Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2008

GIAO LY CUA HOI THANH VE PHA THAI


GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH VỀ PHÁ THAI

1. Phá thai là vi phạm trầm trọng luật luân lý:

Dựa vào Lời Chúa và ánh sáng lương tri, Hội Thánh luôn luôn dạy rằng tự ý và trực tiếp phá thai là một trọng tội. Hội Thánh tin rằng Chúa là Đấng tạo thành Sự Sống của con người: "Người dựng nên ta, ta là của riêng Người." ( Tv 100, 3 ).

Sự Sống của con người là một quà tặng của Thiên Chúa hằng hữu ban cho nhân loại. Thiên Chúa ban Sự Sống cho con người không phải để con người làm chủ tuyệt đối nhưng để làm kho tàng cho con người quản lý và con người phải trả lẽ trước nhan Người ( x. Mt 25, 14 – 30; Lc 19, 12 – 27 ). Chúa canh chừng Sự Sống của con người ( x. St 9, 5 – 63 ) và cấm chúng ta không được giết người ( Xh 20, 13; Mt 5, 21 ). Vì thế, Sự Sống của con người là thiêng thánh và bất khả xâm phạm trong tất cả quá trình hoàn thành của nó từ đầu cho đến cuối.

Chúa Giê-su Ki-tô ra luật yêu người, buộc chúng ta phải tôn trọng, bảo trợ và thăng tiến Sự Sống của tha nhân. Bởi vậy, thủ tiêu Sự Sống của con người là hoàn toàn đi ngược lại với huấn lệnh Người đã truyền cho chúng ta là phải yêu tha nhân đến hy sinh mạng sống mình.

Hội Thánh ở khắp nơi và trong mọi thời bao giờ cũng nhắc lại lệnh truyền của Chúa về tính bất khả xâm phạm của Sự Sống con người vô tội, dù Sự Sống ấy mới chỉ manh nha. Từ xưa đến nay Hội Thánh luôn luôn nhất trí về điểm này và không hề nhượng bộ một ly.

Ngay từ những bước đầu, cộng đồng Ki-tô hữu theo gương Chúa Ki-tô và vâng lệnh Người truyền về bổn phận phải yêu thương các trẻ nhỏ, đã can đảm đương đầu với thế giới ngoại giáo trong việc bảo vệ giá trị Sự Sống của con người, dù nó chưa thành hình, qua đoạn văn sau đây:

"Không được giết... không được phá thai làm cho đứa trẻ chết... Không được giết nó sau khi nó đã ra đời… Đó là con đường đưa tới sự chết... Những người ấy không biết Đấng tạo thành nên họ, họ giết con họ, họ phá thai làm cho các thọ tạo của Chúa phải chết." [1]

Trong nhiều Công Đồng, Hội Thánh đã ra những hình phạt rất nặng [2] . Huấn quyền Tòa Thánh cũng đã nhiều lần mạnh mẽ lên tiếng rằng phải nghiêm cấm phá thai. Các Đức Giáo Hoàng, các Hội Đồng Giám Mục và các Giám Mục nhân danh cá nhân, đều nhất trí và cương quyết bày tỏ thái độ về vấn đề này [3] . Công Đồng Vatican II quả quyết:

"Thiên Chúa, Đấng làm chủ Sự Sống đã giao cho loài người nhiệm vụ cao quí Bảo Vệ Sự Sống, và con người phải đảm trách nhiệm vụ này một cách xứng đáng. Phải hết sức ân cần Bảo Vệ Sự Sống ngay từ lúc thụ thai. Phá thai và giết trẻ thơ là những tội ác đáng ghê tởm” [4] .

Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã tuyên bố là Hội Thánh giữ vững lập trường bất di bất dịch về vấn đề phá thai [5] . Nhân dịp kỷ niệm 15 năm làm Giáo Hoàng, ngài đã xác quyết:

"Và chúng tôi, người đã tự đặt ra cho mình chỉ thị rõ rệt là phải tuyệt đối trung thành với giáo huấn của Công Đồng. Chúng tôi đã đặt vấn đề bảo vệ Sự Sống dưới mọi hình thức nó có thể bị đe dọa, thương tổn hay thủ tiêu, làm chương trình hành động cho nhiệm kỳ của chúng tôi. Nhưng việc Bảo Vệ Sự Sống phải bắt đầu ngay từ nguồn mạch. Vì thế, Hội Thánh Công Giáo mới phải nhắc đi nhắc lại Giáo Lý về vấn đề ly dị và phá thai, cũng như lưu ý mọi người về thực tại đau lòng và những hậu quả rất nặng nề của hai vấn đề đó. Những lời xác quyết ấy, chúng tôi đã chỉ đưa ra, nhân danh trách nhiệm tối cao của chúng tôi là thày dạy và người dìu dắt Hội Thánh khắp nơi và vì lợi ích của loài người”. [6]

Không phải chỉ có Đức Tin Ki-tô giáo mà cả lương tri nhân loại cũng cho phá thai là một trọng tội, vì như thế là thủ tiêu một cách tàn bạo một con người vô tội không có phương thế tự vệ, đang cần mọi sự và cần đến mọi người.

Phá thai chắc chắn là một trong những bất công tệ hại nhất phạm đến con người. Chẳng những con người không được nhìn nhận như một nhân vị mà quyền sống là quyền căn bản nhất cũng bị chà đạp dưới chân, và không thể lấy lại được một khi đã mất.

Tính bất công của tội phá thai còn hóa ra nặng thêm, bởi lẽ đứa trẻ trong bụng mẹ là một kẻ vô tội không có phương thế nào để tự vệ; nó bị thủ tiêu do chính những người đã đưa nó tới Sự Sống và do những người đáng lý ra phải bảo vệ và bênh vực Sự Sống của nó như các bác sĩ và y tá.

Lương tri của mọi người đều nhìn nhận nguyên lý hiển nhiên và thiêng thánh này là phải tôn trọng Sự Sống của con người, ngay từ khi nó còn là bào thai. Y giới ngay từ thời xa xưa đã đặt nguyên lý này làm trọng tâm cho hoạt động và tài nghệ của mình, như lời thề của Hippocrate chứng tỏ: "Tôi sẽ không cho ai một thứ thuốc giết người theo lời yêu cầu của người ấy, và tôi sẽ không khuyên bảo gì theo hướng này; tôi cũng sẽ không cho người đàn bà nào một thứ thuốc phá thai". [7]

Nhiều người viện lý để bào chữa cho việc phá thai khi nói rằng đứa trẻ sẽ sinh ra chưa phải là một người. Lập trường này không thể chấp nhận được, vì thụ thai đã là khởi nguyên của một con người cụ thể rồi.

2. Tội và hình phạt dành cho việc phá thai:

Vì những lý do nêu trên, những người xin phá thai, làm nghề phá thai, cộng tác vào việc phá thai một cách tự nguyện và ý thức, đều phạm một tội rất nặng.

Cũng như đối với các tội khác, phán quyết luân lý về những người phá thai hay cộng tác vào việc phá thai, phải căn cứ vào giá trị của Sự Sống con người và dựa vào hoàn cảnh khác nhau của các đương sự. Phải chăm chú cứu xét và thẩm định những hoàn cảnh này một cách thiết thực, mà không tiên thiên kết án hay xá giải, với một sự tế nhị đặc biệt dành cho những người đang trải qua những thảm cảnh bi đát.

Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông người Công Giáo nào can tội phá thai. Vạ này có tính tức thời, nghĩa là không cần phải tuyên bố án lệnh và quyền giải vạ này dành cho Vị Thường Quyền ( GL 1398 ). Ai bị vạ tuyệt thông thì không được lãnh nhận các bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể.

Để tránh những sự giải thích sai lạc và nhất là để thẩm định một cách tích cực nội dung và tinh thần của vạ này, cần lưu ý mấy điểm sau đây:

- Người tín hữu nào bị vạ tuyệt thông thì phải loại ra ngoài, không được hiệp thông với Hội Thánh, và vì thế không được tham dự các Bí Tích như mới nói. Hình phạt này nặng ở chỗ người ấy không được rước Mình Thánh Chúa và do đấy, không được tham dự vào hoạt động được coi như tuyệt đỉnh của đời sống Ki-tô hữu.

- Cũng như tất cả các hình phạt của Hội Thánh, vạ tuyệt thông dành cho tội phá thai nhằm trước hết là phòng ngừa, chữa trị và giáo dục. Quả thế, Hội Thánh dùng vạ tuyệt thông để tố cáo việc phá thai và coi đó là một hành động không thể dung hợp được với những đòi hỏi của Tin Mừng, đồng thời giúp người đã phá thai có dịp suy nghĩ mà ăn năn hối cải, để lại được sống trong ơn nghĩa. Ngoài ra, vạ này cũng còn là một lời nhắc nhở cho những ai yêu cầu phá thai hay hành nghề phá thai phải coi chừng.

- Chỉ bị vạ tuyệt thông trong một số trường hợp mà thôi. Hội Thánh phạt người phá thai khi người ấy thật sự lỗi nặng và biết lỗi như thế là mắc vạ tuyệt thông.

- Vạ dành cho người phá thai có tính tức thời như đã nói, nghĩa là ngay sau khi phá thai chứ không cần phải xét xử hay tuyên bố gì cả ( vạ tuyệt thông tiền kết ).

Hậu quả tai hại của việc phá thai chỉ có thể hiểu được, khi nhìn vấn đề theo chiều kích xã hội của tội. Do tội của mình mà người Ki-tô hữu, thành phần của Thân Thể mầu nhiệm, không những xúc phạm đến Thiên Chúa là Cha mà còn làm tổn thương cho Hội Thánh ( x. Ánh sáng muôn dân số 11 ). Hơn nữa, ai can tội phá thai là đi ngược lại với sứ mệnh phục vụ và Bảo Vệ Sự Sống vừa chớm nở của Hội Thánh. Người ấy làm cho hành động cụ thể của Hôi Thánh mất tính khả tín và hữu hiệu. Như vậy, vạ tuyệt thông nhằm làm cho thấy rõ người tín hữu nào phá thai là phạm tội phản nghịch cùng Hội Thánh.

Đó là lý do tại sao dành quyền tha vạ cho Vị Thường Quyền nghĩa là Giám Mục hay Linh Mục được thừa quyền.

Trong hoàn cảnh xã hội và văn hóa hiện nay, người ta ít nhạy cảm với ý nghĩa tích cực của hình phạt này. Vì thế có nhiều người tự hỏi không biết Hội Thánh duy trì hình thức này có còn hợp thời hay không, và nhiều người khác lại cho rằng hình thức này đã lỗi thời và hoàn toàn xa lạ với tinh thần đích thật của Tin Mừng.

Thật ra, trả lời cho câu hỏi và vấn nạn này cũng không khó, nếu hiểu rõ ý nghĩa đích thật của vạ tuyệt thông, khi dựa vào sứ mệnh và đời sống của Hội Thánh. Vì tính trầm trọng của tội và vì não trạng của người thời nay chẳng chịu ý thức vấn đề là mấy, nên Hội Thánh phải duy trì hình thức vạ tuyệt thông để tôn trọng giá trị của Sự Sống và bênh vực những kẻ yếu nhất và những người vô tội.

Nhiều người lại còn hỏi rằng tại sao Hội Thánh duy trì vạ tuyệt thông nhằm phạt người phá thai mà lại không phạt vạ những người khác phạm những tội nặng không kém tội phá thai. Nếu suy nghĩ kỹ một chút, người ta sẽ thấy rằng phá thai rõ ràng là một tội giết người, bởi vì đứa trẻ sắp sinh hoàn toàn không thể tự bảo vệ, và dù Nhà Nước không coi phá thai là một trọng tội, nhưng vẫn coi giết người là một trọng tội.

3. Phá thai trước pháp luật đời:

Khi nói đến phá thai, không nên chỉ nghĩ đến chiều kích luân lý cho mỗi cá nhân yêu cầu phá thai, mà còn phải nhìn vấn đề theo hướng xã hội nữa.

Quả thật, phá thai là một hiện tượng xã hội vì nhiều lẽ. Trước hết, phá thai có ảnh hưởng sâu xa đến mối liên lạc giữa hai con người với nhau là người mẹ và đứa con. Tiếp đến, nó lại tác động trên đôi vợ chồng, trên gia đình và xa rộng hơn, trên môi trường xã hội. Vì thế, phá thai phải được nhà cầm quyền chú ý theo dõi và can thiệp.

Khi can thiệp vào Sự Sống vừa chớm nở, nhà cầm quyền không thể chỉ đưa ra một đạo luật, tuy là cần thiết, để cấm phá thai và coi phá thai là một trọng tội, mà còn phạt trừng phạt cách công minh và công bình tùy theo những hoàn cảnh cụ thể. Tuy vậy, một đạo luật như thế tự nó cũng không giải quyết được tất cả vấn đề phá thai, một vấn đề rất khó khăn phức tạp.

Thành ra, trước hết Nhà Nước phải dựa vào một nền giáo dục và văn hóa biết tôn trọng và phát huy giá trị của Sự Sống, đồng thời ý thức trách nhiệm đối với Sự Sống. Lại phải dựa vào một sự trợ giúp mang tính xã hội, gồm các sáng kiến tài trợ và biện pháp nhằm ngăn chặn và nâng đỡ những người không muốn có thai hay gặp khó khăn khi mang thai.

Nhưng vì dân chúng thiếu hiểu biết về văn hóa và xã hội, nên nhiều khi nhà cầm quyền phải đối phó với việc phá thai lén lút, kèm theo những khó khăn và nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mệnh của người mẹ.

Vì thế, cần phải có luật pháp can thiệp để ấn định trong trường hợp xã hội này. Người ta hay nại đến nguyên tắc dung thứ mà dựa vào đó Nhà Nước có thể hay phải dung thứ một cái họa nhỏ để tránh những cái họa khác lớn hơn.

Nhưng nguyên tắc dung thứ khi áp dụng vào thực tế không biện minh được việc cho phép trực tiếp loại bỏ một người vô tội. Bộ Đức Tin tuyên bố: "Luật của loài người có thể tha không phạt, nhưng không thể tuyên bố là vô tội điều trái với luật tự nhiên, vì sự đối nghịch này đủ làm cho luật không phải là luật nữa". [8]

Áp dụng luật cho phép phá thai theo luật đời nhân danh nguyên tắc dung thứ là bất hợp pháp và không thể chấp nhận được, vì Nhà Nước không phải là nguồn mạch chính yếu phát sinh ra những quyền tự nhiên bất khả di nhượng của con người, cũng không phải là người sáng tạo và trọng tài tuyệt đối của những quyền này. Ngược lại, Nhà Nước phải phục vụ con người và cộng đồng nhân thế bằng cách nhìn nhận, bảo vệ và cổ động những quyền lợi của con người.

Vì thế, khi cho phép phá thai là Nhà Nước đi ngược lại với ý nghĩa và chính sự hiện diện của mình và làm thương tổn cách rất trầm trọng luật pháp, vì đưa vào đó một nguyên tắc hợp thức hóa bạo động đối với người vô tội bất lực và cô thế.

Những điều nói trên đưa tới phán quyết luân lý này về luật cho phép phá thai: đó là một luật tự bản chất cực kỳ vô luân lý.

Trái với những luật lương thiện và chính đáng, luật này không buộc người ta phải giữ theo lương tâm và không thể xóa bỏ được nguyên tắc: Sự Sống của con người vô tội là bất khả xâm phạm; nguyên tắc này bất di bất dịch không hề thay đổi. Con người chỉ bị ràng buộc bởi luật của Thiên Chúa ghi trong lòng mỗi người mà thôi. Luật này truyền cho ai nấy không được giết người.

Trích bài của Lm. ĐỖ XUÂN QUẾ, Dòng Đa Minh

[1] Sách Didachè II, 2; x. Athénagoras: Biện hộ cho người Ki-tô hữu, 35

[2] x. CĐ Elvire, 63; Ancyre, 21

[3] G, Caprilet: Không được giết, Roma 1973

[4] Vui Mừng và Hy Vọng số 51

[5] Huấn từ ngày 9.12.1972

[6] Bài giảng dụ ngày 29.6.1978

[7] xem E Nardi, Procurato aborto nel mundo greco romano. Milano 1971 trg. 58-66

[8] Documentation catholique số 166 trang 1072

Không có nhận xét nào: