Sứ điệp của Đức thánh cha Bênêđictô thứ 16
nhân ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 23, năm 2008
“CÁC CON PHẢI NÊN THÁNH VÀ PHẢI LÀ NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO”
“Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên các con; và các con sẽ trở thành chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8).
Các bạn trẻ thân mến,
1.Ngày quốc tế giới trẻ lần thứ 23
Cha rất vui mừng nhớ đến những kỷ niệm mà chúng ta đã cùng trãi qua tại Cologne , vào tháng 8 năm 2005. Vào cuối kỳ đại hội của niềm tin và sự hăng say khó quên, một biến cố vẫn còn khắc sâu trong tâm trí cha, cha đã hẹn với các con vào lần gặp gỡ tới, được tổ chức tại Sydney vào năm 2008. Đây sẽ là kỳ đại hội quốc tế giới trẻ lần thứ 23, với chủ đề: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, khi Ngài ngự xuống trên các con; và các con sẽ trở thành chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8). Chủ đề chính yếu của việc chuẩn bị tâm hồn cho kỳ gặp gỡ của chúng ta tại Sydney là Chúa Thánh Thần và việc truyền giáo. Vào năm 2006, chúng ta đã tập trung sự chú ý vào Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý. Và bây giờ trong năm 2007, chúng ta sẽ tìm hiểu một cách sâu xa hơn về Thần Tình Yêu. Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình tiến đến ngày quốc tế giới trẻ 2008 bằng việc suy tư về Thần Sức Mạnh và Chứng Nhân nhằm giúp chúng ta can đảm sống và mạnh dạn rao giảng Tin Mừng. Vì thế, thật quan trọng khi mỗi người trẻ chúng con, trong các cộng đoàn của mình, cùng với những người có trách nhiệm giáo dục chúng con, nên suy tư về Tác Nhân Chính Yếu của lịch sử cứu độ là Chúa Thánh Thần hay Thần Khí của Chúa Giêsu. Bằng cách này, các con có thể gặt hái được những thành quả tốt đẹp: nhận ra được căn tính đích thật của Thần Khí, trước hết bằng việc lắng nghe Lời Chúa trong Mạc Khải của Thánh Kinh; nhận thức cách rõ ràng sự hiện diện liên lĩ và sống động của Ngài trong đời sống Giáo Hội, đặc biệt khi các con tái khám phá Chúa Thánh Thần chính là “linh hồn”, hơi thở sống động của chính đời sống Kitô hữu, qua các bí tích khai tâm Kitô giáo như: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể; nhờ đó hiểu biết về Chúa Giêsu sẽ ngày càng triển nở cách sâu sắc và hân hoan hơn, và đồng thời đem Tin Mừng ra thực hành trong bình minh của thiên niên kỷ thứ ba này. Trong sứ điệp này, cha vui mừng gởi đến các con những nét đại cương để suy niệm mà các con có thể múc lấy trong suốt năm chuẩn bị này. Bằng cách này, các con có thể kiểm chứng lại phẩm chất đức tin của các con vào Chúa Thánh Thần, hãy tái khám phá điều đó nếu nó đã mất, hãy gia tăng sức mạnh nếu nó đã yếu kém, hãy nếm hưởng nó trong tình thân hữu với Thiên Chúa Cha và với Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, nhờ vào họat động không thể thiếu được của Chúa Thánh Thần. Các con đừng bao giờ quên rằng Giáo Hội, trong thực tế là chính nhân loại, là tất cả mọi người xung quanh các con lúc này và tất cả những ai đang chờ đợi các con ở tương lai, đòi hỏi rất nhiều nơi những người trẻ các con, bởi vì các con có nơi mình món quà cao quý nhất của Chúa Cha, là Thần Khí của Chúa Giêsu.
2. Lời hứa của Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh
Việc lắng nghe một cách chăm chú Lời Chúa liên quan mầu nhiệm và họat động của Chúa Thánh Thần mở ra cho chúng ta những hiểu biết lớn lao và sâu sắc mà cha sẽ tóm lượt trong những điểm sau đây.
Ít lâu trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Phần Thầy, Thầy sẽ ban cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” (Lc 24,49). Điều này đã diễn ra trong ngày Lễ Hiện xuống, khi họ tụ họp với nhau cầu nguyện trong Căn Phòng Trên Gác cùng với Đức Trinh Nữ Maria. Việc đổ tràn Thánh Thần trên Giáo Hội sơ khai chính là việc ứng nghiệm những gì đã được Thiên Chúa hứa thuở ban đầu, đã được loan báo và được chuẩn bị trong Cựu Ước.
Thật vậy, ngay từ những trang đầu, Thánh Kinh trình bày thần khí của Thiên Chúa như làn gió “bay lượn trên mặt nước” (x. St 1,2). Thánh Kinh nói rằng Thiên Chúa đã thổi hơi thở sự sống vào mũi của con người (x. St 2,7), và qua đó sự sống tràn ngập nơi con người. Sau tội nguyên tổ, thần khí của Thiên Chúa mang lại sự sống thỉnh thoảng cũng được nhận ra trong lịch sử của nhân loại, bằng cách thôi thúc các tiên tri kêu gọi Dân Tuyển Chọn trở về với Thiên Chúa và trung thành tuân theo các huấn lệnh của Ngài. Trong thị kiến nổi tiếng của tiên tri Ezekiel, Thiên Chúa cùng với thần khí của Ngài phục hồi lại sự sống của dân Do Thái, được biểu trưng bằng “những bộ xương khô” (x. Ed 37, 1-14). Tiên tri Joel đã tiên báo về “việc đổ tràn thần khí” trên muôn dân nước, không loại trừ một ai. Tác giả sách thánh đã viết rằng: “Và sau đó sẽ đến lúc Ta sẽ đổ tràn đầy thần khí của Ta trên tất cả người phàm… Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ tràn thần khí Ta trên tôi nam và tớ nữ” (Jo 3,1-2).
“Trong thời viên mãn” (Gal 4,4), thiên thần Chúa đã loan báo cho Trinh Nữ thành Nazareth rằng Chúa Thánh Thần, “quyền năng của Đấng Tối Cao”, sẽ ngự đến và bao phủ lấy bà. Con trẻ được sinh ra sẽ là đấng thánh và được gọi là Con Thiên Chúa (x. Lc 1,35). Theo những lời của tiên tri Isaia, Đấng Messia sẽ là người được thần khí của Thiên Chúa ngự đến (x. 11,1-2; 42,1). Đây cũng là lời tiên tri mà Chúa Giêsu áp dụng lại vào lúc khởi đầu của sứ vụ công khai của Người tại hội đường Nazareth . Trước sự kinh ngạc của những người hiện diện, Người nói: “Thần khí của Thiên Chúa ngự xuống trên tôi, bởi vì Ngài đã xức dầu cho Tôi và sai Tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Ngài đã sai Tôi đi công bố ơn giải thoát cho cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa.” (Lc 4, 18-19; x. Is 61, 1-2). Ngỏ lời với với những người hiện diện, Người áp dụng những lời tiên tri này vào chính bản thân mình khi nói rằng: “Hôm nay ứng nghiệm đọan Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Hơn nữa, trước khi chịu chết trên Thập giá, Người cũng đã nhiều lần nói với các môn đệ về việc xuất hiện của Chúa Thánh Thần, “Đấng An Ủi” mà sứ mạng của Ngài là làm chứng cho Người và trợ giúp các tín hữu bằng việc dạy dỗ và dẫn đưa họ đến sự toàn vẹn của Chân Lý (x. Ga 14,16-17. 25-26; 15,26; 16,13).
3.Lễ Hiện xuống, điểm xuất phát cho sứ mạng của Giáo Hội
Vào chiều ngày Phục Sinh, Đức Giêsu hiện đến với các môn đệ, “Người thổi hơi trên các ông và bảo các ông: “Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Với sức mạnh lơn lao hơn, Chúa Thánh Thần đã xuống trên các Tông đồ trong ngày lễ Hiện xuống. Chúng ta đọc được trong Tông đồ Công vụ: “Và bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một” (Cv 2,2-3).
Chúa Thánh Thần đã đổi mới các Tông đồ từ bên trong, ban tràn đầy sức mạnh cho họ để họ can đảm ra đi và mạnh dạn công bố rằng: “Đức Kitô đã chết và đã sống lại!”. Thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi, họ bắt đầu công khai loan báo với niềm xác tín (x. Cv 2,29; 4,13; 4,29.31). Những người đánh cá nhát đảm này đã trở thành những sứ giả gan dạ của Tin Mừng. Ngay cả những kẻ thù của họ cũng không thể nào hiểu nỗi làm thế nào mà những người “không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân” (x. Cv 4,13) lại có thể trở nên can đảm và chịu đựng được những khó khăn, đau khổ và bách hại với niềm hân hoan. Không có gì có thể ngăn cản họ. Đối với những ai cố gắng bắt họ im tiếng, họ đáp lại rằng: “chúng tôi không thể không công bố những gì chúng tôi đã chứng kiến và được nghe” (Cv 4,20). Đây là cách thức mà Giáo Hội đã được khai sinh, và từ ngày lễ Hiện Xuống, Giáo Hội không ngừng loan báo Tin Mừng “đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
4. Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội và nguyên lý của sự hiệp thông
Nếu chúng ta muốn hiểu sứ mạng của Giáo Hội, chúng ta phải quay trở về Căn Phòng Trên Gác, nơi mà các Tông đồ đã quy tụ với nhau (x. Lc 24,49), và cùng cầu nguyện với Đức Maria, là “Người Mẹ”, mong đợi Chúa Thánh Thần, là đấng được hứa ban xuống cho các ngài. Hình ảnh của Giáo Hội thời sơ khai nên là nguồn cảm hứng thường hằng cho mỗi cộng đoàn Kitô hữu. Thành quả của các Tông đồ và của các nhà truyền giáo trên căn bản không dựa vào những chương trình hay các phương pháp mục vụ được vận dụng cách khéo léo và hiệu quả, nhưng chính là kết quả của việc cầu nguyện thường xuyên của cộng đoàn (x. Evangelii Nuntiandi, 75). Hơn nữa, để việc truyền giáo đạt hiệu quả, các cộng đoàn phải được hợp nhất, điều đó có nghĩa là, họ phải “một lòng và một ý” (Cv 4,32), và họ phải sẵn sàng làm chứng cho tình yêu và niềm hân hoan mà Chúa Thánh Thần đã nhuần thấm trong tâm hồn của các tín hữu (Cv 2,42). Vị tôi tớ của Thiên Chúa là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết rằng, quan trọng hơn cả hoạt động, sứ mạng của Giáo Hội trước tiên là làm chứng và sống theo cách thức có thể tỏ lộ cho người khác thấy (x. Redemptoris Missio, 26). Tertullianô cho chúng ta biết về những gì đã xãy ra vào những ngày đầu của Kitô giáo, những người ngoại giáo đã trở lại đạo khi họ nhìn thấy sự ngự trị của tình yêu giữa các Kitô hữu: “Hãy nhìn xem họ yêu thương nhau dường nào” (Hộ giáo, 39 § 7).
Để kết luận cho đoạn phân tích ngắn gọn về lời Chúa trong Thánh Kinh, cha mời gọi các con hãy nhận ra Chúa Thánh Thần chính là hồng ân cao quý nhất của Thiên Chúa dành cho con người và từ đó nhận ra bằng chứng cao cả của tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, một tình yêu được diễn tả cách đặc biệt bằng “lời xin vâng với sự sống” mà Thiên Chúa muốn dành cho mọi loài thụ tạo. Tiếng đáp “xin vâng với sự sống” này đạt đến sự viên mãn nơi Chúa Giêsu thành Nazareth và trong chiến thắng của Người trên sự dữ bằng việc cứu chuộc. Về khía cạnh này, chúng ta đừng quên rằng Tin Mừng của Chúa Giêsu, cách chính xác được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần, không thể bị giảm thiểu như cách trình bày sự kiện, bởi vì Tin Mừng đựơc viết ra với mục đích là “tin vui cho người nghèo, sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, ánh sáng cho kẻ mù loà…”. Những gì nhận thấy trong ngày lễ Ngũ Tuần có sức sống mãnh liệt làm sao, vì nó trở thành ân sủng và trách nhiệm của Giáo Hội đối với thế giới, là sứ mạng ưu tiên của Giáo Hội!
Chúng ta chính là hoa trái của sứ mạng này của Giáo Hội dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta mang theo nơi mình Chúa Thánh Thần là dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa Cha nơi Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa luôn nhắc nhớ mỗi cá nhân, và mong muốn khơi dậy làn gió và ngọn lửa của một lễ Hiện xuống mới trong thế giới, đặc biệt qua các bạn là những người trẻ.
5.Chúa Thánh Thần là “Thầy Dạy đời sống nội tâm”
Các bạn trẻ thân mến, ngày nay Chúa Thánh Thần bằng sức mạnh của Ngài vẫn còn tiếp tục họat động trong Giáo Hội, và hoa trái của Thần Khí càng gia tăng cách dồi dào trong chúng ta khi chúng ta biết mở lòng mình ra đón lấy sức mạnh này để đổi mới mọi sự. Với lý do này, điều quan trọng là mỗi người trong chúng ta phải nhận biết Thần Khí ấy và sống tương quan với Ngài và để Ngài hướng dẫn chúng ta. Tuy nhiên, về điều này, một vấn đề nẩy sinh một cách tự nhiên: Chúa Thánh Thần đối với tôi là Đấng nào? Thực tế, đối với nhiều Kitô hữu, Ngài vẫn là “Đấng Vô Danh”. Đó là lý do tại sao, khi chúng ta chuẩn bị cho ngày quốc tế giới trẻ sắp tới, cha muốn mời gọi các con tìm hiểu về Chúa Thánh Thần cách sâu sắc hơn trên bình diện cá nhân. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng: “Tôi tin kính Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” (Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli). Vâng, Chúa Thánh Thần là Thần Khí tình yêu của Cha và Con, là cội nguồn của sự sống làm cho chúng ta nên thánh, “vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tuy nhiên, điều đó chưa đủ cho chúng ta biết về Chúa Thánh Thần, chúng ta phải đón nhận Ngài như là người hướng dẫn tâm hồn chúng ta, như là “Thầy Dạy đời sống nội tâm” giới thiệu cho chúng ta về mầu nhiệm Ba Ngôi, bởi vì chỉ có Ngài mới khai mở đức tin cho chúng ta và cho phép chúng ta sống đức tin ấy mỗi ngày một hoàn hảo. Thần Khí thúc đẩy chúng ta hướng đến những người khác, nhóm lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu, làm cho chúng ta trở nên những nhà truyền giảng về lòng thương xót của Thiên Chúa.
Cha luôn biết những người trẻ các con, nơi tâm hồn mình, hiểu biết rất rõ về Đức Giêsu và yêu mến Người, và các con rất mong ước được gặp Người và trò chuyện cùng Người. Tuy vậy, các con nên nhớ cách xác quyết rằng Chúa Thánh Thần hiện diện bên trong mỗi người chúng ta sẽ củng cố, thiết lập và xây dựng nhân vị chúng ta trên Ngôi vị của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh. Do đó, chúng ta phải kết thân với Chúa Thánh Thần, để Ngài kết thân chúng ta với Chúa Giêsu.
6. Bí tích Thêm sức và Thánh thể
Có lẽ các con sẽ hỏi rằng chúng ta phải làm thế nào để cho Chúa Thánh Thần canh tân bản thân và gia tăng đời sống thiêng liêng nơi chúng ta? Như các con biết, chúng ta có thể trả lời rằng: chúng ta có thể thực hiện điều đó qua các Bí tích, vì đức tin được khai sinh và được lớn lên trong chúng ta nhờ các Bí tích, đặc biệt là các Bí tích khai tâm Kitô giáo: Rửa tội, Thêm sức và Thánh thể là những Bí tích căn bản và không thể tách rời (x. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1285). Chân lý liên quan đến ba bí tích khai sinh chúng ta trong đời sống Kitô hữu có lẽ bị sao lãng trong đời sống đức tin của nhiều Kitô hữu. Họ xem các bí tích này như những sự kiện đã đi vào quá khứ và không hề có một giá trị thật sự nào trong cuộc sống hiện tại, điều đó giống như những rễ cây đánh mất đi dưỡng chất mang lại sự sống. Điều này cũng xảy ra với nhiều người trẻ xa rời đời sống đức tin sau khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Cũng có những người trẻ chưa hề lãnh nhận bí tích này. Tuy nhiên, qua Bí tích Rửa tội, Thêm sức và tiếp đến là Bí tích Thánh Thể, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa Cha, thành anh chị em của Chúa Giêsu, là thành viên của Giáo Hội, có khả năng trở thành chứng nhân đích thực của Tin Mừng, và có thể nếm hưởng được sự hoan lạc trong đức tin.
Do đó cha mời gọi các con hãy suy nghĩ về những gì cha viết cho các con. Ngày nay, đặc biệt rất cần thiết để tái khám phá Bí tích Thêm sức và vai trò quan trọng của nó trong việc phát triển đời sống tâm linh của chúng ta. Những ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức nên nhớ rằng họ đã trở nên “những đền thờ của Chúa Thánh Thần”: Thiên Chúa cư ngụ trong họ. Các con hãy luôn nhận thức điều này và cố gắng để gia tài quý giá này mang đến cho các con những hoa trái thánh thiện. Đối với những ai đã rửa tội nhưng chưa lãnh nhận Bí tích Thêm sức, hãy chuẩn bị để lãnh nhận và nên biết rằng bằng cách này các con sẽ trở nên những Kitô hữu “hoàn hảo”, bởi vì Bí tích Thêm sức làm hoàn thiện hồng ân đã lãnh nhận khi Rửa tội. (x. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1302-1304).
Bí tích Thêm sức ban cho chúng ta sức mạnh đặc biệt để làm chứng và tôn vinh Thiên Chúa trong suốt cuộc đời chúng ta (x. Rm 12,1). Trước hết, bí tích này giúp chúng ta nhận ra chúng ta thuộc về Giáo Hội, “Nhiệm Thể Chúa Kitô”, mà tất cả chúng ta là những chi thể sống động, trong sự liên đới với nhau (x. 1Cr 12, 12-25). Khi để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, mỗi người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội có thể góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội bằng những đặc sủng được Chúa Thánh Thần ban tặng, “vì Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (x. 1Cr 12,7). Khi Thánh Thần họat động, Ngài ban cho linh hồn những hoa quả của Ngài, như “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (x Gal 5,22). Đối với những ai trong các con chưa lãnh nhận Bí tích Thêm sức, cha chân thành mời gọi hãy chuẩn bị lãnh nhận bí tích này, và tìm sự trợ giúp nơi các linh mục của các con. Đó chính là cơ hội đặc biệt của ân sủng mà Thiên Chúa tặng ban cho các con. Đừng bỏ lỡ cơ hội này!
Cha cũng muốn nói về Bí tích Thánh Thể. Để lớn lên trong đời sống Kitô hữu, chúng ta cần được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu của Đức Kitô. Thực vậy, chúng ta được rửa tội và được thêm sức nhằm hướng đến Bí tích Thánh Thể (x. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 1322; “Sacramentum Caritatis”, 17). “Cội nguồn và chóp đỉnh” của đời sống Giáo Hội, Bí tích Thánh Thể là “lễ Hiện xuống không ngừng”, bởi vì mỗi giây phút chúng ta cử hành Thánh lễ là chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần, đấng liên kết chúng ta mật thiết với Đức Kitô và biến đổi chúng ta nên giống Người. Các bạn trẻ thân mến của cha, nếu các con thường xuyên tham dự cử hành Thánh thể, nếu các con dành thời gian để tôn sùng Bí tích cực thánh này, thì từ nguồn mạch tình yêu là Bí tích Thánh Thể, các con sẽ hân hoan cống hiến cuộc sống của các con cho các đòi hỏi của Tin Mừng. Đồng thời, các con cũng có thể cảm nghiệm được rằng khi sức lực của chúng ta không đủ, thì Chúa Thánh Thần, đấng biến đổi chúng ta, sẽ lấp đầy chúng ta bằng sức mạnh của Ngài và làm cho chúng ta trở nên những nhân chứng tràn đầy nhiệt tình truyền giáo của Đức Kitô Phục sinh.
7. Nhu cầu và tính cấp bách của việc truyền giáo
Nhiều người trẻ nhìn cuộc sống của họ với sự e ngại và đặt ra nhiều câu hỏi cho tương lai. Họ khắc khoải chất vấn: Làm sao chúng ta có thể hòa nhập vào trong một thế giới đang được ghi dấu bởi quá nhiều những bất công tàn bạo và quá nhiều những đau khổ? Chúng ta nên làm thế nào để đối phó với tính ích kỷ và nạn bạo lực đôi khi chiếm ưu thế? Chúng ta làm thế nào để cho cuộc sống của mình đầy ý nghĩa? Làm cách nào để những hoa trái của Thần Khí được nói đến ở trên, “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (số 6) có thể phủ lấp thế giới đầy đau khổ và dễ vỡ, là thế giới của hầu hết mọi người trẻ? Trong hoàn cảnh nào thì Thần Khí mang lại sự sống của cuộc tạo dựng đầu tiên và đặc biệt của công cuộc tạo dựng thứ hai, hay còn gọi là công cuộc cứu độ, có thể trở thành một linh hồn mới của nhân loại? Chúng ta đừng quên rằng hồng ân cao quý của Thiên Chúa càng lớn lao – và hồng ân của Thần Khí của Đức Giêsu là cao quý nhất trong tất cả các ân huệ - thì nhu cầu của thế giới đón nhận ân huệ này càng lớn, cho nên sứ mạng của Giáo Hội trở nên nhân chứng đáng tin cậy cho thế giới càng lớn lao và sinh động hơn. Các con là những người trẻ, qua Ngày quốc tế giới trẻ, các con được mời gọi tham dự vào sứ mạng này. Về khía cạnh này, các bạn trẻ thân mến của cha, cha muốn nhắc các con vài chân lý chính yếu để các con suy niệm. Một lần nữa cha xin lặp lại là chỉ có Đức Kitô mới có thể lấp đầy mọi khát vọng thầm kín nhất trong tâm tư của mọi con người. Chỉ có Đức Kitô mới có thể nhân hoá bản tính con người và đưa nó đến sự “thần hóa”. Nhờ sức mạnh Thần Khí của Người, Người đổ tràn đức ái thần linh của Người trong chúng ta, làm cho chúng ta có khả năng yêu thương người thân cận và sẳn sàng phục vụ họ. Chúa Thánh Thần soi sáng chúng ta, mạc khải cho chúng ta về Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, và chỉ cho chúng ta cách thức để trở nên giống Người hơn, để chúng ta có thể “trở nên hình ảnh và dụng cụ của tình yêu tuôn chảy từ Đức Kitô” (“Deus caritas est”, 33). Những ai để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn sẽ hiểu rằng việc phục vụ Tin Mừng không phải là một điều phụ thuộc chẳng có tính bắt buộc, bởi vì họ hiểu được tính khẩn cấp của việc loan báo Tin Mừng cho người khác. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ lại rằng chúng ta chỉ nên nhân chứng của Đức Kitô khi chúng ta để mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng là “tác nhân chính yếu của việc loan báo Tin Mừng” (x. Evangelii Nuntiandi, 75) và “ tác nhân chính yếu của việc truyền giáo” (x. Redemptoris Missio, 21).
Các bạn trẻ thân mến của cha, như những người tiền nhiệm đáng kính của cha là Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu trong vài dịp, ngày nay đối với các tín hữu, việc loan báo và làm chứng cho Tin Mừng càng cần thiết hơn bao giờ hết (x. Redemptoris Missio, 1). Có nhiều người nghĩ rằng việc trình bày kho tàng đức tin quý giá cho những người không cùng chia sẻ niềm tin với chúng ta có nghĩa là gây khó chịu cho họ, nhưng vấn đề không nằm ở chỗ đó, bởi vì việc trình bày Chúa Kitô không có nghĩa là áp đặt Người (x. Evangelii Nuntiandi, 80). Hơn nữa, cách đây hai ngàn năm, Mười Hai Tông đồ đã hiến dâng cuộc sống mình để mọi người được biết và yêu mến Đức Kitô. Suốt nhiều thế kỷ sau đó, Tin Mừng được tiếp tục loan báo nhờ những con người được tác động bởi niềm hăng sai truyền giáo. Ngày nay cũng cần các môn đệ của Chúa Kitô hăng hái cống hiến thời gian và sức lực để phục vụ cho Tin Mừng. Cũng cần những người trẻ biết để cho tình yêu của Thiên Chúa đốt nóng tâm hồn họ và họ sẽ quảng đại đáp lại lời mời gọi khẩn thiết của Người, cũng như nhiều vị chân phước và vị thánh trẻ đã làm trong quá khứ và cũng như trong thời gian gần đây. Đặc biệt, cha cam đoan với các con rằng Thần Khí của Chúa Giêsu hôm nay cũng mời gọi những người trẻ các con hãy trở thành những người mang Tin Mừng của Chúa Giêsu cho những người đồng thời với các con. Khó khăn không thể chối cãi của những người lớn khi muốn tiếp cận một cách đầy cảm thông và thuyết phục thế giới của những người trẻ có thể là dấu chỉ qua đó Chúa Thánh Thần muốn thúc đẩy chính những người trẻ các con phải đảm nhận nhiệm vụ này. Các con biết nhiều tư tưởng, ngôn ngữ, và cũng như những vết thương, những nỗi khắc khoải, và đồng thời các con cũng mong muốn cống hiến những gì tốt đẹp cho những người đương thời. Điều này mở ra một thế giới rộng lớn của những cảm xúc, công việc, sự giáo dục, những nỗi khắc khoải, và đau khổ của người trẻ... Mỗi người trong các con phải can đảm tuyên hứa cùng Chúa Thánh Thần rằng các con sẽ mang đến cho Chúa Giêsu một người trẻ theo cách tốt nhất của các con, các con phải biết cách “trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của các con, nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng” (1 Pr 3,15).
Để có thể đạt được mục tiêu này, các bạn trẻ thân mến của cha, các con phải nên thánh và phải là những nhà truyền giáo, bởi vì chúng ta không thể nào tách rời sự thánh thiện ra khỏi việc truyền giáo (x. Redemptoris Missio, 90). Các con đừng bao giờ sợ trở thành những vị thánh truyền giáo giống như thánh Phanxicô Xaviê đã du hành đến miền Viễn Đông để loan báo Tin Mừng cho đến hơi thở cuối cùng, hay giống như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là nhà truyền giáo mặc dù ngài chưa bao giờ rời khỏi tu viện Cát Minh. Cả hai ngài là “Những Thánh Bổn Mạng của Các Xứ Truyền Giáo”. Các con hãy sẵn sàng đánh đổi cuộc đời của các con để soi sáng thế giới bằng chân lý của Chúa Kitô, đáp lại lòng căm thù và việc xem thường mạng sống bằng tình yêu, để loan báo niềm hy vọng vào Chúa Kitô phục sinh ở mọi nơi trên trái đất này.
8. Việc khẩn cầu “một lễ Hiện Xuống mới” trên thế giới
Các bạn trẻ thân mến của cha, cha hy vọng gặp lại tất cả các con tại Sydney vào tháng 7 năm 2008. Đó sẽ là cơ hội mà Thiên Chúa quan phòng để chúng ta cảm nghiệm được sự hoàn hảo của sức mạnh Chúa Thánh Thần. Các con hãy đến đấy thật nhiều để trở nên dấu hiệu của niềm hy vọng và đem đến cho cộng đòan Giáo Hội tại Úc đang chuẩn bị đón tiếp các con một khích lệ lớn lao. Đối với các người trẻ ở quốc gia đón tiếp các con, đó sẽ là cơ hội hiếm có để loan báo vẽ đẹp và niềm vui của Tin Mừng cho xã hội bị tục hóa về nhiều phương diện. Nước Úc cũng giống như tất cả các quốc gia của Châu Đại Dương, cần phải tái khám phá căn tính Kitô giáo của mình. Trong Tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục Châu Đại Dương, đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tại Châu Đại Dương chuẩn bị cho công cuộc loan báo Tin Mừng mới cho các dân tộc ngày nay đang khao khát Đức Kitô... Công cuộc loan báo Tin Mừng mới là ưu tiên hàng đầu cho Giáo Hội tại Châu Đại Dương” (số18).
Cha mời gọi các con hãy dành thời gian để cầu nguyện và đào luyện tâm linh trong suốt giai đọan cuối của hành trình hướng đến Ngày quốc tế giới trẻ lần thứ 23, để tại Sydney các con có thể canh tân lại lời hứa mà các con đã tuyên hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức. Cùng với nhau chúng ta sẽ khẩn cầu Chúa Thánh Thần, tin tưởng nài xin Thiên Chúa ban ân sủng của một lễ Hiện Xuống mới cho Giáo Hội và nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba này.
Nguyện xin Mẹ Maria, đấng đã cùng với các Tông đồ cầu nguyện tại Căn Phòng Trên Gác, đồng hành với các con trong suốt những tháng ngày này và lãnh nhận cho những người Kitô hữu trẻ hồng ân mới mẽ của Chúa Thánh Thần để nung nấu con tim họ. Các con hãy nhớ rằng: Giáo Hội đặt niềm tin nơi các con! Chúng tôi là các Chủ Chăn, cách đặc biệt nguyện chúc các con thêm lòng yêu mến và biết hướng dẫn người khác yêu mến Chúa Giêsu, và chúc các con luôn dõi bước theo Người cách trung tín. Với tất cả tấm lòng, cha chúc lành cho tất cả các con.
Từ Lorenzago, ngày 20 tháng 07 năm 2007
Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét