THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH “URBI ET ORBI” CỦA ĐỨC THÁNH
“Một ngày thánh đã ló rạng trên chúng ta.
Hỡi muôn dân hãy đến thờ lạy Chúa.
Hôm nay, một ánh sáng huy hoàng đã đến trong thế gian”.
(Công Bố Tin Mừng – Thánh Lễ Ban Ngày)
Anh chị em thân mến!
“Một ngày thánh đã ló rạng trên chúng ta.” Một ngày của hy vọng lớn lao: ngày hôm nay Đấng Cứu Độ nhân loại đã sinh ra. Việc sinh ra của một em bé thường đem lại hy vọng cho những người đang nóng lòng mong đợi. Khi Chúa Giêsu sinh ra trong hang đá Bêlem, một “ánh sáng huy hoàng” đã xuất hiện trên thế gian; một niềm hy vọng lớn lao đã đi vào tâm hồn những người mong đợi Người: trong ngôn từ của Phụng Vụ Giáng Sinh, “lux magna.” Phải thú nhận rằngđó không phải là “huy hoàng” theo kiểu thế gian, bởi vì những người đầu tiên được xem thấy ánh sáng này là Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse và một số mục đồng, rồi sau đó là các Đạo Sĩ, ông già Simêon, và nữ ngôn sứ Anna: là những người mà Thiên Chúa đã tuyển chọn. Nhưng, trong bóng tối và sự yên lặng của đêm thánh ấy, một ánh sánh huy hoàng và không thể dập tắt được đã tỏa sáng trên mọi người; niềm hy vọng vĩ đại, là niềm hy vọng đem hạnh phúc, đã đi vào thế gian: “Ngôi Lời đã thành nhục thể và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người” (Ga 1:14).
Thánh Gioan nói rằng: “Thiên Chúa là ánh sáng, và trong Người không có một chút tối tăm nào” (1 Ga 1:5). Trong sách Sáng Thế Ký chúng ta đọc thấy rằng khi vũ trụ được tạo dựng, “trái đất không có hình dạng và trống rỗng, và bóng tối bao trùm mặt vực thẳm.” “Thiên Chúa phán, ‘Hãy có ánh sáng’; và có ánh sáng” (Stk 1:2-3). Lời tạo dựng của Thiên Chúa – Dabar trong tiếng Hypri, Verbum trong tiếng Latinh, Logos trong tiếng Hy Lạp – có nghĩa là Ánh Sáng, nguồn mạch sự sống. Tất cả đều được tạo thành nhờ Logos, không có một cái gì có sự hiện hữu mà không nhờ Ngài (xem Ga 1:3). Đó là lý do tại sao mọi tạo vật theo căn bản đều tốt lành và mang trong mình dấu ấn của Thiên Chúa, một tia sáng của Ngài. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu được sinh ra bởi Đức Nữ Trinh Maria, thì chính Ánh Sáng đã đi vào thế gian: theo lời trong Kinh Tin Kính, “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng”. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã nhận vào Mình cái không phải là Ngài, mà vẫn còn là Ngài: “Đấng Toàn Năng vào một thân xác em bé, nhưng không ngừng cai quản vũ trụ” (xem Thánh Augustinô, Sermo 184, Số 1 về Lễ Giáng Sinh). Đấng Tạo Dựng con người đã trở thành con người để đem lại bình an cho thế gian. Vì lý do này mà trong đêm Giáng Sinh, các đạo binh thiên sứ hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên chốn trời cao, và bình an dưới thế cho những người Chúa thương” (Lk 2:14).
“Hôm nay một ánh sáng huy hoàng đã xuống trên thế gian”. Ánh Sáng của Đức Kitô là ánh sáng mang bình an. Trong Thánh Lễ Nửa Đêm, Phụng Vụ Thánh Thể bắt đầu bằng bài hát này: “Ngày hôm nay bình an thật sự đã từ trời xuống với chúng ta” (Ca Nhập Lễ). Quả thật, đó là ánh sáng “cao cả” duy nhất được biểu lộ trong Đức Kitô có thể ban bình an “thật” cho con người: Đó là lý do tại sao mọi thế hệ đều được mời gọi đón chào ánh sáng này, đón chào Thiên Chúa là Đấng đã trở thành một người trong chúng ta tại Bêlem.
Ngày Giáng Sinh này - là biến cố lịch sử và mầu nhiệm tình yêu, là ngày hơn hai ngàn năm nay đã nói với mọi người nam nữ ở mọi thời đại và ở khắp nơi. Đó là ngày thánh mà trên đó “ánh sáng huy hoàng” của Đức Kitô đã tỏa sáng, mang theo hòa bình! Chắc chắn rằng, nếu chúng ta muốn nhận ra được ánh sáng này, nếu chúng ta muốn nhận được ánh sáng này, thì chúng ta cần phải có đức tin và lòng khiêm nhường. Lòng khiêm nhường của Đức Maria, là Đấng tin vào Lời Chúa và cúi mình xuống trước máng cỏ, là người đầu tiên thờ lạy con từ lòng mình; lòng khiêm nhường của Thánh Giuse, người công chính, là người đã có can đảm của đức tin và thà vâng lời Thiên Chúa còn hơn bảo vệ danh giá mình; lòng khiêm nhường của các mục đồng, những mục đồng nghèo khó và vô danh, là những người đã nhận được lời công bố của các sứ thần thiên quốc và đã vội vã đi đến hang đá, và ở đó họ đã tìm thấy Con Trẻ sơ sinh và thờ lạy Người, trong khi kinh ngạc, ca tụng Thiên Chúa (xem Lc 2:15-20). Những người bé nhỏ, những người có tinh thần nghèo khó: họ là những nhân vật chính của Lễ Giáng Sinh, trong quá khứ và trong hiện tại; họ luôn là những khuôn mặt chính trong lịch sử của Thiên Chúa, là những người xây dựng Vương Quốc công bình, bác ái và hòa bình của Ngài mà không biết mệt mỏi.
Trong bầu khí yên lặng của đêm ấy tại Bêlem, Chúa Giêsu đã sinh ra và đã được đón chào cách trừu mến. Và giờ đây, trong Ngày Lễ Chúa Giáng Sinh này, khi mà tin vui về việc Người sinh ra để cứu độ chúng ta vẫn còn vang vọng, ai là người sẵn sáng mở cửa lòng ra đón nhận Hài Nhi Thánh này? Hỡi mọi người nam nữ của thời hiện đại này, Đức Kitô cũng đến để mang ánh sáng của Người cho chúng ta, Người cũng đến để ban bình an cho chúng ta! Nhưng trong đêm tối đầy nghi ngờ và bất trắc, ai đang tỉnh thức với sự cảnh giác, với tâm hồn cầu nguyện? Ai có thì giờ để lắng nghe tiếng Người để được tình yêu của Người ấp ủ và thấm nhập vào? Phải, sứ điệp bình an của Người là cho mọi người; Người đến để hiến mình cho muôn dân như niềm hy vọng chắc chắn cho ơn cứu độ.
Sau cùng, nguyện xin ánh sáng của Đức Kitô, là Đấng đến để soi sáng mọi người, chiếu sáng và đem niềm an ủi cho những ai đang sống trong bóng tối của nghèo đói, bất công và chiến tranh; cho những ai mà những khát vọng chính đáng để có một đời sống đảm bảo hơn, có phương tiện y tế, giáo dục, công ăn việc làm vững chắc, được tham gia trọn vẹn hơn vào những trách vụ dân sự và chính trị, được giải thoát khỏi áp bức và được bảo vệ khỏi những điều kiện sống ngược với nhân phẩm, vẫn còn đang bị khước từ. Chính những thành phần yếu thế nhất của xã hội – các phụ nữ, trẻ em, và các người lớn tuổi – là những người thường dễ trở thành nạn nhân của những cuộc xung đột vũ trang, khủng bố và đủ loại bạo lực, là những gì tạo nên những đau khổ khủng khiếp cho toàn thể dân chúng. Đồng thời, các căng thẳng về chủng tộc, tôn giáo và chính trị, tình trạng bất ổn, xung đột, bất hòa, và đủ mọi hình thức bất công và kỳ thị đang phá hủy cơ cấu nội tại của nhiều quốc gia và làm rạn nứt những tương giao quốc tế. Trên khắp thế giới, số dân di cư, tị nạn và di tản cũng gia tăng vì những tai họa thiên nhiên xảy ra thường xuyên, thường do những thay đổi đột ngột về môi sinh gây ra.
Trong ngày hòa bình nay, tôi cũng đặc biệt nghĩ đến những người ở những nơi mà tiếng súng vẫn còn tiếp tục vang rền; đến những vùng đang bị khổ sở ở Darfur, Somalia, miền bắc nước Dân Chủ Cộng Hòa Côngô, biên giới giữa Eritrea và Êthiôpia; đến toàn thể vùng Trung Đông - nhất là Iraq, Libăng và Đất Thánh; đến A phú hãn, Hồi Quốc va Tích Lan, đến vùng Balkăng và nhiều trường hợp khủng hoảng mà tiếc thay thường bị quên lãng. Nguyện xin Hài Nhi Giêsu đem an ủi đến cho những người đang đau khổ và xin Người ban cho các nhà lãnh đạo chính trị ơn khôn ngoan và can đảm để tìm kiếm và tìm ra những giải pháp nhân đạo, công bằng và trường cửu. Với việc Hạ Sinh của Người, Đức Kitô – Thiên Chúa Thật và người thật - trả lời cho những ai đang khát khao ý nghĩa và giá trị rất đặc thù cho thế giới hôm nay, cho những ai đang tìm kiếm sự thịnh vượng và bình an đánh dấu đời sống của cả nhân loại, cho những hy vọng của người nghèo. Không một cá nhân hay dân tộc nào phải sợ khi nhìn nhận và đón nhận Người: với Người, “một ánh sáng huy hoàng” chiếu soi chân trời nhân loại; trong Người, “một ngày thánh” ló rạng mà không biết đến hoàng hôn. Nguyện xin Lễ Giáng Sinh này thực sự là ngày vui mừng, hy vọng và bình an cho mọi người.
“Hỡi muôn dân hãy đến và thờ lạy Chúa.” Thưa anh chị em từ mọi lục địa, cùng với Đức Maria, Thánh Giuse, và các mục đồng, cùng với các Đạo Sĩ và vô vàn vô số những người khiêm nhường thờ lạy Hài Nhi mới sinh, là những người qua bao kỷ nguyên đã đón chào mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta cũng hãy để cho ánh sáng của ngày này lan tỏa khắp nơi: nguyện xin ánh sáng này đi vào tâm hồn chúng ta, nguyện xin ánh sáng này soi sáng và sưởi ấm các mái nhà của chúng ta, nguyện xin ánh sáng này mang lại thanh bình và hy vọng cho các thành phố của chúng ta, và nguyện xin ánh sáng này ban hòa bình cho thế giới. Đây là lời cầu chúc chân thành nhất của tôi cho tất cả những ai đang lắng nghe. Một lời cầu chúc trở thành một lời cầu nguyện khiêm nhường và tín thác vào Hài Nhi Giêsu, để ánh sáng của Người sẽ xua tan mọi bóng tối trong cuộc đời anh chị em và đổ tràn đầy tình yêu và bình an trong anh chị em. Nguyện xin Chúa, là Đấng đã làm cho dung nhan từ bi của Ngài chiếu tỏa trong Đức Kitô, đổ đầy hạnh phúc của Ngài trên anh chị em và làm cho anh chị em trở thành những sứ giả của sự tốt lành của Ngài. Chúc anh chị em một Lễ Giáng Sinh.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
LỄ GIÁNG SINH LÀ TÁI XÁC NHẬN MẦU
Vatican, ngày 19 tháng 12, năm 2007 – Trong buổi triểu yết chung hôm nay, buổi triều yết cuối cùng của năm 2007, được cử hành tại sảnh đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha nói về Lễ Giáng Sinh như sau:
“Nếu Lễ Giáng Sinh một đàng là để kỷ niệm cách thần kỳ ngày sinh nhật của Con Một Thiên Chúa bởi Đức Trinh Nữ Maria trong hang Bê Lem, thì một đàng khác, cũng để khuyên nhủ chúng ta phải cách tỉnh thức và cầu nguyện mà mong đợi Đấng Cứu Chuộc chúng ta, là Đấng sẽ trở lại trong ngày sau hết để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”
Đức Thánh Cha nói thêm cách bộc phát: “Dĩ nhiên là ngày nay chúng ta là các tín hữu thật sự tin vào Đấng Thẩm Phán; chúng ta mong chờ công lý. Chúng ta thấy quá nhiều bất công trên thế giới, … và chúng ta mong chờ công lý…. Chúng ta hy vọng rằng có một vị nào đó đến và có thể đem lại công lý. Trong phạm vi này chúng ta cầu mong rằng Đức Chúa Giêsu Kitô sẽ đến như Vị Thẩm Phán…. Chúa biết phải xuống thế gian thế nào để tạo ra công lý.”
“Mong đợi công lý theo nghĩa của Kitô giáo có nghĩa là … chúng ta bắt đầu sống dưới đôi mắt Vị Thẩm Phán,… tạo dựng công lý ngay trong đời sống chúng ta…. Bằng cách này chúng ta có thể mở thế giới ra đón chào Chúa Con đến và sửa soạn tâm hồn chúng ta để đón Chúa là Đấng phài đến.”
Trờ lại văn bản, Đức Thánh Cha nói: “Đấng được sinh ra bởi Đức Chúa Cha từ muôn thủa đã làm người trong lịch sử nhờ Mẹ Đồng Trinh. Con Thật của Thiên Chúa cũng trở thành Con Người thật. Ngày nay, trong thế giới bị tục hóa này, các quan niệm ấy xem như không còn giá trị bao nhiêu. Người ta thà không thèm đếm xỉa gì đến chúng hay coi chúng như không cần thiết cho đời sống, nại cớ là các chúng xảy ra quá xa xưa, và trên thực tế không thể phiên dịch chúng thành những lời hữu lý và có ý nghĩa được nữa.
“Hơn nữa, chúng ta được đào luyện trong quan điểm khoan dung và đa nguyên cho nên việc tin rằng Chân Lý thực sự đã tỏ lộ được coi là phạm đến sự khoan dung và sự tự do của con người. Tuy nhiên, nếu chân lý bị bãi bỏ, thì con người có phải là sinh vật bị tước đoạt mất ý nghiã không? Có phải chúng ta tự đẩy mình và thế giới vào chủ thuyết tương đối vô nghĩa không?”
Đức Thánh Cha tiếp: “Thật là quan trọng cho chúng ta khi củng cố mầu nhiệm cứu độ mà việc chúng ta cử hành lễ giáng sinh của Chúa Giêsu mang đến. Tại Bê Lem, Ánh Sáng đang chiếu dọi vào đời sống chúng ta được tỏ bày cho thế giới; chỉ cho chúng ta Con Đường đưa đền sự sung mãn của nhân tính của chúng ta. Nếu chúng ta không nhận ra rằng Thiên Chúa đã làm người, thì việc chúng ta cử hành Lễ Giáng Sinh có ý nghĩa gì không? Chúng ta, là các Kitô hữu, phải quả quyết bằng một xác tín sâu xa tận đáy lòng chân lý của Đức Kitô giáng sinh, để trở thành nhân chứng trước mặt mọi người về món quà độc nhất vô nhị đang đem lại sự giàu sang không những cho chúng ta mà cho mọi người.
“Từ đó, đưa đến nhiệm vụ truyền giáo, tức là thông truyền ‘eu-angelion’ là “Tin Mừng”. Điều này được nhấn mạnh trong văn kiện vừa được Thánh Bộ Đức Tin phát hành ‘Chú Thích về Tín Lý về một số phương diện của Phúc Âm Hoá”, mà Cha muốn trình bày để các con suy niệm và nghiên cứu kỹ lưỡng từng cá nhân hay từng nhóm.”
Đức Thánh Cha nói: “Trong những ngày dẫn đến Lễ Giáng Sinh này, Hội Thánh cầu nguyện nhiệt thành hơn cho việc những niềm hy vọng về hoà bình và cứu độ được thể hiện, là những điều mà thế giới hôm nay vẫn còn cần đến rất nhiều. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa làm cho bạo lực bị sức mạnh của tình yêu đánh bại, làm cho xung khắc nhường bước cho hòa giải, ước muốn thống trị đổi thành ước ao thứ tha, công lý và hoà bình. Xin cho những ước muốn tốt lành và yêu thường mà chúng ta trao đổi trong những ngày này đi vào mọi lãnh vực của đời sống hằng ngày của chúng ta.”
Đức Thánh Cha kết luận: “Nguyện xin sứ điệp đoàn kết và chấp nhận lẫn nhau nảy sanh từ Lễ Giáng Sinh góp phần vào việc tạo nên một ý thức sâu xa về những hình thức nghèo đói cũ và mới, và về công ích mà mọi người đều được mới gọi tham gia.”
Ngày 25 tháng 12, năm 2007
MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH
Nếu Lễ Giáng Sinh một đàng là để kỷ niệm cách thần kỳ ngày sinh nhật của Con Một Thiên Chúa bởi Đức Trinh Nữ Maria trong hang Bê Lem, thì một đàng khác, cũng để khuyên nhủ chúng ta phải cách tỉnh thức và cầu nguyện mà mong đợi Đấng Cứu Chuộc chúng ta, là Đấng sẽ trở lại trong ngày sau hết để phán xét kẻ sống và kẻ chết…
Đấng được sinh ra bởi Đức Chúa Cha từ muôn thủa đã làm người trong lịch sử nhờ Mẹ Đồng Trinh. Con Thật của Thiên Chúa cũng trở thành Con Người thật. Ngày nay, trong thế giới bị tục hóa này, các quan niệm ấy xem như không còn giá trị bao nhiêu. Người ta thà không thèm đếm xỉa gì đến chúng hay coi chúng như không cần thiết cho đời sống, nại cớ là các chúng xảy ra quá xa xưa, và trên thực tế không thể phiên dịch chúng thành những lời hữu lý và có ý nghĩa được nữa.
Hơn nữa, chúng ta được đào luyện trong quan điểm khoan dung và đa nguyên cho nên việc tin rằng Chân Lý thực sự đã tỏ lộ được coi là phạm đến sự khoan dung và sự tự do của con người. Tuy nhiên, nếu chân lý bị bãi bỏ, thì con người có phải là sinh vật bị tước đoạt mất ý nghiã không? Có phải chúng ta tự đẩy mình và thế giới vào chủ thuyết tương đối vô nghĩa không?
Thật là quan trọng cho chúng ta khi củng cố mầu nhiệm cứu độ mà việc chúng ta cử hành lễ giáng sinh của Chúa Giêsu mang đến. Tại Bê Lem, Ánh Sáng đang chiếu dọi vào đời sống chúng ta được tỏ bày cho thế giới; chỉ cho chúng ta Con Đường đưa đến sự sung mãn của nhân tính của chúng ta. Nếu chúng ta không nhận ra rằng Thiên Chúa đã làm người, thì việc chúng ta cử hành Lễ Giáng Sinh có ý nghĩa gì không? Chúng ta, là các Kitô hữu, phải quả quyết bằng một xác tín sâu xa tận đáy lòng chân lý của Đức Kitô giáng sinh, để trờ thành nhân chứng trước mặt mọi người về món quà độc nhất vô nhị đang đem lại sự giàu sang không những cho chúng ta mà cho mọi người.
ĐTC Bênêđictô XVI
TRUYỀN GIÁO VÀ LỄ GIÁNG SINH
“Không gì đẹp hơn là cho đi cách nhưng không những gì mình đã nhận được cách nhưng không”
* * *
Anh chị em thân mến
Chúa nhựt thứ Bốn chỉ còn cách lễ Giáng sinh một ngày. Ngày mai, chúng ta sẽ tụ họp nhau để mừng mầu nhiệm trọng đại của tình yêu, mầu nhiệm sẽ không bao giờ ngừng gây ra sửng sốt: Thiên Chúa đã trở thành Con người, ngõ hầu chúng ta được trở nên con cái Chúa. Trong mùa Vọng, từ thâm tâm của Hội thánh, phát lên lời khẩn nài: “Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm chúng con với bình an của Chúa, nguyện xin sự hiện diện của Chúa làm cho chúng con ngập tràn niềm vui”. Sứ mạng loan báo tin mừng của Hội thánh là tiếng đáp trả cho lời kêu van “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến!”, trải dài suốt lịch sử cứu độ và tiếp tục phát ra từ trên môi các tín hữu. Lạy Chúa, xin hãy đến để biến đổi trái tim chúng con, để cho công lý và hoà bình lan rộng khắp thế giới. Đây là chủ đích của văn kiện về Ghi chú đạo lý về một vài khía cạnh của việc loan báo Tin mừng do Bộ Giáo Lý mới phát hành. Thực vậy, trong hoàn cảnh hiện nay khi mà lắm lần nhiều tín hữu không còn ý thức rõ rệt về ý nghĩa của việc rao giảng Tin mừng, văn kiện muốn nhắc nhở cho các Kitô hữu rằng “việc tin nhận Tin mừng tự bản chất thúc gịuc hãy thông chia ơn cứu độ mà mình đã lãnh nhận như hồng ân (số 7).
Thật thế, “Chân Lý cứu độ sự sống – đã trở nên con người nơi Đức Giêsu – thắp lên trong tâm hồn kẻ nào đón nhận, tình yêu đối với tha nhân, thúc đẩy sự tự do hãy trao ban điều mà mình đã lãnh nhận” (ibid.). Việc cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa gần gũi chúng ta trong cuộc Giáng sinh, là một hồng ân vô giá. Hồng ân này có khả năng biến chúng ta được sống trong vòng ôm ấp đại đồng của những bạn hữu Chúa, trong “mạng lưới bằng hữu của Đức Kitô nối kết trời với đất”, vươn sự tự do của con người lên tới chỗ viên mãn, và một khi sống trong sự thật của nó, thỉ sẽ trổ sinh tình yêu trao ban không tính toán, quan tâm ưu ái đến điều tốt đẹp cho hết mọi người”. Không còn gì đẹp hơn, khẩn trương và quan trọng hơn là trao ban cho tha nhân điều mà mình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Không có gì chước chuẩn hoặc miễn trừ chúng ta khỏi trọng trách nặng nề và hấp dẫn này. Niềm vui lễ Giáng sinh mà chúng ta đang nếm trước, đang khi làm cho chúng ta tràn trề hy vọng, thì đồng thời cũng thúc đẩy chúng ta hãy loan báo cho mọi người sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
Mẫu gương tuyệt vời của việc rao truyền Tin mừng là đức Trinh nữ Maria, kẻ đã trao ban cho thế giới không phải là một ý niệm, nhưng là đức Giêsu Ngôi Lời nhập thể. Chúng ta hãy tin tưởng nài xin Người, ngõ hầu Hội thánh thời nay cũng loan báo Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ. Mong sao cho mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn hãy cảm thấy hân hoan vì được chia sẻ với tha nhân Tin Mừng về “Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đên nỗi đã ban Con Một của Ngài … ngõ hầu thế gian được cứu độ nhờ Người” (Ga 3,16-17). Đây là ý nghĩa chân chính của lễ Giáng sinh, mà chúng ta cần phải tái khám phá và sống sâu đậm.
Radio
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét