống nhìn vào ngôi mộ". Khi cúi xuống nhìn vào ngôi mộ, các ngài không thấy Chúa. Nhưng càng cúi xuống sâu các ngài thấy rõ mình. Chìm xuống đáy lòng như chìm xuống đáy đại dương, xa mọi sóng gió xôn xao. Càng nhìn vào đáy lòng mình, càng bắt gặp niềm bình an. Bình an là quà tặng Chúa Phục sinh rộng rãi ban phát cho các môn đệ sau khi Người sống lại.

Các ngài đã thấy vì đã nhìn với ánh mắt tin yêu. Thánh Gioan quan sát kỹ hiện trường nên đã miêu tả rất cặn kẽ: Khi ở ngoài mộ nhìn vào "Ông thấy những băng vải còn ở đó". Khi đã bước vào trong mộ, Ông "thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi".

Là người gần gũi, quen biết các thói quen của Thày, thánh Gioan lập tức nhận ra dấu vết Người để lại. Khăn liệm được xếp đặt gọn gàng chứng tỏ bàn tay Người tự xếp đặt. Người tự xếp đặt tức là Người đang sống. Người bỏ khăn liệm vì Người không còn trong thế giới kẻ chết.

Trái tim yêu mến đã làm cho thánh Gioan nhạy bén cảm nhận được mầu nhiệm phục sinh.

Hôm nay, Đức Kitô phục sinh đang tuôn đổ ơn lành xuống cho ta. Để đón nhận được ơn lành của Người, ta hãy học tập nơi các môn đệ, biết tha thiết gắn bó với Người trong lúc vui cũng như lúc buồn, biết dứt khoát với quá khứ tội lỗi lười biếng, trì trệ, biết khiêm nhường chìm vào đáy sâu tâm hồn, biết nhìn thế giới bằng ánh mắt tin yêu.

Với những phấn đấu như thế, ta sẽ đón nhận được ơn Chúa Phục sinh. Chúa sẽ tuôn đổ Ơn Phục Sinh tràn ngập tâm hồn ta, biến đổi ta nên người mới, tràn đầy niềm vui, tràn đầy niềm hi vọng, tràn đầy sự quảng đại, tràn đầy tình yêu mến.

Lạy Đức Kitô phục sinh, xin cho linh hồn con được sống lại thật. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Chỉ một lần mừng lễ Phục sinh, tâm hồn các tông đồ đã đổi mới hoàn toàn. Còn ta, đã bao lần mừng lễ Phục sinh, sao ta chưa thay đổi đời sống?

2) Khi ngắm thứ nhất mùa Mừng: "Đức Chúa Giêsu sống lại, ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn", bạn suy nghĩ gì? Bạn có thực sự tha thiết đổi mới cuộc đời không?

3) Bạn sẽ làm gì để sống ơn Phục sinh Chúa ban?

ĐTGM. Giuse Ngô quang Kiệt

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2008

TINH THUC TRUOC TIENG CHUA GOI

Tỉnh Thức

Trước Tiếng Gọi Của Chúa

Muốn đi tu được phải hội đủ ít là hai yếu tố: Chúa muốn và tôi muốn. Nếu Chúa muốn mà tôi không đáp trả, "Chúa cũng phải chịu", vì Ngài tôn trọng tự do của tôi. Nếu tôi muốn mà Ngài lại không muốn - thật buồn 5 phút - tôi cũng phải chịu và hiểu rằng, Ngài có lý do của Ngài. Ơn gọi là một mầu nhiệm!

Dầu sao đi nữa, vấn đề của chúng ta là phải làm điều Chúa muốn mình làm - "Này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa" - Do đó, chúng ta phải tìm biết "Chúa muốn tôi đi tu không?" Và đâu là cách giúp chúng ta biết được Chúa muốn tôi đi tu hay không?

1) PHẢI TỈNH THỨC:

Chúa có thể gọi tôi bước theo Ngài vào bất cứ lúc nào trong đời, chúng ta không biết trước được. Chúng ta hãy cùng đọc lại trình thuật Chúa gọi bốn Tông Ðồ tiên khởi:

"Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Người nói: 'Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm'. Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: 'Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người'. Lập tức các ông bỏ lưới mà đi theo Người. Ði xa hơn một chút, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền. Người liền gọi các ông. Lập tức các ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người" (Mc 1:14-20).

Chúng ta thấy, khi gọi các Tông Ðồ, đặc biệt Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan và Matthêu, Chúa Giêsu đều dùng cùng một thành ngữ: "Hãy theo Ta!". Thành ngữ ấy đến với các ông đều bất ngờ, không ai trong các ông nghĩ trước rằng một ngày nào đó mình sẽ được gặp Ðức Kitô, Ðấng Cứu Thế, và Ngài sẽ gọi mình.

Tỉnh thức nghĩa là khi Chúa đến, tôi gặp được Ngài; Khi Ngài gọi tôi "Hãy theo Ta", tôi nghe được tiếng gọi đó cách huyền nhiệm và tôi "lập tức" đáp lại tiếng Ngài gọi tôi. Trạng từ "lập tức" rất quan trọng. Ðức Kitô đến, các ông đã gặp; mời gọi, các ông đã đáp lời không chút trù trừ do dự. Không ai trong các ông biện luận với Chúa Giêsu rằng: "Xin lỗi ông, ông là ai? Ông không biết điều gì cả! Nếu ông có muốn tôi đi theo ông, ít ra ông cũng phải để tôi xếp lưới, về nhà từ giã cha mẹ, vợ con và người làm công đã chứ!... Không, cả hai trường hợp trên bờ biển Galilêa đều xảy ra như nhau: "Các ông lập tức đi theo Người.

Rồi bờ biển Galilêa, đến bàn thu thuế, ta cũng thấy điều tương tự đã xảy ra:

"Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi bàn thu thuế, tên là Matthêô. Người phán bảo ông: 'Hãy theo Ta!' Ông đứng ngay dậy và đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ của Người rằng: 'Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?' Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: 'Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: 'Ta muốn lòng nhân từ chớ không phải là hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi" (Mt 9:9-13).

Những người đánh cá nghèo nàn như Phêrô, Anrê, Giacôbê, và Gioan có lẽ có phần dễ hơn để sẵn sàng từ bỏ. Trái lại, vấn đề có thể khó khăn hơn cho một người quyền thế và giàu có như Lêvi. Ấy vậy mà cái nhìn mời gọi đầy lòng bao dung của Ðức Kitô đã tạo nên khúc quanh cho cuộc đời của ông: "Lập tức ông đứng dậy và đi theo Người". Thật cũng khó hiểu về giây phút 'dường như không cần suy nghĩ' này của Lêvi.

Có lẽ Ðức Giêsu chỉ đến bờ biển Galilêa để gặp và gọi các ông Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan có một lần duy nhất, và không bao giờ trở lại với mục đích đó. Trường hợp Lêvi cũng thế, có lẽ Ðức Giêsu chỉ tới bàn thu thuế có một lần, rồi ra đi không hẹn ngày trở lại. Thực tế là không có lần thứ hai. Nhưng giả như có, vấn đề cho các ông vẫn là phải tỉnh thức mới có thể nghe và hiểu được tiếng Ngài; Con tim phải bừng tỉnh để đáp lại lời mời gọi yêu thương của Ngài. Khi tôi còn học ở Việt Nam, tôi và các bạn của tôi trong chủng viện thường hay nhắc cho nhau: "Ơn Chúa qua có một lần." Giả như ơn Chúa, lời mời gọi của Ngài đến trong đời chúng ta hơn một thì thật may mắn cho chúng ta. Kinh nghiệm cho thấy rằng, khi một người đã được Chúa mời gọi bước theo Ngài, họ cần mau mắn, "lập tức" đáp trả lại lời mời gọi đó, bằng không người đó rất dễ rời xa ơn Chúa gọi, nhất là ở hải ngoại. Bao nhiêu người đã ân hận vì đã không đáp trả lại lời mời gọi của Ngài. Chúng ta tạm mượn mối tình nam nữ để phần nào diễn tả sự ân hận này: có anh chàng tiếc rẻ vì đã một lần bỏ lỡ cơ hội se duyên với cô nàng, đã bị cô nàng tặng cho một câu: "Tiếc gì một mớ trầu cay, sao anh chẳng hỏi những ngày còn thơ".

Tục ngữ Anh có câu: "Ðừng than ly sữa đã đổ rồi". Muốn cho ly sữa khỏi đổ để rồi khỏi hoài công tiếc nuối, bạn hãy tỉnh thức để nghe được tiếng Chúa mời gọi. Chắc chắn có rất nhiều người được ơn Chúa gọi, nhưng không nghe được tiếng gọi đó, là vì thiếu tỉnh thức. Nguyên nhân của việc sa sút ơn gọi ngày nay trong Giáo Hội là vì người ta không còn tỉnh thức trước tiếng gọi của Chúa.

Vấn đề quan trọng tiếp theo chúng ta cần bàn là, làm thế nào để ta có thể tỉnh thức được?

2) CẦU NGUYỆN:

Phải, như đã nói, cầu nguyện là chìa khóa số một cho vấn đề ơn gọi. Nó càng là điều kiện cho một người luôn tỉnh thức trước tiếng gọi của Chúa. Dụ ngôn "10 cô trinh nữ" là một giải thích minh bạch và sâu xa cho vấn đề. Chúng ta hãy cùng đọc lại dụ ngôn này:

"Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: Nước Trời giống như mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả. Nửa đêm có tiếng hô to: 'Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người!' Bấy giờ các cô trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Các cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: 'các chị cho chúng em xin chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả! - Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: 'E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra hàng mà mua thì hơn'. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những cô trinh nữ đã sẵn sàng thì theo chàng rể cùng vào dự tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng, các cô trinh nữ kia cũng đến và nói: 'Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi!' Nhưng chàng rể đáp lại: 'Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!' Vậy, hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào giờ nào" (Mt 25:1-13).

Yếu tố quan trọng trong dụ ngôn này là "dầu". Các cô trinh nữ nếu muốn luôn tỉnh thức, thì phải luôn dự trữ dầu: dầu phải luôn luôn đầy bình! Ở đây, dầu tượng trưng cho cái gì? Chung chung các nhà chú giải đều đồng ý rằng, một cách chính yếu, dầu tượng trưng cho lời cầu nguyện: hết dầu, đèn tắt; hết cầu nguyện, con tim sẽ ngủ quên. Bao lâu còn dầu, bấy lâu đèn còn sáng; bao lâu lời kinh còn được thắp sáng, bấy lâu tình yêu của bạn còn được cháy lên. Bao lâu tình yêu còn được cháy sáng, bấy lâu bạn còn gặp được Ðức Kitô. Người dự trữ dầu và chuyên chăm cầu nguyện, cả hai đều là người khôn ngoan.

Kể dụ ngôn này, Ðức Giêsu muốn ví Ngài là Chàng Rể, là Tân Lang, và mỗi người Kitô hữu chúng ta như là 1 cô trinh nữ, một cô dâu. Chỉ có người khôn ngoan mới gặp được Chàng Rể. Dùng dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nói đến hai chiều kích khác nhau của ơn gọi, ơn gọi chung của người Kitô hữu, và ơn gọi đặc thù của đời sống tu trì. Thật vậy, dùng hình ảnh "chàng rể" / "trinh nữ", Ðức Giêsu muốn diễn tả mối tình thánh giữa Ngài với mỗi người chúng ta như một cuộc hôn phối thánh, trong đó Ngài là Chàng Rể. Khi Ngài đến, các cô trinh nữ khôn ngoan gặp được Ngài và được sống với Ngài trong cuộc hôn phối thánh này; còn những cô trinh nữ khờ dại, không những không gặp được Chàng Rể lại còn bị trở thành "những kẻ bị vô thừa nhận": "Tôi không biết các cô là ai!"

Cuộc sống tu trì là đỉnh cao của hành trình gặp gỡ Ðức Kitô và sống thân mật với Ngài. Ðược như vậy quả là một hồng phúc cao vời. Muốn được hồng phúc cao vời này, lời kinh cần luôn được thắp sáng.

Như vậy, đoạn Tin Mừng trên không chỉ mang chiều kích bình thường của đời sống đức tin phổ quát, nghĩa là nó nhắc ta phải không ngừng tỉnh thức vì Chúa đến bất ngờ để đưa chúng ta về quê hương mới, hay Chúa đến với chúng ta bất ngờ trong bất kỳ người anh em nào, nhưng còn đặc biệt là lời nhắc nhở chúng ta cần phải TỈNH THỨC TRƯỚC TIẾNG GỌI CỦA CHÚA, để đèn trên tay luôn được thắp sáng, dầu phải được luôn dự trữ đầy bình. Cũng thế, muốn gặp được Chúa để được sống trong tình yêu của Ngài, ta phải luôn luôn thắp sáng lời kinh bằng đời sống liên lỉ cầu nguyện. Giữa hai cô trinh nữ, một cô khôn ngoan và một cô khờ dại, chỉ có một điều khác nhỏ bé thôi: cô trinh nữ khôn ngoan đã biết suy tính và chuyên cần trong việc dự trữ dầu luôn đầy bình!...

Ước gì mỗi người chúng ta trở thành như những cô trinh nữ khôn ngoan, để chúng ta có thể gặp được Chàng Rể, để được Người đưa chúng ta vào đời sống thân mật với Người, thân mật như đời sống của "chàng rể" sống với "cô dâu", nghĩa là để chúng ta sống mãi mãi trong tình yêu hôn phối thánh với Người. Ðây là chiều kích sâu xa nhất của ý nghĩa của dụ ngôn. Ý nghĩa này thật đúng cho những ai luôn luôn tỉnh thức trước tiếng gọi của Chúa, và nó càng thích hợp và mang ý nghĩa sâu xa cho những ai được Chúa mời gọi đi vào cuộc tình hiến tế thánh trong đời sống chỉ dành riêng cho Người, hôm nay, ngày mai và vĩnh cửu... Chính vì thế, Giáo Hội gọi các nữ tu một cách dặc biệt là tân nương, là hiền thê của Ðức Kitô Tân Lang, và ngày Khấn trọn đời như là ngày người nữ tu đèn vẫn sáng trên tay để được Chàng rể dẫn vào hoàng cung, để ở đó, mãi mãi sống cho duy một mình Người, để cùng với Người, nhìn về một hướng, là sống cho mọi người...

Làm thế nào để biết được

Chúa Muốn Tôi Ði Tu hay Lập Gia Ðình?

Ðây là một đề tài lớn và rất ư quan trọng nếu không muốn nói là vô cùng quan trọng, vì chúng ta muốn bàn đến một vấn đề có liên quan và chi phối toàn bộ cuộc đời chúng ta. Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài chia sẻ này, chúng tôi không có tham vọng nói hết vấn đề, chỉ xin cùng các bạn trẻ, đưa ra một cách vắn tắt và bao quát vài nét đại cương như sau:

ÐỂ BIẾT ÐƯỠC CHÚA MUỐN TÔI SỐNG ÐỜI SỐNG GIA ÐÌNH HAY TU TRÌ, 4 ÐIỀU ÐỀ NGHỊ CẦN LÀM:

1) CẦU NGUYỆN:

Cầu nguyện chính là chìa khóa của vấn đề ơn gọi.

Thật vậy, đọc lại truyện các thánh, đặc biệt câu truyện về ơn Chúa kêu gọi các Tông Ðồ Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Lêvi..., chúng ta thấy tiếng gọi của Chúa đến thật bất ngờ. Ðiều đó đòi buộc chúng ta phải sẵn sàng, khi Người đến mời gọi chúng ta trong giờ Người muốn. Tinh thần tỉnh thức là tinh thần chung cho mọi bối cảnh, đặc biệt là bối cảnh ơn gọi. Dụ ngôn năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại là những lý lẽ mạnh mẽ giải thích cho chúng ta về sự tỉnh thức này: Năm cô trinh nữ khôn ngoan gặp được Tân lang vì đã biết trữ dầu đầy bình: dầu đây tượng trưng cho lời kinh thắp sáng.

Vậy muốn gặp gỡ được Chúa và nghe được tiếng Người, ta cần phải tỉnh thức. Muốn luôn luôn tỉnh thức, phải cầu nguyện liên lỉ. Khi cầu nguyện liên lỉ, chúng ta sẽ sống gần gũi thân mật với Chúa. Khi sống gần gũi thân mật với Chúa, ta càng nghe rõ tiếng Người gọi ta, cũng như biết rõ được ý định của Người cho ta. Nguyên tắc này đúng cho việc thực hành tu đức cách chung, và càng đúng cho việc chúng ta đi tìm ơn gọi cho cuộc đời của mình.

Có rất nhiều người được Chúa kêu gọi sống đời sống tu trì, nhưng đã lập gia đình, vì người đó hoặc không nghe được tiếng gọi của Chúa, hoặc không nghe đúng tiếng gọi của Chúa (có thể nghe theo tiếng gọi nào khác - nói theo Ðức Gioan Phaolô 2), hoặc nghe được tiếng gọi của Chúa nhưng không sẵn sàng, can đảm và quảng đại đáp trả lại tiếng gọi đó... Họ thiếu đời sống cầu nguyện.

Cầu nguyện là chìa khóa số một cho một vấn đề ơn gọi, cách riêng là ơn gọi tu trì. Chúng ta tìm thấy chìa khóa này nhiều chỗ trong Kinh Thánh. Câu nói căn bản nhất là "Các con hãy xin chủ sai thợ đi gặt lúa của Người". Chúng ta có thể hiểu câu nói này theo hai nghĩa: (a) Nếu ta không xin thì chủ sẽ không sai thợ, nghĩa là nếu ta xin (= cầu nguyện) thì chủ sẽ sai thợ; (b) Nếu ta không xin thì chủ cũng vẫn sẽ sai thợ, nhưng nếu ta xin, chủ sẽ sai đi nhiều hơn, nhờ lời xin (= cầu nguyện) của ta. Và không phải chúng ta chỉ xin cho Giáo Hội một cách chung, nhưng trước hết là cho chính mình, bao lâu mình còn dò dẫm đi tìm ơn gọi cho cuộc đời của mình. Các bạn trẻ cần mạnh dạn chân thành thưa với Chúa: "Lạy Chúa, xin hãy sai con!" Kiên trì trong lời cầu này, Chúa có thể sẽ nhậm lời và sai mình đi, bằng không, chúng ta cũng biết được ý Chúa cho ơn gọi của mình.

Nếu cầu nguyện là cuộc đối thoại với Chúa, bạn hãy chuyên cần thưa với Người:

"Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Chúa muốn con sống đời sống nào, sống ơn gọi gia đình hay tu trì? Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa! Nếu Chúa muốn, con xin hiến dâng trọn đời con cho Chúa. Xin Chúa ban cho con tất cả mọi ơn cần thiết để sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi con. Xin cho con ơn luôn hiểu, biết và thực thi thánh ý Chúa. Nhất là xin cho con ơn khao khát được Chúa sai con vào đời để đáp trả lại tình yêu của Chúa..."

Bạn cần chuyên cần nói với Chúa, đồng thời, chuyên cần, chăm chỉ và khiêm tốn lắng nghe tiếng Ngài nói với bạn. Nếu bạn lắng nghe, bạn sẽ nghe (If you listen to, you will hear)

2) SUY NGHĨ & SO SÁNH:

Trong khi cách thứ nhất mang tính cách siêu nhiên, cách thứ hai này bắt chúng ta vận dụng lý trí: suy nghĩ về từng ơn gọi, sau đó, làm một so sánh giữa hai ơn gọi.

Suy nghĩ: Ta có thể tự đặt ra những câu hỏi như: tôi hiểu gì về đời sông hôn nhân, về lý tưởng hôn nhân? Tôi đã hiểu tường tận về lý tưởng hôn nhân chưa? Tôi hiểu cách sâu xa và đúng đắn tình yêu là gì? Tôi thấy mình tự nhiên hướng chiều mạnh mẽ về đời sống nào? Dựa trên những gì tôi biết, tôi thấy lý tưởng hôn nhân có đẹp không? Nếu đẹp thì đẹp như thế nào? Con đường hôn nhân có giúp tôi nên thánh không? Tôi đã biết Chúa và tôi đã biết tôi bao nhiêu? Tôi biết Chúa thương tôi bao nhiêu? Tôi biết mục đích của đời tu là gì?... Ðâu là ý nghĩa và mục đích của ơn gọi tu trì?...

Chúng ta có thể đặt ra bao nhiêu câu hỏi để suy nghĩ, rồi so sánh...

So sánh để rồi chọn lựa: Ðã nói tới chuyện chọn lựa, trước mặt ta phải có ít nhất hai thứ: ơn gọi hôn nhân và ơn gọi tu trì. Muốn cho sự chọn lựa của ta được chính xác, chúng ta cần phải biết rõ mỗi thứ. Nói cách khác, chúng ta cần phải biết rõ cả hai ơn gọi.

Về Hôn Nhân, chúng ta cần nhấn mạnh đến hai chữ "ơn gọi". Thường chúng ta chỉ biết rõ hơn về đời sống hôn nhân hơn là ơn gọi hôn nhân. Dĩ nhiên chúng ta cần tìm biết cả hai, đời sống hôn nhân và ơn gọi hôn nhân. Nhưng vì thường chúng ta dễ biết về đời sống hơn, nên chúng ta cần quan tâm tìm biết nhiều hơn về ơn gọi hôn nhân.

Về tu trì, chúng ta phải nhận rằng, chúng ta ít biết hơn về đời sống hôn nhân. Do đó, chúng ta cần phải quan tâm hơn trong việc đi tìm hiểu về đời sống và lý tưởng tu trì.

Câu hỏi bao quát chúng ta cần đặt ra là, xét theo bản chất, hôn nhân và tu trì, con đường nào cao đẹp hơn? Nếu theo tự nhiên của lý trí, tôi mong mình được Chúa thương cho bước vào con đường nào?

Ðể được soi sáng cho những suy nghĩ của mình, ta cần sống đời cầu nguyện, và cần đi tìm hiểu về vấn đề ơn gọi.

3) TÌM HIỂU:

Như đã nói trên, nếu chúng ta không đi tìm hiểu để hiểu rõ về cả hai loại ơn gọi, thì sự chọn lựa của chúng ta không bảo đảm chính xác hợp thánh ý Chúa. Do đó, có thể chúng ta sẽ không xác tín về ơn gọi mình đã chọn. Có bao nhiêu người đã than thân trách phận rằng, "Tôi đã chọn lầm ơn gọi của mình!" Có biết bao nhiêu người sau một thời gian cưới hỏi, than rằng, "Phải chi biết trước rằng mình sẽ khổ như thế này, thì tôi đã đi tu rồi!" Thiếu tìm hiểu, quyết định sẽ thiếu chính chắn và chính xác, ngoại trừ khi đón nhận được những ơn đặc biệt của Chúa, nhờ những di sản tinh thần của Ông Bà để lại..., hiểu theo nghĩa "Cây tốt sinh trái tốt".

Vậy tìm hiểu ơn gọi là việc cần thiết của tất cả các bạn trẻ, chứ không phải chỉ dành riêng cho các bạn nào hoặc sắp nhập dòng, hoặc đã quyết định đi tu, hoặc đang nhiêm chỉnh suy nghĩ về đời tu. Như một bổn phận của một người con Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều phải nghiêm chỉnh tìm hiểu để tìm ra ơn gọi cho cuộc đời của mình, như phần quan trọng nhất của thánh ý.

Ðây là một vài công việc làm cụ thể cho việc tìm hiểu:

- Tham dự các Ngày tìm hiểu ơn gọi ("Vocation Day", "Come and See").

- Ðọc sách báo nói về ơn gọi (Rất tiếc loại sách này rất khan hiếm!)

- Liên lạc với các giáo phận và các dòng để tìm hiểu. Thường dòng nào cũng niềm nở nói chuyện, tiếp xúc với các bạn, ngay cả đón tiếp những ai muốn đến vài giờ, vài ngày, hay vài tuần để tìm hiểu. Ðây là cách rất thiết thực.

- Các đoàn thể Công Giáo nên tổ chức những ngày hay những buổi Tìm hiểu Ơn gọi cho những thành viên của đoàn.

- Các bạn trẻ có thể liên kết với nhau thành từng "nhóm chia sẻ", để trao đổi, giúp đỡ nhau về lý tưởng và về ơn gọi...

4) SỐNG VỚI MẸ MARIA:

Nghe qua, cách thế này không có ăn nhập gì đến ơn gọi của chúng ta cả! Nhưng thật ra nó rất "ăn nhập".

Nếu một việc nhỏ bé trong đời sống của chúng ta, như một cơn đau bệnh, hay sự bình an trong một chuyến đi... mà chúng ta còn mong có bàn tay của Người Mẹ chúng ta can dự vào, phương chi là công việc tối quan hệ này, việc đi tìm ơn gọi cho cả cuộc đời của mình!... Ðã nhiều lần, đặc biệt lần trong Thông Ðiệp Mẹ Ðấng Cứu Thế, Ðức Gioan Phaolô II, Vị Giáo Hoàng của Mẹ Maria, đã dạy cho chúng ta rằng, Cần phải ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài" (Tông Huấn Mẹ Ðấng Cứu Thế, số 48). Hãy để Mẹ hiện diện trong cuộc đời của bạn, để Mẹ lo cho bạn, lo cho tương lai ơn gọi của bạn. Hãy thưa với Mẹ như Ðức Gioan Phaolô II: "Totus Tuus", nghĩa là: "Toàn thân con thuộc về Mẹ. Xin Mẹ hướng dẫn con trong mọi sự!"

Trong bản thánh ca "Tâm ca đồng hành số 1", câu quan trọng nhất tôi đã viết là: "Tình Mẹ đưa con đi vào hành trình hiến dâng". Phải, tôi không tự mình quyết định, nhưng đã phó thác cho Mẹ, để theo sự khôn ngoan của Mẹ, quyết định cho ơn gọi của tôi.

Ðối với người nữ, Ðức Gioan Phaolô II nói: "Khi nhìn về Ðức Maria, người phụ nữ tìm thấy trong mẹ bí quyết để sống xứng đáng nữ tính của mình và để hoàn thành sự thăng tiến của riêng họ..." (Thông Ðiệp "Mẹ Ðấng Cứu Thế", số 46). "Mẹ Maria là 'khởi điểm mới' của địa vị và ơn gọi của mỗi người và của mọi người phụ nữ". (Trích Tông Thư "Ðịa vị và ơn gọi của người phụ nữ" của Ðức Gioan Phaolô II, số 11).

KẾT LUẬN

Ðể có thể tìm ra ơn gọi thứ hai của mình trên hành trình đức tin, hoặc đi tu hay lập gia đình, chúng ta cần làm bốn việc: (1) Cầu nguyện, (2) Suy nghĩ & so sánh, (3) Tìm hiểu, (4) Sống với Mẹ Maria. Tuy vậy, mấy trang ngắn ngủi này chỉ là một vài gợi ý và đề nghị căn bản cho các bạn, đặc biệt cho những ai đang thao thức đi tìm chân lý, và một tiếng gọi thiên ân cho cuộc đời.

Mong rằng bạn sẽ xác tín về ơn gọi bạn sẽ chọn lựa, rằng "đây là ơn Chúa gọi tôi", để bạn sẽ không bao giờ đứng núi này trông núi nọ, rồi hối tiếc cho cái số phận mà chính bạn cho là hẩm hiu của mình. Cầu chúc bạn mãi mãi "enjoy" ơn gọi bạn sẽ chọn trong một buổi chiều Xuân thật đẹp, khi tới giờ Ðức Giêsu đến gõ nhẹ cửa tâm hồn của bạn: "Hãy theo Ta!"

Lời hay ý đẹp

- Sự sống còn của Giáo Hội tùy thuộc vào ơn gọi linh mục tu sĩ - The future of the Church depends on vocations (Ðức Gioan Phaolô II)

-Chúng ta nhận thấy rằng, phần chủ yếu của mọi ơn gọi đều tùy thuộc về Thiên Chúa. Vì thế, cầu nguyện là quan trọng. Một trong những phương tiện chính yếu của việc cổ động ơn gọi là cầu nguyện - We recognize that the initiative for every vocation rests with God. Hence the importance of prayer. One of the principal means for promoting vocations is prayer (Ðức Gioan Phaolô II)

Những Khái Niệm Căn Bản
Về Ơn Gọi

Ơn Gọi là gì?

Ðể trả lời cho vấn đề, trước hết, chúng ta cần nói qua khái niệm về hai chữ "Ơn gọi".

Ơn gọi là một tiếng gọi yêu thương của Chúa cho con người từ muôn thuở. Có một bài thánh ca chúng ta thường hát: "Từ muôn đời Chúa đã yêu con, và còn yêu con mãi mãi..." Ðã gọi là tiếng gọi từ muôn thuở, chúng ta không có thể nói rằng, Chúa gọi tôi cách đây mấy năm, hay Chúa vừa gọi tôi, hay tôi chờ xem Chúa có gọi tôi hay không..., nhưng phải nói rằng, Nếu Ngài gọi, Ngài đã gọi tôi từ lâu rồi, từ khi tôi chưa được sinh ra, từ khi chưa có loài người sống trên mặt đất, từ khi chưa có sao trời, rừng sâu và biển cả... Tiếng gọi của Ngài dành cho tôi đã phát xuất từ chính Ngài, vang vọng vào không gian, vào vũ trụ vô hình bằng những làn sóng mắt thường không trông thấy, và Ngài mong một ngày nào đó tôi nghe được tiếng gọi đó.

ƠN GỌI THỨ NHẤT:
LÀM CON THIÊN CHÚA

Thời điểm ơn gọi thứ nhất đến với mỗi người chúng ta có thể mỗi khác: người được rửa tội từ khi mới sinh, người lúc lên mười, hai mươi, có người mãi đến lúc về chiều mới lần đầu tiên gặp được Chúa... Nhưng chung quy, tất cả chúng ta, những người Kitô hữu đều có ơn gọi này ơn gọi làm con Thiên Chúa. Ðây là một ơn Chúa ban cho chúng ta cách nhưng không, là một món quà vô giá mà không phải ai cũng có - Chúa ban cho ai, người ấy được. Người ta có thể tốn cả triệu đôla mà chưa chắc đã mua được món quà này. Ðây chính là ơn gọi thứ nhất trong cuộc đời của một con người, chúng ta gọi là ơn gọi căn bản và phổ quát, căn bản vì là ơn gọi đầu tiên, phổ quát vì chung cho mọi người Kitô hữu.

Qua phép Rửa, Thiên Chúa thông ban ơn cứu độ cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô. Việc gia đình ông Noê được cứu thoát khỏi nước lụt đại hồng thủy được kể lại trong Cựu Ước là hình ảnh tiên báo cho Bí Tích Rửa Tội sau này trong thời Tân Ước. Trong Phép Thanh Tẩy, Thiên Chúa giơ tay Ngài ra để cứu thoát chúng ta khỏi những trận lụt của khốn khổ, khỏi sự nhận chìm trong những vũng bùn sâu của tội lỗi. Hơn nữa, sau khi Chúa cứu thoát ông Noê khỏi bị lụt, Ngài đã tạo nên chiếc cầu vồng như dấu chỉ của Tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Cầu vồng là một dấu hiệu cho biết rằng, lụt lội và nguy hiểm đã qua rồi. PHÉP RỬA TỘI là CHIẾC CẦU VỒNG CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU. Ngay cả sau khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta sẽ vẫn còn thấy những đám mây ác thần vây phủ chúng ta; chúng ta sẽ vẫn còn thấy những tiếng sấm gầm vọng từ xa của thù địch chỉ muốn tiêu diệt chúng ta. Nhưng Bí tích Rửa tội luôn làm cho chúng ta ý thức rằng, chúng ta không phải sợ hãi những thứ sấm sét bão tố đó đang đe dọa cuộc sống chúng ta. Bí tích Rửa tội vẫn luôn luôn là dấu chỉ của lòng thương xót và Tình yêu Thiên Chúa, qua đó, Ngài không cho phép nước lụt của thù địch và của sự dữ tiêu diệt chúng ta.

Trong Ðêm Phục sinh, chúng ta được mời gọi để lập lại lời hứa Rửa tội. Vấn đề của chúng ta là, chúng ta có ý thức những gì chúng ta tuyên xưng trong lời hứa đó không? Chúng ta cần nhớ lại chúng ta đã hứa những gì qua cha mẹ đỡ đầu, hoặc do chính chúng ta hứa nếu chúng ta chịu phép rửa tội khi đã khôn lớn? Thánh Phêrô cho rằng, điểm cốt yếu trong lời hứa Rửa tội đó là "một lương tâm thiện hảo" (I Pr 3:21). Bí tích Rửa tội là một khế ước, một thỏa thuận giữa chúng ta và Thiên Chúa: Thiên Chúa hứa ban cho chúng ta Tình yêu và lòng thương xót của Ngài, và chúng ta hứa sẽ sống trung thành với Ngài. Ngài trở thành Chúa chúng ta và chúng ta trở thành dân của Ngài.

Việc lập lại lời hứa rửa tội phải được tiếp nối cách sống động trong đời sống hằng ngày của chúng ta, nghĩa là chúng ta phải luôn nghiêm chỉnh ý thức sống ơn gọi thứ nhất này. Sau ơn gọi thứ nhất này, chúng ta có bổn phận đi tìm thánh ý Chúa cho ơn gọi thứ hai của mình, ơn gọi có "ơn làm con Thiên Chúa" làm nền tảng.

ƠN GỌI THỨ HAI:
ƠN GỌI TU TRÌ HOẶC ƠN GỌI HÔN NHÂN

Trong ơn gọi thứ nhất, chúng ta trở thành người con Thiên Chúa và người môn đệ của Chúa Giêsu. Với tư cách là môn đệ, chúng ta mãi mãi được mời gọi bước theo Thầy Chí Thánh của mình. Những lời mời gọi của Chúa Giêsu luôn theo đuổi cuộc đời chúng ta: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta".

Vì thế, dù chúng ta chịu phép rửa tội vào lứa tuổi nào chăng nữa, đức tin vẫn luôn đòi hỏi chúng ta phải mãi mãi trung thành với lời chúng ta hứa khi chịu phép rửa tội: "Từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những quyến rũ bất chính, từ bỏ ma quỷ; Tin Thiên Chúa là Cha, là Ðấng tạo thành trời đất, tin Ðức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Chúa Cha, tin kính Ðức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công giáo, tin các thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống đời đời..."

Sau khi nhận bí tích đầu tiên đó, chúng ta tiếp tục lãnh nhận các bí tích khác để giúp chúng ta kiên trì và thăng tiến trong đời sống ơn gọi căn bản của mình. Ðặc biệt, sau ơn gọi thứ nhất đó, Chúa còn mời gọi chúng ta bước theo Ngài trong ơn gọi thứ hai trên hành trình đức tin: Hoặc là ơn gọi đời sống hôn nhân, hoặc là ơn gọi sống đời sống tu trì.

Không sớm thì muộn, ai trong chúng ta cũng đều phải chọn lựa một trong hai ơn gọi đó: Ði tu hay lập gia đình?

"ÐÀN ÔNG Ở MỘT MÌNH KHÔNG TỐT":

Ðây là câu nói trong sách Sáng thế ký, cuốn đầu tiên của Cựu Ước, đoạn 2 câu 18 (Tiếng Anh: "It is not right that the man should be alone").

Câu Lời Chúa này gợi cho chúng ta hai vấn đề:

1) Từ khởi nguyên, Chúa tỏ ý rằng, Ngài muốn con người sống có đôi. Nhiều người dùng câu nói Kinh Thánh này để biện luận khi họ không muốn đi tu - "Ðàn ông ở một mình không tốt" như vậy phải lấy vợ... - Cũng có lý, nhưng cần phải hiểu rằng, Chúa, nhất là trong Tân Ước, đồng thời cũng mời gọi chúng ta bước một bước xa hơn nữa trên con đường hẹp của Tin Mừng, để sống hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng một tình yêu không chia sẻ. "Ðức Giêsu kêu gọi một số người đi theo Ngài cách gần gũi hơn để Giáo Hội trở thành một dấu hiệu hùng hồn của ơn vinh thắng" (Trích từ Sứ Ðiệp được truyền đi từ Thượng Hội Ðồng Giám Mục, tháng 10/94 tại Roma).

2) Ðàn bà ở một mình có tốt không? Có người nói: Ðàn ông ở một mình không tốt, đàn bà ở một mình thì tốt. Không biết chắc chắn ý Chúa thế nào đối với người phụ nữ, nhưng tôi thiển nghĩ, Nếu "đàn ông ở một mình không tốt", thì đàn bà ở một mình càng không tốt hơn!... - Dường như con rắn đã khôn ngoan tìm lúc không có người nào bên cạnh người phụ nữ để cám dỗ...

Tắt một lời, dù đồng ý rằng sống độc thân ở giữa đời cũng là một ơn gọi, nhưng cách chung, dựa theo Lời Chúa, tôi không "recommend" các bạn trẻ, nam cũng như nữ, sống độc thân giữa đời.

Như vậy, chúng ta tạm để qua một bên cái "choice" thứ ba này.

HAI ƠN GỌI, HAI BẬC SỐNG

Như vừa nói trên, chúng ta sẽ phải chọn lựa một trong hai ơn gọi: một là đi tu, hai là lập gia đình, chứ không ai "bắt cá hai tay" được cả! Ðó là người sống tích cực. Hai ơn gọi này dẫn đến hai bậc sống khác nhau: bậc sống tu trì và bậc sống gia đình.

Hai bậc sống này có những điểm giống nhau, như: họ đều phải nỗ lực để nên thánh, xây dựng Giáo Hội, truyền giáo... Nhưng cũng có những điểm khác nhau, như: đời sống gia đình lo việc truyền sinh về thể lý, mặc dù có góp phần về đời sống tinh thần, còn đời sống tu trì chuyên lo việc truyền sinh về đời sống thiêng liêng; Mọi người đều thuộc về dân Thiên Chúa, nhưng các tu sĩ, linh mục, nhất là Giám mục là những người ở "cấp lãnh đạo" dân của Người, mặc dù họ cũng là một phần tử trong dân của Người; tình yêu trong đời sống gia đình tuyệt đẹp, nhưng trong đời sống tu trì, xét theo bản chất còn đẹp hơn nhiều!... Mong các bạn khôn ngoan chọn lựa!...

Chúng ta sẽ bàn về những điểm tương dị của hai ơn gọi này ở hai bài chia sẻ khác.

YẾU TỐ TÌNH YÊU TRONG MỌI ƠN GỌI

Như chúng ta vừa nói ở trên, có hai ơn gọi, vấn đề là chúng ta có thực sự sống ơn gọi của mình hay không. Ðể hiểu và sống ơn gọi, chúng ta cần phải hiểu yếu tố quan trọng của ơn gọi: TÌNH YÊU.

Trong phần này, tôi xin nhường lời cho Mẹ Têrêxa Calcutta. Mẹ nói:

"Một cách đơn giản, ơn gọi là một tiếng gọi để tôi hoàn toàn lệ thuộc vào Ðức Kitô, với ý thức rằng, không gì có thể tách tôi ra khỏi Tình yêu của Người.

"Ơn gọi là một lời mời gọi để sống trong tình yêu với Thiên Chúa và để minh chứng tình yêu đó.

"Tôi yêu mến Chúa thế nào? Tôi minh chứng tình yêu của tôi cho Thiên Chúa thế nào?

"Thưa, bằng cách làm thật tốt đẹp công việc được trao phó, bằng cách thực hiện một cách đơn sơ những gì Chúa ủy thác cho tôi dưới bất kỳ dạng thức nào.

"Chẳng hạn như cuộc sống của các chị em đã tuyên khấn - đúng như trên thực tế, họ đã trở thành hiền thê của Chúa Giêsu chịu đóng đinh - đó là ơn gọi của họ: yêu Chúa Giêsu bằng một tình yêu không chia sẻ, qua đức khiết tịnh, qua sự tự ý sống thanh bần, qua việc hoàn toàn từ bỏ mình trong đức vâng phục, và qua việc tự ý hết lòng phục vụ những người nghèo nhất của những người nghèo. Họ minh chứng tình yêu của họ đối với Thiên Chúa bằng việc đặt tình yêu đó trong những hành vi sinh động.

"Như thế, dù bạn được trao phó cho bất kỳ công việc gì, với tư cách một tu sĩ, hay một giáo dân - đó là phương tiện cho bạn để bạn dành tình yêu của bạn cho Thiên Chúa trong một hành vi sinh động, trong một hành vi của tình yêu... Bất kỳ khi nào bạn mỉm cười với một người nào đó, nụ cười đó là một hành vi của tình yêu, là một món quà cho người đó, một cái gì thật đẹp...

"Do đó, nếu tôi biết làm thế nào để yêu mến Ðức Kitô, nếu tôi muốn biết tôi có thực sự ở trong tình yêu với Thiên Chúa không, tôi chỉ cần nhìn xem tôi đã làm công việc Ngài đã trao phó cho tôi như thế nào - Có bao nhiêu tình yêu tôi đã đặt vào trong công việc của tôi.

"Bạn thấy đó, Vấn đề của ơn không hệ tại ở chính công việc - ơn gọi của chúng ta là trọn thuộc về Ðức Giêsu với ý thức rằng, không gì có thể tách lìa chúng ta ra khỏi tình yêu của Người.

"Ơn gọi không phải là những gì chúng ta đang làm, hay chúng ta làm được bao nhiêu việc, mà là bao nhiêu tình yêu tôi đã đặt vào công việc tôi đã được trao phó.

"Những gì bạn đang làm, có thể tôi không làm được... Những gì tôi đang làm, có thể bạn không làm được, nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm cái gì đó thật đẹp cho Thiên Chúa". (Trích dịch từ "The best Gift is Love / Meditations by Mother Teresa", tr.113-116).

Mùa Xuân và Niềm Tin
Tuổi Trẻ và Ơn Gọi

Các bạn trẻ thân mến,

Ðến với các bạn qua những lời tâm sự này khi mùa xuân đang về với chúng ta, lời đầu, tôi xin cầu chúc các bạn một năm mới tìm ra hướng đi mới cho cuộc đời mình, hướng đi phù hợp với mộng ước của các bạn, và nhất là phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.

Qua những gì ghi lại trong những loạt bài chia sẻ này, tôi chỉ ao ước được hầu chuyện, được trao đổi một vấn đề mà tôi cho là thuộc loại quan trọng nhất - nếu không muốn nói là quan trọng nhất - trong cuộc đời của các bạn: vấn đề ƠN GỌI. Nói hai chữ "Ơn gọi" có thể có bạn lại muốn để hai chữ này qua một bên, vì nghĩ rằng, "lại nói chuyện TU nữa!..." Xin các bạn hãy bình tĩnh một chút nhé! Xin vui lòng nghe tôi giải thích: Chữ "ƠN GỌI" tôi muốn nói chuyện đây mang một ý nghĩa chung cho mọi ơn gọi, trong đó bao gồm cả ơn gọi của đời sống hôn nhân nữa! Vậy nếu bạn đồng ý, xin bạn chịu khó nghe tôi tiếp tục hàn huyên với bạn nhé! Bằng nếu các bạn không thích nghe hết những gì tôi sẽ chia sẻ, xin cũng rán cho tôi được thưa chuyện với bạn "một chút" thôi, một chút để chia sẻ với các bạn về Mùa Xuân Niềm Tin, mùa xuân của Tuổi Trẻ và Ơn Gọi.

Mùa xuân niềm tin, trước hết là mùa xuân của những người có niềm tin, mùa xuân của những người luôn mang trong mình Ðức Kitô, tức là mang trong mình mùa xuân vĩnh cửu. Ở đây tôi muốn nói đến mùa xuân đó ở một chiều kích sâu xa hơn, chiều kích của những người trẻ biết sống hào hùng, biết hướng đời mình về một vùng trời lý tưởng, lý tưởng được diễn tả trong ơn gọi Chúa dành riêng cho mình, hoặc trong ơn gọi của đời sống hôn nhân hay trong ơn gọi của đời sống tu trì.

Người trẻ sống trong mùa xuân rộn tiếng chim ca, bản tình khúc thánh ân trong nắng ấm thiên đường, khi người trẻ sống mà có định hướng cho tương lai, sống mà có lý tưởng, sống mà "enjoy" ơn gọi do chính mình lựa chọn một cách tự do, trưởng thành, và xác tín. Xác tín rằng đây là Ơn Chúa gọi tôi.

Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã vẫn tạo điều kiện và thời gian thích hợp, tuy eo hẹp nhưng cũng tạm đủ để tôi có dịp để chia sẻ với các bạn. Tôi cũng xin cám ơn các bạn, bằng những cách khác nhau, kể cả cách vui lòng dù tình cờ hay hữu ý cho tôi được tiếp chuyện về lý tưởng và ơn gọi, đã làm nên một phần động lực cho những loạt bài chia sẻ này ra đời. Dù câu chuyện của chúng ta còn dài, nhưng qua những dòng chữ này, tôi được thưa "vội" với các bạn "vài câu" thân ái chia sẻ và gửi lời chào các bạn. Xin Ðức Kitô luôn là người Bạn đồng hành với bạn trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Nguyện Mẹ Maria luôn hướng dẫn cuộc đời các bạn, nhất là xin Mẹ giúp các bạn noi gương Mẹ, biết sẵn sàng, quảng đại và can đảm đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Con Mẹ vào một ngày có chim én chào mừng Mùa Xuân, có nắng dịu sưởi ấm lòng người băng giá...

Rước Lễ -- Nguồn Ðức Ái

Linh Mục M. Manso, Dòng Tên, người Tây Ban Nha (có tên Việt Nam là Mai Sơn), từ 1962 - 1975 sống ở Thủ Ðức, Việt Nam, phụ trách phong trào Linh Thao. Ngài thường đi nhiều nơi hướng dẫn Linh Thao và viết sách bằng tiếng Việt. Sau 1975, vì hoàn cảnh đất nước, ngài rời khỏi Việt Nam, qua phục vụ tại Ðài Loan. Hiện nay, sau 22 năm tại Ðài Loan, tiếng Việt của ngài vẫn còn rất trôi chảy. Kỳ này chúng tôi phổ biến bài viết bằng tiếng Việt của ngài nói về Nguồn Ðức Ái và Bí Tích Thánh Thể. Hy vọng bài này sẽ là một tài liệu hữu ích cho giáo dân Việt Nam trong đời sống đạo giữa những môi trường đầy phức tạp của ngày nay. Nguyện xin Thiên Chúa Toàn Năng ban ơn thánh hóa xuống cho mỗi một người dân Việt để luôn biết sống vị tha, yêu thương, và trung thành.
(Vietnamese Missionaries in Taiwan)

Tôi đã đọc truyện một chàng thiếu niên mới 17 cái xuân xanh, nhưng lại là một vị anh hùng. Câu truyện như sau:

Phaolô là một thiếu niên can trường và bình dân. Anh đứng đầu một đám bạn hữu có nhiều thiện cảm và ưa hoạt động.

Một hôm, nhân ngày lễ làng, có một anh quen thuộc ở làng bên, không những đã công khai nhục mạ anh Phaolô, mà còn vô cớ đả thương, rồi bỏ chạy. Bạn hữu Phaolô, khi hay tin, liền tìm gặp và đề nghị với anh một kế hoạch trả thù là đi chặn bắt ngay anh kia để đả cho một trận. Nhưng, Phaolô ngó nhìn các bạn và nói: "Tôi tuyệt đối không đồng ý!"

Các bạn anh nhao nhao lên hỏi vặn lại:
"Tại sao lại không?
Phaolô nghiêm nghị trả lời:
"Vì, thưa các bạn, tôi vừa rước lễ sáng nay!"

Nguồn Ðức Ái

Giáo Hội đang nhờ phép Thánh Thể để tái tạo sự Hiệp Nhất của mình, thì Rước Lễ chính là Nguồn Ðức Ái tuyệt hảo nhất. Thực vậy, vì chỉ có Hiện diện Thánh Thể mới cổ võ được lòng yêu thương và tình hòa hiệp, và chỉ có Thánh Thể mới làm qui tụ được tất cả các phần tử của cộng đoàn về với trung tâm duy nhất của nó, là tâm điểm của mọi tình thương. Song, Tiệc Thánh Thể lại còn tiến xa hơn nữa. Vì ngọn lửa yêu tha nhân, hằng bùng cháy mạnh mẽ trong Thánh Tâm Thầy Chí Thánh, đã lan tỏa và đốt cháy các trái tim được tình yêu Chúa Giêsu san sẻ cho.

Ðức Ái Kitô Giáo chỉ được thực hiện khi mà Tình Yêu Thiên Chúa trong Ðấng Cứu Thế chuyển sang cho nhân loại. Thực vậy, Ðức Ái này không phải là một thứ tình yêu tầm thường của những ai khác. Vì Chúa Giêsu đã xác định rõ ràng thế nào mới là tình tương thân tương ái của môn đệ Ngài và đâu là mẫu mực phải theo: "Ðây, Ta ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau; phải, các con hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con". (Jn 13,34).

Cựu Ước cũng đã nói đến một tình thương lớn lao đối với tha nhân; còn điều "mới" ở đây là các môn đệ Chúa Giêsu phải biết yêu thương nhau bằng chính Tình Yêu vủa Ðức Kitô. Ðối với họ, có thiện cảm tự nhiên đối với nhau, trao đổi cho nhau những tình cảm nhân loại về tình liên đới, về lòng hào hiệp và về sự tương trợ, như thế chưa gọi được là đủ. Nhưng là phải yêu mến nhau bằng chính tình thương cao thượng, siêu nhiên và linh thiêng mà Chúa Cứu Thế đã yêu thương chúng ta.

Thế nào là yêu mến tha nhân bằng chính mãnh lực Tình Yêu Ðức Kitô? Tiệc Thánh Thể sẽ ban cho chúng ta mãnh lực siêu việt của Tình Thương ấy với chính thân mình Ðức Kitô. Chính vì thế mà Chúa chúng ta đã thiết lập điều răn mới bằng việc nối kết với Thánh Thể. Hai sự việc mới mẽ Chúa đề nghị cùng chúng ta là Bí Tích mới và Ðiều Răn mới. Ðức Kitô muốn đến ở trong trái tim các môn đệ Ngài để có thể yêu mến bằng chính trái tim họ. Vì thế, các Kitô hữu có khả năng yêu thương nhau như chính Ðức Kitô đã yêu thương họ, vì chính Chúa Giêsu đã đặt để cái nguyên lý, nguồn tình yêu của Ngài ngay trong lòng họ.

Lúc mà Ðức Kitô thiết lập Tiệc Thánh Thể, Ngài phải chứng kiến một cuộc cãi vã giữa các môn đệ: họ đã tự để cho tình yêu riêng lôi cuốn vào vòng ganh tị, và họ đã tranh dành với nhau để xem ai sẽ là người lớn nhất trong nước của Ðức Giêsu. Thầy Chí Thánh liền đáp ứng lại cuộc cãi vã ấy bằng việc rửa chân cho họ: Ðó là bằng chứng của một tình yêu thích khiêm tốn phục vụ tha nhân và muốn được ở hàng cuối rốt.

Phép Thánh Thể sẽ ban cho mãnh lực siêu phàm, một mãnh lực tối cần cho các môn đệ để bắt chước Ðức Ái khiêm nhượng ấy. Việc Chúa Giêsu tự hiến làm của nuôi cho các kẻ thuộc về Ngài là một tác động tình yêu đi đến tận cùng căn bản của đức Khó Nghèo: Chúa Cứu Thế tự hạ cho đến nỗi trở thành của ăn của uống cho người ta! Thật Ngài không còn có thể tự hạ hơn như thế được nữa! Và như vậy, Ðức Kitô cũng sẽ làm cho sự khiêm cung của tình yêu thương thấm nhập vào tận linh hồn những kẻ rước lễ.

Vậy là rước lễ lấn át được tất cả mọi cuộc cãi vã. Nó đem lại một lòng khiêm nhượng hơn là những cuộc tranh giành thường xảy ra giữa những con người tự phụ. Nó làm cho người Kitô hữu có đủ năng lực trị dẹp những quyến luyến ích kỷ, quên mình tự hiến cho kẻ khác và phụng sự người ta bằng việc tình nguyện chấp nhận ở hàng cuối rốt. Họ tự cảm thấy hoàn toàn bất lực với sức riêng mình để thực hiện tất cả các điều ấy, nhưng Ðấng Cứu Thế đến thực hiện tất cả cho họ. Ngài đến khích lệ chúng ta bằng nguyên động lực của lòng từ ái Ngài.

Như thế, Tiệc Thánh Thể phải lưu ý cho mọi người tham dự biết một cuộc phát khởi mới nhắm vào tình yêu tha nhân. Nơi nào có bất hòa thì nó sẽ làm phát sinh ra sự hòa giải, rồi cung cấp cho phương tiện để thực hiện điều hòa giải ấy. Ðức Kitô Thánh thể là Ðấng, xưa kia khi ở trên khổ giá đã hoàn toàn tha thứ cho các thù địch Ngài; thì nay Ngài cũng dạy cho người rước lễ biết tha thứ mọi lỗi lầm, biết xóa bỏ tất cả những gì còn lại của oán thù. Ngài đến để cất khỏi mọi trở ngại cho sự kết hợp.

Rước lễ vừa gắng thanh luyện tình yêu chúng ta, lại vừa làm cho chúng ta yêu thương nhau sâu đậm hơn:

a) Một đàng, Rước Lễ thúc đẩy chúng ta tới một mức độ tinh tế tuyệt đích trong tình bác ái được thể hiện ra bên ngoài, trong việc tận tụy, chuyên tâm và ân cần, trong sự ưu ái vui tươi kèm theo với nhẫn nại và dịu dàng. Rước lễ cũng cho phép chúng ta làm chủ một cách rất ngon lành những thay đổi của tính tình, những dễ cảm cũng như những nổ xung thường bột khởi do những tiếp xúc thường ngày với kẻ khác gây ra.

b) Ðàng khác, Rước Lễ làm cho tình yêu có những chiều hướng nội tâm hơn. Trước hết, Ðức Ái cốt tại có một chủ tâm, và cốt yếu gồm có một hảo ý, một lòng quí chuộng căn bản đối với tha nhân. Và cùng lắm thì cũng có thể có một sự tận tụy bề ngoài và một lòng ưu ái chỉ có hời hợt trên môi miệng mà thôi và đồng thời lại có một tình cảm khinh khi hay một điệu khắc nghiệt về phê phán đối với tha nhân. Trong trường hợp này, quả Ðức Ái chưa có đủ trong sạch cũng như chưa có đủ thành thật. Ðức Kitô đã ban cho một gương sáng về lòng nhân từ mà căn bản của nó là chính lòng quí chuộng và sự tử tế. Ngài đã ghé mắt đoái nhìn hết thảy mọi người bằng chính cái nhìn mà xưa kia Ngài đã âu yếm nhắm tới chàng thanh niên muốn theo Ngài, tới Phêrô là người đã chối Ngài, và tới cả Mađalêna và Giuđa, cái nhìn ấy thật là một cái nhìn đầy ứ những ưa thích mến chuộng. Thật đó không phải là cái nhìn để luận phạt, nhưng là để thương mến, là để tha thứ.

Rước Lễ làm phát triển lòng quí chuộng cũng như tình yêu thương nhau; Rước Lễ trao cho chúng ta cái nhìn của Chúa Cứu Thế, và ban cho chúng ta những con mắt biết tìm gặp những gì là Thiện là Mỹ mà Thiên Chúa đã giấu ẩn trong tha nhân. Nhờ Tiệc Thánh Thể, Chúa Kitô đã dạy cho các môn đệ của Ngài biết nhìn xem nhau như Ngài đã nhìn xem họ. Thế là thái độ nhân từ của Ngài xâm chiếm tư tưởng cũng như tâm hồn những người rước lễ, đem họ xích lại gần nhau trong cùng một tâm trí.

CHUA NHAT LE LA - NAM A

Ngày 16 tháng 3, năm 2008

SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ LÁ - NĂM A

CHÚA GIÊSU VÀO GIÊRUSALEM

Việc Ðức Giê-su khải hoàn vào Giêrusalem loan báo Nước Thiên Chúa đến, Nước mà Ðức Vua Mêsia sắp thực hiện bằng Vượt Qua từ cái chết đến phục sinh của Người. Hội Thánh long trọng khai mạc Tuần Thánh với việc cử hành biến cố Ðức Giêsu vào Giêrusalem ngày Chúa Nhật Lễ Lá (GLCG 560).

Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại Giáo Lý Công Giáo về ỳ nghĩa của biến cố Chúa Giêsu lên và vào Gierusalem hôm nay.

Ðức Giêsu lên Giêrusalem

557 "Khi đã tới ngày Ðức Giêsu được đưa ra khỏi thế gian, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem" (Lc 9, 5l) (x. Ga l3, l). Khi nhất quyết như thế, Ðức Giêsu muốn nói là Người lên Giêrusalem để sẵn sàng chịu chết ở đó. Người loan báo đến ba lần cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người (x. Mc 8, 3l-33; 9, 3l-32; l0, 32-34). Khi tiến về Giêrusalem, Người nói : "Chẳng lẽ một ngôn sứ lại chết ngoài thành Giêrusalem!" (Lc l3, 33).

558 Ðức Giêsu gợi lại việc các ngôn sứ đã bị giết ở Giêrusalem (x. Mt 23, 27a). Dù sao, Người vẫn kiên trì kêu gọi Giêrusalem tập hợp quanh Người : "Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh ... mà các ngươi không chịu" (Mt 23, 37b). Khi nhìn thấy Giêrusalem, Người khóc thương nó và thốt lên một lần nữa ước muốn của lòng Người : "Phải chi hôm nay cả ngươi nữa cũng hiểu được sứ điệp bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ mắt ngươi không thấy được" (Lc l9, 4l-42).

Ðức Giêsu khải hoàn vào Giêrusalem như Ðấng Mêsia

559 (333, 132) Giêrusalem sẽ đón nhận Ðấng Mêsia của mình như thế nào? Trong khi Ðức Giêsu trốn tránh mọi ý đồ của dân chúng muốn tôn Người làm vua (x. Ga 6, l5) thì Người lại chọn thời điểm và chuẩn bị mọi chi tiết chuyến vào Giêrusalem, thành phố của "Ða-vít, Cha của Người" (Lc l, 32) (x. Mt 2l, l-ll) với tư cách là Ðấng Mêsia. Người được dân chúng hoan hô như con vua Ðavit, Ðấng mang lại ơn cứu độ (Hosanna có nghĩa là "Xin cứu chúng con", "Xin ban ơn cứu độ!"). Nhưng "Vua Vinh hiển" (Tv 24, 7-l0) lại "ngồi trên lưng lừa con" (Dcr 9, 9) tiến vào thành. Người không chinh phục Nữ Tử Xi-on bằng mưu mẹo hay bằng bạo lực, nhưng bằng sự khiêm nhường, chứng từ của Chân lý. Vì thế ngày hôm đó, thần dân vây quanh (x. Ga l8, 37) Người là trẻ con (x. Mt 2l, l5-l6; Tv 8, 3) và "những người nghèo của Thiên Chúa", tung hô Người như các thiên thần đã loan báo Người cho các mục đồng (x. Lc l9, 38; 2, l4) Lời tung hô : "Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa" (Tv ll8, 26) được Hội Thánh sử dụng trong kinh "Thánh! Thánh! Thánh!", để mở đầu nghi thức tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa.

560 (550, 2816 1169) Việc Ðức Giêsu khải hoàn vào Giêrusalem loan báo Nước Thiên Chúa đến, Nước mà Ðức Vua Mêsia sắp thực hiện bằng Vượt Qua từ cái chết đến phục sinh của Người. Hội Thánh long trọng khai mạc Tuần Thánh với việc cử hành biến cố Ðức Giêsu vào Giêrusalem ngày Chúa Nhật Lễ Lá.

Tóm lại:

569 Ðức Giêsu tự nguyện lên Giêrusalem dù biết rằng tại đây Người sẽ phải chết khổ nhục vì sự thù nghịch của những kẻ tội lỗi (x. Dt l2, 3).

570 Việc Ðức Giêsu khải hoàn vào Giêrusalem cho thấy Nước Trời đến. Ðức Vua Mêsia mà trẻ thơ và những ngưòi có tâm hồn nghèo khó nghênh đón, sẽ hoàn tất Nước Trời bằng cuộc Vượt Qua từ Khổ Nạn đến Phục Sinh của Người .

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2008

CHUA NHAT 5 MUA CHAY - NAM A

Ngày 9 tháng 3, năm 2008

SUY NIỆM CHÚA NHẬT THỨ V MÙA CHAY - NĂM A

TRƯỚC MỘ LADARÔ

Gần đến cuối Mùa Chay, Hội Thánh muốn chúng ta chuẩn bị cho cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Đó là lý do tại sao Thánh Gioan nhắc đến việc bà Maria, chị của ông Ladarô, là người xức dầu cho Chúa Giêsu để sửa soạn cho việc mai tang của Người (xe Ga 12:3,7). Các môn đệ cản Người đừng trở về Giuđêa và Thánh Thôma còn nói rằng các ông sẽ chết với Người.

Khi Chúa cho ông Ladarô sống lại, Thánh Gioan ghi rằng tảng đá đậy cửa mồ được lấy ra và Ladarô đi ra tay chân và đầu còn quấn khăn liệm. Tất cả những điều này cũng được nói đền về ngôi một trống của Chúa Giêsu (Ga 20:1, 6, 7).

Giống như người mù trong bài Tin Mừng tuần trước, Ladarô đại diện cho toàn thể nhân loại. Ông tượng trưng cho “người chết”, là tất cả những người mà Chúa Giêsu yêu mến và muốn giải thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi.

Thánh Gioan còn nhắc lại chuyện người mù trong bài đọc hôm nay (Xem Ga 11:37). Cũng giống như việc người mù từ thủa sơ sinh, cái chết của ông Ladarô được Chúa dùng để tỏ lộ “vinh quang của Thiên Chúa” (Ga 9:3). Và cũng giống như tuần trước, Lời nói và việc làm của Chúa Giêsu giúp cho những ai tin vào người thấy được (Xem Ga 11:40). Nếu chúng ta tin thì chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu thương yêu mỗi người chúng ta như Người yêu thương ông Ladarô, và Người gọi chúng ta ra khỏi nấm mồ đang chôn vuì chúng ta là nếp sống buông thả theo xác thịt mà vào một đời sống mới trong Chúa Thánh Thần.

Qua sự Phục Sinh của Người, Chúa Giêsu đã làm tròn lời hứa của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Êdêkiel mà chúng ta thấy trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Người đã mở cửa mồ cho chúng ta sống lại. Người đạ đặt Thánh Thần của Người trong tâm hồn chúng ta để chúng ta được sống. Đó là Thánh Thần mà Thánh Phaolô nói đến trong bài đọc hai. Cùng một Thánh Thần đã làm cho Đức Kitô sống lại cũng ban sự sống cho chúng ta là những người đã chết trong tội lỗi.

Đức Tin chính là chìa khóa của sự sống. Nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu là Sự Sống và sự Sống Lại như Bà Martha tin, thì dù chúng ta có chết, chúng ta cũng vẫn được sống.

Việc kẻ chết sống lại được Thiên Chúa mặc khải từng bước trong các sách Maccabê 2, Ðaniel và Khôn Ngoan. Những người Pharisiêu và nhiều người đương thời với Chúa Giêsu tin vào sự sống lại. Chúa Giêsu đã giảng dạy rõ ràng về việc kẻ chết sống lại khi tranh luận với phái Xa Ðốc. Người còn liên kết đức tin về sự phục sinh với bản thân của Người: "Ta là sự sống lại và là sự sống." Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các tín hữu đã liên kết đức tin vào Người với sự sống lại của chúng ta lại với sự sống đời đời (GLCG 992-996).

Nhờ Chúa Thánh Thần, cuộc đời Kitô hữu đã dự phần vào cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô ngay từ đời này. Ðược kết hợp với Ðức Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu thật sự tham dự vào đời sống trên trời của Ðức Kitô Phục Sinh, nhưng sự sống này còn "ẩn tàng với Ðức Kitô trong Thiên Chúa". Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, chúng ta sẽ "xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang". Thiên Chúa đã làm cho Ðức Kitô sống lại, cũng sẽ cho chúng ta sống lại (GLCG 1002-1004).

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2008

CHUA NHAT IV MUA CHAY - NAM A

Hôm nay: Chúa Nhật ngày 2-03- 2008, 09:46

Ngày 2 tháng 3, năm 2008

SUY NIỆM CHÚA NHẬT THỨ IV MÙA CHAY - NĂM A

ĐUI MÙ VÀ TỘI LỖI

Các bài đọc của Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay nhắc nhở chúng ta về sự mù quáng của con người. Vì Tội Nguyên Tổ, tội riêng của mình, và nhất là tội xã hội, chúng ta ra mù quáng và không còn khả năng nhận ra chân lý. Cái nhìn và phán đoán của chúng ta bị thành kiến, đam mê, thiển cận cùng sự thiếu khôn ngoan hiểu biết làm cho thiên lệch. Đức Kitô đã đến để đem ánh sáng lại cho chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi vùng tăm tối. Bao lâu Người còn ở thế gian thì Người là ánh sáng thế gian (Ga 9:8). Ngày nay, qua Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được chia sẻ ánh sáng của Người, và Người muốn chúng ta là ánh sáng trong Người (Eph 5:8), để đem ánh sáng này vào thế gian.

Việc Thiên Chúa chọn vua Đavid trong bài đọc thứ nhất cho thấy sự mù quáng của con người không thể nhận ra chân lý theo cái nhìn của Thiên Chúa. Ông Giessê, cha của vua Đavid, đã không nghĩ rằng Đavid xứng đáng làm vua, nên đã để ông ở lại ngoài đồng chăn chiên thay vì gọi ông về gặp ngôn sứ Samuel cùng với các anh ông. Và nếu không được Thiên Chúa soi sáng thì chính ngôn sứ Samuel cũng phán đoán như thế. Là con người, chúng ta phán đoán theo bề ngoài, còn Thiên Chúa thì thấy tận đáy lòng. Cho nên muốn phán đoán đúng chúng ta cần ánh sáng của Ngài.

Tình trạng của người mù trong Tin Mừng cũng là tình trạng chung của nhân loại bị mù quáng vì ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ. Chúng ta mù không phải chỉ vì tội riêng của mình, mà còn vì bị ảnh hưởng bởi một thế gian và nền văn hóa đầy gương xấu như thế giới hôm nay. Tội Nguyên Tổ đã đem các tội lỗi khác vào thế gian. Từ đó tội lỗi tràn lan tạo ra gương xấu. Có biết bao người ngày này không có khả năng nhận ra Thiên Chúa và sự tốt lành của Ngài vì những gương mù gương xấu đang vây quanh họ. Có nhiều tín hữu mất đức tin vì đời sống thiếu đạo đức hay gương mù của những người chung quanh, nhất là của những vị đóng vai trò lãnh đạo tôn giáo. Tội xã hội khác với Tội Nguyên Tổ, nhưng do Tội Nguyên Tổ mà ra. Nó là kết quả tổng hợp của việc con người đã chon lựa nghe lời ma quỷ thay vì nghe lời Thiên Chúa.

Ngày nay người ta thường có khuynh hướng đổ tội cho xã hội hay bệnh tâm thần để biện minh cho những hành vi tội lỗi của mình. Nhưng theo Giáo Lý thì Tội Nguyên Tổ đã truyền lại cho ta một bản tính nhân loại bị mất sự thánh thiện và công chính nguyên thủy. Tội này không làm cho bản tính con người hoàn toàn sa đọa, hay mất tự do, nhưng làm cho nó nên trở thành yếu đuối, dễ phạm tội, dốt nát, đau khổ và phải chết (x GLCG 408). Vì thế chúng ta dễ làm những hành vi xấu hơn tốt. Những hành vi xấu này được lặp đi lặp lại nhiều lần sinh ra tật xấu. Hậu quả là con người nghiêng chiều theo điều ác, lương tâm bị mù tối, và phán đoán ra lệch lạc. Như thế tội lỗi có khuynh hướng tự sinh sôi nảy nở và tự củng cố, nhưng không thể phá hủy tận gốc cảm thức luân lý của con người.

Các áp lực của tội xã hội tạo ra những thành kiến đến nỗi người ta vô tình đồng lõa với nhau tẩy chay chính chân lý như người Do Thái trong bài Thánh Kinh hôm nay đã tẩy chay Chúa Giêsu và bàn định trục xuất ra khỏi hội đường tất cả những ai công nhận Người là Đức Kitô. Một khi chấp nhận làm chứng cho Đức Kitô, chúng ta cũng chấp nhận bị thế gian tẩy chay như anh mù trong Tin Mừng hôm nay.

Tuy tội là một hành vi cá nhân, nhưng chúng ta chịu trách nhiệm về các tội người khác phạm khi chúng ta cộng tác với họ bằng cách:

· tham gia cách trực tiếp và cố tình;

· ra lệnh, xúi giục hoặc tán thành;

· che đậy, hoặc không ngăn cản khi có bổn phận phải can ngăn;

· bao che những người làm điều ác.

Tội lỗi biến con người thành đồng lõa với nhau để cho dục vọng, bạo lực, cùng bất công thống trị. Tội lỗi tạo nên những tình trạng xã hội và những định chế nghịch lại với lòng nhân hậu của Thiên Chúa (x. GLCG 1865-1876)

Chỉ một mình Đức Kitô mới có quyền năng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Và một khi đã giải thoát chúng ta, Người muốn chúng ta trở thành những tác nhân đem ánh sáng của Người vào môi trường chúng ta đang sống để hợp tác với Người xóa tan quyền lực tối tăm.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chết để giải thoát con khỏi tội lỗi, xin cho con luôn sống xứng đáng là ánh sáng trong Chúa. Xin giúp con ăn ở như con cái sự sáng, cho con biết làm tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật. Xin cho con nhận biết và làm những điều đẹp lòng Chúa, và nhất quyết không thông phần vào những việc làm của con cái sự tối tăm. Amen (x. Eph 8-14).