Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

SONG MUA VONG

SỐNG MÙA VỌNG


Đang khi những người Thiên Chúa giáo cử hành Mùa Vọng, thì những tín đồ Hồi giáo sống trọng thể những ngày chay thánh. Những ngày này kéo dài một tháng. Năm nay, tháng này khởi sự từ ngày 17 tháng 11 và kết thúc ngày 16 tháng 12. Tháng này gọi là Ramadan.

Tháng Ramadan nhắm vào việc hy sinh và thanh luyện con người. Các tín đồ không ăn gì từ lúc mặt trời mọc tới khi mặt trời lặn.

Tháng Ramadan cũng là những ngày chia sẻ, yêu thương và bình an. Ai cũng buộc bỏ ra hơn 2 phần trăm thu nhập của mình để tặng cho người nghèo, bất luận họ thuộc sắc tộc nào, tôn giáo nào.

Trong tháng Ramadan người tín hữu Hồi giáo tìm dịp đến với người khác và đón tiếp người khác, để xây dựng tình liên đới huynh đệ. Trong ý hướng đó, các bữa tối thường là dịp gặp gỡ thân tình. Nhiều người được mời đến cùng tham dự, cùng chia vui.

Trong Mùa Vọng của người Thiên Chúa giáo, những tín đồ Do Thái giáo cũng có một tuần lễ tôn giáo được tổ chức trong các gia đình. Tuần lễ này gọi là Hanouka. Từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 12.

Tuần lễ Hanouka được thiết lập nên vì hai lý do. Một là để nhớ lại chiến thắng quân sự của ông Giuđa Macabê. Hai là để nhớ lại phép lạ chút dầu còn lại trong đền thờ xưa.

Chút dầu này chỉ đủ thắp đèn trong một ngày, nhưng đã cháy đủ tám ngày, cho tới khi làm được dầu mới. Đó là phép lạ về lòng cậy trông. Từ một chút việc lành rất nhỏ, Chúa sẽ làm nên những kỳ công to tát.

Trong tuần lễ Hanouka, các gia đình họp nhau lại ban tối. Trên bàn thờ gia đình có đặt chân nến tám ngọn. Tối thứ nhất thắp lên một ngọn. Tối thứ hai thắp thêm ngọn thứ hai. Và cứ thêm lên như thế các tối sau.

Trong ánh sáng của nến cháy, mọi người hoan hỉ hát thánh ca. Họ tạ ơn Chúa và hy vọng vào quyền năng và lòng thương xót Chúa. Chúa sẽ cứu dân Người.

Tháng Ramadan của Hồi giáo và tuần lễ Hanouka của Do Thái giáo không chủ ý chuẩn bị cho lễ Noel, nhưng trùng hợp với Mùa Vọng của Thiên Chúa giáo, chuẩn bị cho lễ Chúa Giáng sinh.

Còn chúng ta, những người công giáo, chúng ta sống Mùa Vọng theo phụng vụ. Phụng vụ Mùa Vọng rất phong phú, dồi dào những hướng dẫn và gợi ý. Tuy vậy, chúng ta cũng được phép nhìn sang tháng Ramadan của Hồi giáo và tuần lễ Hanouka của Do Thái giáo, để có những sáng kiến. Không thiếu nơi đã làm như vậy.

Ở đây, tôi chỉ xin nói tới một sáng kiến, mà có nơi đã thực hiện. Sáng kiến đó là sống Mùa Vọng bằng cách tập trung vào một câu trong kinh Tin Kính: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần” (Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria). Câu này trích từ Kinh Thánh: “Vì người con bà sinh ra là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” (Lc 1,35).

Câu: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần” gợi ý cho chúng ta, trong Mùa Vọng, hãy tăng cường hơn việc thanh luyện mình khỏi những khuynh hướng xấu. Chúng thường kháng cự lại việc chúng ta tham dự vào ơn được làm con Thiên Chúa trong Đức Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần. Trong thư gửi giáo đoàn Galata, thánh Phaolô kể ra những khuynh hướng xấu đó. Ngài coi những khuynh hướng đó là do tính xác thịt gây ra. Ngài viết: “Những việc do tính xác thịt gây nên thì ai cũng rõ, đó là dâm dục, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: Những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Ga 5,19-21).

Để có sự tự do thực của người con Chúa, chúng ta phải phấn đấu với những tính xấu đó. Phấn đấu bằng cách tăng cường sự thanh luyện mình, nhờ hồi tâm, ép xác, cầu nguyện, tránh mọi việc làm, lời nói, tư tưởng do các tính xấu đó thúc đẩy.

Hơn nữa, câu “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần” còn gợi ý cho chúng ta, trong Mùa Vọng, hãy tăng cường hơn việc chăm sóc những hạt giống tốt, mà Chúa Thánh Thần gieo vào lòng ta. Cũng trong thư gởi giáo đoàn Galata, thánh Phaolô đã viết về những hạt giống đó: “Còn hoa quả của Chúa Thánh Thần là bái ác, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Đức Giêsu Kitô thì đã đóng đinh xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Chúa Thánh Thần, thì chúng ta hãy nhờ Chúa Thánh Thần mà tiến bước. Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau” (Gl 5,22-26).

Chúng ta chăm sóc những hạt giống tốt trong lòng chúng ta bằng các việc lành nhỏ hằng ngày. Nếu mỗi ngày chỉ thắp lên một ngọn đèn, dù nhỏ bé thôi, thì đời ta sẽ trở thành chuỗi dài những hy vọng. Và như thế, chúng ta sẽ góp phần vào chương trình cứu độ, mà Chúa sẽ thực hiện, khi giáng sinh làm người.

Phần, mà chúng ta góp vào sẽ là chính con người của chúng ta. Một con người đầy hy vọng và đầy tình yêu, dù gặp phải gian truân khốn khó: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

Phần, mà chúng ta góp vào, cũng sẽ là chính con người của chúng ta. Một con người tự do, bởi vì chúng ta sống trong Chúa Thánh Thần: “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2Cor 3,17). Tự do mở về hướng Thiên Chúa. Tự do mở về hướng tha nhân. Trong bác ái khiêm tốn chấp nhận quên mình.

Gần tôi có một phụ nữ Phật giáo. Vì một lỗi lầm vô tình trong quá khứ. Để đền tội, chị đã đón một bà lão ăn mày về nhà để nuôi. Bà lão này nổi tiếng là khó tính khó nết. Chị phụ nữ Phật giáo này chăm sóc phụng dưỡng bà già trong nhà mình với tất cả tình thương và kính trọng. Nhiều năm trôi qua, lúc bà già gần chết, bà tỏ mình là người công giáo. Bà xin chị phụ nữ Phật giáo đi tìm cho bà một linh mục, để giúp bà về với Chúa. Chị phụ nữ Phật giáo đã làm hết sức, để bà được toại nguyện. Bà qua đời, được an táng đàng hoàng. Hằng năm, ngày giỗ, chị Phật giáo vẫn đến linh mục xin lễ cho bà.

Hiện nay, chị Phật giáo này lại đón một người đàn bà khùng khùng mát mát về nhà nuôi. Bà này cũng được chăm sóc như một người thân thương. Hằng ngày chị còn làm nhiều việc từ thiện khác. Tất cả những công việc từ thiện chị làm đều rất âm thầm. Thiết nghĩ chị phụ nữ Phật giáo này đáng được coi là một chứng nhân sống động, thấy được và đáng tin về việc Chúa Thánh Thần đang thực hiện âm thầm trong các tâm hồn, bất luận họ là ai.

Đây cũng là một gợi ý và là một thách đố về Mùa Vọng Chúa gởi đến cho chúng ta.

Không có nhận xét nào: