Đức Thánh Cha nói về
THIÊN ĐÀNG, HỎA NGỤC VÀ PHÉP HÒA GIẢI
Vấn đề Thiên đàng và Hỏa ngục có hay không có đã được đặt thành vấn đề từ lâu, nhất là khi mà nền văn minh khoa học điện tử, vi tính lên đến cao độ như hiện nay.Trong một cuộc họp mặt vào ngày 7-2-2008 giữa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và các giáo sĩ / linh mục thuộc giáo phận Roma, có nhiều câu hỏi đã được đưa lên hỏi Đức Thánh Cha. Sau đây là một trong những câu hỏi do cha Pietro Riggi, linh mục Salesian thuộc dòng Borgo Ragazzi Don Bosco đưa lên Đức thánh cha. Chúng tôi xin lược dịch câu hỏi và phần giải đáp của Đức Thánh Cha Benedicto XVI. Hy vọng giúp chúng ta hiểu được thế nào là Thiên Đàng và Hỏa Ngục, thế nào là Tội và Bí Tích Hòa Giải.
Vấn đề:
Thưa Đức Thánh Cha, con hiện đang làm việc tại một trung tâm phục vụ trẻ em vị thành niên bị bỏ quên, xin hỏi Đức thánh Cha một vấn đề:
Ngày 25-3-2007 trong một bài giảng thuyết chính thức, Đức Thánh Cha đã rất lấy làm tiếc vì ngày nay người ta ít nói về “những chuyện cuối cùng” của đời người.
Thưa Đức thánh Cha, Đức Thánh Cha có nghĩ rằng khi người ta không còn tin vào những điểm chính yếu của Kinh Tin Kính, thì hệ thống lý luận giúp cho chúng ta hiểu được ơn cứu độ của Chúa Kitô có bị tan vỡ hay không? Nếu không có TỘI LỖI, ở đây chưa nói về hỏa ngục, thì ơn cứu độ của Chúa Kitô cũng bị giảm sút. Vậy thì Đức Thánh cha có nghĩ rằng khi người ta không còn ý niệm về tội lỗi thì hình ảnh thánh và cứu rỗi của một linh mục là người được Chúa ban quyền tha tội và tế lễ nhân danh Đức Kitô cũng bị mất đi hay sao?
Ngày nay, trong khi Phúc Âm thì nói về Hỏa Ngục, nhưng chúng con là những linh mục thì lại né tránh không muốn nói đến Hỏa Ngục. Chúng con cũng không biết phải nói làm sao về Thiên Đàng và nói thế nào về đời sống vĩnh cửu mai sau. Chúng con khó có thể xác định cho Niềm Tin một chiều kích mà không sợ bị sai lạc, một chiều kích chỉ có bề ngang hay nói đúng ra nó đã tách rời ra khỏi chiều thẳng đứng. Phải chăng đây là bước khởi đầu làm mất đi cấu trúc nền tảng của Giáo hội nói trong giáo lý dạy cho trẻ em và cho cả người lớn nữa.
Con cũng muốn nêu lên một điểm là chính Đức Trinh Nữ Maria cũng đã không sợ khi nói với mấy trẻ ở Fatima lúc đó cũng ở tuổi đang phải học giáo lý từ 7 đến 12, mà chính chúng con ngày nay rất nhiều lần đã bỏ qua không nói tới.
Thưa Đức Thánh Cha, xin Đức Thánh Cha nói rõ thêm cho chúng con về vấn đề này.
Giải đáp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI:
Cha đã có lý khi nói về những vấn đề căn bản của Đức Tin mà ngày nay, tiếc thay, lại thấy ít đề cập đến trong những bài giảng của chúng ta. Trong thông điệp Spe Salvi, tôi đã nói về ngày phán xét cuối cùng –phán xét chung- trong bối cảnh một luyện tội, Hỏa ngục và cả Thiên Đàng. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang bị lấn cấn vì những phản bác của những người Marxists, họ cho rằng người Kitô hữu chỉ nói về đời sau mà bỏ quên thế giới thực tại đời nay.
Vậy tôi muốn nói cho các cha biết rằng chúng ta thực sự đang hành động để giúp đời, chúng ta không phải là những người chỉ nói về những truyện xa vời chẳng giúp ích được gì cho đời sống hiện tại. Tuy nhiên dù người Kitô hữu làm việc để giúp đời là chính đáng, bởi vì chúng ta được mời gọi để thực sự biến cải thế giới đời này thành một thế giới của Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, chúng ta cũng không được quên cái chiều kích kia. Nếu chúng ta không đếm xỉa đến chiều kích đó thì chúng ta chưa thực sự giúp đời một cách trọn vẹn.
Đây là một trong những mục đích chính của tôi khi viết thông điệp Spe Salvi. Khi một người không biết có sự phán xét của Thiên Chúa thì họ cũng không biết là có hỏa ngục, không biết là đời sống của họ đã bị hư hỏng thực sự đến tận gốc rễ, họ cũng không biết là có luyện tội và luyện tội cần thiết phải có. Lúc đó con người chẳng làm gì để giúp cho đời, bởi vì họ đã đánh mất những tiêu chuẩn của cuộc sống. Họ không còn biết chính bản thân họ, không nhận biết Thiên Chúa và họ đã phá hủy đời, phá hủy thế giới. Họ đã hứa hẹn những ý thức hệ lý tưởng tuyệt vời mà họ coi như sẽ cầm chắc trong tay, không còn có thể quên được đời và thế giới. Họ sẽ thiết tạo một thế giới mới, huynh đệ, chính xác và công bằng. Nhưng ngược lại họ đã phá hủy thế giới, như chúng ta đã thấy ở chế độ Nazi Đức Quốc Xã và chế độ Cộng Sản. Họ cũng thề hứa sẽ thiết lập một thế giới đúng với nghĩa của nó, nhưng trái lại họ đã phá hủy thế giới.
Trong những cuộc thăm viếng “ad limina” của các giám mục những quốc gia cựu cộng sản, tôi luôn luôn coi những quốc gia này không phải chỉ như là một hành tinh với những tương quan con người với nhau đã bị phá hoại, nhưng trên hết và còn tệ hơn nữa là những linh hồn, vấn đề tâm linh cũng bị hủy giệt. Tìm kiếm lại lương tâm thực của con người nhờ sự soi sáng của Thiên Chúa là bổn phận hàng đầu để tái tạo lại thế giới. Đây là một kinh nghiệm chung nơi những quốc gia này. Tái tạo lại thế giới, tôn trọng tiếng kêu than thống khổ của những con người sống trên hành tinh này chỉ có thể thành công bằng cách hồi sinh Thiên Chúa trong các tâm hồn với con mắt mở rộng đón nhận Thiên Chúa.
Vậy thì, cha nói có lý. Chúng ta phải nói lên tất cả trách nhiệm của ta đối với đời, với thế giới, với con người hiện còn đang sống. Chúng ta cần phải nói một cách rõ ràng về TỘI là thứ có khả năng phá hủy chính chúng ta và cả những phương diện khác của thế giới. Trong thông điệp Spe Salvi, tôi đã cố gắng chứng minh cho mọi người thấy rằng phán xét sau cùng của Chúa bảo đảm là có công bằng thực sự. Tất cả chúng ta ai cũng mong muốn một thế giới công bằng, nhưng chúng ta không thể sửa đổi được tất cả những gì ở quá khứ đã bị phá hủy, không thể đền bù cho tất cả những người bị hành hạ và giết chết một cách bất công. Chỉ có một mình Thiên Chúa là đấng có thể tạo nên công lý và công bằng cho tất cả mọi người, kẻ sống cũng như người chết. Adarno, một tay Marxist có hạng đã từng tuyên bố: “Chỉ có xác chết sống lại –mà ông cho đó chỉ là ảo tưởng- mới có thể tạo nên được công bằng / công lý”. Nhưng chúng ta tin rằng “Xác loài người ngày sau sống lại” mà không phải tất cả mọi người lúc đó đều ngang hàng đồng đều như nhau.
Ngày nay chúng ta thường suy nghĩ và thắc mắc “Tội là cái gì?”. Thiên Chúa thì vĩ đại và toàn năng, Ngài biết chúng ta, vậy tội lỗi sẽ không đáng kể và cuối cùng Thiên Chúa tốt lành sẽ khoan dung cho tất cả mọi người. Đó là một hy vọng tuyệt vời. Nhưng có tội thì cũng phải có công bằng. Những ai hủy giệt con người và thế giới thì không thể vào ngồi ngay lập tức cùng bàn với Thiên Chúa và những nạn nhân của họ được. Nên nhớ rằng Thiên Chúa tạo nên công bằng thì đối với tôi điều đó rất quan trọng khi tôi nói về lửa luyện tội, một sự thực hiển nhiên đối với tôi, hiển nhiên và cần thiết đến độ không thể bỏ qua không nói đến được.
Tôi cũng đã nói: Có lẽ không có nhiều người bị hủy giệt bằng cách này: Những người không thể nào cứu chữa được nữa, những người không còn một lý do nào để cho tình yêu Chúa đoái hoài đến, những người không có một khả năng tối thiểu để chấp nhận tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là hỏa ngục. Về một phương diện khác, chắc chắn cũng có một số ít người –không nhiều đâu- những người trong sạch đến độ có thể hiệp thông với Thiên Chúa ngay lập tức. Nhiều người trong chúng ta hy vọng rằng sẽ có một cái gì đó có thể rửa sạch tội lỗi, làm lành vết thương tâm hồn chúng ta, sẽ có một ăn năn hối hận và ước nguyện phút chót muốn tôn thờ Thiên Chúa và phụng sự con người, muốn sống một cuộc sống theo thánh ý Chúa. Nhưng sẽ có rất nhiều, rất nhiều vết thương tội lỗi thối tha, cho nên chúng ta cần phải được chuẩn bị và thanh tẩy. Đây là hy vọng của chúng ta: Mặc dù tâm hồn chúng ta đầy dẫy tội lỗi gớm ghiếc, nhưng trong giờ phút chót, Chúa cũng cho chúng ta khả thi cuối cùng có thể thanh tẩy chúng ta nhờ lòng khoan dung đại lượng của Chúa trên thập giá. Với phương cách đó, Chúa giúp chúng ta có thể sống hạnh phúc vĩnh cửu đời đời với Chúa.
Vậy thiên đàng hẳn phải là một HY VỌNG. Đó là lẽ công bằng sau cùng phải được thực hiện. Thiên đàng cũng chỉ cho chúng ta những tiêu chuẩn để sống. Vì thế sống ở đời này, một cách nào đó, cũng có thể là thiên đàng vậy, một dấu hiệu tiên khởi của Thiên Đàng. Khi con người biết sống theo những tiêu chuẩn đó thì đã thấy chút ít dấu hiệu của thiên đàng xuất hiện ở trên đời này rồi. Đó là thiên đàng hữu hình. Đối với tôi, chúng ta cần phải nói nhiều hơn nữa để chứng minh niềm Tin có thật và sự cần thiết phải đi theo con đường mà giới răn Chúa đã chỉ dạy. Đây chính là những tấm bảng chỉ đường giúp chúng ta sống lương thiện và phải chọn lựa cuộc sống cho thích hợp. Vì lý do đó, chúng ta buộc phải nói về tội và phép bí tích hòa giải tha thứ. Một người thành thực là người tự nhận biết mình có tội, đã đi sai đường, nên phải quay trở lại và được thanh tẩy. Đây là một thực tế sáng ngời mà Thiên Chúa đã cho chúng ta là Khả năng canh tân để trở nên con người mới. Từ đó Chúa lại bắt đầu đồng hành với chúng ta, cùng một phương thức đó chúng ta lại bắt đầu đồng hành với tha nhân trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Hính thức canh tân, sửa đổi con người chúng ta sau nhiều lỗi lầm và tội lỗi chính là một hứa hẹn lớn lao, một tặng vật vô giá mà Giáo Hội đã ban cho chúng ta mà phương cách tâm lý trị liệu chẳng hạn, không thể nào cung ứng được. Phương pháp tâm lý trị liệu ngày nay rất phổ quát, nó cũng rất cần thiết trước biết bao nhiêu là đổ nát hủy hoại trầm trọng về tâm thần. Nhưng khả thi tâm lý trị liệu thì lại giới hạn, nó chỉ có thể làm cho những tâm hồn bị lệch lạc trở lại cân bằng một phần nào thôi. Nó không thể canh tân thực sự được con người, không thể vượt thắng mọi bệnh hoạn trầm trọng của linh hồn. Vì vậy nó vẫn chỉ là tạm bợ, không bao giờ có thể giải quyết dứt điểm được vấn đề.
Bí tích hòa giải là cơ hội giúp chúng ta canh tân một cách trọn vẹn nhờ quyền năng của Thiên Chúa. “Ta tha tội cho con – Ego te absolve” là câu nói thực sự khả thi bởi lẽ chính Chúa Kitô đã gánh tội, chuộc lấy tất cả lỗi lầm của chúng ta đổ trên Ngài. Ngày nay bí tích này thực sự rất cần thiết. Chúng ta có thể được chữa lành trở lại. Như tất cả chúng ta đều biết: Linh hồn chúng ta đã bị tổn thương và trở thành bệnh hoạn nên không những cần phải được khuyên giải mà còn cần được canh tân thực sự, một sự canh tân chỉ có thể làm được do quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng của Tình yêu thập tự. Đối với tôi, đây có vẻ như là một kết hợp vĩ đại giữa các nhiệm tích đã thực sự được ghi khắc trong đời chúng ta. Chúng ta cần phải chiêm nghiệm về những mầu nhiệm đó để rồi theo cùng một phương thức ấy, chúng ta lại truyền đạt nó cho những người anh em giáo dân của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét