Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Năm ADÂNG THÁNH LỄ
Lời Ngỏ - Không có gì bày tỏ việc chúng ta tôn kính Mình Máu Thánh Chúa hơn là việc dâng Thánh Lễ một cách xứng đáng. Chúng tôi xin chia sẻ với quý độc giả và đặc biệt là các Giáo Lý Viên bài "Dâng Thánh Lễ" của Đức Cha GB. Bùi Tuần để giúp chúng ta có thể gặp gỡ Chúa và đón nhận Ý Chúa trong Bí Tích Thánh Thể.
Trước khi đi lễ, mỗi người chúng ta đều thực hiện một vài chuẩn bị. Chuẩn bị bên ngoài, để phong cách của ta được lịch sự. Chuẩn bị bên trong, để tâm hồn ta được tốt đẹp. Những chuẩn bị như thế được đánh giá là tốt, là hữu ích, là cần thiết. Thánh lễ mang lại ơn phúc cho ta, nhiều hay ít, một phần cũng tuỳ thuộc vào những chuẩn bị của ta trước lễ.
Có một chuẩn bị sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự đón nhận ơn phúc qua thánh lễ. Chuẩn bị đó là ước muốn gặp gỡ Chúa và lắng nghe ý Chúa.
Vì thái độ này là rất quan trọng, và vì chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn có thái độ quan trọng đó, nên tôi xin được nhắc nhớ vài điều căn bản sau đây:
Gặp gỡ Chúa.
Trước hết, để gặp gỡ Chúa, chúng ta phải khát khao và tỉnh thức.
Bởi vì Chúa đến với ta là một ân huệ. Ta phải phần nào tỏ ra xứng đáng với ân huệ đó. Chúa phán: "Này Ta đứng ngoài cửa và gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà nó và sẽ dùng bữa với nó. Ta ở bên nó và nó ở bên Ta" (Kh 3, 20).
Lời Chúa phán trên đây cho thấy Chúa muốn đến với ta một cách nhẹ nhàng và thân mật. Ngài gõ nhẹ lòng ta. Ngài đợi cửa lòng ta mở ra đón Ngài. Ngài không xô cửa mà vào. Ngài không áp đặt sự thăm viếng của Ngài.
Trong thánh lễ, Chúa gõ cửa lòng ta qua các Lời Chúa, các lời cầu nguyện, các lời giảng dạy, các lễ nghi, nhất là Mình Thánh.
Ta nghe, ta xem, ta tham dự, ta thờ lạy. Nhưng ta không dừng lại ở những việc đó. Ta coi đó chỉ là tiếng gõ cửa lòng ta. Ðiều ta tha thiết ước mong không phải là nghe được tiếng gõ cửa, mà là gặp được chính Chúa, đón được chính Chúa vào tâm hồn ta.
Ðược Chúa ngự vào lòng ta, và ở lại trong ta, ta được hạnh phúc bình an. Ơn phúc sẽ đến với đời ta dồi dào.
Bằng cách này hay cách khác, Chúa sẽ đem đến cho ta những thứ thuốc, có sức chữa lành những bệnh tật và vết thương đời ta, như xưa Chúa đã sai tổng lãnh thiên thần Raphael đem thuốc đến cho ông Tôbia.
Bằng cách này hay cách khác, Chúa sẽ gởi tin cho ta, để ta cảm được tình Chúa, như xưa Chúa đã sai tổng lãnh thiên thần Gabriel truyền tin cho Ðức Mẹ.
Bằng cách này hay cách khác, Chúa sẽ ban cho ta sức mạnh, để ta chiến thắng quỉ dữ, bảo vệ Nước Chúa, như xưa Chúa đã dùng tổng lãnh thiên thần Micae để đánh đuổi Lucifer và các tà thần muốn ngang hàng với Chúa.
Cùng với các ơn trên đây sẽ còn vô vàn ơn khác nữa. Ðiều kiện ta phải có, để đón nhận thêm mãi các ơn Chúa, là không những phải tỉnh thức và khát khao gặp Chúa, mà còn phải sẵn sàng lắng nghe ý Chúa.
Ðón nhận ý Chúa.
Tha thiết lắng nghe ý Chúa đòi một thái độ rất khiêm nhường, sẵn sàng từ bỏ ý riêng, nhất quyết vâng phục ý Chúa.
Bởi vì ý Chúa không luôn giống ý riêng ta. Ý Chúa bao giờ cũng tốt hơn ý riêng ta. Chúa quả quyết: "Tư tưởng Ta không phải tư tưởng của các ngươi. Ðường lối các ngươi không phải đường lối của Ta. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy" (Is 55, 8-9).
Lời Chúa trên đây là một sự thực cứu độ. Khi nhận thức sự thực đó, chúng ta sẽ tránh khỏi những sai lầm có hại cho Tin Mừng, cho đạo ta và cho chính chúng ta.
Xin nhìn lại vài thí dụ. Phúc Âm cho thấy: Nhiều người có đạo thời ấy đã tự phụ cho mình là đạo đức, và khinh chê những người không như họ. Thế nhưng, theo Phúc Âm kể, thì chính những người tự nhận là đạo đức đó lại bị Chúa kết án, còn những người bị họ khinh chê lại được Chúa khen ngợi và được nêu lên như gương sáng về một số nhân đức.
Rồi Phúc Âm cũng cho thấy: Chính các tông đồ, thậm chí cả thánh Phêrô là người đứng đầu các tông đồ, cũng ước mong Chúa Giêsu sẽ ra tay cứu đời, cứu nước, bằng con đường quyền lực vinh quang. Thế nhưng, theo Phúc Âm thuật lại, thì Chúa Giêsu đã chọn con đường khác. Ðó là con đường sống khiêm tốn, sống hy sinh, sống trong số phận kẻ bị loại trừ, để qua con đường đó, Ngài giới thiệu tình yêu Thiên Chúa và cách thắng tội lỗi, bằng sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Chỉ một vài chi tiết trên đây cũng đủ nhắc nhủ ta, khi gặp Chúa, hãy biết khiêm nhường lắng nghe ý Chúa. Lắng nghe ý Chúa là lắng nghe lòng Chúa. Bởi vì lòng Chúa đầy tràn tình yêu thương xót. Lòng Chúa như thế có những con đường và những ý tưởng rất khác chúng ta.
Ở đây, có một điều chúng ta nên để ý. Ðó là, trong khi nhiều người rất gần Chúa, mà lại không hiểu ý Ngài, thì một số người khác gặp gỡ Chúa đã đón nhận được ý Ngài. Lý do là vì những người này có "những giác quan thiêng liêng" rất tinh.
Họ phần nào giống như thánh Gioan tông đồ dám nói: "Ðiều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, điều chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống... Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, thì chúng tôi báo cho cả anh em nữa" (1 Ga 1, 3)
Ðã nghe, đã xem thấy, đã chiêm ngưỡng, đã chạm tới, đó là cách diễn tả rất sống động sự gặp Chúa và sự hiểu được ý Chúa với tâm tình đơn sơ xác tín.
Trong thánh lễ, chúng ta khiêm tốn xin Chúa ban cho chúng ta được phần nào như vậy.
Mong gặp gỡ Chúa và lắng nghe ý Chúa, đó là thái độ ta có thể thực hiện được, trong mọi nơi mọi lúc, nhất là khi dâng thánh lễ.
Lạy Chúa, con trông cậy vào Chúa. Có lẽ ban đầu chỉ nói với Chúa một cách đơn sơ thế thôi, chúng ta sẽ từng bước tới được chỗ gặp Chúa và lắng nghe ý Chúa ở chiều sâu nội tâm của mình. Nhờ vậy, thánh lễ ta tham dự sẽ là nguồn an ủi quí giá vô vàn cho chúng ta. Chính bản thân ta, chính cuộc đời ta sẽ dần dần được trở thành của lễ sống động trong thánh lễ của Chúa Giêsu.
Ðức Cha G.B. Bùi Tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét