Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2008

Chúa Nhật XVIII Mùa Thường Niên - Năm

Chúa Nhật XVIII Mùa Thường Niên - Năm A

Tấm Bánh Liên Đới

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mt 14, 13-21

II. TÁM BÁNH CHIA SẺ

Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng rất nhiều bài học. Như về Nước Trời, về Dân Thiên Chúa, về bí tích Thánh Thể. Nhưng có lẽ bài học thiết thực nhất cho chúng ta hôm nay là bài học liên đới. Ðó cũng chính là bài học Chúa muốn dạy cho các môn đệ của Người.

Liên đới là biết cảm thương. Nhìn thấy đám đông, Ðức Giê su chạnh lòng thương. Ðó là một đám đông nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ không người chăn dắt. Ðám đông tội nghiệp đi tìm Ðức Giê su không phải chỉ để được ăn no, nhưng còn để được chữa lành bệnh, nhất là được an ủi, được dạy dỗ, được chỉ bảo.

Khi chạnh lòng thương, Ðức Giê su dạy ta hãy nhìn những người chung quanh bằng ánh mắt liên đới. Những người này đói vì tôi đã ăn quá nhiều. Những người kia rách vì tôi đã mê mải đuổi theo "mốt". Những đứa trẻ này hư hỏng vì tôi đã thiếu quan tâm chỉ bảo. Những đứa trẻ kia rơi vào tội phạm vì tôi đã không làm gương tốt cho chúng. Thế giới này chưa tốt một phần có trách nhiệm của tôi. Thế giới này chưa công bằng trong đó có phần lỗi của tôi.

Liên đới là nhận lấy trách nhiệm. Các môn đệ đã nhìn thấy đám đông đói khát. Các ngài muốn thoái thác, phủi tay: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thày giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn". Ðó là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngoài tầm tay của các môn đệ. Ðó cũng là giải pháp nhẹ nhàng. Ai lo phần nấy. Thật dễ dàng. Nhưng đó là giải pháp không được Chúa chấp nhận, vì thiếu tình liên đới. Chúa muốn các môn đệ Chúa nhận lấy trách nhiệm: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn". Họ đói, các con phải lo cho họ ăn. Một trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ. Nhưng đã cảm thương thì phải có trách nhiệm. Trái tim cảm thương thật sự phải hướng dẫn bàn tay làm việc.

Liên đới là đóng góp phần của mình. Chúa không cần những phép tính vĩ mô. Năm ngàn người thì cần bao nhiêu bánh? Những tính toán lớn lao là không thực tế và làm ta lo sợ. Chúa dạy các môn đệ khởi đi từ thực tế: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá". Thật là ít ỏi, nghèo nàn. Nhưng Chúa không chê cái ít ỏi nghèo nàn đó: "Ðem lại đây cho Thày". Có ít hãy đóng góp ít. Nhưng quan trọng là phải bắt đầu, là phải góp phần của mình. Liên đới không đòi ta phải quán xuyến mọi sự, nhưng đòi ta thật sự có trách nhiệm, góp phần của mình vào việc chung.

Liên đới là chia sẻ. Chúa chúc tụng để làm phép bánh và cá như cho ta thấy, những đóng góp dù ít ỏi của ta đã thành thiêng liêng cao quí. Chúa không làm phép lạ tức khắc biến ngay cá và bánh ra một núi lương thực cho mọi người tự do đến lấy. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực cho mọi người. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ. Các môn đệ trao cho mọi người. Và mọi người trao lại cho nhau. Ðó là bài học lớn của phép lạ. Chính khi mọi người trao cho nhau, Chúa làm phép lạ. Bánh và cá cứ tiếp tục sinh sôi bao lâu những bàn tay còn trao cho nhau. Bánh và cá vẫn tiếp tục nhân lên bao lâu mắt con người vẫn còn nhìn nhau. Những tấm bánh của tình liên đới. Những đàn cá của sự chia sẻ. Chúng nhân lên theo nhịp của trái tim. Khi trái tim chan chứa yêu thương, quan tâm, liên đới, lương thực trở nên phong phú, dư thừa.

Thế mà các môn đệ đã vội lo. Cũng như ta thường lo thế giới này quá chật hẹp không đủ chỗ cho mọi người. Cũng như ta vẫn thường lo lương thực trên thế giới không đủ nuôi mọi người. Hôm nay Chúa dạy ta mỗi người hãy chia sẻ những gì mình có thì thế giới sẽ dư thừa lương thực. Khi trái tim mở ra thế giới sẽ có đủ chỗ cho mọi người.

Lạy Chúa xin mở trái tim con để con biết cảm thương và chia sẻ. Amen.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Tục ngữ Việt nam có câu: Nhiều no ít đủ. Bạn nghĩ gì về nét văn hoá Việt nam trong câu này. Có gần với bài Tin mừng hôm nay không?

2- Càng cho đi càng phong phú. Bạn cảm nghiệm điều này bao giờ chưa?

3- Ta có trách nhiệm với những người chung quanh. Bạn có nghĩ thế không?

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2008

Chúa Nhật XVII Thường Niên - Năm A

Chúa Nhật XVII Thường Niên - Năm A

TKhôn Ngoan Tìm Nước Trời

Mt 13, 44-52

Vua Salomon nổi tiếng là vị vua khôn ngoan sáng suốt. Ông đã xử những vụ án rất khó khăn một cách khéo léo không khác gì Bao Công. Bà hoàng hậu Saba ở mãi tận phương nam cũng phải đến nghe sự khôn ngoan của ông. Nhưng khôn ngoan nhất là khi được Chúa cho chọn lựa, ông đã không xin được trường thọ hay được giàu sang, mà chỉ xin được ơn khôn ngoan. Lời cầu xin của ông rất đẹp lòng Chúa. Nên Chúa đã khen ngợi và ban cho ông mọi điều mong muốn.

Chúa muốn tôi bắt chước vua Salomon, biết xin ơn khôn ngoan và biết khôn ngoan trong những lựa chọn. Nhất là biết khôn ngoan lựa chọn Nước Trời như những người trong bài Tin Mừng hôm nay.

Những người trong bài Tin mừng hôm nay khôn ngoan vì thao thức đi tìm. Sự thao thức đi tìm được thấy trong thái độ bôn ba đây đó, khảo sát đất đai. Chắc phải đào bới nhiều mới thấy kho tàng chôn giấu trong ruộng. Sự thao thức đi tìm cũng thấy trong việc ra khơi thả lưới. Vất vả chài lưới rồi còn phải lựa chọn. Dù vất vả, họ quyết tìm cho ra Nước Trời.

Họ khôn ngoan vì biết phân định. Đời sống đem đến cho ta đủ mọi loại giá trị thượng vàng hạ cám, như chiếc lưới đánh bắt đủ mọi loại tôm cá. Giữa những giá trị ấy ta phải biết phân định. Lựa chọn những giá trị cao quí, tốt đẹp. Biết chọn lựa cá tốt, vứt bỏ cá xấu. Biết giá trị của viên ngọc dù nó còn đang nằm giữa khối đá sù sì dơ bẩn. Biết giá trị của kho tàng dù nó còn đang bị chôn giấu dưới lòng đất sâu. Biết giá trị của Nước Trời dù Nước Trời chưa tỏ hiện rõ ràng trên thế gian.

Họ khôn ngoan vì dám dấn thân. Khi đã biết được giá trị Nước Trời, họ dấn thân theo đuổi đến cùng. Dấn thân trọn vẹn nên bán tất cả những gì mình có để đổi lấy kho tàng, viên ngọc quí. Dấn thân quyết liệt vì bán hết nhà cửa rồi thì không thể quay về chốn cũ, chỉ còn gắn bó với quê hương mới mà thôi. Dấn thân tuyệt đối, bỏ hết tất cả chỉ vì một viên ngọc. Dấn thân như thế là thái độ của tình yêu, sự say mê, sự khao khát mãnh liệt. Đó chính là thái độ phải có khi đi tìm Nước Trời.

Họ khôn ngoan vì biết từ bỏ. Bán tất cả những gì mình có là một từ bỏ lớn lao. Dứt lìa những gì mình gắn bó còn đau đớn hơn nữa. Bỏ một nơi yên thân chắc chắn để dấn thân vào một tương lai bấp bênh thì thật là phiêu lưu đến tận cùng. Nhưng không có cách nào khác. Phải bán tất cả mới đủ sức mua viên ngọc Nước Trời. Phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời. Luyến tiếc một chút là bất thành. Chần chừ một chút là hỏng việc. Nấn ná một chút là bị lỡ cơ hội.

Họ từ bỏ một cách nhẹ nhàng thanh thoát. Nên từ bỏ rồi họ cảm thấy vui tươi. Họ từ bỏ một cách mau mắn vì họ đã dứt khoát với những gì xưa cũ. Lòng trí của họ chỉ gắn bó tha thiết với kho tàng mới tìm thấy.

Đó là những thái độ khôn ngoan đáng cho ta noi theo trên con đường đi tìm Nước Trời. Biết thao thức đi tìm. Biết phân định giá trị. Biết mau mắn từ bỏ. Biết hăng hái dấn thân đến cùng.

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chọn Chúa là nguồn mạch hạnh phúc.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Bạn có thực sự coi Nước Trời là kho tàng quí giá nhất không?

2- Bạn đã thực sự bán hết mọi sự để mua Nước Trời chưa? Còn những gì bạn còn luyến tiếc chưa muốn bán?

ĐTGM. Giuse Ngô quang Kiệt

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2008

Chúa Nhật XVI Thường Niên - Năm A

Chúa Nhật XVI Thường Niên - Năm A

Tất cả là hồng ân

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mt. 13, 24-43

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng. Giải thích của Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.

Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sư hiện diện của ma quỉ. Ma quỉ hiện hữu. Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu. Chúa đã chuần bị những thửa ruộng tốt. Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người. Chúa đã gieo những hạt giống tốt. Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người. Nhưng ma quỉ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.

Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hoà bình. Đẹp biết bao nếu mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng buồn thay, cánh đồng hoà bình tươi xanh đã bị những ngọn cỏ tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sự thế giới được ghi bằng những trang buồn vì không ngày nào không có chiến tranh.

Thế giới sẽ đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần xây dựng. Nhưng buồn thay, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc huỷ hoại, tha hoá, nô lệ hoá con người.

Ngay trong bản thân mỗi người, không thiếu những sáng kiến, những hoạt động ban đầu xem ra tốt đẹp, nhưng dần dà vị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang, tìm hư danh, tìm lợi lộc.

Đó là những hạt cỏ xấu ma quỉ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.

Tuy nhiên, dụ ngôn cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa. Chúa đợi cho đến ngày tận thế mới thu lúa cùng với cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hy vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt. Nếu phạt ngay nhưng người tội lỗi thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng ông thánh trộm lành. Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Madalêna, Tông đồ của các Tông đồ, thánh Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại. Nếu Chúa chấp tội thì bản thân ta sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những tội lỗi, những sự xấu. Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.

Sau cùng, dụ ngôn cho ta hiểu tất cả là hồng ân của Chúa. Có sự lành để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt lành của Thiên Chúa. Có sự dữ để ta gớm ghét tránh xa và càng thêm gắn bó với sự lành. Có sự lành để ta được hưởng niềm an ủi ngọt ngào của Chúa. Có sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng trung tín của ta với Chúa. Có thuận lợi tiến bước trên đường thánh thiện. Có khó khăn để ta rèn luyện thêm đức.

Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Thật vậy, việc cấm đạo là sự dữ. Nhưng nhờ đó mà Giáo hội có được những chứng nhân anh hùng. Đau khổ và bệnh tật là những khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng lại giúp con người được thông phần đau khổ với Chúa. Thánh Nữ Têrêsa đã nhìn thấy tất cả là hồng ân của Chúa. Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1) Khi gặp những người xấu trong xứ đạo, trong hội đoàn, bạn có muốn khai trừ người đó ngay tức khắc không?

2) Trong con người bạn có những khuyết điểm, những bệnh tật, bạn có phấn đấu khắc phục những khuyết điểm, vượt qua bệnh tật để thăng tiến bản thân không?

3) Chúa đã khoan dung, kiên nhẫn đợi chờ bạn ăn năn hối cải. Bạn có biết kiên nhẫn với người khác?

ĐTGM. Giuse Ngô quang Kiệt

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2008

Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII

Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII

VATICAN - Ngày QTGT lần thứ XXIII sẽ được tổ chức tại Sydney, Úc Châu, từ ngày 15 đến 20 tháng 7 năm 2008, theo chủ đề: “Chúng con sẽ nhận được sức mạnh Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên chúng con, và chúng con sẽ làm chứng cho Thầy.” (Cv 1, 8). Nội dung của sứ điệp gồm có 8 số như sau:

1. Ngày Quốc tế Giới Trẻ lần thứ XXIII.
2. Lời hứa ban Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh.
3. Biến cố Hiện Xuống, điểm khởi hành cho sứ mạng của Giáo Hội.
4. Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội và là nguyên lý của sự hiệp thông.
5. Chúa Thánh Thần, vị Thầy nội tâm.
6. Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Thánh Thể.
7. Sự cần thiết và khẩn trương của sứ mạng truyền giáo.
8. Khần cầu một “lễ hiện xuống mới” trên thế giới.

1.Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII.

Các bạn trẻ thân mến,

Với niềm vui mừng lớn lao, Cha luôn nhớ những giây phút chúng ta đã trải qua chung với nhau tại Colonia, vào tháng 8 năm 2005. Vào lúc kết thúc cuộc biểu dương không thể quên được của Đức Tin và của lòng hăng say, một cuộc biểu dương vẫn còn khắc ghi trong trong tâm trí Cha, Cha đã hẹn với chúng con cho lần gặp gỡ sắp đến, sẽ diễn ra tại Sydney, vào năm 2008. Đây sẽ là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII và sẽ có chủ đề như sau: “Chúng con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên chúng con và chúng con sẽ làm chứng cho Thầy” (Cv 1,8). Hướng chỉ đạo cho công cuộc chuẩn bị thiêng liêng cho cuộc gặp nhau tại Sydney là Chúa Thánh Thần và sứ mạng truyền giáo. Nếu trong năm 2006, chúng ta đã dừng lại suy niệm về Chúa Thánh Thần như là Thánh Thần của Sự Thật, và trong năm 2007, chúng ta cố gắng khám phá Chúa Thánh Thần một cách sâu xa hơn như là Thánh Thần của Tình Yêu, để tiến bước đến Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2008, vừa suy nghĩ về Thánh Thần của sức mạnh và của lời chứng, là Đấng ban cho chúng ta sự can đảm để sống Tin Mừng và lòng gan dạ để công bố Tin Mừng. Vì thế, điều căn bản cho mỗi người trong chúng con, những người trẻ, tại những cộng đoàn của chúng con và cùng với những nhà giáo dục chúng con, (mỗi người trong chúng con) có thể suy nghĩ về Đấng chủ động này trong lịch sử ơn cứu rỗi, tức Chúa Thánh Thần, hay là Thánh Thần của Chúa Giêsu, để đạt đến những mục tiêu cao cả như sau: nhìn nhận căn cước đích thực của Chúa Thánh Thần, nhất là bằng việc lắng nghe Lời Chúa trong mạc khải Kinh Thánh; ý thức rõ ràng về sự hiện diện liên tục và tích cực của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo Hội, nhất là bằng cách khám phá rằng Chúa Thánh Thần giới thiệu chính mình như là “linh hồn”, là hơi thở quan trọng của đời sống kitô, nhờ qua các bí tích khai tâm kitô—Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể; và như thế, trở nên có khả năng làm cho trưởng thành sự hiểu biết về Chúa Giêsu, mỗi ngày một sâu xa hơn và vui tươi hơn, và vừa đồng thời áp dụng hữu hiệu Tin Mừng, vào lúc bình minh của ngàn năm thứ ba. Với sứ điệp này, Cha sẵn sàng cống hiến cho chúng con một hướng suy niệm cần được đào sâu thêm trong suốt năm chuẩn bị này, nhờ đó mà kiểm chứng phẩm chất đức tin chúng con vào Chúa Thánh Thần, để tìm gặp lại nó nếu đã bị mất, củng cố nó nếu đã bị suy yếu, cảm nếm nó như là một sự đồng hành của Chúa Cha và Chúa Con, là Chúa Giêsu Kitô, nhờ tác động cần thiết của Chúa Thánh Thần. Chúng con đừng bao giờ quên rằng Giáo Hội và toàn thể nhân loại đang hiện diện và đồng hành với chúng con, chờ đợi chúng con trong tương lai, chờ đợi chúng con rất nhiều là những người trẻ, bởi vì chúng con lãnh nhận hồng ân cao cả của Thiên Chúa Cha, là Thánh Thần của Chúa Giêsu.

2. Lời Hứa ban Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh.

Việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa nói về mầu nhiệm và hoạt động của Chúa Thánh Thần mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận những hiểu biết cao cả và đầy sức phấn khởi mà tôi có thể tóm gọn trong những điểm sau đây.

Trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ như sau: Thầy sẽ sai xuống trên anh em Đấng mà Cha Thầy đã hứa.” (Lc 24,49). Điều này đã được thực hiện trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các môn đệ họp nhau cầu nguyện trong Phòng Tiệc ly với Đức Nữ Đồng Trinh Maria. Việc đổ tràn Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội khai sinh là để hoàn tất lời hứa xa xưa của Thiên Chúa, đã được loan báo và chuẩn bị trong toàn thể Cựu Ước.

Thật vậy, ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh nhắc đến Thánh Thần của Thiên Chúa như là “hơi thổi” “bay là là trên mặt nước” (x. St 1,2) và nói rõ rằng Thiên Chúa đã “thổi” vào lỗ mũi con người luồng sự sống (x. St 2,7), vừa đổ vào con người chính sự sống. Sau tội nguyên tổ, Thánh Thần sự sống của Thiên Chúa được biểu lộ nhiều lần khác nhau trong lịch sử con người, vừa khơi dậy những ngôn sứ để khích lệ Dân được tuyển chọn trở về với Thiên Chúa và trung thành tuân giữ những giới răn của Ngài. Trong thị kiến nổi tiếng của tiên tri Êzêkiel,Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần của ngài để làm sống lại Dân Israel, được biểu tượng bởi những “bộ xương khô” (x. 37, 1-14); Tiên tri Gioel “nói tiên tri về sự đổ tràn Thánh Thần xuống trên toàn Dân, không loại trừ ai. Tác giả Kinh Thánh đã viết như sau: “Sau đó, Ta sẽ tuôn đổ Thánh Thần của Ta trên mọi người.. . Cả trên những nô lệ nam nữ, trong ngày đó, Ta sẽ đổ xuống Thánh Thần của Ta. (3, 1-2).

Khi “thời viên mãn đến” (x. Gal 4,4), sứ thần Chúa loan báo cho Đức Nữ Trinh quê làng Nazareth rằng Chúa Thánh Thần, “quyền năng của Đấng tối cao”, sẽ ngự xuống và phủ lấy Trinh Nữ. Đấng mà Trinh Nữ sẽ sinh ra là đấng thánh và được gọi là Con Thiên Chúa (x. Lc 1,35). Theo cách nói của tiên tri Isaia, Đấng Messia sẽ là Đấng mà trên ngài, Thánh Thần của Chúa sẽ ngự xuống (x. 11,1-2; 42,1). Chính lời tiên tri này được Chúa Giêsu nhắc lại vào khởi đầu tác vụ công khai của Chúa, trong Hội Đường Nazareth; Chúa đã công bố trước sự kinh ngạc của những người hiện diện như sau: “Thánh Thần của Chúa đang ngự trên tôi; và vì thế Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi và đã sai tôi đi rao giảng cho người nghèo tin vui mừng, công bố cho kẻ bị cầm tù biết họ được giải phóng và cho kẻ mù được sáng mắt; mang lại tự do cho những ai bị áp bức và rao giảng năm hồng ân của Chúa (Lc 4,18-19; x. Is 61,1-2). Nhìn vào những người hiện diện, Chúa Giêsu áp dụng cho mình những lời tiên tri trên và quả quyết như sau: “Hôm nay, được ứng nghiệm Lời Kinh Thánh mà các người vừa nghe” (Lc 4,21). Hơn nữa, trước khi chết trên thập giá, Chúa đã báo trước nhiều lần cho các môn đệ về việc Chúa Thánh Thần, “Đấng an ủi”, sẽ đến mà sứ mạng của Người là làm chứng và trợ giúp cho những kẻ tin, vừa dạy họ và hướng dẫn họ đến sự Thật trọn vẹn” (x. Ga 14,16-17. 25-26; 15,26; 16,13).

3. Lễ Hiện Xuống, điểm khởi hành của Sứ mạng Giáo Hội.

Vào buổi chiều ngày Chúa sống lại, khi hiện ra cho các môn đệ, Chúa Giêsu thổi hơi trên họ và nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,22). Đến ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các Tông đồ một cách mạnh mẽ hơn nữa. Người ta đọc trong Sách Tông Đồ Công Vụ như sau: “Một tiếng động lớn bất ngờ từ trời vang đến, như tiếng gió thổi mạnh xuống và tràn vào khắp cả nhà, nơi các tông đồ đang ở. Xuất hiện những hình lưỡi lửa ngự trên đầu các tông đồ.” (Cv 2,2-3).

Chúa ThánhThần canh tân các tông đồ từ nội tâm, ban cho các ngài một sức mạnh làm cho các ngài trở nên dũng cảm mà rao giảng mạnh mẽ và không sợ hãi rằng: “Chúa Kitô đã chết và đã sống lại!” Được giải thoát khỏi mọi sợ hãi, các ngài bắt đầu nói cách chân thành (x. CV 2,29; 4,13; 4,29-31). Từ những người đánh cá nhút nhát, các ngài đã trở thành những anh hùng đầy lòng can đảm của Tin Mừng. Cả những kẻ thù của các ngài cũng không thể hiểu được tại sao “những con người không học thức và nhát sợ” (x. Cv 4,13) lại có khả năng chứng tỏ một sự can đảm như thế và chịu đựng được những nghịch cảnh, những đau khổ và những bách hại một cách vui tươi. Không gì có thể ngăn cản các ngài lại. Với những ai đã cố gắng buộc các ngài phải im lặng, thì các ngài trả lời như sau: “Chúng tôi không thể im lặng, không thể không nói lên điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4,20). Như thế được khai sinh Giáo Hội, một giáo hội từ lễ Ngũ Tuần đã không ngừng chiếu toả Tin Mừng “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

4. Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội và nguyên lý của sự hiệp thông.

Nhưng để hiểu sứ mạng của Giáo Hội, chúng ta phải trở lại phòng tiệc ly nơi các môn đệ tựu lại với nhau (x. Lc 24,49), vừa cầu nguyện với Đức Maria, một người Mẹ, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần đã được hứa ban. Mọi cộng đoàn kitô cần phải luôn múc lấy sự linh ứng từ hiện ảnh Giáo Hội lúc khai sinh này. Sự phong phú tông đồ và truyền giáo một cách chính yếu không phải là kết quả của những chương trình và các phương pháp mục vụ được soạn thảo cách khôn ngoan và “hữu hiệu”, nhưng là hoa trái của sự cầu nguyện không ngừng của cộng đoàn (x. Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, số 75). Ngoài ra sự hữu hiệu của sứ mạng còn giả thiết rằng các cộng đoàn hiệp nhất với nhau, nghĩa là “có một con tim, một linh hồn mà thôi” (x. Cv 4,32) và rằng các cộng đoàn sẵn sàng làm chứng cho tình yêu và niềm vui mà Chúa Thánh Thần đổ tràn vào trong tâm hồn các tín hữu (x. Cv 2, 42). Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Gioan Phaolô II đã viết như sau: trước khi là hành động, sứ mạng của Giáo Hội là chứng tá và là sự chiếu toả (x. Redemptoris Missio, số 26). Như thế đã xảy ra vào khởi đầu của Kitô Giáo, khi những anh chị em ngoại giáo, như giáo phụ Tertullianô đã viết, trở lại nhờ nhìn thấy tình yêu thương hiện diện giữa những người kitô. Họ nói: “Hãy xem những người kitô yêu thương nhau biết chừng nào” (x. Apologetico, 39 &7). Kết thúc cái nhìn ngắn gọn về Lời Chúa trong Kinh Thánh, Cha mời gọi chúng con hãy ghi nhận như thế nào Chúa Thánh Thần là hồng ân cao cả nhất của Thiên Chúa cho con người, và như thế là lời chứng cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta, một tình yêu được diễn tả cách cụ thể như là “lời thưa vâng đón nhận sự sống” mà Thiên Chúa muốn cho mỗi tạo vật của ngài. Lời “thưa vâng đón nhận sự sống” có được hình thức trọn vẹn của nó trong Chúa Giêsu Nazareth và trong chiến thắng của Chúa trên sự dữ nhờ ơn cứu chuộc. Về vấn đề này, chúng ta đừng bao giờ quên rằng Tin Mừng Chúa Giêsu, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, không được rút gọn thành một sự ghi nhận thuần tuý, nhưng muốn trở thành “tin mừng cho người nghèo, sự giải phóng cho những kẻ bị tù đày, là sự sáng cho kẻ mù loà.. . ” Đó là tất cả những gì được biểu lộ một cách rõ ràng trong ngày lễ Ngũ Tuần, ngày trở thành ân sủng và trách vụ của Giáo Hội đối với thế giới, sứ mạng ưu tiên của giáo hội.

Chúng ta là những hoa trái của sứ mạng của Giáo Hội nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta mang trong mình dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô, là Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng bao giờ quên điều nầy, bởi vì Thánh Thần của Chúa luôn nhắc nhớ đến mỗi người và một cách đặc biệt, qua trung gian chúng con, những người trẻ, những người muốn khơi dậy trong thế giới ngọn gió và lửa của một lễ Hiện Xuống mới.

5. Chúa ThánhThần, vị Thầy Nội Tâm.

Các bạn trẻ thân mến, cả trongngày hôm nay, Chúa ThánhThần tiếp tục hành động cách quyền năng trong Giáo Hội và những hoa trái của Thánh Thần là phong phú trong mức độ chúng ta sẵn sàng mở rộng chính mình đón nhận sức mạnh canh tân của Thánh Thần. Vì thế, điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết rõ Chúa Thánh Thần, bước vào trong tương quan với ngài và để cho ngài hướng dẫn. Nhưng đến đây, ta tự câu hỏi: Chúa Thánh Thần là ai đối với tôi? Thật vậy, đối với không ít những tín hũu Kitô, Chúa Thánh Thần tiếp tục là “Đấng Không Được Biết Đến”. Vì thế, đây là lý do tại sao, trong thời gian chuẩn bị cho ngày Quốc tế Giới Trẻ sắp đến, Cha muốn mời gọi chúng con hãy đào sâu sự hiểu biết của chính chúng con về Chúa Thánh Thần. Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin Đức Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” (Kinh Tin Kính Nicea-Costantinopoli). Phải, Chúa Thánh Thần, Thánh Thần Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, là Nguồn Mạch sự sống có sức thánh hoá chúng con, “bởi vì tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng đã được trao ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tuy nhiên, quả thật không đủ, nếu chỉ hiểu biết ngài mà thôi; cần phải tiếp nhận ngài như là Đấng hướng dẫn linh hồn chúng ta, như là “Vị Thầy Nội Tâm”, Đấng dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi, bởi vì chỉ một mình ngài có thể mở rộng lòng trí chúng ta để chúng ta tin, và cho phép chúng ta sống đức tin mỗi ngày một cách trọn vẹn. Chúa Thánh Thần thôi thúc chúng ta đến với kẻ khác, thắp lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu, và biến đổi chúng ta thành những nhà truyền giáo của tình yêu Thiên Chúa. Cha biết rõ chúng con, những người trẻ, chúng con mang trong tim lòng sùng mộ to lớn và tình yêu đối với Chúa Giêsu, và biết rõ chúng con ao ước gặp gỡ và nói chuyện với Chúa Giêsu. Nhưng chúng con hãy nhớ rằng chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, làm chứng, kết thành và xây dựng nhân vị chúng ta trên nền tảng chính con người Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh chết và đã phục sinh. Chúng ta hãy làm cho mình trở nên thân quen với Chúa Thánh Thần, để trở nên thân quen với Chúa Giêsu.

6. Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Thánh Thể.

Chúng con có thể thắc mắc: làm sao chúng ta có thể để cho Chúa Thánh Thần canh tân và lớn lên trong đời sống thiêng liêng? Chúng con đã biết câu trả lời rồi! Đó là chúng ta có thể để cho Chúa Thánh Thần canh tân mình, nhờ qua các bí tích, bởi vì đức tin phát sinh và trở nên mạnh mẽ trong chúng ta qua các bí tích, nhất là những bí tích khai tâm Kitô- ba bí tích: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, là những bí tích bổ túc cho nhau và không thể bỏ đi được (x. Sách Giáo Lý của Giáo Hội công giáo, số 1285). Sự thật về ba bí tích nằm ở khởi đầu của thực thể Kitô chúng ta, có lẽ đã bị lãng quên trong đời sống đức tin của không ít nơi những Kitô hữu; những người này xem các bí tích vừa nói trên như là những việc đã được thực hiện trong quá khứ, chứ không còn ảnh hưởng thật sự trên cuộc sống hiện tại, giống như những gốc rễ không còn nhựa sống nữa. Xảy ra là sau khi đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức, nhiều người trẻ sống lìa xa với đời sống đức tin và có những người trẻ ngay cả không lãnh nhận bí tích thêm sức nữa. Nhưng chính với bí tích Rửa Tội và Thêm sức, rồi sau đó với bí tích Thánh Thể, mà Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta thành những con cái của Thiên Chúa Cha, anh chị em với Chúa Giêsu, thành phần của Giáo Hội, những người có khả năng làm chứng thật sự cho Tin Mừng, những người được nếm hưởng niềm vui Đức Tin.

Vì thế Cha mời gọi chúng con hãy suy nghĩ về tất cả những gì cha viết cho chúng con nơi đây. Ngày hôm nay, là dịp hết sức quan trọng để tái khám phá ý nghiã của bí tích Thêm Sức và tìm gặp lại giá trị của bí tích này cho sự trưởng thành thiêng liêng của chúng ta. Ai đã lãnh nhận hai bí tích Rửa Tội và Thêm sức, thì hãy nhớ rằng mình đã trở nên “đền thờ của Chúa Thánh Thần”: Thiên Chúa ngự trong người đó. Ước gì những ai lãnh nhận bí tích ấy luôn ý thức về điều này và hãy làm sao cho kho tàng nội tâm của họ được trổ sinh những hoa trái thánh thiện. Ai đã được Rửa tội nhưng chưa lãnh nhận bí tích Thêm Sức, hãy chuẩn bị để lãnh nhận, vừa biết rõ rằng như thế mình được trở nên người Kitô ‘trọn vẹn”, bởi vì bí tích thêm sức làm cho ân sủng của bí tích Rửa Tội được nên hoàn trọn (x. cc. 1302-1304).

Bí tích thêm sức ban cho chúng ta sức mạnh đặc biệt để làm chứng và tôn vinh Thiên Chúa với trọn cả đời sống mình (x. Rm 12,1); làm cho chúng ta thâm tín rằng mình thuộc về Giáo Hội, “Nhiệm Thể của Chúa Kitô”, mà tất cả chúng ta là những thành phần sống động, liên đới với nhau (x. 1 Cr 12,12-25). Khi để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, mỗi người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều có thể đóng góp phần của mình vào việc xây dựng Giáo Hội, nhờ những ơn đoàn sủng Thiên Chúa ban cho, bởi vì, “mỗi người đều được ban cho một ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần để mưu cầu ích lợi chung” (1 Cr 12,7). Và khi Chúa Thánh Thần hoạt động, thì Ngài mang đến trong tâm hồn những hoa trái của ngài; đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín” (Gl 5,22). Với tất cả những ai trong chúng con chưa lãnh nhận bí tích Thêm Sức, Cha thân ái gởi lời mời gọi hãy chuẩn bị lãnh nhận bí tích nầy, với sự trợ giúp của các linh mục có trách nhiệm chăm sóc mục vụ cho. Đây là một dịp đặc biệt của ân sủng mà Chúa ban cho chúng con: chúng con đừng để uổng phí!

Cha muốn nói thêm đôi lời về bí tích Thánh Thể. Để lớn lên trong đời sống Kitô, thì cần phải nuôi dưỡng chính mình bằng Mình và Máu Thánh Chúa Kitô: quả thật chúng ta đã được rửa tôi và đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức, để tiến đến lãnh nhận bí tích Thánh Thể (x. cc 1322; Sacramentumcaritatis, số 17). Là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội”, bí tích Thánh Thể là một “lễ Hiện Xuống mãi mãi”, bởi vì mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Lễ, chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng kết hiệp chúng ta sâu xa hơn với Chúa Kitô, và biến đổi chúng ta trong Chúa. Các bạn trẻ thân mến, nếu chúng con tham dự thường xuyên vào việc cử hành Thánh Thể, nếu chúng con dành một chút thời giờ cho việc tôn thờ Thánh Thể, thì từ nguồn mạch tình yêu, tức từ bí tích thánh thể, chúng con sẽ có niềm vui nhất quyết dấn thân sống theo Tin Mừng. Đồng thời chúng con cảm nghiệm được rằng ở đâu sức con người chúng con không thể làm, thì Chúa Thánh Thần là Đấng đến biến đổi chúng ta, làm cho chúng ta có tràn đầy sức mạnh của Ngài và làm cho chúng ta trở thành nhân chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh, những nhân chứng tràn đầy tinh thần hăng say truyền giáo.

7. Sự cần thiết và khẩn trương của Sứ mạng.

Nhiều bạn trẻ nhìn về đời sống họ với lòng thao thức và đặt ra cho mình biết bao câu hỏi về tương lai. Họ tự vấn với lòng băn khoăn lo lắng như sau: làm sao nhập cuộc vào trong một thế giới bị ghi dấu bởi nhiều bất công và đau khổ trầm trọng? Làm sao phản ứng chống lại sự ích kỷ và bạo lực xem ra như đang thắng thế? Làm sao mặc cho đời mình ý nghĩa trọn vẹn? Làm sao đóng góp, ngõ hầu những hoa trái của Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã nhắc đến ở trên- tức những hoa trái “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín” được tràn ngập thế giới này, một thế giới đang bị thương tích và mỏng dòn, nhất là một thế giới của những người trẻ? Với những điều kiện như thế nào, Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống, của sự tạo dựng ban đầu và nhất là của sự tạo dựng lần thứ hai hay của sự cứu rỗi, có thể trở thành linh hồn mới của nhân loại hay không? Chúng ta không được quên rằng ân sủng Thiên Chúa ban cho càng to lớn lao bao nhiêu- hồng ân Chúa Giêsu ban cho chúng ta, Chúa ThánhThần là hồng ân cao cả nhất; do đó, nhu cầu của thế giới đón nhận hồng ân đó cũng lớn lao như vậy, và như thế sứ mạng của Giáo Hội phải làm chứng một cách đáng tin cho hồng ân này, cũng phải luôn vĩ đại và hăng say. Và chúng con, những người trẻ, với Ngày Quốc tế Giới Trẻ, một cách nào đó, chúng con hãy nói lên ý định tham dự vào sứ mạng này. Các bạn trẻ chúng con thân mến, về vấn đề này, cha muốn nhắc chúng con nơi đây vài sự thật tiêu chuẩn để chúng con suy niệm. Một lần nữa cha nhắc lại cho chúng con rằng chỉ một mình Chúa Kitô mới có thể làm đầy những khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn con người; chỉ mình Chúa mới có khả năng nhân bản hoá nhân loại và dẫn đưa nhân loại đến tình trạng “được thần thiêng hoá”. Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô đổ vào trong tâm hồn chúng ta tình thương của Thiên Chúa, tình thương có thể làm cho chúng ta có khả năng yêu thương người lân cận và sẵn sàng phục vụ anh chị em. Chúa Thánh Thần vừa soi sáng, vừa mạc khải cho chúng ta Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại; Ngài chỉ cho chúng ta biết con đường để trở thành giống với Ngài hơn, để có thể trở nên “lời diễn tả và khí cụ của tình thương đến từ ngài” (Deus Caritas est, số 33). Và ai để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình sẽ hiểu rằng dấn thân phục vụ Tin Mừng không phải là một chọn lựa tự do theo ý mình, bởi vì người đó ý thức rõ ràng về sự khẩn thiết phải thông truyền cho người khác Tin Mừng Chúa. Tuy nhiên, cần phải nhớ một lần nữa điều này, chúng ta chỉ có thể trở nên những chứng nhân cho Chúa Kitô, khi nào chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn; Chúa ThánhThần là “tác nhân chính của công cuộc rao giảng Phúc Âm” (x. Evengelii Nuntiandi, số 75), và ngài là “nhân vật chính của sứ mạng” (x. Redemptoris Missio, số 21).

Các bạn trẻ thân mến, như những vị tiền nhiệm của Cha, Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II, đã nhiều lần nói đến, rao giảng Phúc âm và làm chứng cho đức tin là điều cần thiết cho ngày nay hơn bao giờ hết (x. Redemptoris Missio, số 1). Ai đó nghĩ rằng trình bày kho tàng quý giá đức tin cho những người không chia sẻ đức tin với mình, có nghĩa là có thái độ bất bao dung đối với họ, nhưng không phải như vậy, bởi vì đề nghị Chúa Kitô cho họ, không có nghĩa là áp đặt bắt buộc họ phải theo (x. Evengelii Nuntiandi, số 80). Hơn nữa, cách đây 2000 năm, mười hai thánh Tông Đồ đã hy sinh mạng sống, ngõ hầu Chúa Kitô được con người biết đến và yêu thương. Từ đó, Phúc âm qua các thế kỷ tiếp tục được loan truyền nhờ những con người nam nữ được linh động bởi cùng một sự hăng say truyền giáo. Vì thế, cả ngày hôm nay nữa những môn đệ của Chúa Kitô không nên sợ lãng phí thời giờ và sức lực để phục vụ Tin Mừng. Các bạn trẻ cần thắp lên trong tâm hồn tình yêu Thiên Chúa và đáp trả cách quảng đại lời mời gọi khẩn thiết của Chúa, như đã xảy ra với biết bao vị thánh trẻ, chân phước và hiển thánh trong quá khứ và cả trong thời đại gần với chúng ta. Một cách đặc biệt, cha bảo đảm với chúng con rằng Thánh Thần của Chúa Giêsu ngày hôm nay mời gọi chúng con hãy trở nên những kẻ mang Tin Mừng của Chúa Giêsu cho những bạn đồng tuổi chúng con. Sự mỏi mệt của những người lớn đến gặp, trong cách thức hiểu được và có sức thuyết phục, môi trường giới trẻ, có thể là một dấu chỉ mà Chúa Thánh Thần dùng để thôi thúc chúng con, những người trẻ, hãy lãnhnhẫn trọng trách này. Chúng con biết được những lý tưởng của ngưòi trẻ, biết được ngôn ngữ, và cả những vết thương, những chờ đợi, và ước muốn điều thiện của những người trẻ đồng tuổi chúng con. Được mở ra thế giới bao la những tâm tình, công việc làm, việc huấn luyện, những chờ đợi và những đau khổ của người trẻ... Mỗi người trong chúng con hãy can đảm hứa với Chúa Thánh Thần sẽ mang một người trẻ đến với Chúa Giêsu Kitô, trong cách thức mà chúng con biết là tốt đẹp hơn, vừa biết “trả lời cho bất cứ ai niềm hy vọng được tích chứa trong mình, với sự dịu dàng” (x. 1Pr 3,15).

Các bạn trẻ thân mến, để đạt đến mục tiêu này, chúng con hãy sống thánh thiện, hãy là những nhà truyền giáo, bởi vì người ta không bao giờ có thể tách rời sự thánh thiện ra khỏi sứ mạng truyền giáo (x. Redemptoris Missio, số 90). Chúng con đừng sợ trở thành những nhà truyềngiáo thánhthiện, như thánh Phanxicô Xaviê, đã đi khắp vùng Viễn Đông để loan báo Tin Mừng, cho đến kiệt sức, hoặc như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trở nên nhà truyền giáo dù không rời khỏi tu viện Camêlô, cả hai vị đều là những Thánh Quan Thầy của các Xứ Truyền Giáo”. Chúng con hãy sẵn sàng hy sinh mạng sống chúng con để soi sáng thế giới bằng sự thật của Chúa Kitô; để dáp trả hận thù và sự khinh dể mạng sống con ngưòi bằng tình yêu thương; để tuyên bố niềm hy vọng của Chúa Kitô Phục Sinh khắp mọi nơi trên mặt đất.

8. Khẩn cầu một lễ “hiện xuống mới” trên thế giới.

Các bạn trẻ thân mến, Cha chờ đợi chúng con đến thật đông vào tháng 7 năm 2008 tại Sydney. Đây sẽ là một dịp quan phòng để cảm nghiệm trọn vẹn quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng con hãy đến cho thật đông, để trở nên dấu chỉ niềm hy vọng nà nâng đỡ quý giá cho cộng đồng Giáo Hội tại Úc Châu đang chuẩn bị tiếp đón chúng con. Đối với những người trẻ của đất nước sẽ tiếp đón chúng ta, thì sẽ là một dịp đặc biệt để rao giảng nét đẹp và niềm vui của Phúc Âm cho một xã hội đã bị trần tục hoá trên nhiều bình diện. Úc Châu, cũng như toàn thể Châu Đại Dương, đang cần khám phá lại những căn cước Kitô của mình. Trong tong huấn hậu thượng hội đồng giám mục “Giáo Hội tại Châu Đại Dương” (Ecclesia in Oceania) Đức GioanPhaolô II đã viết như sau: “Với sức mạnhcủa Chúa ThánhThần, Giáo Hội tại Châu Đại Dương đang chuẩn bị cho công cuộc tái rao giảng phúc âm cho những dân tộc ngày nay đang khao khát Chúa Kitô.. . . Công cuộc tái rao giảng phúc âm là một ưu tiên đối với Giáo Hội tại Châu Đại Dương” (số 18). Cha mời gọi chúng con hãy dành thời giờ cho việc cầu nguyện và cho công việc huấn luyện thiêng liêng,trong giai đoạn cuối của cuộc hành trình dẫn chúng ta đến Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII, ngõ hầu tại Sydney, chúng con có thể lặp lại những lời hứa khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức. Cùng chung với nhau, chúng ta sẽ khẩn cầu Chúa Thánh Thần, vừa tin tưởng xin Thiên Chúa ban xuống hồng ân một Lễ Hiện Xuống mới cho Giáo Hội và cho nhân loại của ngàn năm thứ ba. Nguyện xin Mẹ Maria, Đấng đã cùng với các Tông Đồ cầu nguyện tại Phòng Tiệc Ly, đồng hành với chúng con trong những ngày tháng này và xin Mẹ cầu cùng Chúa ban cho tất cả mọi người trẻ Kitô một lần nữa được tràn đầy Chúa Thánh Thần, Đấng đốt lên ngọn lửa trong các tâm hồn. Chúng con hãy nhớ rằng Giáo Hội tin tưởng vào chúng con! Một cách đặc biệt, chúng ta, những mục tử, chúng ta cầu nguyện, ngõ hầu chúng con yêu mến và làm cho người ta yêu mến Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn và trung thành buớc theo Chúa.

Với những tâm tình trên và với hết lòng mộ mến, Cha ban phép lành cho tất cả chúng con.

Từ Lorenzago, ngày 20 tháng 7 năm 2007
+ Bênêđitô XVI, giáo hoàng
(Bản dịch tiếng Việt của Đặng Thế Dũng)

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2008

CHUA NHAT 14 TN - NAM A

KHIÊM NHƯỜNG TRONG TRUYỀN GIÁO

Người truyền giáo tốt có thể là người không hiểu biết nhiều và sâu sắc về Chúa, nhưng nhất định phải là người có sự sống của Chúa trong mình.

Tôi vẫn nghĩ như vậy. Và tôi có kinh nghiệm như thế.

Người ta không nhìn thấy Chúa trong họ. Nhưng người ta có thể cảm được phần nào sự hiện diện của Chúa trong họ qua một số dấu chỉ. Một trong những dấu chỉ dễ thấy nhưng lại chắc chắn, đó là sự khiêm nhường.

Trước khi khiêm nhường được nâng lên hàng nhân đức siêu nhiên, nó đã là một đức tính nhân bản.

Ngay trên lãnh vực nhân bản, khiêm nhường vẫn được coi là một giá trị cao quí. Văn hoá Việt Nam vốn ca ngợi người khiêm tốn. Lễ giáo Việt Nam vốn đề cao đức khiêm nhường, coi khiêm nhường như một yếu tố của đạo làm người.

Trong xử thế, khiêm nhường là chià khoá mở lòng người ta, gây nên thiện cảm. Nhờ thiện cảm, người ta dễ chấp nhận ta, và dễ nghe ta.

Trái lại, kiêu căng dễ gây nên ác cảm. Khi ác cảm đã chớm nở, thì lý luận dù đanh thép đến đâu, chứng từ dù rõ ràng đến mấy, người ta cũng không muốn đón nhận ta và những gì ta trình bày, kể cả khi ta trình bày Tin Mừng cứu độ.

Cái kiêu căng dễ xúc phạm đến người khác nhất, chính là sự tự đắc cho mình là đúng, là đẹp, là đáng kính trọng; còn người khác thì bị coi là sai, là xấu, là phải loại trừ. Nhất là trong việc phê phán tôn giáo, tín ngưỡng và những lựa chọn liên quan.

Người tự tôn, hay khinh miệt người khác rất dễ rơi vào những sai lầm trầm trọng và sự mù quáng thê thảm. Hơn nữa, họ có thể làm cho chính mình lâm vào tình trạng điên rồ. Ðể rồi, sẽ làm sụp đổ mọi sự nghiệp đạo đức của mình chỉ trong giây phút. Thảm thương nhất là kẻ kiêu căng cứng lòng sẽ vô tình mở rộng cửa lòng mình, rước quỷ Satan là thần kiêu ngạo vào ngự trị trong đó, để rồi lập liên minh với các hình thức kiêu căng khác, chống lại Nước Thiên Chúa.

Ðọc Phúc Âm, tôi thấy Chúa Giêsu nhắc bảo chúng ta phải hết sức tránh mọi hình thức kiêu căng như:

Ðừng thích tìm địa vị cao trước công chúng, như trong đám tiệc (Lc 14,7).

Ðừng giả hình đạo đức bằng cái vỏ bề ngoài, còn bên trong thì dơ bẩn (Mt 23,5-25).

Ðừng căn cứ vào mấy việc đạo đức của mình, để khinh chê người khác (Lc 18,9-14).

Ðang khi đó, Kinh Thánh rất khen người khiêm nhường. Ðến mức Chúa Giêsu coi họ là những người được Chúa Cha mạc khải cho biết nhiều điều cao siêu, mà Người không cho những người khôn ngoan và thông thái biết (Lc 10,21). Chính bản thân Chúa Giêsu cũng rất khiêm nhường. Ngài nói: "Hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng" (Mt 11,29). Hơn nữa, suốt cuộc đời, từ khi sinh ra trong hang đá cho đến lúc chết trên thánh giá, Chúa Giêsu luôn làm chứng Ðấng cứu thế không phải là một quyền lực, nhưng là tình yêu xót thương phục vụ khiêm nhường.

Do đó, sự khiêm nhường của người truyền giáo không phải chỉ là một đức tính nhân bản, mà còn phải là một nhân đức được chia sẻ từ sự khiêm nhường của Ðức Kitô. Ðức Kitô truyền sang cho họ sự khiêm tốn của Người, để nhờ đó, họ sẽ luôn nhận được thêm chân lý và sự sống cứu độ của Người.

Chính ở điểm này, mà đến lượt mình, chính người truyền giáo cũng là người cần được Chúa Giêsu thường xuyên truyền giáo cho. Và đây chính là một kinh nghiệm quí báu họ có được về người được truyền giáo.

Kinh nghiệm cho thấy người được truyền giáo rất cần có lòng khiêm tốn.

Thuở xưa, các thầy thượng tế, các kỳ lão, các kinh sư, các biệt phái đã nghe tận tai chính Chúa Giêsu giảng, đã xem tận mắt những phép lạ Chúa Giêsu làm. Nhưng không mấy người trong họ đã tin. Hơn nữa, càng nghe thấy và càng nhìn thấy Chúa Giêsu, họ càng đâm ghét. Sau cùng họ đã giết Người.

Sở dĩ Tin Mừng đã không vào lòng họ được, chính là vì sự kiêu căng tự đắc đã khoá chặt lòng họ.

Thời nay cũng thế. Những người đơn sơ, khiêm tốn dễ đón nhận được những cái mới mẻ của Tin Mừng hơn những người tự phụ kiêu căng.

Vì thế, tôi nghĩ rằng: Người truyền giáo cần phải khiêm nhường. Người được truyền giáo cũng cần khiêm nhường.

Ðể có đức khiêm nhường, chúng ta không thể coi thường việc tập luyện mình về nhiều mặt. Một người không được uốn nắn tập luyện kỹ lưỡng về đức khiêm nhường sẽ dễ trở nên hư hỏng: Hư hỏng do những thất bại và do cả những thành công, do những thực tế cuộc đời và cả do những ước mơ và ảo tưởng của mình, nhất là do sự cố chấp tôn thờ cái tôi và làm nô lệ cho ý riêng mình.

Không những chúng ta cần tập luyện để nên khiêm nhường, mà cũng cần cầu nguyện khẩn xin Chúa ban ơn khiêm nhường.

Ơn khiêm nhường, mà Chúa ban cho kẻ cậy trông nài van Chúa, sẽ đặt ta dưới cái nhìn thánh thiện của Chúa. Nhờ đó ta sẽ nhận ra Chúa nơi người khác và ta là kẻ tội lỗi, bất xứng, mọi sự Chúa ban cho ta đều do tình xót thương nhưng không của Chúa. Càng được ơn khiêm nhường, ta càng hiểu thấm thiá lời thánh Giacôbê: "Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường" (Gc 4,6). Và chúng ta cũng sẽ càng thấy rõ thói quen tìm đắc thắng, phô trương, trịch thượng, bất bao dung trong truyền giáo không những đang trở nên quá lỗi thời, mà còn gây nhiều thiệt hại cho Hội Thánh. Bởi vì đó là những điều rất trái nghịch với thánh ý Chúa.

Một điều lợi nữa, mà ơn khiêm nhường hôm nay sẽ đem lại cho ta, đó là nó giúp ta biết kiểm điểm lại bổn phận đón nhận Tin Mừng và bổn phận loan báo Tin Mừng. Ai trong chúng ta cũng có hai bổn phận đó.

Trong hoàn cảnh cụ thể ta đang sống, Chúa vẫn gửi cho ta vô số Tin Mừng mới mẻ. Ta đã đón nhận thế nào?

Trong địa vị cụ thể của ta và với những phương tiện cụ thể của ta, ai trong chúng ta cũng vẫn có thể góp phần không nhỏ vào việc loan báo phần không nhỏ vào việc loan báo Tin Mừng, hoặc bằng cách này, hoặc bằng cách khác. Ta đã thực hiện bổn phận đó thế nào?

Nếu khiêm tốn biết mình, khiêm tốn ăn năn, khiêm tốn sửa mình về bổn phận truyền giáo, chúng ta sẽ có một lương tâm truyền giáo đổi mới. Ðể từ nay, ta biết nhận lãnh, biết sinh lời và biết chia sẻ Tin Mừng cho những người gần xa, mà ta có thể gặp.

Nếu ta ý thức được như vậy và cố gắng làm như vậy, thì đời ta sẽ mang ý nghĩa cao đẹp, đi theo đúng hướng về với Cha trên trời.

Ðức Cha G. B. Bùi Tuần

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2008

Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

gày 29 Tháng 6, Năm 2008

Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Củng cố Đức Tin và Truyền Giáo


Hôm nay chúng ta mừng lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ. Có thể nói là sau Chúa Giêsu thì Thánh Phêrô và Phaolô là hai vị Thánh được nhắc đến nhiều nhất trong Tân Ước. Tuy được nhắc đến rất nhiều, nhưng thật sự chúng ta biết rất ít về hai vị. Thánh Kinh không đi vào chi tiết về đời tư của hai tông đồ mà chỉ nói về liên hệ giữa hai vị cùng Chúa Giêsu và Hội Thánh. Thánh Kinh cũng nói nhiều về những việc các ngài làm và những lời các ngài giảng dạy trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.

Như thế, về phương diện cá nhân, Thánh Phêrô cũng như Thánh Phaolô chẳng quan trọng gì, nhưng hai vị trở nên quan trọng vì Thiên Chúa đã dùng hai vị để xây dựng Hội Thánh theo ý định riêng của Ngài. Và hai vị đã để ngoan ngoãn để Thiên Chúa toàn quyền sử dụng.

Khi gọi Thánh Phêrô là Kêpha “Đá”, Chúa Giêsu muốn dùng thánh nhân làm nền tảng chống đỡ Hội Thánh. Khi trao cho ngài “Chìa Khóa”, Chúa muốn ngài tiếp tục sứ vụ của Người. Nền tảng này được lại xây trên chính lời tuyên xưng của Thánh Phêrô rằng Chúa Giêsu là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.” Chìa khóa mà Chúa trao cho Thánh Phêrô không những chỉ có quyền tha tội, mà còn cả quyền mở cửa Nước Trời cho muôn dân. Hai quyền này Chúa cũng trao cho các tông đồ khác sau khi Người sống lại. Khi đặt Thánh Phêrô làm nền tảng để chống đỡ Hội Thánh, Chúa muốn ngài trở nên một biểu tượng của sự hợp nhất trong Hội Thánh và làm người củng cố đức tin của các môn đệ khác trong Hội Thánh (Lc 22:32).

Trước khi Chúa gọi Thánh Phaolô thì các tông đồ khác đã đi rao giảng Tin Mừng, phần lớn cho người Do Thái. Tuy nhiên Thánh Phêrô và Phó tế Phillipê cũng đôi khi rao giảng cho Dân Ngoại. Nhưng Chúa chọn riêng Thánh Phaolô làm “Tông Để Dân Ngoại” để đẩy mạnh công tác truyền giáo trên toàn đế quốc Rôma.

Vậy chúng ta có thể nói là Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tượng trưng cho hai diện rất quan trọng của Hội Thánh là nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu và rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Nói cách khác là củng cố và phát triển Hội Thánh. Hội Thánh cần cả hai. Nếu chỉ lo củng cố thì Hội Thánh sẽ thành một pháo đài. Nếu chỉ lo phát triển mà không duy trì đức tin vững chắc thì chỉ là xây nhà trên cát. Khi đọc các thư Thánh Phaolô, chúng ta thấy ngài đi vào chi tiết của đời sống Kitô hữu trong hoàn cảnh của cộng đoàn mà ngài nhắm đến với tư cách là một mục tử trực tiếp. Khi đọc các thư Thánh Phêrô thì chúng ta thấy ngài đưa ra những nguyên tắc tổng quát cho đời sống của Kitô hữu và Hội Thánh, nhằm củng cố những gì các tông đồ khác, đặc biệt là Thánh Phaolô, đã dạy.

Mặc dù hai Thánh Tông Đồ có nhiều khác biệt về hoàn cảng gia đình, gốc tích, kiến thức, khả năng và tính tính, cũng như phương thức phục vụ Hội Thánh, nhưng các ngài có một điều rất giống nhau là không coi mình là quan trọng, mà chỉ biết làm hết mọi sự vì Đức Kitô. Hai vị chỉ biết một điều là nhắm mắt đi theo Đức Kitô. Thánh Phêrô đã có lần thưa với Chúa: “Lạy Chúa, [bỏ Chúa] chúng con sẽ theo ai? Chúa có những lời ban sự sống đời đời." (Ga 6:68). Còn Thánh Phaolô thì nói rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal ).

Cả hai vị là người đã hoàn toàn thay đổi sau khi gặp gỡ Đức Kitô, đã biến thành con người mới nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Cả hai đã biết hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Kitô, và từ bỏ tất cả để theo Người. Khi nghĩ đến hai vị và nhiệm vụ Chúa trao cho hai vị tôi mới giật mình tự nghĩ rằng chính bản thân tôi cũng là một Hội Thánh thu nhỏ. Tôi có biết quân bằng giữa việc củng cố đức tin của mình và rao giảng cho người khác không?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2008

TÌNH YÊU CỦA BẠN SÂU XA NHƯ THẾ NÀO?


TÌNH YÊU CỦA BẠN SÂU XA NHƯ THẾ NÀO?

Bạn có tin vào định mệnh không? ở nơi nào đó trong đại dương mênh mông của con người, đây lại chính thực là “nửa kia của tôi”. Cá nhân tôi thì cũng tin vào định mệnh, nhưng đồng thời tôi cũng tự hỏi: “Thật khó cho tôi như thế nào để tìm ra đúng người bạn đời của mình trong số hàng triệu triệu, hàng tỷ tỷ người trên thế giới, và làm sao tôi biết rằng người ấy lại chính là người đang đứng ngay trước mặt tôi?”

Mỗi người đều có nét đặc thù riêng của mình – hầu phân biệt người này với người khác, nhóm này với nhóm khác. Nó giúp xác định chúng ta là ai, và nhiều khi nó nói cho chúng ta là mình đang tìm kiếm điều gì hay đang tìm kiếm ai. Chúng ta bị một người hấp dẫn bởi lẽ nơi người ấy phản ánh những giá trị và niềm tin của chính chúng ta, và qua đó khai mở ra cho chúng ta một lối đường dẫn tới mối liện hệ giữa những con người với nhau.

Sống trong một thế giới đang đề cao qúa nhiều đến vật chất cũng như những yếu tố bên ngoài của sự vật, tính cách của một con người đang bị thách đố nghiêm trọng. Trong một bối cảnh như thế bạn có bao giờ suy xét xem những thanh nam thiếu nữ ngày nay đang ra sức chay theo điều gì không?

Tôi tình cờ chủ trì thực hiện một cuộc khảo cứu giữa những bạn bè và đây là những yếu tố hàng đầu thuộc về tính cách của con người được các bạn trẻ ái mộ. Bạn hãy kiểm tra xem bạn đã có được bao nhiêu phẩm chất này.

Tính trung thực

Hầu hết các bạn trẻ coi tính trung thực là điều quan trọng nhất mà người bạn đời lý tưởng của họ nên có, bởi lẽ một sự thật cơ bản là xã hội chúng ta ngày nay đang phải vật lộn với việc sự thật vắng bóng. Điều này được phản ánh ở con số qúa lớn các gia đình tan vỡ, các mối quan hệ bất trung, cũng như một môi trường sống hỗn độn mà chúng ta đang có trong thời gian hiện tại. Tôi tin rằng người trẻ khao khát sự trung thực bởi vì qúa nhiều người trong họ đang phải gánh chịu những hậu qủa của sự bất trung xẩy ra trong chính gia đình của họ.

Cam kết ăn đời sống kiếp với một người khác đòi hỏi rất nhiều sự tin tưởng, bởi lẽ yêu một người nào đó thì giống như là bạn liều lĩnh đưa cho người bạn đời của mình một lố dao găm và cho phép anh ấy/chị ấy có thể đâm mình bao nhiêu lần tùy theo họ muốn. Tình yêu không phải là một trò chơi. Với tình yêu người ta sẽ thật sự bị tổn thương. Đó là lý do tại sao sự tin tưởng được hình thành từ sự trung thực và cũng là sự sống còn của mối quan hệ.

Sự trung thực…bởi lẽ khi chúng ta cởi mở cho nhau về những cảm giác thực của mình, nỗi phẫn uất và những cảm giác tiêu cực sẽ không còn bóp nghẹt con tim của mình. (Jaim)

Tôi thích người đàn ông trung thực bởi vì tôi có thể bảo đảm cho mình rằng tôi có thể hoàn toàn tin tưởng anh ấy. (Rona)

Tôi tin rằng sự trung thực là cái điều làm cho mối quan hệ trở nên hữu hiệu. (Angelo)

Tôi tin rằng trong mối quan hệ, đôi bạn nên cởi mở cho nhau… nếu không họ sẽ không thể duy trì mối quan hệ của họ lâu dài. (Bruce)

Kính sợ Thiên Chúa

Bạn có thể chắc chắn rằng người đàn ông bạn yêu sẽ có mọi đặc điểm tốt lành khác nếu như anh ta biết kính sợ Thiên Chúa. (Krzl)

Kính sợ Thiên Chúa, tôi thật sự cảm kích đặc biệt với anh ấy vì anh ta đặt Thiên Chúa là trung tâm của đời sống mình. (Riza)

Tinh thần trách nhiệm

Có tinh thần trách nhiệm thì cũng xem như có mọi đặc điểm tốt mà một người có thể sở hữu. (Monica)

Anh ấy nên ý thức về những điều chính yếu của đời sống, và cũng nên khôn ngoan để cân đối các điều đó. Đời sống của anh ta không nên chỉ có một thứ nào đó để gắn bó, nhưng nên gắn bó đời mình với nhiều thứ khác nhau. (Emil)

Biết suy nghĩ và tính toán cho tương lai là đặc tính hết sức quan trọng mà bạn phải tìm kiếm nơi người bạn đời của mình, bởi vì đặc tính này sẽ giúp cả hai người có thể sống còn trong cuộc sống sau này. Một người biết những trách nhiệm của mình sẽ không bao giờ phải chết đói hay chết khát. Sống với một người có tinh thần trách nhiệm thì giống như luôn quấn quanh mình một tấm chăn bảo vệ bảo đảm ở bất cứ nơi nào bạn đi. Trong một kiểu suy nghĩ hết sức cụ thể và hiện thực, những người trẻ xem đặc điểm này là quan trọng để có thể thanh thản vì biết rằng tương lai của họ sẽ được bảo đảm.

Một qúa khứ gia đình tốt

Nếu anh ta có một gia đình tốt và tử tế thì coi như đã có một nền tảng khá vững chắc rồi. Cách thức anh ta đối xử và tương quan với các thành viên trong gia đình thì cũng chính là cách thức anh ta sẽ cư xử với mình trong tương lai. (Sarah)

Nếu một người được nuôi dưỡng lớn lên trong tình yêu thương và được chăm sóc một cách xứng hợp, anh ấy bảo đảm sẽ có được một nhân cách tốt. Thái độ cách chung của anh ta ảnh hưởng rất nhiều từ bối cảnh qúa khứ của mình. (Danessa)

Sự thông minh

Tôi thích có mối quan hệ với người trí thức. Tôi thích giữa chúng tôi có mối ràng buộc trí thức. (Paolo)

Có một sợi dây vô hình nối mọi người với nhau. Vấn đề ở chỗ làm sao để gỡ rối và tìm ra ai đúng là người đang giữ đầu kia của sợi dây.

Khung quy chiếu đây chỉ nhằm hướng dẫn để tìm ra “người ấy”, bởi vì trên thế giới này chúng ta không tìm tình yêu; nhưng chúng ta tìm nhau trước và rồi cho phép tình yêu khơi dậy trong lòng chúng ta.

Nhưng hãy luôn nhớ rằng, đừng vội vã! Tìm kiếm có thể là một công việc tẻ nhạt, nhưng như người ta nói: “Nếu bạn muốn bắt được một con bướm, đừng cố chạy theo nó, nhưng hãy ngồi xuống và mở bàn tay ra, nó sẽ đậu vào chính lòng bàn tay bạn.”

Bro. Joseph Nguyen Van Phuc, sdb. chuyển ngữ từ “How deep is your love” do tác giả Pia Suiza

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2008

ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI: CON NGƯỜI VÀ CUỘC SỐNG




ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI: CON NGƯỜI VÀ CUỘC SỐNG.


(Phỏng theo Marta Largo, “BENEDICT, AS SEEN UP CLOSE” trong Zenith News Agency, ngày 23/5/2008).

Một lòng yêu mến Chúa

Theo Đức Hồng Y José Saraiva Martins, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, vị Hồng Y đã từng cộng tác rất gần gũi với Đức Bênêđíctô, thì nếu chúng ta muốn hiểu được nhân vật “Joseph Ratzinger” như một người thường và như một vị Giáo Hoàng, thì “chúng ta phải để ý đến lòng yêu mến Chúa của Ngài”.

Hôm Thứ Ba ngày 20/5/2008, trong khi tham dự cuộc ra mắt cuốn sách “BENEDICTUS” do Giuseppe de Carli viết, Đức Hồng Y Martins nói: Chìa khóa để hiểu được con người và sứ vụ của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI là chính Tình Yêu Chúa; điều đó dễ nhận thấy trong Tông Thư đầu tiên “Thiên Chúa là Tình Yêu” (Deus Caritas Est, God is Love) của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên Đức Hồng y Martins cũng nói rõ thêm là “Tình Yêu” không phải là một “trạng thái tĩnh”, nhưng là một động lực, một sức mạnh triển nở không ngừng. Thật vậy, Tình Yêu luôn đem lại những nghị lực mới. Tình Yêu đặt ra những “Vấn đề” lớn, và từ đó nảy sinh ra Triết Học và Thần Học.

Vị Giáo Hoàng của quần chúng

Cũng theo Đức Hồng y Martins: “cuốn ‘Benedictus’ đã thu thập được những tài liệu nói lên sự hiện diện đang triển nở của Đức Giáo Hoàng trên sân khấu quốc tế của Thiên Niên Kỷ III. Cuốn sách cũng cho thấy làm thế nào, từng bước một, Đức Giáo Hoàng, một cách thận trọng, đang đi sâu vào tâm hồn của quần chúng. Rồi Đức Hồng y Martins nói thêm: “ Ngoài trình độ trí thức sáng ngời của Ngài, Đức Thánh Cha đang trở nên Vị Giáo Hoàng của quần chúng. Quần chúng càng ngày càng nhận ra được những lời nhắn nhủ của Ngài, ngay cả khi những lời đó khó chấp nhận, vì đòi hỏi phải dấn thân”.

Vị Hồng Y nói tiếp: “Đức Giáo Hoàng luôn hành động như một người Cha, một người Cha quyết tâm không để cho con cái của mình chìm vào trạng thái tầm thường. Cũng chính tình yêu của một người Cha đã thúc đẩy Ngài chiến đấu không ngừng để chống lại sự thống trị của Lý Thuyết Tương Đối hiện đang lan tràn trong xã hội của chúng ta.”

Đức Hồng y Martins còn quả quyết: “Vai trò của Đức Giáo Hoàng trên trường quốc tế không phải chỉ là một sự ‘có mặt’ mà thôi, nhưng là một ‘thực tại’. Ngay cả trước khi Ngài ngỏ lời, sự xuất hiện của Ngài đã là một sự ‘mời gọi’ mọi người hãy biết sống yêu thương và tìm kiếm chân lý. Tuy nhiên, sự ‘hiện diện’ của Ngài trong Giáo hội và trên thế giới không bao giờ là một sự ‘lấn chiếm’. Giọng nói của Ngài không mang một chút gì là ‘kiêu hãnh’, nhưng Ngài vừa thận trọng vừa khiêm tốn, vừa thân tình. Đó là cách mở rộng tâm hồn nhiều người để họ dể dàng đón nhận những lời mời gọi của Ngài”.

Tôn trọng truyền thống.

Riêng Đức Hồng Y Andrea Condero Lanza di Montezemolo, Tổng Quản Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, thì nói: « Nhớ lại, khi mới được bầu chọn lên Ngôi Giáo Hoàng được hai ngày, chính Đức Giáo Hoàng đã gọi điện thoại bảo tôi giúp Ngài phác họa bộ phẩm phục Giáo Triều làm sao cho đúng mẫu mực truyền thống (Đức Hồng Y Lanza rất thành thạo về các kiểu phẩm phục của Giáo triều). Ngay khi đó tôi nhận ra rằng Đức Giáo Hoàng có đức tính truyền thống; một con người có tinh thần đơn sơ, nhân bản, thành thực, giàu cảm hứng, nhưng cũng rất thận trọng. Đó là do tính quả quyết và chín chắn trong suy tư của Ngài.”

Còn Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, Tổng Thơ ký Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin, là một trong những người cộng tác thân cận nhất với Đức Giáo Hoàng khi Ngài còn là Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ này, đã phát biểu: « Đức Giáo Hoàng vẫn sống theo cung cách y như Ngài còn là Hồng Y. Điều mà quý vị thấy nơi Đức Giáo Hoàng bây giờ cũng y như quý vị thấy trước đây khi Ngài còn là Hồng Y Bộ Trưởng Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin: Cùng một con người trí thức, có đầu óc minh mẫn; cùng một tấm lòng nhiệt thành bảo vệ Tín Lý Đức Tin; cùng một con người đơn giản trong giao tiếp; và cũng vẫn là một con người thành thật và khiêm tốn.

Nụ cười truyền cảm.

Rồi Đức Tổng Giám Mục Amato vừa mở các trang sách của cuốn “Benedictus” vừa nói: “Người ta thấy nơi Đức Giáo Hoàng bốn đức tính trổi vượt: Tươi vui, nhanh trí, quảng tâm, và có nụ cười truyền cảm! Hơn nữa Ngài còn là con người thích đối thoại. Trí óc Ngài rất già dặn qua các năm tháng dài dạy tại các Đại Học, và cũng rất sắc bén qua nhiều cuộc tiếp xúc với các Đức Giám Mục khắp nơi trên thế giới về gặp gở Ngài ở Vatican khi Ngài còn là Bộ Trưởng Bộ Tín Lý. Đúng Ngài là một con người thích đối thoại với dáng vẻ không lạnh nhạt hay lơ là, nhưng luôn niềm nở, thân thiện. Ngài cũng là một nhà trí thức có tấm lòng.

Sức mạnh truyền đạt của Ngài xuất phát từ chỗ lới nói của Ngài luôn hợp tình, hợp lý; dù khi Ngài nói về Chúa Kitô, hay khi Ngài trình bày về các chân lý Đức Tin, cũng như khi Ngài phê phán những não trạng quá nệ cổ.

Vì Đức tin và Lý trí là đôi cánh đưa chúng ta bay tới Chân Lý, cho nên rõ ràng là Chân lý, Tình yêu Chân lý và sự đề cao Chân lý là những sợi chỉ đan kết đem lại một sự ‘liên tục’ nơi con người Ratzinger, trước đây là Bộ Trưởng Thánh Bộ Đức Tin và bây giờ là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô!”.

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2008

CHUA NHAT 12 - NAM A

Ngày 22 Tháng 6, Năm 2008

Biết sợ

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mt. 10, 26-33

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Có những người quá nhát sợ. Gặp con dán hay con chuột cũng co rúm người, mặt cắt không còn giọt máu. Có những người, trái lại, chẳng biết sợ là gì. Coi mạng sống nhẹ như tơ. Lên xe là phóng như bay. Liều lĩnh thường thiệt mạng. Nhút nhát quá đâm hỏng việc. Một đàng bất cập, một đàng thái quá. Vì thế vấn đề không phải là sợ hay không sợ. Vấn đề là phải biết phân định. Biết những gì nên sợ và những gì không nên sợ. Hôm nay Chúa Giêsu giúp ta phân định để biết sợ và không biết sợ.

Trước hết, Người dạy ta biết phân định giá trị. Sự sống là quí giá ta phải trân trọng. Mất sự sống là mất tất cả. Tuy nhiên sự sống có nhiều cấp độ. Có sự sống thân xác nhưng cũng có sự sống linh hồn. Có sự sống đời này nhưng không có sự sống đời sau. Sự sống đời này là chóng qua. Sự sống đời sau vĩnh cửu. Sự sống thân xác mau tàn. Sự sống linh hồn bất diệt. Ta phải yêu quí cả hai sự sống. Nhưng khi không thể giữ gìn vẹn toàn cả hai thì phải biết chọn sự sống cao quí, vĩnh cửu, đó là linh hồn, là sự sống đời sau.

Người cũng dạy ta phân định thời cơ. Thời cơ chỉ đến một lần. Lỡ thời sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Lỡ thời có thể hỏng cả cuộc đời. Có thời cơ để rao giảng Lời Chúa. Hiện nay, Lời Chúabị che giấu, chỉ thì thầm bên tai, còn nhiều người chưa biết. Ta được cơ hội đóng góp phần mình vào việc rao truyền Lời Chúa. Nhưng sẽ đến ngày mọi sự kín đáo sẽ tỏ lộ. Lời Chúa sẽ được mọi người nhận biết. Bấy giờ cơ hội sẽ hết. Có thời cơ tuyên xưng danh Chúa. Khi còn ở trần gian, giữa những người chưa biết Chúa, giữa những thế lực thù địch, trong cơn gian nan, chính là cơ hội cho ta tuyên xưng danh Chúa. Khi cuộc đời trần gian chấm dứt, cơ hội đó sẽ không còn.

Và sau cùng là phân định nguyên lý. Thiên Chúa là chủ mọi loài. Thiên Chúa nắm quyền sinh tử. Thiên Chúa an bài mọi sự. Con người chỉ là quản lý của Chúa trong một thời gian, trong một vài lĩnh vực. Khi thời gian chấm dứt, chính Thiên Chúa xét xử và thưởng công, trừng phạt.

Khi đã có những phân định rõ ràng ta sẽ biết sợ và biết không sợ.

Biết sợ Chúa là Chủ tể mọi loài, mọi sự. Không những làm chủ thân xác mà còn làm chủ cả linh hồn. Không những làm chủ đời này mà còn làm chủ cả cuộc đời sau.

Biết sợ mất linh hồn. Linh hồn là món quà cao quí nhất Thiên Chúa tặng cho con người. Sự sống của linh hồn là sự sống Thiên Chúa ban, hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa. Mất linh hồn là mất tất cả. Như Chúa Giêsu vẫn nhắc nhở: “Được lời lãi cả thế gian mà phải mất linh hồn thì nào được ích gì?”.

Biết sợ lỡ thời cơ. Hãy biết làm việc khi còn ban ngày, khi trời còn sáng, khi ta còn sống. Thời cơ chỉ đến một lần, nếu ta không tận dụng sẽ lỡ cả một đời. Như những cô trinh nữ khờ dại chỉ còn đứng ngoài cửa Thiên đàng mà than khóc. Như người đầy tớ lười biếng chôn giấu nén bạc phải khóc lóc nghiến răng.

Khi đã biết sợ như thế, ta sẽ không sợ người đời, vì người đời chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Ta sẽ không sợ mất mạng sống, vì sự sống thân xác nay còn mai mất, chẳng tồn tại lâu dài. Ta sẽ không sợ hình khổ hạ thân xác, vì khổ hình rồi cũng sẽ qua.

Nói không sợ cũng không đúng hẳn. Đau đớn khổ cực ai mà không sợ. Nhưng như Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, dù sợ vẫn cứ bước vào cuộc khổ nạn, Người môn đệ vẫn can đảm tuyên xưng danh Chúa, vẫn kiên trì rao giảng Lời Chúa, chấp nhận tất cả những khó khăn hiểm nguy đe doạ, rình rập, chấp nhận những đau đớn thua thiệt chóng qua đời này, với niềm tin vững chắc rằng chính Thiên Chúa là Cha nhân lành an bài mọi sự, Người sẽ ban thưởng cho ta phần thưởng không gì so sánh được, đó là hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Amen.

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1) Bạn đã từng bị những nỗi sợ nào đè nặng. Những nỗi sợ đó có chính đáng không?

2) Sống đạo là chấp nhận thiệt thòi. Bạn có dám chấp nhận thiệt thòi vì Chúa không?

3) Muốn trung thành với Chúa, bạn làm cách nào để tránh được những nỗi sợ do người đời đem đến?

ĐTGM. Ngô quang Kiệt

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2008

CHUA NHAT 11 TN - NAM A

Ngày 15 Tháng 6, Năm 2008

Các con đã lãnh nhận nhưng không,

thì hãy cho nhưng không.

Ở Đất Thánh có hai cái hồ nổi danh là Biển Hồ (Hồ Galilêa) và Biển Chết. Cả hai đều lãnh nhận nước từ sông Giođăng. Một hồ là hồ nước ngọt đầy mọi loại cá. Còn hồ kia là hồ nước rất mặn đến nỗi trong đó không có một sinh vật nào có thể sống được. Nếu cả hai cùng do nước sông Giođăng mà ra thì tại sao một hồ thì đầy nước ngọt và cá, còn hồ kia thì nước mặn thứ nhì thế giới và đầy sát khí như thế?

Lời nhắn nhủ cuối cùng của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay “Các con đã lãnh nhận được nhưng không, thì hãy cho nhưng không” (Mat 10:8) chính là câu trả lời cho câu hỏi ở trên. Hồ Galilêa nhận được nước từ sông Giođăng và chuyển nước này đến những vùng lân cận để làm cho dân chúng có nước uống và đồng ruộng xanh tươi. Ngày nay hồ này vẫn còn là nguồn nước cho các vùng chung quanh. Vì nước cũ chảy ra và nước mới liên tục chảy vào nên hồ lúc nào cũng có nước đầy dưỡng khí để làm nơi sinh sống cho nhỉều loại cá. Còn Biển Chết thì không có nơi nào cho nước chảy đi, mà còn mỗi ngày tích trữ thêm khoáng chất từ những núi đồi chung quanh. Nước càng bốc hơi thì nồng độ khoáng chất càng tăng lên, hồ càng thêm mặn. Vì không cho đi mà chỉ biết nhận, và nhận bất cứ cái gì, nên thành Biển Chết.

Con người cũng vậy. Chúa ban cho chúng ta tất cả mọi sự một cách nhưng không. Tuy chúng ta là những kẻ vô đạo, đáng tội chết, nhưng Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta để hoà giải chúng ta với Thiên Chúa và cho chúng ta được nên công chính trước mặt Ngài (x. Rom 5:6-11). Quả thực Thiên Chúa “đã mang chúng ta trên cánh đại bàng” và đưa chúng ta đến với Ngài (x. Xh 18:4). Đại bàng ấy chính là Đức Kitô, và đôi cánh kia là các ân sủng mà Chúa ban cho chúng ta cách nhưng không. Vì Thiên Chúa cho chúng ta mọi sự cách nhưng không, Ngài cũng muốn chúng ta cho lại tha nhân cách nhưng không. Càng cho đi chúng ta sẽ càng thêm phong phú. Nếu ích kỷ, giữ lại cho mình số phận chúng ta cũng sẽ chẳng khác gì Biển Chết.

Hôm nay Chúa sai các tông đồ ra đi rao giảng lần đầu tiên và dặn các ông phải làm việc hết mình, vì các ông đã nhận được cách nhưng không, thì các ông cũng phải cho đi cách nhưng không. Chúa cũng gọi và sai mỗi người Công Giáo ra đi như thế. Chúa muốn chúng ta phải mang sức lực, của cải, tài năng, và tất cả những hồng ân Ngài đã ban vào thế gian để chữa lành bệnh tật, hồi sinh kẻ chết và nhất là xua đuổi tà thần. Bệnh tật và sự chết ở đây là bệnh tật và sự chết phần hồn. Hiện nay tà thần đang mơn mởn khắp nơi mà ít người nhận ra chúng. Chúng chẳng cần cám dỗ ai cả vì đang có không biết bao nhiêu người tình nguyện phục vụ chúng. Không những chỉ những người trần thế, mà cả những người cứ tưởng rằng mình là con cái Thiên Chúa. Những người ấy cũng sẽ giống như Biển Chết vì không biết cho đi. Chỉ có những người biết cho đi cách nhưng không mới thật sự là môn đệ Chúa, bằng không thì đang làm tôi tà thần mà không biết. Ở đây tôi xin đan cử một vài thí dụ điển hình.

- Nếu tôi phục vụ để được danh vọng và tiếng khen là tôi phục vụ cho tà thần chứ không thật sự phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Như thế tôi cứ tưởng rằng mình cho đi cách nhưng không, nhưng thật ra tôi đang lấy lại tiếng khen, và hành động cho đi của tôi chỉ là phương tiện để tôi đạt được mục đích thầm kín ấy của tôi.

- Nếu tôi đóng góp thật nhiều cho nhà thờ để được đăng lời cám ơn trên báo, hay được khắc tên trên những viên gạch, trên những viên đá hay trên những quả vàng quả bạc trên “cây hằng sống” là tôi cũng đang phục vụ tà thần.

- Nếu tôi làm việc mà mong thấy kết quả là tôi cũng không phụng sự Chúa, mà phục vụ chính tôi. Như thế tôi cũng chẳng cho đi cách nhưng không.

- Nếu trong khi phục vụ tôi nghĩ rằng mình quan trọng, nếu không có mình thì “không ai biết làm gì hết” là tôi đang phục vụ tà thần chứ không phải phụng sự Thiên Chúa.

- Nếu tôi đi tu để được làm “Cha” người ta thì tôi cũng không thật sự phụng sự Thiên Chúa.

Còn rất nhiều, kể hoài cũng không bao giờ hết. Nhưng thế nào là mới thật sự là cho đi cách nhưng không?

- Cho đi cách nhưng không là làm tất cả vì vinh danh Chúa.

Bao lâu tôi làm việc để cho mình được vinh danh là tôi đã muốn dành cho tôi cái danh dự của Thiên Chúa vì Ngài là Đấng ban tất cả mọi sự cho tôi, chứ tôi có gì ngoài tội lỗi và yếu đối để đòi được vinh danh.

- Cho đi cách nhưng không là làm tất cả vì yêu mến Chúa.

Bao lâu tôi làm việc để thỏa mãn những ước vọng thầm kín của tôi là tôi làm việc vì yêu tôi chứ không phải vì yêu Chúa.

- Cho đi cách nhưng không là làm tất cả theo Thánh Ý Chúa.

Bao lâu tôi nghĩ rằng chỉ có cách làm việc của tôi là tốt nhất, là hay nhất, là tôi làm theo ý tôi chứ đâu phải làm theo ý Chúa.

Bao lâu tôi giảng dạy theo ý riêng tôi chứ không theo những giáo huấn của Hội Thánh là tôi cũng không làm theo Thánh Ý Chúa.

Bao lâu tôi không dám rao giảng những chân lý chói tai người đời vì sợ mất lòng họ là tôi làm việc theo ý người ta chứ không phải theo Thánh Ý Chúa.

Bao lâu tôi không chấp nhận những người chung quanh tôi và bằng lòng với hoàn cảnh của chính tôi là tôi đã không làm theo Thánh Ý Chúa.

Vì tôi đang cho đi để mong nhận lại một cái gì đó lớn lao hơn, nên khi tôi không nhận được điều tôi mong ước thì tôi đâm ra ghen tương, bất mãn. Ghen với người nhận được điều tôi muốn, bất mãn với những người có quyền thế mà không “dùng” tôi. Đó chính là lý do tại sao có những chia rẽ trong các cộng đoàn, trong các giáo xứ. Đó chính là lý do tại sao người ta nói hành, nói xấu, bôi lọ, và chỉ trích lẫn nhau.

Tôi chỉ có thể lớn lên trong ân sủng Chúa khi tôi biết thật sự cho đi cách nhưng không. Dù tôi không mong ước, nhưng càng cho đi thì Chúa lại càng ban lại cho tôi cách dồi dào hơn trước để tôi tiếp tục cho đi, như Biển Hồ Galilêa vẫn đầy nước mát và sinh lực mặc dù nó vẫn luôn cho đi tất cả những gì nó có từ mấy ngàn năm nay. Khi tôi biết làm như thế tôi sẽ thành phương tiện để Thiên Chúa chuyển sự sống của Ngài đến cho gia đình tôi và cộng đoàn tôi như Hồ Galilêa mang sức sống lại cho Đất Thánh.

Lạy Chúa xin dạy con và ban ơn cho con biết thật sự quên mình trong khi phục vụ. Con biết làm điều này rất khó vì bản tính loài người là kiêu ngạo. Xin Cho con biết nhìn lên Thánh Giá trong khi phục vụ để luôn nhớ rằng nếu Chúa không chết cho con thì con chỉ là một tên tử tội không đáng sống trên đời, và không có gì để tự hào, tự mãn. Amen.

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2008

Ngày 8 Tháng 6, Năm 2008

Ngày 8 Tháng 6, Năm 2008

Mầu nhiệm ơn gọi

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mt. 9, 9-13

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Suy nghĩ về các Tông đồ, ta không hiểu tại sao Chúa chọn Phêrô làm Giáo hoàng trong khi ông ít học, lại có nhiều khuyết điểm và nhất là đã phạm tội chối Chúa.

Cũng như hôm nay, việc Chúa gọi Matthêu khiến nhiều người ngỡ ngàng. Matthêu là người thu thuế. Thời ấy, đế quốc Rôma đô hộ nước Do thái. Người thu thuế bị coi là tiếp tay với đế quốc, và gian tham bóc lột người dân. Vì thế người thu thuế bị coi là người tội lỗi bị mọi người lên án, khai trừ. Thế mà Chúa gọi ông làm môn đệ Người. Chẳng ai có thể ngờ. Cả bản thân Matthêu có nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ tới.

Ơn gọi quả thật là một mầu nhiệm. Đó là mầu nhiệm tình yêu. Chúa chọn một người không phải người đó xứng đáng. Chúa chọn con người vì lòng yêu thương của Người.

Tình yêu của Chúa là tình yêu quan tâm. Chúa quan tâm tới từng người, kể cả người tội lỗi. Qua các dụ ngôn “con chiên lạc”, “đồng bạc đánh mất”, ta thấy Chúa quan tâm tới cả những người bé nhỏ nghèo hèn, đi tìm một con chiên bé bỏng lạc mất, đốt đèn quét nhà vì một đồng tiền chẳng có bao nhiêu giá trị. Sự quan tâm khiến Chúa nhìn lên cây sung tìm kiếm ông Giakêu. Sự quan tâm khiến Chúa để mắt nhìn ông Matthêu, dù ông đang ngồi tại bàn thu thuế, nơi mà người Do thái không bao giờ thèm ghé mắt nhìn.

Tình yêu của Chúa là tình yêu tha thiết. Chúa biết rõ người ta yếu đuối hay sa ngã. Nhưng tình yêu Chúa mạnh hơn sự yếu đuối của con người. Ân sủng Chúa lớn lao hơn sự dữ của tội lỗi. Lòng thương xót Chúa lớn lao hơn trí tưởng tượng của con người. Nên Chúa có thể tha thứ tất cả. Cả những người bị đồng loại kết án vẫn nằm trong trái tim Thiên Chúa. Nên Chúa đã tha thứ cho Matthêu dù ông chưa bao giờ xin lỗi Chúa.

Tình yêu của Chúa là tình yêu tin tưởng. Vì yêu nên tin. Tin người yếu đuối có thể nên vững mạnh. Tin người lạc lối có thể trở lại đường ngay. Tin người lỡ lầm có thể làm lại cuộc đời. Vì tin nên mời gọi và trao nhiệm vụ. Tin tưởng mời gọi ta cộng tác vào công trình cứu độ. Tin tưởng trao vào tay ta cả kho tàng ơn thánh. Tin tưởng trao cho ta vận mệnh các linh hồn. Tôi là ai mà được Chúa tin tưởng đến thế?

Tình yêu của Chúa hướng về tương lai. Quên hết những lỗi lầm quá khứ. Không bao giờ nói đến quá khứ. Không bao giờ mất thời giờ trách móc những lỗi lầm đã qua. Tình yêu chúa mở cho ta một chân trời mới. Tình yêu Chúa đóng lại quá khứ, mở cửa tương lai. Tình yêu Chúa cho ta cơ hội mới để làm lại cuộc đời.

Tình yêu Chúa thật lớn lao nhưng cũng thật dịu dàng. Tình yêu Chúa trân trọng con người. Tình yêu Chúa đem lại tự do. Tình yêu Chúa đi những bước sáng tạo đầy bất ngờ. Ai đã cảm nhận được tình yêu của Chúa sẽ không thể chối từ lời Người mời gọi.

Matthêu đã cảm nhận được tình yêu đó qua ánh mắt nhân từ của Chúa. Ông đã cảm nhận được sự trân trọng qua lời nói dịu dàng của Chúa. Nên Ông đã lập tức đáp lại lời mời gọi của Chúa. Ông còn tổ chức tiệc mừng vì được theo chúa. Ông mừng vì dứt bỏ được quá khứ đen tối đè nặng tâm hồn. Ông mừng vì gặp được Đấng Cứu độ, đưa tâm hồn ông vào tình yêu, vào khung trời tự do. Ông mừng vì Chúa tin tưởng, trao vào tay ông cả một tương lai tươi đẹp với ơn gọi tông đồ, với trách nhiệm cứu nhân độ thế.

Hôm nay Chúa cũng đang quan tâm tới mỗi người. Chúa nhìn ta. Chúa tin tưởng ta. Chúa trao vào tay ta một tương lai mới. Chỉ cần ta đóng lại cánh cửa quá khứ và sống theo lời Người, ta sẽ bắt đầu đổi mới cuộc đời.

Lạy Chúa con tin Chúa yêu thương con. Xin cho con nhận biết tình yêu của Chúa. Amen.

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1) Có khi nào bạn nghĩ rằng những người tu trì là bất xứng?

2) Thái độ của Chúa đối với Matthêu dạy ta phải đối xử với tha nhân thế nào, nhất là những người ta coi là tội lỗi?

3) Chúa quên hết quá khứ và tin tưởng vào bạn? Tâm đắc điều này, bạn sẽ sống thế nào?

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt