Thứ Hai, 24 tháng 9, 2007

BAI THUYET TRINH CUA ĐUC HONG Y Fx NGUYEN VAN THUAN



Bài Thuyết Trình tại Đại Hội Thánh Thể Thế giới,
MEXICO 2004

Thánh Thể trong cuộc đời của
Đức cố HY Fx. Nguyễn Văn Thuận
NHẬP ĐỀ

Kính thưa chư vị Hồng Y, Giám mục, Linh mục, Tu sỹ Nam Nữ và các Bạn,
Con xin được mạo muội tự giới thiệu: con tên Elizabeth Nguyễn, là em gái út của Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Con hiện đang sống cùng với chồng và ba người con tại Gia-nã-đại,ở Ontario,nơi mà từ 21 năm nay, con làm thành viên của Ủy ban Giáo dục Công giáo.
Nguyên đầu tháng Bảy năm nay, chị Anne của con phải nhập viện để giải phẫu cắt bỏ đi một khối u ác tính nằm trong não bộ. Hiện nay chị đang được chữa xạ trị tại Sydney, Úc-đại-lợi. Đó là lý do khiến Chị bất đắc dĩ không thể đích thân sang đây để hầu chuyện với quý vị về lòng sùng kính của người Anh quá cố chúng con đối với Bí tích Thánh Thể.
Ít lâu sau,qua tháng Tám, khi con sang Sydney thăm nhà, Nữ tu Mary Kathleen Ronan sau khi liên lạc với chị em con,đã có nhã ý mời con qua đây thuyết trình thay cho Chị Anne.
Được Sơ Mary ưu ái nâng đỡ và cầu nguyện cho, con cảm thấy bội phần hân hạnh và vô cùng phấn khởi.
Nhận lời mời tham dự hội thảo, con ý thức rằng mình sẽ phải lên tiếng trước một cử tọa đức trưởng thượng,phải ngõ lời về một đề tài có tầm quan trọng vô song.
Đồng thời, con cũng nhớ lại những lời lẽ khiêm cung thong tuệ mà bình sinh đi đâu Đức Cố Hồng Y cũng dùng để răn mình:
“Con không là gì cả, con chẳng biết gì cả, con không xứng đáng chút nào, nếu không có tình yêu của Thiên Chúa”.
Vì vậy, nguyện xin Đức Chúa Thánh Thần soi sáng cho con đang khi con cật lực san sẻ với chư vị quý bạn về tầm mức quan trọng của Phép Thánh thể đối với Cố Hồng y Phanxicô Xaviê suốt trong cuộc sống của ngài.
-+-
Để lượng giá cho đúng mức đức tin kính và lòng sùng mộ sâu xa của ngài đối với Bí tích Thánh Thể, thiết tưởng cần phải điểm lại những chặng chính trong đường đời của ĐHY:
Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, 39 tuổi, được tấn phong Giám mục.
Chín năm sau, ngay trước ngày chế độ cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Phó với quyền kế vị của tổng giáo phận Sài Gòn – Sài Gòn sau đó đổi tên là Thành Phố Hồ Chí Minh.
Nhậm chức mới được mấy tháng,ngài đã bị chính quyền cộng sản câu lưu và tống ngục 13 năm ròng rã, trong đó 9 năm biệt giam.
Nhờ có đức tin mạnh mẽ, nhờ biết liên lỷ kết hợp với Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, ngài đã biến những chuỗi ngày ngục tù thành những năm tháng hoằng tín tích cực và truyền giáo bội thu nhất.
Ngài đã mang sứ điệp hy vọng đến cho các bạn bị giam cùng trại, đã dẫn dắt cả những kẻ quản giáo coi tù đến với Đạo Chúa.
Ra tù, tuổi đã 61, ngài được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch rồi về sau trở thành Chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình. Ngài đã loan truyền sứ điệp hy vọng của Giáo Hội khắp năm châu bốn biển. Ngài chịu đựng và chấp nhận lâu ngày dài tháng chứng bệnh mà thầy thuốc đành bó tay,trong sự kết hợp với Chúa Giêsu chịu nạn trên cây thập tự vì sự hiệp nhất của Giáo hội,vì tất cả mọi người trên thế gian.

Toàn văn bài thuyết trình tại Hội thảo Thánh Thể
Đọc lại những trước tác, nhớ lại những kinh nghiệm mà Cố bào huynh khi còn sống đã chia sẻ cho con qua thư từ gởi về trong thời gian tù đày, đặc biệt trong những ngày tháng liệt giường cuối đời, con có thể phân biệt được bốn tiêu điểm, tựa như bốn nguồn sáng chiếu tỏa ra từ lòng sùng mộ của ngài đối với Bí tích Cực trọng.
Tiêu điểm thứ nhất: Đức Cố Hồng Y xác tín mạnh mẽ rằng Thánh Thể là Sức Mạnh và Sức Sống dưỡng nuôi nhân loại, vì nhờ Thánh Thể mà người ta được kết hiệp thường xuyên với Thiên Chúa và vì thế kết hiệp với Tình Yêu của Ngài.
Thiên ân đặc biệt này ngay từ thiếu thời ĐHY đã lãnh nhận được.Thân mẫu chúng con hay nhắc lại chuyện hồi xưa chị cả của Mẹ mắc phải bệnh lao mà qua đời tại Huế,Việt Nam.Thời ấy lao bị coi là môt chứng nan y bất trị, hay lây lan và vô cùng nguy hiểm.Bởi vậy thật khó mà tìm ra một chú giúp lễ chịu theo cha xứ đi trao Mình thánh cho Dì chúng con.Thế mà chú Thuận lại tự nguyện cứ mỗi ngày tan trường về là hăm hở đi theo Cha Sở còm cõi già nua lội bộ tới tận nhà Dì Cả. Chú giúp Dì dọn mình rước Lễ, xong xuôi ở lại cùng Dì cầu nguyện,mở Sách Lễ đọc cho Dì nghe mọi bài trong Thánh lễ.
Chú Thuận tiếp tục giúp đỡ chăm nom cho đến ngày Dì lâm chung mệnh một. Cha Mẹ chúng con đã thấp thỏm lo sợ mà vẫn không qua được: y như rằng mấy năm sau đến lượt cậu con trai nhiễm lao phải vào nằm bệnh viện chạy chữa một thời gian dài.
Lần nào cũng vậy,hễ mà con xin Anh giải thích sự hy sinh phi thường đến thế thì ĐHY cứ trích dẫn Phúc âm Thánh Gio-an: “Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người,không uống máu Con Người,các ngươi không thể có Sự Sống trong các ngươi”.
Cũng chính Sự Sống ấy đã nuôi nấng bồi bổ linh hồn Dì Cả chúng con cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.
Vừa mới chịu chức linh mục, đi làm phó cho Cố Richard, một thừa sai người Pháp,Cha Thuận đã tình nguyện làm tuyên úy cho nhà tù, nhà thương,trại cùi.Oái ăm thay,hồi đó ngài đâu dè có ngày chính mình lại phải sa vào chốn lao lung.
Những lời lẽ sau đây trong các đoạn #346-373 diễn tả một cách tường minh đơn nghĩa lòng tin của ĐHY vào phép Mình thánh :
“ Muốn tin, phải nuôi mình bằng Thánh Thể, vì Thánh Thể chứa đựng ‘Mầu nhiệm Đức tin’và ban sức mạnh đức tin cho con ”. (Đường Hy Vọng #373)
“ Biết giá trị Thánh lễ, dù xa dù khó con cũng cố gắng tham dự. Càng hy sinh con càng thấy mến Chúa hơn”. (Đường Hy Vọng #346)
“ Con muốn hỏi: ‘Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả?’.Hãy tham dự Thánh lễ, vì không kinh nào,không tổ chức , nghi thức nào sánh bằng lời nguyện và hy lễ chúa Giê-su trên Thánh giá”. (Đường Hy Vọng #349)
“ Dù cô đơn nơi đèo heo hút gió, dù tăm tối trong ngục tù, con hãy hướng về các bàn thờ trên thế giới, nơi Chúa Giê-su đang tế lễ; con dâng lễ và rước lễ thiêng liêng. An ủi và can đảm sẽ tràn ngập lòng con”. (Đường Hy Vọng #364)
Trong cuốn Chứng nhân Hy vọng ĐHY viết :
“ Nơi nào chúng ta chịu khốn khó, nơi đó trở thành chỗ cho chúng ta cử hành Thánh Thể.anh mục Tử đạo thế kỷ 20 đầy dẫy những chuyện thống thiết kể về những thánh lễ làm chui trong các trại tập trung,vì không có Thánh Thể chúng ta không thể sống chính sự sống của Thiên Chúa. Làm sao tôi diễn tả được niềm vui lớn lao của tôi.Mỗi ngày với 3 giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay,tôi cử hành Thánh lễ. Đấy là bàn thờ của tôi, là nhà thờ chính tòa của tôi! Thánh lễ là phương dược chữa xác cứu hồn,là thang thuốc trường sinh bất tử ”.
Rồi nơi trang 154 :
“ Trong trại cải tạo, chúng tôi được chia thành từng nhóm 50 người.Chúng tôi ngủ chung trên một cái giường thật dài, mỗi người đưọc 50 centimét. Mỗi đêm, chúng tôi thu xếp làm sao để có 5 người Công giáo nằm cạnh tôi. Vào lúc 9 giờ rưỡi tối, tất cả chúng tôi phải tắt đèn đi ngủ. Lúc ấy tôi cúi mình trên giường để làm lễ thuộc lòng, và phân phát Mình thánh Chúa bằng cách luồn tay dưới mùng muỗi. Chúng tôi chế cả những túi giấy nhỏ bằng bao thưốc lá, để giữ Mình thánh và mang cho người khác. Tôi luôn mang Mình Thánh Chúa trong túi áo sơ-mi.” (Chứng nhân Hy vọng,tr.154-155)
Điểm thứ nhất này dẫn thẳng tới khía cạnh thứ hai nơi lòng tôn sùng Thánh Thể của ĐHY.
Điểm thứ hai: Phép Thánh Thể là tâm điểm và linh hồn của hoạt động truyền giáo.Thật vậy,suốt những tháng năm âm thầm lặng lẽ,vò võ đơn côi,cách biệt với mọi việc mục vụ ngoài đời,Bào huynh thấu hiểu được với trọn thân tâm rằng chỉ chính Thiên Chúa mà thôi,chứ chẳng phải những việc mình làm cho Chúa mới là trung tâm của đời sống chúng ta.
Nơi trang 155 sách Chứng Nhân Hy Vọng, ĐHY chia sẻ với chúng ta:
“ Ban đêm,các tù nhân thay phiên nhau thờ lạy Mình thánh.Với sự hiện diện lặng lẽ,Chúa Giêsu Thánh Thể đã làm nên những việc kỳ diệu.Nhiều người Công giáo đã bắt đầu trở lại một cách nhiệt tình.Và xác chứng của họ về sự yêu thương và phục vụ đã có một ảnh hưởng ngày càng lớn trên các tù nhân khác.Ngay cả những anh em Phật tử và bên lương cũng tìm được đức tin. Sức mạnh tình yêu của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ không thể cưỡng lại.Và thế là đêm tối của nhà tù đã trở thành ánh sáng Phục sinh,và hạt giống đã được gieo vào lòng đất trong bão tố.Nhà tù trở thành trường dạy giáo lý.Các tín hữu rửa tội cho các bạn đồng tù và trở thành những người đỡ đầu cho họ.”
ĐHY không ngớt mở miệng ngợi ca ý Chúa Quan Phòng đã khấng để cho ba bốn trăm linh mục bị bắt ở tù tại nhiều trại giam rải rác khắp Bắc,Trung,Nam từ 1975 đến cuối thập niên 1990.Sự có mặt của các cha đã mở ra một giai đoạn mới cho cuộc đối thoại giáo tế liên tôn thực sự đầy ý nghĩa, cũng như cho tình bằng hữu thâm giao giữa hàng vạn tù nhân vốn là tín đồ các đạo khác nhau.
Tiện đây con xin được kể hầu quý vị một kinh nghiệm bi tráng của ĐHY hồi mới đi tù. Số là sau khi bị đày ra Bắc, Đức Cha Thuận ở chung với hàng ngàn tù cải tạo,chia ra từng nhóm, mỗi nhóm mỗi tổ lãnh công việc khác nhau. Đức Cha thì phải lo chùi rửa nhà cầu,buồng tắm,chiếu chăn, theo ý đồ cách ly hẳn ngài khỏi các bạn tù đi lao động ngoài đồng. Một hôm,một nhóm tù nhân từ ngoài ruộng hớt ha hớt hãi chạy về trại cầu cứu với ngài : một tù nhân trong cơn quẫn trí đã lấy giây điện toan quấn cổ tự vẫn.Hay tin ngài liền quỳ sụp xuống đất thờ lạy Mình Thánh Chúa đang ngự trong túi áo của ngài, xin người tù ấy quay về với Bánh Sự Sống,với Chúa hay thứ tha, với Bình an và Yêu thưong.Cảm động trước đức tin mãnh liệt như thế, các bạn tù khác đã cùng ngài cầu khẩn.Rốt cuộc, kẻ quẫn trí đã thúc thủ,khóc òa,gục đầu phủ phục trước tình yêu trao tặng cho anh.
Mấy năm sau, hễ có dịp gặp lại nhau ở California, hai kẻ cựu tù - Đức Cha và anh ta - buổi hàn huyên đều khơi lại kỷ niệm diễm phúc hôm xưa khi Chúa Giêsu hiện diện đã cứu chữa được một người thoát khỏi cơn bỉ cực.
Năm sáu năm kể từ 1975, chúng con lâm cơn gia biến: cũng như ngàn vạn đồng bào, chúng con bị mất cửa mất nhà,mất cả ruột rà thân thích,mất công ăn việc làm,mất cội nguồn gốc rễ, nhiều người phải dài cổ mòn mỏi đợi chờ trong các trại tỵ nạn trước khi được chấp nhận đi định cư ở các nước thứ ba.
Thế mà nhờ những bức thư của một người tù biệt giam gởi chui ra ngoài được các thành viên Hồng Thập Tự và Ân Xá Quốc Tế làm ơn chuyển giúp, chúng con mới có thể tự nhắc cho chính mình nhớ rằng: trong lúc dường như chúng con trắng tay mất sạch thì hãy còn một kho báu bậc nhất cho không chúng con mà chẳng đòi một điều kiện nào cả,kho tàng đó chính là Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.
Người tù bị cấm cố ấy vẫn tiếp tục đem Bình An của Thiên Chúa đến cho kẻ khác,bởi vì từ chốn ngục trung,nhất hô nhất hấp, ngài đều thở hơi Sự Sống đích thực.
Tác vụ mà ĐHY đảm đương ngay tại Giáo triều La-mã là Phó Chủ tịch,rồi Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình càng tăng cường ý thức cao độ của ngài về mối liên hệ mật thiết giữa bí tích Thánh Thể và hoạt động hoằng tín thừa sai.
Như lời ngài nói trong Chương 14 sách Chứng Nhân Hy Vọng:
“ Sứ vụ của tôi tại Giáo triều Rôma nhằm phục vụ cho công lý và hòa bình giúp tôi đặc biệt nhạy cảm với vấn đề đó.Cần làm chứng rằng thân mình Chúa Kitô thực là ‘của ăn để cho thế gian được sống’”. (Chứng nhân Hy vọng,tr.157)
Ngài nói tiếp:
“ Hiện nay, người ta đang tìm cách toàn cầu hóa mọi lãnh vực, nhưng điều này có nguy cơ làn cho các vấn đề thêm trầm trọng thay vì giải quyết tốt đẹp…Thế giới cũng thiếu một nguyên tắc hiệp thông và huynh đệ đại đồng: chính Chúa Ki-tô là Bánh Thánh thể làm cho chúng ta nên một trong Ngài và dạy chúng ta sống theo kiểu mẫu hiệp thông trong phép Thánh thể”. (Chứng nhân Hy vọng,tr.157)
Khía cạnh này của hoạt động truyền giáo liên kết chặt chẽ với khía cạnh thứ ba của lòng sùng kính Thánh Thể mà theo thiển ý lại là sứ điệp khẩn cấp gởi đến tất cả chúng ta đang lâm cảnh mất hài hòa trong thế giới nồi da xáo thịt .
Điểm thứ ba: Phép Thánh Thể là phương thế thực hiện sự hiệp nhất của Giáo hội và nhân loại.
Chúng ta là Một Thân thể, Một Máu huyết. Nơi trang 134 Chứng nhân Hy vọng, ĐHY qui tập chúng về với đức tin:
“ Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở thành Hội thánh của Ngài.Chúng ta là một; sự hiệp nhất này được thể hiện trong việc tham dự Thánh Thể.Phép Thánh Thể tạo nên hiệp nhất, tình huynh đệ giúp ta sống hiệp nhất.Trong sự hiệp nhất ấy,Chúa Ky-tô nắm giữ vận mạng loài người và đưa họ đến cứu cánh chân thật: Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em ”.
Nơi trang 158-159,ngài tiếp tục khuyến khích chúng ta trung thành với đức tin của mình:
“ Chúa Giêsu,Bánh Sự Sống,thúc đẩy chúng ta mang lại thực phẩm mà nhiều người vẫn cần đến: bánh Công lý và Hòa bình, ở những nơi chiến tranh đang đè nặng và không có sự tôn trọng các quyền của con người,của gia đình,của các dân tộc; bánh Tự do đích thực,tại những nơi không có tự do tôn giáo đích thực để tuyên xưng công khai tín ngưỡng của mình; bánh Huynh đệ tại những nơi không nhìn nhận và thực thi ý thức hiệp thông đại đồng trong hòa bình và hòa hợp; bánh hiệp nhất giữa các Kitô hữu, vẫn còn chia rẽ nhau, trên đường cùng chia sẻ một tấm bánh và một chén rượu”.(Chứng nhân Hy vọng,tr.158-159)
Con còn nhớ rõ mồn một,như thể chuyện mới xảy ra hôm qua thôi,những thánh lễ mà chúng con được tham dự cử hành trong các bệnh viện ngài nằm.Chúng con mỗi người từ mỗi phương trời mà đến,tới nơi vào những thời khắc khác nhau, trọ lại Rôma không cùng một địa điểm, thế mà ĐHY lần nào cũng chu đáo sắp xếp giờ giấc thuận tiện sao cho hầu hết mọi người tề tựu tham dự Thánh lễ, thậm chí dù đã về khuya là lúc mà ngài mệt mỏi nhất.
Con còn nhớ mãi một tối tháng Sáu, chúng con quây quần bên ĐHY trong căn phòng nhỏ của ngài ở bệnh viện Gemelli,Rôma. Sợ rằng đông người chen chúc, không khí ngột ngạt ẩm thấp sẽ làm cho ĐHY ngộp thở, Chị Anne bèn nẩy ý là mọi người nên ra ngoài hành lang và lan can quay mặt vào trong phòng mà dự lễ,thế nhưng ĐHY lạI mỉm cười, năn nỉ mọi người cứ việc tập trung trong phòng chung quanh giường của ngài. Ngài còn giảng cho chúng con nghe một bài về sự hiệp nhất được thực hiện bởi phép Thánh Thể. Đức tin kiên cường bất khuất của ngài làm cho con xúc động đến nỗi đêm ấy sau lễ con lật sách Chứng nhân Hy vọng mà đọc lại Chương 14.
Mấy câu sau đây vẫn canh cánh bên lòng con:
“ Tôi mơ ước Tòa Thánh, cùng với tất cả các cơ quan của mình, như một bánh thánh lớn, một chiếc bánh duy nhất được dâng hiến trong hy tế thiêng liêng, giữa lòng Giáo hội như một nhà Tiệc ly rộng lớn, cùng với Đức Maria, Mẹ của Thân mình Chúa Ky-tô, và cùng với Phêrô người thi hành sứ vụ hiệp nhất phục vụ tất cả. Và tất cả chúng ta cùng với họ, như những hạt lúa,chấp nhận bị nghiền nát bởi những đòi hỏi của tính hiệp thông, để họp thành một thân mình duy nhất, hoàn toàn liên đới và hoàn toàn trao tặng, như bánh sự sống cho thế giới, như một dấu chỉ hy vọng cho nhân loại.” (Chứng nhân Hy vọng,tr.159)
Lúc ấy con chợt vỡ lẽ hiểu ra rằng trước đây ngài chấp nhận những tháng năm lao tù thế nào thì nay cũng vậy ngài đón nhận cảnh bệnh hoạn tử vong như là thành phần tạo nên sự Hiệp nhất Thánh Thể.Sự có mặt của chết chóc và khổ đau trong thế giới mang nhiều ý nghĩa hơn đối với con: sự hiện diện ấy đem lại cho tất cả chúng ta biết bao là ân sủng và ủi an.
Tại bệnh viện Casa di Curia, nơi ngài trút hơi thở cuối cùng,chúng con mới thấm ý ĐHY khi ngài viết :
“ Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần tôi được dịp giang tay đóng đanh chính mình vào Thập giá với Chúa Giêsu, cùng cạn chén đắng với Ngài “.
Gia đình con và bản thân con sẽ không bao giờ quên được cái cách ngài ôm lấy chúng con khi chúng con trao cho nhau dấu hiệu chúc bình

HỘP KẸO

Hộp kẹo này con mang theo tới đây là để chia sẻ với quý vị về khía cạnh cuối cùng của lòng sùng mộ của ĐHY với phép Thánh Thể: đối với gia đình con, hộp kẹo này mãi mãi là di vật làm chứng vững chắc cho niềm tin của ĐHY vào Phép lạ Chúa thương ban cho từng người chúng ta mỗi lần chúng ta cử hành hy tế của Chúa Giêsu.
Khi Chị Anne ra Phi trường Quốc tế Vọng Các đón Đức Cha bay từ Việt Nam qua sau khi ngài được tháo cũi sổ lồng,cũng là lúc bắt đầu cuộc sống lưu vong,ngài nói với chị :
“ Anh không có vật gì đáng giá về mặt thế gian để làm quà cho Cha Mẹ và các em cả. Anh vỏn vẹn chỉ có một tấm vé một chiều đi Úc, không tiền không bạc,chỉ mỗi một bộ quần áo trên người, mà lại là đồ người ta biếu,nhưng anh có một vật của Trời cho xin tặng cả nhà.”
Chị Anne không thốt nên lời, lẳng lặng nghe ngài giải thích.
Thì ra hộp kẹo này chính là vật mà trong tù ngài đã dùng để đựng đồ lễ: khăn lau, chiếc thìa để múc những giọt rượu quý báu và cái túi đựng Mình thánh Chúa. Hộp kẹo ấy đã chứng kiến Đất với Trời se chữ đồng.
Cố Bào huynh thường ví sự hiện diện của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể với khung cửa sổ pha lê huy hoàng qua đó Đức Chúa Cha vươn xuống tới tận loài người. Nơi Chương # 363, Ngài quả quyết lần nữa:
“ Dù thiếu tất cả, dù mất tất cả, nhưng còn Thánh thể là còn tất cả vì con có Chúa Thiên đàng dưới đất.” (Đường Hy Vọng #363)
Để kết thúc dăm mối suy tư này, con xin trích dẫn những ý nghĩ đơn sơ thơ dại được ngài ghi lại vào dịp lễ Rất Thánh Mân Côi,tháng Mười năm 1976,khi mới bị biệt giam trong trại tù tỉnh Phú Khánh.
“ Con thấy hạnh phúc trong buồng giam này, nơi nấm trắng mọc đầy lên manh chiếu con nằm, vì có Chúa ở cùng con nơi đây, vì Chúa muốn con sống chỗ này với Chúa. Đời con lâu nay nói nhiều, giờ đây con không còn nói nữa. Đến lượt Chúa nói với con,lạy Chúa Giêsu,con đang lắng nghe tiếng Chúa."
Mỗi lần đọc đến câu này, con cứ hình dung ra cảnh anh con ngồi một mình một bóng đối diện với trùng trùng hư không trong buồng giam tối tăm mù mịt,mà môi cứ khẽ mỉm cười như xưa nay vẫn thế, ngay cả vào những ngày cuối đời, còn tay ngài thì cứ nắm chặt bâu áo tù nơi có Chúa cả Trời đất náu nương.
Ước chi Đức Cố Hồng Y – là người trước đây một thời thân tại ngục mà tâm lại cảm nghiệm được hòa điệu của lồng lộng Trời cao trong quạnh quẽ cô liêu của buồng giam tù túng - tiếp tục dẫn đường chỉ lối cho chúng ta,để chúng ta có thể lắng nghe chăm chú hơn tiếng Chúa Giêsu,để chúng ta biết sử dụng toàn tâm toàn trí,dốc toàn lực cho Triều đại Thánh Thể vinh thắng khải hoàn.
Con xin hết lòng cám ơn quý vị quý bạn đã cho con được cùng đi trên cuộc lữ hành Đức Tin này. Đa tạ,
ELIZABETH NGUYEN, Hiền muội của Đức HY Phanxico

Mầu Nhiệm của Sự Đau Khổ
Lời Phân Ưu của CNDK:
Khi khởi sự làm truyền thông Chứng Nhân Đức Kitô, chúng con đã muốn dõi theo gương sống và hoạt động Tông đồ của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, nay nhân dịp Chúa gọi Hiền muội của Ngài là Chị Anne Cecile Nguyễn Thị Hàm Tiếu vào ngày 20।01.05 và đến ngày 27.01.05 Chúa lại gọi Thân mẫu của ĐHY, là Bà cố Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp về với Chúa, chúng con xin mượn những tâm tình dưới đây của Gs. Lê tinh Thông như những lời phân ưu chân thành của chúng con đối với gia đình ruột thịt của Ngài. Kính xin Quí vị hiệp lời cầu nguyện cho linh hôn chị Anne Cecile và bà cố Elizabeth.
Thiên tai sóng thần kinh hoàng tại Á Châu đến nay vẫn còn làm xao xuyến lòng mọi người, nhứt là những gia đình nạn nhân vừa bị người thân chết tức tưởi vừa bị tan nát cửa nhà. Một số Kitô hữu đâm ra lo lắng về Ngày Tận Thế gần kề. Dĩ nhiên chúng ta là con người chắc chắn phải lo âu, giao động và nếu niềm tin tôn giáo không vững vàng sẽ thất vọng nhiều và hậu quả sẽ khó lường.
Riêng các Kitô hữu nạn nhân đang khi hân hoan tưởng niệm Ngày Chúa Giêsu Giáng Trần thì thiên tai sóng thần lại bất ngờ ập đến. Tuy nhiên, nếu họ suy niệm về những bất trắc khó khăn mà gia đình Chúa Giêsu phải trải qua mặc dù là Con Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên vũ trụ, họ sẽ vững tin, phó thác, hy vọng và trung thành với Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã gặp khó khăn ngay từ lúc chào đời. Hai ông bà Giuse và Maria từ Nazarét lên thành Bê Lem để tuân lệnh Hoàng Đế Augustô kiểm tra dân số. Thánh sử Luca thuật lại như sau: “Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc. 2:6-7). Bé Giêsu lớn lên như bao trẻ khác trong một gia đình khó nghèo Cha làm nghề thợ mộc. Trong 3 năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã bị chống đối, bị các biệt phái và Pharisêu thời đó mưu toan ám hại, và cuối cùng đã bị xử tử một cách bất công, sỉ nhục, và chết thảm thương đau đớn trên cây thập giá. Kể từ ngày Mùng Một Tết Ất Dậu năm nay, gọi là Mùa Chay, Giáo Hội Công Giáo sẽ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà nhà đạo diễn Mel Gibson đã diễn tả lại rất chi tiết và sống động trong cuốn phim bất hủ “Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô” (The Passion of the Christ) đã được trình chiếu năm ngoái trong Mùa Chay.
Tác phẩm “Đức HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận Qua Những Lời Tư Thuật” do Đức Ông Trần Văn Khả ở Roma sưu tập vừa mới được Cơ Sở Hy Vọng chính thức phát hành hôm Chúa nhật, 9-1-2005, đã tiết lộ nhiều chi tiết về đời sống ba chìm bảy nổi, tràn ngập khổ đau của gia tộc cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, có lẽ tang thương không thua kém các gia đình nạn nhân thiên tai sóng thần. Nhưng nhờ truyền thống đạo đức gia đình với đời sống tâm linh tuyệt vời mà Dòng Họ Ngô Đình có truyền thống luôn luôn vững tin, vui mừng và hy vọng. Thân phụ của ông cố nội H.Y Thuận đã từng bị bỏ tù và chính ông cố nội ngài khi mới 15 tuổi đã phải đi bộ mỗi ngày 30 cây số để tiếp tế cho cha mình ít cơm và muối. Cố HY Thuận kể lại, “Phía ông ngoại tôi còn thê thảm hơn nữa. Vào năm 1885 giáo dân toàn giáo xứ bị thiêu sống trong nhà thờ, trừ ông ngoại tôi vì lúc đó là sinh viên du học ở Malaysia.” Ông Ngô Đình Khôi, người cậu cả của Cố H.Y Thuận đã bị Việt Minh giết hại. Rồi các cậu ruột của Cố HY Thuận là Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Ngô Đình Nhu và ông Ngô Đình Cẩn đã bị sát hại một cách dã man. Người con gái của Bà, Cô Anna Nguyễn Thị Hàm Tiếu, cũng vừa mới từ trần ngày 20-01-2005 tại Úc Châu, sau một cơn bạo bệnh.
Chúng ta hãy đc những chứng từ sống động, đầy khích lệ sau đây. Thân mẫu của cố HY Thuận kể lại cho ngài vể Cậu Diệm như sau: “Cậu Diệm đã chết, mẹ nói với con bí mật này. Năm 1954, trước khi Cậu trở về VN, để lãnh nhận trách nhiệm như là Thủ Tướng, Cậu Diệm đã tuyên khấn ở Bậc Tận Hiến Dòng Biển Đức. Tên Dòng của Cậu là Ôdilô. Thánh Ôdilô là người đã lập Lễ Các Linh Hồn vào ngày 2 – 11, để tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời. Đó là chương trình của Thiên Chúa muốn Cậu con chết vào ngày này.”
Khi ĐHY Cooke TGP New York hỏi: “Các cậu của Đức Cha có ghét người Mỹ không?”, ĐHY Thuận trả lời như sau: “Tâm hồn của Cậu Diệm con được đào luyện trong khuôn khổ, trong đó không có chỗ nào dành cho hận thù. Ông luôn nhớ tới và biết ơn về những điều tốt làm cho ông trong suốt cả đời ông, và như thế, làm sao ông có thể có thù hận với nhân dân Mỹ, hay nước Hoa Kỳ. Cậu Nhu của con không có hoàn hảo như anh của ông, nhưng con biết ông hiên ngang được thi đua với anh của ông. Cuối cùng thì không có gì khác biệt giữa hai ông cả.”
Sau khi Cậu Diệm và Cậu Nhu bị giết thì cố HY Thuận có hỏi Cậu Cẩn như sau: “Cậu sợ phải không?” Cậu Cẩn cười và trả lời: “Sợ điều gì chứ? Cậu Diệm và Nhu đã sẵn sàng để chết từ lâu rồi, còn cậu, cậu ốm đau. Nếu các người làm đảo chánh không giết cậu, thì căn bệnh đường cũng sẽ giết cậu. Cậu chỉ sợ điều sẽ xảy đến cho Việt Nam một khi chúng ta đã ra đi.”
Cố HY Nguyễn Văn Thuận đã đề tặng Thân Mẫu Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp những lời sau đây: “Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ đã chôn táng các anh em mình bị những kẻ phản bội thảm sát, những người mà mẹ đã chân thành tha thứ sau đó, luôn tiếp đón họ, như thể không có gì xảy ra.” Trong những ngày vừa qua, Bà đã can đảm chứng kiến người con gái thân yêu của mình bị cơn bệnh ung thư hành hạ rất thương tâm và đã từ giả Bà. Nổi đớn đau bất hạnh cho người mẹ từng nếm mùi đau khổ ngót thế kỷ này không biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ! Và có lẽ Bà Cụ là người dầy kinh nghiệm nhất về ý nghĩa sự đau khổ cho tới những giờ phút cuối cùng của cuộc đời trên trăm tuổi của bà và bà cũng biết cách nào dâng sự đau khổ ấy lên Thiên Chúa hầu đón nhận những hồng ân khác Chúa dành sẵn cho Bà.
Gs. Lê Tinh Thông
Người Mẹ chứng nhân thế kỷ:
Bà Cố Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp (1903-2005)


SANTA ANA -- Ngày 27/01/2005, chúng tôi đang theo dõi tin tức về lễ mai táng Cô Anna HÀM TIẾU, bào muội của Đức Hồng Phanxicô Xavie NGUYỄN VĂN THUẬN, thì lại nhận được tin Cụ Cố Elisabeth Nguyễn Văn Ấm, nhũ danh NGÔ ĐÌNH THỊ HIỆP, thân mẫu của Đức Hồng Y, cũng vừa được Chúa gọi lên đường về nhà Cha, sau khi đã hoàn tất cuộc lữ hành dài hơn trăm năm (102 năm) trên cõi trần gian này, Chúng tôi xin chuyển bài này đến VietCatholic với lòng thành tâm cầu nguyện cho linh hồn Elizabeth sớm được Chúa đưa về nơi Thiên quốc cùng với linh hồn Phanxicô Xavie, linh hồn Anna cùng các linh hồn khác.Lê Thiên & Lê Tinh ThôngGia Đình Lễ GiáoELISABETH Ngô Đình Thị Hiệp sinh ngày 05-5-1903 tại làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình vọng tộc đạo đức trải qua nhiều thế hệ trung thành với Đức Tin Công Giáo, đã từng “hy sinh trong thời kỳ bắt đạo và đã chịu khổ vì Chúa, đã chịu lưu đày xa xôi và đã bị cầm tù vì Chúa”, một dòng tộc nổi danh kiên trung bất khuất chẳng những về mặt đức tin mà còn cả về mặt xã hội. Thân phụ là ông Ngô Đình Khả, một quan phụ chính đại thần thanh liêm và cương trực dưới triều vua Thành Thái. Ông đã khẳng khái chống lại việc Pháp âm mưu đày ải Vua, khiến thời bấy giờ trong dân gian Huế có câu ca:Đày vua không KHẢ, (1)Đào mả không BÀI
Do làm quan trong triều, thường xuyên phải có mặt tại kinh đô, ông Ngô Đình Khả đã dời gia đình từ làng Đại Phong, tỉnh Quảng Bình vào định cư tại Phủ Cam, thuộc thành phố Huế. Ngô Đình Thị Hiệp có hai người anh là ông Ngô Đình Khôi và Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, một nguời chị, Ngô Đình Thị Giao, một em gái kề là Ngô Đình Thị Hoàng và bốn em trai gồm quý ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Luyện và Ngô Đình Cẩn. Được giáo dục trong một gia đình nền nếp gia phong, Ngô Đình Thị Hiệp lúc thiếu thời luôn giữ phẩm hạnh của một thục nữ đoan trang con nhà gia giáo, siêng năng kinh nguyện sáng tối trong gia đình, luôn cùng với cha mẹ và anh em dự thánh lễ hàng ngày, và nhất là hăng hái tham gia các việc từ thiện bác ái.
Giáo Dục Con Định Hướng Cuộc ĐờiĐến tuổi thành hôn, Ngô Đình Thị Hiệp kết bạn cùng Tađêô Nguyễn Văn Am là một thanh niên cần cù, mực thước và đạo đức vốn cũng được giáo dục bởi một gia đình Công Giáo có truyền thống kính Chúa yêu người từ lâu đời. Ngô Đình Thị Hiệp trở thành bà Elisabeth Nguyễn Văn Am. Hai ông bà sinh được 8 người con, trong đó có một người con trai sau này đã làm sáng danh Chúa và rạng danh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đó là Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.Cậu bé Nguyễn Văn Thuận chào đời ngày 17-4-1928 tại Phủ Cam, Huế. Càng lớn, cậu bé càng thêm khôi ngô tuấn tú, càng tỏ ra thông minh và có trí nhớ sắc sảo. Theo thói đời, “con quan thì lại làm quan”, họ hàng gần xa đều thấy rõ con đường hoạn lộ đang mở ra trước mặt cậu bé, hứa hẹn một tương lai ngời sáng vinh quang. Nhưng bà mẹ cậu bé thì lại có cái nhìn khác. Bà thấy “tu mới là cõi phúc”. Với tất cả con cái, bà Elisabeth đều dạy cho biết sống đạo, trên hết lòng thờ phượng Chúa, dưới tận tình yêu thương giúp đỡ đồng loại. Ngoài việc dạy cho con học giáo lý kinh bổn, bà thường xuyên kể cho các con nghe những mẫu truyện rút ra từ Kinh Thánh cũng như những truyện về các anh hùng tử đạo Việt Nam để cho con bà người nào cũng thấm nhuần và sống theo những tấm gương sống đạo sáng chói của tiền nhân. Niềm Vui Thấy Con Dâng Mình Cho ChúaRiêng với cậu bé Nguyễn Văn Thuận, bà đặc biệt cầu xin Chúa ban cho cậu có được cái nhìn giống như cái nhìn của bà, “tu là cõi phúc”. Thế nên, khi cậu bé vừa tới tuổi khôn lớn, ngỏ ý xin vào Tiểu Chủng Viện, bà mẹ Elisabeth chẳng những không ngăn cản mà còn thầm cảm tạ ơn Chúa đã cho con bà biết chọn đường để đi. Bà vừa xúc động vừa mừng rỡ lo chuẩn bị mọi thứ cần thiết từ chiếc khăn tay, cho đến áo quần, dày dép để con lên đường gia nhập Tiểu Chủng Viện An Ninh của Giáo Phận Huế sau khi được Cha Chánh Xứ sở tại đồng ý và Cha Giám Đốc Tiểu Chủng Viện chấp nhận. Từ đó, bà Elisabeth không ngừng cầu nguyện cho con “bền đỗ trong ơn kêu gọi”. Cầu Cho Con Làm Bổn Phận Linh Mục Đẹp Lòng ChúaNgày 11-6-1953, Thầy Phó Tế Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận thụ phong Linh Mục. Bấy giờ bà Elisabeth cảm thấy an tâm về ơn thiên triệu của con mình. Nhưng theo bà, làm linh mục đã là khó, làm bổn phận linh mục đẹp lòng Chúa càng khó hơn. Chính vì vậy, kể từ đó, lòng bà hằng xao xuyến, bà không ngớt cầu nguyện cho con mình “làm bổn phận linh mục đẹp lòng Chúa”. Câu nói ấy sớm trở thành điệp khúc gắn liền với cả cuộc đời bà.Trong một cuộc phỏng vấn do Đài Phát Thanh Little Saigon Radio tại Hoa Kỳ thực hiện ngày 24-01-2001, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận (vừa được tấn phong Hồng Y ngày 21-01-2001) sau khi nói đến tấm tình của mình đối với Giáo Hội Việt Nam, đối với Tổ quốc và dân tộc Việt Nam cũnh như với hết thảy mọi người Việt Nam, đã tâm sự về thân mẫu của mình như sau: “Tôi lại nhớ đến tất cả bà con, họ hàng, đặc biệt là tôi nhớ đến bà thân mẫu của tôi, năm nay đã 98 tuổi và đang ở tại Úc Đại Lợi.Tôi nhớ những lời thân mẫu của tôi thì đối với tôi như những lời khuyến cáo tôi trong cuộc đời linh mục. Cách đây ba năm, tôi còn nhớ nghe thuật lại là Cha Chu Quang Minh thuộc Dòng Tên ở Mỹ cùng đi với một Cha ở Uc đến thăm bà cố tôi. Hai Cha hỏi bà cố có muốn Đức Cha Thuận làm Hồng Y không? Bà cố trả lời rằng:- Thưa Cha, con không muốn.- Vì sao?- Bởi vì khi con cho con của con vào chủng viện, con chỉ cầu xin Chúa cho con của con làm Linh mục để tế lễ Chúa là con vui lòng rồi. Còn đã đi tu làm linh mục thì đâu phải ham muốn những chức quyền danh vọng gì”.Kể mẩu chuyện trên xong, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận xác quyết: “Với tôi, những lời nói trên luôn luôn là những lời nhắc nhủ của bà mẹ dạy bảo con”. Rồi ngài kể tiếp:“Cách đây mấy tháng, tôi đi giảng ở Đài Loan, tôi có ghé thăm bà cố tôi, tôi hỏi:- Hàng ngày mẹ có nhớ cầu nguyện cho con không?Bà cố nói:- Có chứ! Ngày nào cũng nhớ cầu nguyện.Tôi hỏi rằng:- Mẹ cầu xin cho con cái gì?Bà cố chỉ trả lời một câu thôi là:- Cầu cho con biết làm bổn phận đẹp lòng Chúa”.Đức Hồng Y kết luận: “Điều ấy là cái cảm tưởng mạnh mẽ của bà mẹ Việt Nam dạy con cái”. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Chân Lý (Veritas) Á Châu ở Manila, Phi Luật Tân, ngày 15-02-2001, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận nói rõ hơn tâm sự của ngài: “Đây là những bài học đơn sơ, nhưng sâu xa, đáng suy tư. Tôi sẽ không bao giờ quên”.Dõi Theo Bước Thăng Trầm Của ConNăm 1967, Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận được Giáo Hội tấn phong và bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo Phận Nha Trang. Bà mẹ Elisabeth cũng giữ một tâm nguyện. Đối với bà, chức Giám Mục bao gồm cả thiên chức linh mục. Bổn phận giám mục cũng là bổn phận linh mục. Song bổn phận chăn dắt của giám mục có phần rộng lớn hơn, bao trùm hơn, như vậy là nặng nề hơn, khó khăn hơn và nhiều trách nhiệm hơn. Vì thế, bà không thể ngưng cầu nguyện, trái lại còn cầu xin nhiều hơn nữa cho vị tân Giám Mục “biết làm bổn phận đẹp lòng Chúa”.Năm 1975, khi đất nước có những chuyển động khác thường, Nguyễn Thị Hàm Tiếu, ái nữ của bà Nguyễn Thị Am, từ Úc trở về Việt Nam bảo lãnh cho cha mẹ di tản đến Úc chỉ 5 ngày trước khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản. Lúc ấy Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận (đã là Tổng Giám Mục Phó Sài Gòn vì đã được bổ nhiệm trước đó một tháng, ngày 23-4-1975), với vai trò chủ chăn, đã chấp nhận ở lại Việt Nam sống chết với quê hương thay vì cùng cha mẹ di tản ra khỏi nước. Những cái chết bi thương của anh bà Ngô Đình Thị Hiệp, là ông Ngô Đình Khôi và của các em bà, là các ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn, hãy còn ám ảnh, đè nặng tâm can bà. Bà linh cảm một tai họa sẽ giáng xuống con bà. Bà chỉ biết cầu nguyện và phó dâng mọi sự cho Chúa. Và việc phải đến đã đến. Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận bị bắt ngày 15-8-1975, nhằm Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, bị giam giữ 13 năm trời, không xét xử. Ai có rơi vào thảm cảnh ấy mới thấu hiểu tâm trạng âu lo và đau khổ triền miên của một bà mẹ có con lâm vào vòng lao lý mà số phận ngày mai không ai đoán biết được. Khi Đức Tổng Giám Mục, con bà, nhận được giấy phóng thích ngày 21-11-1988, rồi ngày 21-9-1991 nhận lệnh trục xuất khỏi Việt Nam, thì mới hay việc Quan Phòng của Thiên Chúa thật là kỳ diệu. Bởi lẽ nếu không có Chúa an bài thì làm sao ông bà Nguyễn Văn Ấm có cơ hội đoàn tụ với con; nếu không có chương trình do bàn tay Chúa hoạch định sẵn thì làm sao Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận có dịp thi thố tài năng và đức độ của mình trong Giáo Triều Rôma cũng như chứng minh cho thế giới thấy sức sống mãnh liệt nội tại của Giáo Hội Việt Nam dù trải qua bao phong ba bão tố. Người Mẹ Chứng Nhân Thế KỷThật không đơn giản chút nào khi muốn viết về một người mẹ ngót trăm năm sống những thăng trầm của gia đình liên quan đến cả vận mệnh đất nước lẫn lịch sử của Giáo Hội Công Giáo như bà Elizabeth Nguyễn Văn Am-Ngô Đình Thị Hiệp. Chúng tôi thấy có người đang thực hiện một tác phẩm nói về bà, viết bằng tiếng Anh. Tác giả là ông Nguyễn Văn Châu. Quyển sách có tựa đề “NGO DINH THI HIEP OR A LIFETIME IN THE EYE OF THE STORM.”. Chúng tôi có đọc hơn 40 trang đầu bản thảo in trên giấy khổ 8½ x 11 mà thấy tác giả vẫn nói chưa hết cái thời thơ ấu của bà, thì vài ba trang giấy như thế này nào nói lên được gì? Tuy nhiên, với một người mẹ khiêm nhường, luôn sống cuộc sống ẩn dật như bà Elisabeth, có lẽ một vài nét phác họa chân tình của chính người con yêu dấu của bà là Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã đủ làm sáng các đức tính cao quý nơi bà.Vì vậy, chúng tôi xin mạn phép ghi lại ở đây những dòng tâm sự chân thành ấy ghi nơi lời đề tặng viết trong quyển “CHỨNG NHÂN HY VỌNG”, tập sách các bài giảng của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha Gioan Phalô II và Giáo Triều Rôma từ 12 đến 18-3-2000, lúc Đức Hồng Y còn là Tổng Giám Mục.“Mẹ Elisabeth,Người đã giáo dục con từ khi con còn ở trong bụng Mẹ.Mỗi tối Mẹ dạy con những chuyện Kinh Thánh,Mẹ kể cho con lịch sử các thánh tử đạo Việt Nam,nhất là về tổ tiên chúng ta.Mẹ dạy con yêu mến Tổ Quốc,Mẹ giới thiệu cho con Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsunhư mẫu gương các nhân đức Kitô giáo.Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽđã chôn táng các anh em mìnhbị những kẻ phản bội thảm sát,những người mà Mẹ đã chân thành tha thứ sau đó,luôn tiếp đón họ, như thể không có gì xảy ra.Khi con còn ở tù, Mẹ là nguồn an ủi nâng đỡ lớn lao cho con.Mẹ nói với tất cả mọi người:“Xin hãy cầu nguyện để con tôi được trung thành với Giáo Hộivà ở lại nơi nào Chúa muốn”. Ngày 16-9-02, một Thánh giá nữa - một cái tang lớn - lại đè nặng trên vai người mẹ vốn đã nặng chĩu gánh đau thương tròn thế kỷ: Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, người con 74 tuổi của bà mẹ ngót trăm tuổi ngồi xe lăn, người con ấy vĩnh viễn từ biệt cõi trần ngày 16-9-2002 sau khi đã hoàn tất cuộc LỮ HÀNH TRÊN ĐƯỜNG HY VỌNG. Tại sao Chúa lại để cho một con người thân xác mỏng manh như Elisabeth lại phải hứng chịu hàng loạt những mất mát lớn trong gia đình, từ các đấng sinh thành bà đến những người anh em ruột của bà, rồi người bạn đời thân yêu của bà. Và bây giờ lại đến lượt người con trai yêu dấu bà! Thật không ngờ! Dù vậy, bà không hề hoài nghi cật vấn tại sao hay một lời than trách. Giờ đây, truớc mặt bà, con của bà quả đã ra đi mang theo đúng những hành trang mà bà đã gói ghém cho con trong suốt đời bà: trung thành với Giáo Hội và ở lại nơi nào Chúa muốn. Bà tin Chúa ban cho bà nghị lực tinh thần để can đảm tuân theo Thánh ý Chúa. Bà tin rằng, linh hồn bà vẫn phải mãi mãi được tinh luyện bởi những thử thách như vậy hay nhiều hơn thế nữa, nhất là ở vào chặng chót của quãng đường dài bà đã đi và còn tiếp tục đi cho tới khi nào Chúa bảo bà dừng lại. Tai bà như nghe có tiếng thì thầm của con: “Hodie mihi, cras tibi - hôm nay phiên con, ngày mai phiên mẹ”. Bà vui vẻ đón nhận thử thách và ở trong tư thế sẵn sàng: Fiat - Xin Vâng!Hôm nay, ngày 27-01-2005, tại Sydney, Úc, bà Elisabeth thực hiện trọn vẹn tiếng Xin Vâng cho riêng bản thân mình để theo chân con mình hoàn tất cuộc lữ hành hơn trăm năm trên cõi đời ô trọc này, sau khi chứng kiến sự ra đi của người con gái Anna Hàm Tiếu đã từng gần gũi phụng dưỡng bà trong thời gian qua. Chúng ta cầu nguyện cho linh hồn Elisabeth được Chúa sớm đưa về Thiên quốc. Chúng ta cũng không quên cầu cho linh hồn Phanxicô Xavie cùng với thân mẫu đời đời hưởng nhan thánh Chúa.
(1) Năm 1907, Levecque, Khâm sứ Trung Kỳ dùng áp lực bắt các quan trong triều ký vào tờ biểu yêu cầu vua Thành Thái thoái vị và đồng ý cho Pháp lưu đày Nhà Vua. Các quan không ai dám cưỡng. Chỉ có Ngô Đình Khả quyết liệt phản kháng và giũ áo từ quan sau khi vua Thành Thái bị buộc thoái vị ngày 03-9-1907. Năm 1914, Ngô Đình Khả từ trần, hai năm sau (1916), Pháp đày vua Thành Thái ra đảo Réunion.
Bài là Nguyễn Văn Bài, cũng là một người Công Giáo làm quan trong triều đình Nhà Nguyễn, đã chống lại việc Pháp đòi đào mả vua Việt Nam.
Gs. Lê Thiên & Gs. Lê Tinh Thông (Vietcatholic News Ngày 27-01-2005)

TÁM MỐI PHÚC THẬT CHO CÁC CHÁNH TRỊ GIA

Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận
MỘT: Phúc cho những Chánh trị gia nào ý thức cao độ và hiểu biết sâu rộng về vai trò của mình. Công đồng chung Vatican II đã định nghĩa Chánh trị là một Nghệ thuật cao quý và khó khăn. Ngày nay, gần 40 năm sau, và giữa thời đại hoàn vũ hóa, định nghĩa nầy lại càng được cũng cố hơn khi chúng ta nhận thấy rằng người ta chỉ có thể đáp ứng sự yếu đuối và mong manh của hệ thống kinh tế với chìều kích toàn cầu bằng sức mạnh của Chánh trị hòan vũ kiên cố và đặt nền tảng trên những giá trị được mọn người nhìn nhận.
HAI: Phúc cho Chánh trị gia nào biết phản ảnh uy tín qua nhân cách của chính mình. Trong thời đại chúng ta, Chánh trị thế giới có biết bao tham nhũng, lạm quyền dính liền với chi phí quá cao trong các chiến dịch tranh cử. Tình trạng tiêu cực nầy ngày càng gia tăng khiến cho các nhà chánh trị ngày càng mất uy tín. Để lật ngược tình thế, cần phải đưa ra một trả lời vững chắc. Một câu trả lời bao gồm cả nổ lực canh tân và sửa đổi để phục hồi hình ảnh của nhà Chánh trị.
BA: Phúc cho Chánh trị gia nào biết hoạt động cho Công ích chứ không chỉ lo cho tư lợi. Để sống phúc thật nầy, Chánh trị gia phải tự vấn lương tâm, tự hỏi tôi đang lo việc cho dân tộc hay cho riêng tôi. Tôi có đang làm việc cho Tổ quốc, cho văn hóa hay không ? Tôi có đang làm việc để đề cao Luân lý, Đạo đức hay không ? Tôi có phục vụ chân thành cho nhân loại hay không ?

BỐN: Phúc cho Chánh trị gia nào biết trung thành sống phù hợp với Niềm Tin của mình. Niềm Tin đi đôi với đời sống dấn thân hoạt động chính trị. Cần tôn trọng những điều mình đã hứa, lời nói đi đôi với việc làm.

NĂM: Phúc cho Chánh trị gia nào thực hiện và bảo vệ sự Hiệp nhất bằng cách đặt Chúa Giêsu là trọng tâm. Chúa Giêsu vốn là trọng tâm Hiệp nhất. Sở dĩ như thế vì chia rẽ là tự hủy. Ở Pháp, người ta nói các tín hữu Công Giáo Pháp không bao giờ cùng đứng chung với nhau trừ lúc nghe đọc Phúc Âm. Theo tôi, câu nói bình dân nầy cũng có thể áp dụng cho nhiều dân tộc các nước khác được.

SÁU: Phúc cho Chánh trị gia nào dấn thân thực hiện một cuộc thay đổi tận gốc rễ. Sự thay đổi như thế xãy ra khi người ta cố gắng tranh đấu chống lại sự sa đọa trí thức như nhất quyết không gọi là Thiện những gì là Ác. Không xếp Tôn giáo vào xó riêng của cuộc sống tư riêng, nhưng biết ý thức những ưu tiên trong những chọn lựa của mình dựa trên Đức Tin có một Đại Hiến chương là Phúc Âm.

BẢY: Phúc cho Chánh trị gia nào biết lắng nghe. Biết lắng nghe tiếng dân trước, trong và sau cuộc bầu cử. Biết lắng nghe Lời Chúa qua kinh nguyện. Hoạt động của Chánh trị gia ấy sẽ đạt được nhiều chắc chắn, an ninh và hữu hiệu.

TÁM: Phúc cho Chánh trị gia nào không sợ hãi. Trước hết, không sợ ở trong Chân lý. Đức Gioan Phaolô II đã nói: người ta không bầu Chân lý. Một Chánh trị gia chỉ nên sợ chính mình mà thôi, vì chỉ có mình biết mình. Chánh trị gia không nên sợ các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong cuộc phán quyết sau hết, Chánh trị gia sẽ phải trả lẽ hành động của mình trước Thiên Chúa, chớ không phải các phương tiện truyền thông đại chúng.

(Đức Hồng-Y P.X. Nguyễn văn Thuận nhấn mạnh: tôi chỉ phát biểu như một Mục tữ)

Không có nhận xét nào: