CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG - NĂM A
TỈNH THỨC CHỜ CHÚA ĐẾN
Với Chúa nhật I mùa Vọng, chúng ta bước vào một năm phụng vụ mới. Năm phụng vụ được tổ chức như một chu kỳ hàng năm để tưởng niệm những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu Kitô và các ngày lễ của các Thánh. Những mầu nhiệm này đã được hoàn tất trong thời gian của Chúa Giêsu Kitô, nhưng nay vẫn tiếp tục thể hiện trong thời gian của Giáo hội. Lễ Phục sinh chính là khởi điểm, là yếu tố căn bản và qui tụ tất cả các lễ khác. Năm phụng vụ có cơ cấu như hiện nay là cả một quá trình hình thành và phát triển dọc theo chiều dài lịch sử phụng vụ của Giáo hội. Bắt đầu chỉ có lễ Phục sinh, sau thêm lễ Hiện xuống, rồi mùa Chay. Đến thế kỷ IV, người ta bắt đầu mừng lễ Giáng sinh, lễ Hiển linh và cuối cùng thêm vào 4 tuần lễ mùa Vọng.
Mùa Vọng được tổ chức để chuẩn bị đón Chúa Giêsu trong hai lần Người ngự đến. Gồm có hai giai đoạn : Từ Chúa nhật I đến ngày 16/12, các bản văn Kinh thánh dùng trong phụng vụ nói lên sự mong đợi ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang. Từ 17/12 đến 24/12, trực tiếp nói đến ngày sinh nhật của Người. Theo tinh thần canh tân phụng vụ hiện nay, mùa Vọng không còn là mùa thống hối nữa mà là mùa hân hoan mong đợi, mặc dầu phẩm phục vẫn là màu tím và không đọc Kinh Vinh danh.
Mùa Vọng là mùa của những lời loan báo : loan báo việc Chúa sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày trở lại của Chúa Giêsu. Vì thế, các bài đọc của mùa này xoay quanh các chủ đề loan báo ấy. Trong năm A này, các bài đọc I của các Chúa nhật mùa Vọng được trích từ phần I của Sách tiên tri Isaia. Trong các bài này, bài quan trọng nhất được dành cho Chúa nhật IV, với lời loan báo : Một Trinh nữ sẽ thụ thai sinh hạ một con trai được gọi là Emmanuel. Các bài Thánh thư chủ yếu trích thư gửi tín hữu Rôma của Thánh Phaolô và thư của Thánh Giacôbê nhấn mạnh đến việc loan báo Chúa Giêsu sẽ trở lại lần thứ hai. Về các bài Tin mừng thì Chúa nhật I nhắc lại lời kêu gọi “hãy tỉnh thức” của Chúa Giêsu. Chúa nhật II và III dành cho Gioan Tiền hô với lời kêu gọi dọn đường cho Chúa ngự đến và hướng về chính Đức Giêsu Kitô. Chúa nhật IV là Chúa nhật truyền tin cho Thánh Giuse.
I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : Is 2,1-5
Giêrusalem mới
Trong một thị kiến huy hoàng, Tiên tri Isaia chiêm ngắm Thành Giêrusalem của Thiên Chúa vào ngày mà muôn dân tộc tuôn đổ về để vui hưởng hòa bình trong Thiên Chúa.
a. Bản văn này chắc chắn được viết sau khi Giêrusalem sụp đổ do bị quân đội của Nabuchodonosor, Vua Babylon chiếm đóng và tàn phá.
b. Tiên tri Isaia đã nhận thấy từ xa một ngày của Đức Chúa, nơi thành thánh, sự hồi sinh từ trong đổ nát ; mọi dân tộc trên mặt đất sẽ qui tụ tại đây để giao hòa với nhau. Giêrusalem sẽ trở nên Thành đô của Thiên Chúa, kinh đô của hòa bình.
c. Giêrusalem lý tưởng, trung tâm tôn giáo của nhân loại, chính là Giáo hội hôm nay. Giáo hội được Chúa Giêsu thiết lập sẽ là nơi chiếu tỏa ánh sáng hòa bình công lý và tình yêu của Thiên Chúa, để qui tụ mọi dân nước thành Dân của Ngài.
2. Bài đọc II :
Ơn Cứu độ đã gần kề
Thánh Phaolô đã viết thư gửi giáo đoàn Rôma báo cho họ biết không được mê ngủ nữa phải tỉnh thức vì thời gian cứu độ đã gần kề, Ngày của Chúa đã đến gần, đừng đánh mất thời gian của mình.
a. Thánh Phaolô nói với những người đã trưởng thành, đã có đức tin phải biết thay đổi nếp sống so với lúc mới tin đạo.
b. Ngài khuyên dạy những người đã đón nhận ánh sáng Tin mừng đừng để bản thân chìm ngập trong bóng tối của tà giáo ; của lối sống vô luân.
c. Lời dạy của Thánh Phaolô nhắc nhở mỗi Kitô hữu chúng ta ngày nay phải biết tỉnh thức chờ đợi Đức Kitô đến bằng một đời sống đạo hạnh. Không mê ngủ trong tội lỗi, trong đam mê dục vọng xác thịt.
3. Tin mừng :
Tỉnh thức trong sự chờ đón Đấng Cứu Thế
Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết rằng Người sẽ đến cách bất ngờ. Cần phải tỉnh thức để chuẩn bị cách tích cực đón chờ ngày Người đến, để khỏi phải ngạc nhiên.
a. Bản văn Tin mừng hôm nay được trích từ diễn từ về ngày cách chung, ở phần đầu (Mt 24,1-36), Chúa Giêsu nhấn mạnh Con Người chắc chắn sẽ đến. Nhưng cách thế và thời điểm mà Người đến thật là bất ngờ. Việc đối chiếu với lụt đại hồng thủy thời Noe nhấn mạnh tới yếu tố của việc đến bất ngờ và những hiểm họa của việc không hiểu biết gì về những đe dọa đang xảy đến. Khi ấy mọi toan tính không còn ý nghĩa gì nữa mà ngay từ bây giờ phải biết chuẩn bị.
b. Ngày Chúa Giêsu đến vừa là ngày Quang lâm của Người cũng vừa là ngày phán xét nhân loại. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hai người ngoài đồng, hai người đàn bà cùng xay bột để nói đến tình trạng phán xử cuối cùng của nhân loại. Người ở lại người được cất đi. Bên ngoài mọi người có vẻ giống nhau, cùng sống cùng làm việc, nhưng giờ ấy mới thấy rõ có sự tách biệt, người được cứu còn người thì không. Sự khác biệt ấy hệ tại ở chính đời sống luân lý của mỗi người, hệ tại ở đức tin của mỗi người.
c. Chúa Giêsu cho thấy con người không thể biết đâu là ngày giờ tận cùng của nhân loại cũng như của mỗi người. Do đó, mỗi người phải biết chuẩn bị cho ngày ấy, đó là thái độ tỉnh thức mà Người mời gọi. Vấn đề không phải là khi nào, lúc nào ngày ấy sẽ đến mà vấn đề là con người đón chờ ngày ấy như thế nào.
II. GỢI Ý BÀI GIẢNG
1. Tỉnh thức và sẵn sàng, một việc cần phải làm ngay :
Ngày của Chúa đến thật là bất ngờ, thình lình khiến trở tay không kịp. Như thời ông Noe, bất thình lình đại hồng thủy ập xuống ; hai người cùng làm nhưng bất ngờ một người được cứu còn người khác thì không. Những hình ảnh Chúa Giêsu nêu ra này cho thấy tính khẩn thiết của việc tỉnh thức, sẵn sàng cho Ngày của Chúa. Không thể khoan giãn lần lựa được mà phải làm ngay. Các con hãy sẵn sàng, chính vào giờ các con không ngờ Con Người sẽ đến. Lời Chúa Giêsu không phải là một lời hù doạ, nhưng là một lời cảnh báo trước, một lời báo động. Tai ương treo trên đầu mỗi người và sẽ rơi xuống lúc nào không hay. Khi đó, mọi toan tính thì đã quá muộn. Cho nên, phải làm ngay, phải chuẩn bị từ bây giờ. Ngày giờ Chúa đến càng bí ẩn bao nhiêu thì việc tỉnh thức sẵn sàng càng khẩn thiết bấy nhiêu.
Lời Chúa Giêsu quả quyết không biết đâu là ngày giờ tận cùng mách bảo chúng ta mỗi Kitô hữu đừng giả định phỏng đoán ngày nào, lúc nào nhưng thay vào đó hãy lo chuẩn bị. Hãy tỉnh thức và sẵn sàng trong sự giả định ngày ấy đã gần kề.
2. Chúa đến bất ngờ, con người không biết nhưng biết chuẩn bị đón Chúa :
Ngày giờ tận cùng, ngày Chúa đến là bí mật của Chúa Cha. Tuy nhiên, một cám dỗ cố hữu nơi lý trí con người là mong muốn biết ngày giờ ấy và ngày ấy sẽ xảy ra như thế nào. Trong lịch sử loài người đã không ít lần chứng kiến những phỏng đoán về ngày tận thế, nhưng tất cả đều sai lầm. Con người không thể biết được. Thực ra Lời Chúa cho chúng ta thấy, ngày ấy chắc chắn sẽ đến. Vấn đề không phải ở việc biết đến lúc nào và như thế nào. Vấn đề quan trọng là biết trước có ngày đó thì phải lo chuẩn bị. Người ta không học được chữ ‘ngờ’ nhưng phải học được chữ ‘phòng’. Đã không biết được ngày giờ nhưng biết sẽ có ngày ấy thế thì chuyện quan trọng và cần thiết là chuẩn bị. Chúa Giêsu không nói gì nhiều chỉ kêu gọi vắn tắt nhưng rõ ràng : Hãy tỉnh thức, hãy sẵn sàng.
Là Kitô hữu, mỗi người chúng ta ý thức thế nào và chuẩn bị ra sao cho ngày Chúa đến. Ngày ấy có thể là ngày chết của mỗi cá nhân, cũng có thể là ngày chung thẩm của cả nhân loại. Chuẩn bị cho giờ chết của mình cũng là chuẩn bị cho ngày cánh chung.
3. Tỉnh thức là thái độ của nội tâm :
Hai người cùng làm việc chung nhưng một người được cứu, một người không. Nhìn vào dáng vẻ, công việc và cuộc sống bên ngoài không có gì phân biệt giữa hai người, giữa hai người nông dân đang làm việc ngoài đồng hay hai người đàn bà đang cùng ngồi xay một cối. Thế nhưng, trước mặt Thiên Chúa lại có sự phân biệt, có sự khác biệt giữa họ. Đó là thái độ nội tâm. Người thì gắn bó với Chúa trong công việc, người thì không. Người thì tỉnh thức còn người mê ngủ… Thái độ nội tâm này làm cho công việc và cuộc sống của con người khác nhau trước mặt Thiên Chúa và cũng đưa tới một kết cục khác nhau hoàn toàn trong ngày của Chúa. Thái độ nội tâm ấy là thái độ của người tin tưởng vào Chúa. Sự tỉnh thức khởi đi từ chính một tâm hồn luôn gắn bó với Chúa, biết đón chờ Ngài. Chính nhờ đời sống nội tâm như thế, mọi công việc, sinh hoạt và trọn vẹn cuộc sống là cả một sự chuẩn bị, cả một sự tỉnh thức.
Lời kêu gọi hãy tỉnh thức ; hãy sẵn sàng phải vang dội từ trong tâm khảm của mỗi Kitô hữu. Lời đó phải thấm nhuần trọn vẹn con người và chi phối mọi thực tại cuộc sống. Càng gắn bó với Chúa, càng biết chuẩn bị. Càng có đời sống nội tâm sâu sắc càng biết tỉnh thức.
(Dẫn vào Phụng vụ Thánh thể :
Để có sự kết hợp mật thiết nhất với Chúa Giêsu chúng ta có một phương thế bảo đảm đó là Bí tích Thánh thể. Mình Máu Thánh Chúa Giêsu vừa là một bảo chứng cho chúng ta trong ngày sau hết, vừa là của ăn giúp chúng ta có sức để lo liệu và lên đường đón chờ ngày Chúa đến.
III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
Mở đầu : Anh chị em thân mến, vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu sẽ đến đón chúng ta chung hưởng hạnh phúc với Người trong ngày Người ngự đến vinh quang. Trong tâm tình hy vọng, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời cầu xin :
1. Hội thánh tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu không ngừng vang lên lời mời gọi con cái mình và toàn thế giới hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho sứ điệp Tin mừng mà Hội thánh loan báo được mọi người đón nhận và thực thi.
2. Ngày nay biết bao người đang lầm đường lạc lối, ngủ mê trong tệ nạn, trong tội lỗi và trong lối sống vô luân. Chúng ta cùng cầu nguyện cho có nhiều người thành tâm thiện chí, quảng đại dấn thân trong việc giúp đỡ, hướng dẫn và nâng đỡ những người sa ngã lầm lạc trở về.
3. Hãy tỉnh thức và sẵn sàng vì vào giờ các con không ngờ thì Con Người sẽ đến. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tình thức bằng đời sống gắn bó với Chúa, chu toàn trách nhiệm được trao phó với tất cả lương tâm Công giáo.
Lời kết : Lạy Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Xin ban Thánh Thần của Chúa hướng dẫn chúng con biết sống đúng lời Chúa Giêsu dạy tỉnh thức hân hoan đón chờ ngày Người đến trong vinh quang. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét