Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2008

Ngày 1 Tháng 6, Năm 2008

Ngày 1 Tháng 6, Năm 2008

Môn Đệ Chân Chính

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mt 7,21-27

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Những lời Chúa nói hôm nay khiến ta run sợ. Ngay cả những người làm được những việc phi thường như nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ cũng có thể bị loại ra khỏi Nước Trời. Ngay cả những người làm việc cho Chúa, cho Hội Thánh cũng có thể bị vào nơi khóc lóc nghiến răng. Tại sao thế?

Lý do thứ nhất: vì họ nói mà không làm. Điều này rất dễ xảy ra cho những ai có nhiệm vụ khuyên bảo dạy dỗ người khác. Cứ nghĩ người khác phải thực hành, còn mình được miễn. Chúa Giêsu gay gắt nên án điều này khi nói với dân chúng: “Các kinh sư và những người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23,2-3). Hôm nay Chúa nhắc lại cho chúng ta: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”.

Lý do thứ hai: vì họ làm nhưng không có nền tảng. Có những người đã nói tiên tri, đã trừ quỷ, đã làm những việc phi thường, nhưng không được Chúa chấp nhận. Vì họ làm theo ý mình chứ không theo ý Chúa Cha. Làm không phải vì tình yêu mến thì dù những việc kinh thiên động địa cũng trở thành vô ích như Thánh Phaolô đã căn dặn chúng ta: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên Thần…, được ơn nói tiên tri…, có được đức tin chuyển núi rời non…, có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (x. 1Cr 13, 1-3).

Sau khi nên án những môn đệ giả hiệu, Chúa Giêsu cho biết căn tính của người môn đệ chân chính. Người môn đệ chân chính thao thức lắng nghe Lời Chúa và tìm thi hành thánh ý Chúa. Như thế người môn đệ chân chính sẽ có những đặc tính sau:

Tìm ý Chúa trên hết mọi sự. Luôn cầu nguyện, cân nhắc để tìm thánh ý Chúa trong mọi sự. Khi tìm được ý Chúa thì mau mắn thực hành ngay.

Từ bỏ ý riêng. Luôn tìm theo ý Chúa, nên sẵn sàng từ bỏ ý riêng. Sẵn sàng chấp nhận những gì trái ý. Không tìm kiếm những thành công lẫy lừng. Nhưng chọn những việc nhỏ bé âm thầm. Chấp nhận cả những thất bại. Chấp nhận sự hiền lành khiêm nhường.

Chính những người môn đệ chân chính mới xây dựng cuộc đời vững chắc. Chính những môn đệ khiêm nhường âm thầm mới xây dựng Hội Thánh trên nền tảng vững chắc. Những thành công bề ngoài như những ngôi nhà xây trên cát, khi gặp khó khăn thử thách sẽ đổ vỡ tan tành. Những hy sinh âm thầm như những ngôi nhà xây trên nền đá vững chắc. Càng qua gian khổ càng bền vững, càng phát triển mạnh mẽ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở thành môn đệ chân chính của Chúa, biết xây dựng Hội Thánh trên nền tảng khiêm nhường, từ bỏ ý riêng, thực hành ý Chúa. Amen.

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1/ Tại sao nhiều người làm được những việc lớn lao kỳ diệu lại không phải là môn đệ Chúa

2/ Người môn đệ chân chính phải có thái độ nào để xây Hội Thánh trên nền đá vững chac3/ Chúa Giêsu đã nêu gương xây dựng nhà trên đá thế nào?

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2008

Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Năm A

Ngày 25 Tháng 5, Năm 2008

Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Năm A

DÂNG THÁNH LỄ

Lời Ngỏ - Không có gì bày tỏ việc chúng ta tôn kính Mình Máu Thánh Chúa hơn là việc dâng Thánh Lễ một cách xứng đáng. Chúng tôi xin chia sẻ với quý độc giả và đặc biệt là các Giáo Lý Viên bài "Dâng Thánh Lễ" của Đức Cha GB. Bùi Tuần để giúp chúng ta có thể gặp gỡ Chúa và đón nhận Ý Chúa trong Bí Tích Thánh Thể.

Trước khi đi lễ, mỗi người chúng ta đều thực hiện một vài chuẩn bị. Chuẩn bị bên ngoài, để phong cách của ta được lịch sự. Chuẩn bị bên trong, để tâm hồn ta được tốt đẹp. Những chuẩn bị như thế được đánh giá là tốt, là hữu ích, là cần thiết. Thánh lễ mang lại ơn phúc cho ta, nhiều hay ít, một phần cũng tuỳ thuộc vào những chuẩn bị của ta trước lễ.

Có một chuẩn bị sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự đón nhận ơn phúc qua thánh lễ. Chuẩn bị đó là ước muốn gặp gỡ Chúa và lắng nghe ý Chúa.

Vì thái độ này là rất quan trọng, và vì chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn có thái độ quan trọng đó, nên tôi xin được nhắc nhớ vài điều căn bản sau đây:

Gặp gỡ Chúa.

Trước hết, để gặp gỡ Chúa, chúng ta phải khát khao và tỉnh thức.

Bởi vì Chúa đến với ta là một ân huệ. Ta phải phần nào tỏ ra xứng đáng với ân huệ đó. Chúa phán: "Này Ta đứng ngoài cửa và gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà nó và sẽ dùng bữa với nó. Ta ở bên nó và nó ở bên Ta" (Kh 3, 20).

Lời Chúa phán trên đây cho thấy Chúa muốn đến với ta một cách nhẹ nhàng và thân mật. Ngài gõ nhẹ lòng ta. Ngài đợi cửa lòng ta mở ra đón Ngài. Ngài không xô cửa mà vào. Ngài không áp đặt sự thăm viếng của Ngài.

Trong thánh lễ, Chúa gõ cửa lòng ta qua các Lời Chúa, các lời cầu nguyện, các lời giảng dạy, các lễ nghi, nhất là Mình Thánh.

Ta nghe, ta xem, ta tham dự, ta thờ lạy. Nhưng ta không dừng lại ở những việc đó. Ta coi đó chỉ là tiếng gõ cửa lòng ta. Ðiều ta tha thiết ước mong không phải là nghe được tiếng gõ cửa, mà là gặp được chính Chúa, đón được chính Chúa vào tâm hồn ta.

Ðược Chúa ngự vào lòng ta, và ở lại trong ta, ta được hạnh phúc bình an. Ơn phúc sẽ đến với đời ta dồi dào.

Bằng cách này hay cách khác, Chúa sẽ đem đến cho ta những thứ thuốc, có sức chữa lành những bệnh tật và vết thương đời ta, như xưa Chúa đã sai tổng lãnh thiên thần Raphael đem thuốc đến cho ông Tôbia.

Bằng cách này hay cách khác, Chúa sẽ gởi tin cho ta, để ta cảm được tình Chúa, như xưa Chúa đã sai tổng lãnh thiên thần Gabriel truyền tin cho Ðức Mẹ.

Bằng cách này hay cách khác, Chúa sẽ ban cho ta sức mạnh, để ta chiến thắng quỉ dữ, bảo vệ Nước Chúa, như xưa Chúa đã dùng tổng lãnh thiên thần Micae để đánh đuổi Lucifer và các tà thần muốn ngang hàng với Chúa.

Cùng với các ơn trên đây sẽ còn vô vàn ơn khác nữa. Ðiều kiện ta phải có, để đón nhận thêm mãi các ơn Chúa, là không những phải tỉnh thức và khát khao gặp Chúa, mà còn phải sẵn sàng lắng nghe ý Chúa.

Ðón nhận ý Chúa.

Tha thiết lắng nghe ý Chúa đòi một thái độ rất khiêm nhường, sẵn sàng từ bỏ ý riêng, nhất quyết vâng phục ý Chúa.

Bởi vì ý Chúa không luôn giống ý riêng ta. Ý Chúa bao giờ cũng tốt hơn ý riêng ta. Chúa quả quyết: "Tư tưởng Ta không phải tư tưởng của các ngươi. Ðường lối các ngươi không phải đường lối của Ta. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy" (Is 55, 8-9).

Lời Chúa trên đây là một sự thực cứu độ. Khi nhận thức sự thực đó, chúng ta sẽ tránh khỏi những sai lầm có hại cho Tin Mừng, cho đạo ta và cho chính chúng ta.

Xin nhìn lại vài thí dụ. Phúc Âm cho thấy: Nhiều người có đạo thời ấy đã tự phụ cho mình là đạo đức, và khinh chê những người không như họ. Thế nhưng, theo Phúc Âm kể, thì chính những người tự nhận là đạo đức đó lại bị Chúa kết án, còn những người bị họ khinh chê lại được Chúa khen ngợi và được nêu lên như gương sáng về một số nhân đức.

Rồi Phúc Âm cũng cho thấy: Chính các tông đồ, thậm chí cả thánh Phêrô là người đứng đầu các tông đồ, cũng ước mong Chúa Giêsu sẽ ra tay cứu đời, cứu nước, bằng con đường quyền lực vinh quang. Thế nhưng, theo Phúc Âm thuật lại, thì Chúa Giêsu đã chọn con đường khác. Ðó là con đường sống khiêm tốn, sống hy sinh, sống trong số phận kẻ bị loại trừ, để qua con đường đó, Ngài giới thiệu tình yêu Thiên Chúa và cách thắng tội lỗi, bằng sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Chỉ một vài chi tiết trên đây cũng đủ nhắc nhủ ta, khi gặp Chúa, hãy biết khiêm nhường lắng nghe ý Chúa. Lắng nghe ý Chúa là lắng nghe lòng Chúa. Bởi vì lòng Chúa đầy tràn tình yêu thương xót. Lòng Chúa như thế có những con đường và những ý tưởng rất khác chúng ta.

Ở đây, có một điều chúng ta nên để ý. Ðó là, trong khi nhiều người rất gần Chúa, mà lại không hiểu ý Ngài, thì một số người khác gặp gỡ Chúa đã đón nhận được ý Ngài. Lý do là vì những người này có "những giác quan thiêng liêng" rất tinh.

Họ phần nào giống như thánh Gioan tông đồ dám nói: "Ðiều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, điều chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống... Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, thì chúng tôi báo cho cả anh em nữa" (1 Ga 1, 3)

Ðã nghe, đã xem thấy, đã chiêm ngưỡng, đã chạm tới, đó là cách diễn tả rất sống động sự gặp Chúa và sự hiểu được ý Chúa với tâm tình đơn sơ xác tín.

Trong thánh lễ, chúng ta khiêm tốn xin Chúa ban cho chúng ta được phần nào như vậy.

Mong gặp gỡ Chúa và lắng nghe ý Chúa, đó là thái độ ta có thể thực hiện được, trong mọi nơi mọi lúc, nhất là khi dâng thánh lễ.

Lạy Chúa, con trông cậy vào Chúa. Có lẽ ban đầu chỉ nói với Chúa một cách đơn sơ thế thôi, chúng ta sẽ từng bước tới được chỗ gặp Chúa và lắng nghe ý Chúa ở chiều sâu nội tâm của mình. Nhờ vậy, thánh lễ ta tham dự sẽ là nguồn an ủi quí giá vô vàn cho chúng ta. Chính bản thân ta, chính cuộc đời ta sẽ dần dần được trở thành của lễ sống động trong thánh lễ của Chúa Giêsu.

Ðức Cha G.B. Bùi Tuần

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2008


Ngày 18 Tháng 5, Năm 2008

Lễ Đức Chúa Ba Ngôi – Năm A

Chúa Ba Ngôi Như Dòng Sông

Hôm nay toàn thể Hội thánh mừng kính trọng thể mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm quan trọng nhất của Kitô giáo. Không một ngày nào Hội thánh và mỗi người chúng ta lại không tuyên xưng mầu nhiệm ấy, bởi vì mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, mỗi khi đọc kinh sáng danh thì đó là lúc chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng có lẽ chẳng mấy khi ta quan tâm để tìm hiểu xem mầu nhiệm này có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc đời của chúng ta. Bởi vì nói tới các mầu nhiệm, đặc biệt là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta dễ có cảm tưởng đó là những chuyện xa vời và chẳng liên hệ gì tới đời sống của mình. Nhưng không phải thế. Mầu nhiệm nào cũng rất gần gũi và liên hệ mật thiết với đời sống của con người, bởi mầu nhiệm nào cũng là một luồng ánh sáng soi cho chúng ta hiểu rõ thân phận mình và dẫn lối để chúng ta đi tới bến bờ hạnh phúc.

Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta không thể tìm được một hình ảnh, một ngôn từ nào để diễn tả cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ được. Tuy nhiên chúng ta có thể tạm dùng hình ảnh một dòng sông để diễn tả ảnh hưởng của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời mình.

Con sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, cho các vườn cây được tươi tốt và đơm bông kết trái. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có chút nước nào để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao?

Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.

Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông. Như cây cối sẽ không thể tươi tốt và đơm bông kết trái nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông mang lại. Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy. Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô. Bởi đó, sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào. Đón nhận dòng nước là đón nhận Chúa Kitô và tin vào Người. Lời Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay dạy ta như thế. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình, để những ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Mà tin vào Chúa Kitô chính là thể hiện trong đời mình cuộc sống của Người, nghĩa là suy nghĩ, nói năng, hành động và cư xử như Người. Điều Chúa Kitô quan tâm nhiều nhất và đã sống triệt để nhất chính là tình yêu thương. Người yêu Chúa Cha nên thi hành mọi sự theo ý Cha. Người yêu con người nên chấp nhận chết để cho con người được sống.

Yêu Chúa và yêu người, đó chính là ta đang sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vậy.

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2008

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

ANH EM HÃY NHẬN LẤY CHÚA THÁNH THẦN
Ga 20, 19-23

Chính trong ngày thứ năm mươi sau biến cố Phục sinh, Chúa Giêsu trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, đánh dấu một trang sử mới trong công trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Giáo hội được khai sinh. Kể từ đây, hành trình của Giáo hội tiến về nhà Cha được tràn đầy ơn thánh Chúa và rộng mở dưới sự dạy dỗ và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là nguồn cảm hứng, sự bình an, lòng hân hoan và sự mạnh mẽ làm cho các môn đệ cũng như cho Giáo hội thời sơ khai can đảm ra đi loan báo Tin mừng cho mọi dân tộc.

Sách Công vụ Tông đồ ghi lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống nhằm vào ngày lễ Ngũ tuần của người Dothái. Có thể nói biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống cách nào đó đã làm mờ đi ý nghĩa của ngày lễ ngũ tuần vốn xuất phát từ ngày lễ truyền thống của nhà nông cũng như sau này dùng để kỷ niệm ngày Giavê ban Lề luật và thiết lập Giao ước Xinai với dân. Bởi biến cố hôm nay chính là ngày lễ Ngũ Tuần mới, ngày mà sách Công vụ Tông đồ ghi lại rất nhiều dấu lạ do Chúa Thánh Thần mang đến.

Tiếng gió và hình lưỡi lửa là những hiện tượng khác thường trong ngày lễ Ngũ tuần. Tiếng gió hẳn gợi nhớ đến thời gian lúc khởi đầu công trình tạo dựng vũ trụ, khi mà “Thần Khí Giavê bay lượn trên mặt nước” (St 1,2b) để tác tạo muôn loài. Chúa Thánh Thần chính là làn gió, là hơi thở làm bừng lên sự sống như Ngôn sứ Edêkien xưa đã trông thấy chính Thần Khí đã làm hồi sinh cả một thung lũng xương khô và gầy đét (x. Ed 37, 1-14). Trong ngôn ngữ Hípri, từ ngữ Thần Khí thuộc giống cái, dường như có ngụ ý rằng Thần Khí của Thiên Chúa giống như người mẹ hiền sản sinh những người con trong tình yêu thương từ ái của mình.

Còn hình ảnh Lưỡi Lửa, chúng ta có thể hiểu lưỡi chính là lời nói, là lời ca của con người. Để con người nói lời của Thiên Chúa, truyền thông sứ điệp của Thiên Chúa, lưỡi đó cần phải được thanh luyện, cần thiết phải đi qua ngọn lửa Thánh Thần để có thể đi vào tâm trí người nghe những lời nói chân thật nhằm đốt nóng tâm hồn mọi người lòng yêu mến Thiên Chúa. Các môn đệ nhờ được tôi luyện bởi ngọn lửa tình yêu và lòng nhiệt thành của Chúa Thánh Thần, khiến các ông hăng hái ra đi, rao giảng Tin mừng và làm chứng cho tình yêu Chúa Giêsu.

Đồng thời với những dấu lạ chính là những ơn ích thiêng liêng do Chúa Thánh Thần mang đến. Một trong số đó chính là ơn nói “các thứ tiếng khác nhau”. Các thứ tiếng khác nhau ở đây cần phải hiểu thế nào? Thật thú vị là có nhiều cách giải thích khác nhau xung quanh vấn đề này.

Có người cho rằng các môn đệ biết nói nhiều ngoại ngữ (Công vụ Tông đồ ghi lại 16 thứ tiếng khác nhau)! Có lẽ không đúng. Vì các môn đệ lúc bấy giờ đa số là dân biển, đánh bắt cá làm sao có thể “siêu quần bạt chúng” như vậy được. Ngôn ngữ mẹ đẻ của các ông chính là tiếng Aram, và cùng lắm thì các ông nói được tiếng Hylạp chứ làm gì có chuyện biết nói mười mấy ngoại ngữ trên.

Có người lại cho rằng các ông nói tiếng lạ. Thánh kinh có ghi lại ơn nói tiếng lạ này (x. Cv 2,3-4; 10, 44-46; 1 Cr 12, 10). Ơn nói tiếng lạ tức là một thứ ngôn ngữ chẳng ai có thể hiểu được bởi xuất phát từ nguồn cảm hứng của Chúa Thánh Thần và giống như tình trạng xuất thần. Vì là thứ tiếng “chẳng giống ai” nên cần phải có người thông dịch lại. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho người hiểu được loại ngôn ngữ này để truyền đạt cho người nghe. Thế nhưng sách Công vụ Tông đồ không ghi lại có ai đứng ra để giải thích cho đám đông đang nghe các môn đệ nói. Đám đông hiểu trực tiếp tiếng nói của các môn đệ.

Có lẽ cách giải thích sau đây dễ chấp nhận hơn, vì nó liên quan đến câu chuyện về tháp Baben (x. St 11). Thời đó, con người nói cùng một thứ tiếng. Chính vì thế sinh ra lòng kiêu ngạo, phạm thượng đến Giavê Thiên Chúa. Họ muốn làm một ngọn tháp cao chọc trời và bất cần sự có mặt của Thiên Chúa. Chính vì thế, Thiên Chúa đã khiến cho tiếng nói của con cháu Nôe phải xáo trộn, chẳng còn ai hiểu ai. Nay nhờ biến cố Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã hàn gắn sự chia rẽ ngôn ngữ đó của loài người. Các môn đệ tuy nói tiếng mẹ đẻ của mình nhưng nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng khiến cho mọi dân tộc, tuy không cùng một ngôn ngữ, đều có thể hiểu được sứ điệp của Thiên Chúa.

Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, các môn đệ hăng hái ra đi, theo chân Thầy Chí Thánh rao giảng Tin mừng. Hoa trái của Chúa Thánh Thần chính là bình an và sự tha thứ. Tiếng nói của Chúa Thánh Thần chính là ngôn ngữ của tình yêu sẽ nối kết tất cả nên một. Từ nay, sứ mạng của Giáo hội chính là đi đến muôn dân để rao giảng về một Đức Kytô chịu đóng đinh, làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới với sự trợ giúp cách đặc biệt của Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến canh tân bộ mặt thế giới, Giáo hội và gia đình nhân loại hầu tất cả cùng chung một tiếng nói của Tình yêu, ơn an bình và sự hiệp nhất.

Giáo Dục Trái Tim - Nói Với Bạn Trẻ Về Một Định Nghĩa Tình Yêu


Giáo Dục Trái Tim - Nói Với Bạn Trẻ Về Một Định Nghĩa Tình Yêu

Các bạn trẻ nơi trên thế giới thường hay tụm năm tụm ba nói chuyện không biết mệt. Chuyện gì mà họ nói mãi như vậy? Có lẽ đề tài “xưa rồi mà luôn luôn mới và hấp dẫn” là chuyện anh này “đẹp trai” chị kia “đẹp gái”; chuyện người này phải lòng người khác giữa đám bạn bè, chuyện yêu đương ở độ tuổi nào…

Các bậc cha mẹ hay các nhà giáo dục thường hay ngại nói đến chuyện yêu đương với các bạn trẻ, nhất là với tuổi vị thành niên. Nhiều người sợ vì làm như thế khác nào “vạch đường cho hươu chạy”. Nhiều người cho rằng đó là chuyện của “người lớn”, con nít thì lo học hành trước đã, khoan nghĩ đến điều đó mà “lo ra chia trí” v.v…

Khổ một điều là chuyện “phải lòng nhau” luôn là điều bất ngờ và gây cho người trẻ những xúc cảm hoặc thay đổi đột ngột trong đời sống của họ, và cảm xúc ấy không giống nhau nơi tất cả mọi người. Bởi thế việc chia sẻ kinh nghiệm về tình yêu với người trẻ cũng bị phân rẽ theo nhiều kiểu.

Nơi các phương tiện truyền thông hiện nay ở các nước phát triển, người ta nói nhiều về kinh nghiệm tình yêu thiên về tình dục, hay cổ vũ cho tự do tình dục với nhiều dạng thức khác nhau của việc hưởng thụ cá nhân, và một cách nào đó họ có khuynh hướng phản kháng lại quan niệm về tình yêu, tình dục theo quan điểm luân lý kitô giáo.

Nhiều người có khuynh hướng “nghiêm túc” hơn thì nghĩ đến cách giúp người trẻ giáo dục chính con tim của mình, bằng cách đồng hành với bạn trẻ cho đến khi họ có thể xây dựng cho mình một nhân cách sống dựa trên khả năng và giới hạn nội tại của chính mình và những tương quan ngoại tại với người khác, chuẩn bị cho họ bước vào đời. Đó là công việc của cha mẹ, các nhà giáo dục, hay các cố vấn tâm lý cho giới trẻ. Công việc này luôn đòi hỏi tình yêu thương và lòng kiên trì, nhẫn nại.

Nói với bạn trẻ thế nào về tình yêu? Chúng ta cùng nhau tham khảo ý kiến của nhà tâm lý học Erich Fromm về một kiểu định nghĩa tình yêu. Trong một cuốn sách nhỏ có tựa đề Nghệ thuật của tình yêu (L’arte di amare – NXB Mondatori), Erich Fromm nói đến 5 tiêu chuẩn để xác định một tình yêu đích thực và trưởng thành.

Yêu là trao ban. Đây là khả năng tích cực và sống động nơi con người, giúp con người phá vỡ lá chắn ngăn cách mình với người khác, biết mình là ai trong tương quan với mọi người. Nhưng cụ thể thế nào là trao ban? Người ta có thể cho đi một cái gì đó và cảm thấy ngay sự mất mát, hy sinh hoặc hối tiếc. Người không trưởng thành sống theo cách này và luôn cảm thấy mất đi những gì mình có. Ngược lại hành vi trao ban đích thực xuất phát từ nội tâm của một cá nhân, việc trao ban làm cho người ấy cảm thấy hạnh phúc và tăng thêm sinh lực, vì thế càng trao ban nhiều họ càng sống phong phú và dồi dào hơn. Việc trao ban như thế không ngăn cản hành vi và khả năng đón nhận ân huệ cho mình từ phía người khác, bởi ân huệ đón nhận tạo nên một sự hiệp thông và làm tròn đầy sự sống nơi người khác nữa. Ai cũng có thể đạt đến sự trưởng thành trao-nhận này nếu biết chiến thắng tính ích kỷ, ham muốn sở hữu và sử dụng người khác cho mục đích của chính mình (kể cả những mục đích xem ra chính đáng). Nếu con người thiếu phẩm chất này, họ sẽ trở nên những kẻ sợ hãi chính bản thân mình, sợ yêu người khác vì sợ mất mát. Và theo nguyên tắc căn bản của hiện hữu nhân linh, con người sẽ không là người nếu chỉ đóng kín trong chính mình.

Yêu là phục vụ. Thường có hai quan điểm để nhìn nhận một con người: Ta có thể nhận ra hiện trạng của họ và xem người đó như họ ; và ta cũng có thể quan tâm ở mức cao hơn về tình trạng mà họ sẽ trở thành. Mỗi một con người là chủ thể mà nơi sâu thẳm tâm hồn luôn đòi hỏi việc được hiện thực hoá chính mình. Bởi thế yêu một người cũng có nghĩa là biết đặt mình phục vụ cho chủ thể ấy, để giúp họ hiện thực hoá chính mình. Yêu là giúp người khác sống và trở thành chính mình, trở thành hiện hữu người hơn. Ai có thể biết được còn bao nhiêu giới hạn nơi một con người. Bởi thế tình yêu cần đến niềm tin và hy vọng nơi người đó. Ai không có cảm thức về sự huyền nhiệm, về những may rủi và mạo hiểm để khám phá con người sẽ không có khả năng yêu thương thực sự.

Yêu là đảm nhận trách nhiệm. Đơn giản là: tương lai, hạnh phúc, suy tư, âu lo về cuộc đời của người tôi yêu không để cho tôi yên hoặc khiến tôi có thái độ dửng dưng được.Tôi không thể chối từ và cảm thấy mình có bổn phận phải ghé vai vào để nâng đỡ người ấy để cùng nhau đi hết con đường trên thế gian này.

Yêu là tôn trọng. Đó là thái độ biết đón nhận nơi người khác những gì họ là. Chúng ta biết rằng mỗi người có một tình trạng khác nhau trong bước hiện thực hoá chính mình, nên cần thiết phải tôn trọng những kế hoạch hay dự phóng của người khác. Thái độ tôn trọng loại trừ tính độc đoán, chiếm đoạt, lợi dụng và hay phê bình chỉ trích người khác. Yêu thương một ai đó là mong muốn cho người ấy trở thành “chính họ”, chứ không theo cái mà mình muốn “họ phải là” để thích hợp với mình.

Yêu là thấu hiểu. Mỗi người là một huyền nhiệm. Hiểu người khác như người khác hiểu chính họ đòi hỏi một sự tự huỷ để ta có thể tiến gần hơn huyền nhiệm của người khác. Ta chỉ có thể hiểu điều này qua kinh nghiệm sống của con người chứ không bằng lý thuyết suy tưởng. Qua tương quan và hiệp thông, ta có thể tìm ra câu trả lời cho những vấn nạn của chính mình. Nơi người khác tôi tìm thấy chính mình; và cùng với người khác tôi khám phá được con người.

Trên đây là những gợi ý của một nhà tâm lý. Có thể mỗi người trong chúng ta có kinh nghiệm, cách cảm nhận và cách diễn đạt tình yêu khác nhau, nhưng chúng ta sẽ nhận ra rằng một tình yêu đích thực được biểu tỏ qua những nét căn bản trên. Người ta có thể nhận ra một tình yêu dối trá qua sự chiếm đoạt, tính ích kỷ, sự ghen tương và muôn vàn bộ mặt tiêu cực khác của cảm xúc mà con người dành cho nhau. Hình như nhà thơ trữ tình người Anh G. Byron cũng đã cảm nghiệm rằng cái na ná của tình yêu thì có hàng trăm hàng vạn, nhưng cái đích thật của tình yêu thì chỉ có một trên đời. Người trẻ, trong những bước đi đầu tiên, có mấy người biết được sự thật cuộc đời, hoặc là họ nhận ra sự thật sau khi đã trãi qua kinh nghiệm đau thương. Lúc đó biết cũng đã muộn màng và chỉ là hối tiếc khôn nguôi, nói theo kiểu nhiều tình khúc sầu buồn mà các bạn trẻ vẫn thường nghe. Giữa một thế giới đang đổi thay từng ngày, nơi mà người trẻ lo lắng không biết mình đang đứng ở đâu trên mặt đất này, thì hoặc là họ sẽ tìm cách để tự lo liệu lấy trong cuộc chạy đua với thời gian, công việc, tiền bạc và danh vọng, hoặc là họ sẽ bị nhận chìm trong những chuyến phiêu lưu tình ái không có hồi kết thúc.

Người trẻ cần một ai đó nói cho họ biết những gì là có thể tin được về một tình yêu chân chính; và cũng cần những minh chứng rằng tình yêu chân thật hiện hữu trên thế gian này qua những con người mà họ gặp gỡ thường ngày. Thế nhưng ai sẽ là người nói và làm chứng về tình yêu đích thực ấy cho người trẻ? Thế giới này luôn cần những con người biết nói bằng ngôn ngữ của trái tim và biết sống với tất cả trái tim, biết trao ban và biết đón nhận, biết yêu thương và cảm thông, biết hy sinh, phục vụ và can đảm nhận lãnh trách nhiệm vì người khác. Xem ra hơi có vẻ “lý tưởng hoá” và “khó kiếm” những mẫu người như thế. Và một câu hỏi lại được đặt ra: Liệu có thể tìm thấy họ chăng? Vâng, người ta vẫn còn có thể tìm thấy rất nhiều người như thế dưới mái gia đình, nơi trường học, công sở... Một điều đáng nói là có một phần không nhỏ trong số đó là những người đã biết kín múc nguồn năng lực đời mình và biết sống trong yêu thương phục vụ từ một tình yêu vĩ đại và là cội nguồn của mọi thứ tình người – Tình yêu của Thiên Chúa.

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2008

Lễ Chúa Thăng Thiên – Năm A

Ngày 4 Tháng 5, Năm 2008

Lễ Chúa Thăng Thiên – Năm A

Hãy Đi Làm Cho Muôn Dân Thành Môn Đệ

Trước khi về trời Chúa đã truyền cho các môn đệ: "Hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ." Mệnh lệnh Chúa Giêsu truyền cho chúng ta hôm nay cấp bách hơn bao giờ hết , bởi vì ngày nay người ta biết đến Chúa Giêsu rất nhiều, nhưng theo Chúa thì ít. Mà trong số những người theo Chúa thì cũng chẳng có bao nhiêu người thật sự là môn đệ Chúa. Nhiều người theo Chúa bề ngoài, nhưng trong lòng lại tôn thờ tiền tài, danh vọng và cả cái bụng của mình. Vậy chúng ta phải làm gì để có thể thật sự giúp cho người khác trở thành môn đệ Chúa để làm tròn sứ mạng mà Chúa trao cho mỗi người chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay?

1. Trước hết chúng ta phải là những môn đệ đích thực của Chúa.

Thật khó mà làm cho người khác thành môn đệ của Chúa nếu chúng ta không thật sự biết Chúa, yêu mến Chúa và đi theo đường của Chúa như một môn đệ đích thực. Làm một môn đệ thật khác với làm một học trò. Người học trò chỉ cần học những gì thầy dạy để theo đuổi mục đích riêng của mình. Người môn đệ phải đi theo thầy từng giây phút trong đời mình và phải theo đuổi cùng một mục đích như thầy mình. Muốn làm môn đệ Chúa thì người môn đệ phải học để mỗi ngày một nên giống Chúa hơn bằng cách thay đổi cách sống của mình cho rập khuôn với cách sống của Đức Kitô. Người môn đệ phải hy sinh cho những người mình phục vụ như Đức Kitô đã hy sinh cho mình, và nếu cần thì phải sẵn sàng chết như Đức Kitô để những người mình phục vụ được sống.

2. Muốn thành môn đệ cần rất nhiều cố gắng

Ở thời đại mà trào lưu xã hội đi cùng chiều với Tin Mừng thì làm môn đệ Chúa rất dễ. Nhưng ở thời đại "lội ngược dòng" như thời đại chúng ta, làm môn đệ Chúa thật sự khó khăn. Tôi không muốn người khác nghĩ là tôi lập dị, nên đôi khi tôi cũng phải làm giống họ, hay ít ra nói vuốt đuôi họ, để họ khỏi tẩy chay tôi. Có những linh mục sợ nói thẳng vì sợ mất lòng giáo dân. Có những Giáo Lý viên mập mờ về vấn đề luân lý, vì không biết, hay vì sợ... mất lòng học trò.... Nếu tôi làm như thế thù tôi chưa thật sự là môn đệ Chúa thì làm sao tôi có thể làm cho muôn dân thành môn đệ được?

Một khó khăn mà tất cả chúng ta đều gặp là chúng ta cũng bận rộn với sinh kế. Là Giáo Lý viên, tôi không làm việc toàn phần cho Chúa như các Linh Mục hay Tu Sĩ, vậy tôi làm sao có thể chu toàn cả bôn phận trần thế lẫn bổn phận truyền giáo của tôi? Muốn biết về Chúa thì tôi phải có giờ học về Chúa. Muốn làm giống Chúa thì tôi phải có giờ tìm hiểu xem Chúa đã làm gì. Muốn nên giống Chúa thì tôi phải có giờ linh thao. Mà tôi là giáo dân, làm việc ờ sở ít ra tám tiếng một ngày, còn phải đi công tác xa xôi, lái xe, cắt cỏ, mua sắm, nấu nướng, dạy con cái học hành và giải trí, thì tôi làm sao có giờ để học đòi làm môn đệ Chúa?

Nếu nhìn lại các môn đệ đầu tiên của Chúa, các ngài cũng phải lo sinh kế như chúng ta. Ngay cả Thánh Phaolô là tông đồ dân ngoại cũng phải làm nghề may lều để sinh sống. Nếu Chúa cho người ta đủ mọi dễ dãi để làm môn đệ Chúa thì Người đ ã không cần đến chúng ta. Chúa muốn chúng ta sống theo Chúa trong hoàn cảnh thường của chúng ta. Tuy khó khăn đấy, nhưng với ơn Chúa và một lòng tín thác vào Chúa, chúng ta chắc chắn sẽ lảm được.

3. Chúng ta không những rao giảng bằng lời nói mà còn bằng việc làm.

Cha ông chúng ta có một câu nói rất hay: "Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo!"

Chúa muốn chúng ta theo Chúa trong khi phải đương đầu với những khó khăn trong đời sống thường nhật để khám phá ra những phương thế theo Chúa hữu hiệu mà người khác có thể học được bằng cách theo gương chúng ta. Thánh Phaolô đã không kêu gọi các giáo hữu làm môn đệ Đức Kitô mà Ngài thường xuyên nhắc nhở họ: "anh chị em hãy theo gương tôi như tôi theo gương Đức Kitô" (1 Cor 11:1; x. 1Cor 4:16; Phil 3:17; 1 Thes 1:6; 2 Thes 3:7; 3:9). Nói như thế có phải quá tự hào không? Thưa không, bởi vì người ta không thể theo gương Chúa vì không thấy Chúa, nhưng người ta dễ dàng theo gương các linh mục, các tu sĩ, các Giáo Lý viên và phụ huynh. Mặc dù chúng ta chưa hoàn thiện, nhưng nếu cố gắng làm tất cả vì Chúa thì chúng ta sẽ trở nên gương sáng cho người khác noi theo. Họ sẽ bắt chước cách chúng ta chiến đấu với xác thịt, với cám dỗ và những áp lực xấu xa trong đời sống. Họ sẽ học theo cách chúng ta đối xử với tha nhân và cách chúng ta sống theo Đức Kitô, ể rồi họ sẽ nên giống chúng ta. Nếu chúng ta giống Đức Kitô nhiều, thì họ cũng giống Đức Kitô nhiều. Và ngược lại....

Tóm Lại

Chỉ có một cách duy nhất để giúp người khác trở thành môn đệ Chúa là chính chúng ta phải là những môn đệ chân chính và trung thành của Chúa. Từ đó gương sáng của chúng ta sẽ trợ lực cho những lời chúng ta nói với người khác về Chúa và làm cho họ trở thành môn đệ của Chúa.

Lạy Chúa, xin ban ơn Thánh Thần của Chúa trên con để con biết quên mình đi theo Chúa trong từng giây phút của đời con, ngõ hầu làm gương cho những người Chúa trao phó cho con dẫn dắt trên con đường làm môn đệ Chúa. Amen.