Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2008

Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

gày 29 Tháng 6, Năm 2008

Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Củng cố Đức Tin và Truyền Giáo


Hôm nay chúng ta mừng lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ. Có thể nói là sau Chúa Giêsu thì Thánh Phêrô và Phaolô là hai vị Thánh được nhắc đến nhiều nhất trong Tân Ước. Tuy được nhắc đến rất nhiều, nhưng thật sự chúng ta biết rất ít về hai vị. Thánh Kinh không đi vào chi tiết về đời tư của hai tông đồ mà chỉ nói về liên hệ giữa hai vị cùng Chúa Giêsu và Hội Thánh. Thánh Kinh cũng nói nhiều về những việc các ngài làm và những lời các ngài giảng dạy trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.

Như thế, về phương diện cá nhân, Thánh Phêrô cũng như Thánh Phaolô chẳng quan trọng gì, nhưng hai vị trở nên quan trọng vì Thiên Chúa đã dùng hai vị để xây dựng Hội Thánh theo ý định riêng của Ngài. Và hai vị đã để ngoan ngoãn để Thiên Chúa toàn quyền sử dụng.

Khi gọi Thánh Phêrô là Kêpha “Đá”, Chúa Giêsu muốn dùng thánh nhân làm nền tảng chống đỡ Hội Thánh. Khi trao cho ngài “Chìa Khóa”, Chúa muốn ngài tiếp tục sứ vụ của Người. Nền tảng này được lại xây trên chính lời tuyên xưng của Thánh Phêrô rằng Chúa Giêsu là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.” Chìa khóa mà Chúa trao cho Thánh Phêrô không những chỉ có quyền tha tội, mà còn cả quyền mở cửa Nước Trời cho muôn dân. Hai quyền này Chúa cũng trao cho các tông đồ khác sau khi Người sống lại. Khi đặt Thánh Phêrô làm nền tảng để chống đỡ Hội Thánh, Chúa muốn ngài trở nên một biểu tượng của sự hợp nhất trong Hội Thánh và làm người củng cố đức tin của các môn đệ khác trong Hội Thánh (Lc 22:32).

Trước khi Chúa gọi Thánh Phaolô thì các tông đồ khác đã đi rao giảng Tin Mừng, phần lớn cho người Do Thái. Tuy nhiên Thánh Phêrô và Phó tế Phillipê cũng đôi khi rao giảng cho Dân Ngoại. Nhưng Chúa chọn riêng Thánh Phaolô làm “Tông Để Dân Ngoại” để đẩy mạnh công tác truyền giáo trên toàn đế quốc Rôma.

Vậy chúng ta có thể nói là Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tượng trưng cho hai diện rất quan trọng của Hội Thánh là nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu và rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Nói cách khác là củng cố và phát triển Hội Thánh. Hội Thánh cần cả hai. Nếu chỉ lo củng cố thì Hội Thánh sẽ thành một pháo đài. Nếu chỉ lo phát triển mà không duy trì đức tin vững chắc thì chỉ là xây nhà trên cát. Khi đọc các thư Thánh Phaolô, chúng ta thấy ngài đi vào chi tiết của đời sống Kitô hữu trong hoàn cảnh của cộng đoàn mà ngài nhắm đến với tư cách là một mục tử trực tiếp. Khi đọc các thư Thánh Phêrô thì chúng ta thấy ngài đưa ra những nguyên tắc tổng quát cho đời sống của Kitô hữu và Hội Thánh, nhằm củng cố những gì các tông đồ khác, đặc biệt là Thánh Phaolô, đã dạy.

Mặc dù hai Thánh Tông Đồ có nhiều khác biệt về hoàn cảng gia đình, gốc tích, kiến thức, khả năng và tính tính, cũng như phương thức phục vụ Hội Thánh, nhưng các ngài có một điều rất giống nhau là không coi mình là quan trọng, mà chỉ biết làm hết mọi sự vì Đức Kitô. Hai vị chỉ biết một điều là nhắm mắt đi theo Đức Kitô. Thánh Phêrô đã có lần thưa với Chúa: “Lạy Chúa, [bỏ Chúa] chúng con sẽ theo ai? Chúa có những lời ban sự sống đời đời." (Ga 6:68). Còn Thánh Phaolô thì nói rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal ).

Cả hai vị là người đã hoàn toàn thay đổi sau khi gặp gỡ Đức Kitô, đã biến thành con người mới nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Cả hai đã biết hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Kitô, và từ bỏ tất cả để theo Người. Khi nghĩ đến hai vị và nhiệm vụ Chúa trao cho hai vị tôi mới giật mình tự nghĩ rằng chính bản thân tôi cũng là một Hội Thánh thu nhỏ. Tôi có biết quân bằng giữa việc củng cố đức tin của mình và rao giảng cho người khác không?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Không có nhận xét nào: