LỄ GIÁNG SINH LÀ TÁI XÁC NHẬN MẦU
Vatican, ngày 19 tháng 12, năm 2007 – Trong buổi triểu yết chung hôm nay, buổi triều yết cuối cùng của năm 2007, được cử hành tại sảnh đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha nói về Lễ Giáng Sinh như sau:
“Nếu Lễ Giáng Sinh một đàng là để kỷ niệm cách thần kỳ ngày sinh nhật của Con Một Thiên Chúa bởi Đức Trinh Nữ Maria trong hang Bê Lem, thì một đàng khác, cũng để khuyên nhủ chúng ta phải cách tỉnh thức và cầu nguyện mà mong đợi Đấng Cứu Chuộc chúng ta, là Đấng sẽ trở lại trong ngày sau hết để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”
Đức Thánh Cha nói thêm cách bộc phát: “Dĩ nhiên là ngày nay chúng ta là các tín hữu thật sự tin vào Đấng Thẩm Phán; chúng ta mong chờ công lý. Chúng ta thấy quá nhiều bất công trên thế giới, … và chúng ta mong chờ công lý…. Chúng ta hy vọng rằng có một vị nào đó đến và có thể đem lại công lý. Trong phạm vi này chúng ta cầu mong rằng Đức Chúa Giêsu Kitô sẽ đến như Vị Thẩm Phán…. Chúa biết phải xuống thế gian thế nào để tạo ra công lý.”
“Mong đợi công lý theo nghĩa của Kitô giáo có nghĩa là … chúng ta bắt đầu sống dưới đôi mắt Vị Thẩm Phán,… tạo dựng công lý ngay trong đời sống chúng ta…. Bằng cách này chúng ta có thể mở thế giới ra đón chào Chúa Con đến và sửa soạn tâm hồn chúng ta để đón Chúa là Đấng phài đến.”
Trờ lại văn bản, Đức Thánh Cha nói: “Đấng được sinh ra bời Đức Chúa Cha từ muôn thủa đã làm người trong lịch sử nhờ Mẹ Đồng Trinh. Con Thật của Thiên Chúa cũng trở thành Con Người thật. Ngày nay, trong thế giới bị tục hóa này, các quan niệm ấy xem như không còn giá trị bao nhiêu. Người ta thà không thèm đếm xỉa gì đến chúng hay coi chúng như không cần thiết cho đời sống, nại cớ là các chúng xảy ra quá xa xưa, và trên thực tế không thể phiên dịch chúng thành những lời hữu lý và có ý nghĩa được nữa.
“Hơn nữa, chúng ta được đào luyện trong quan điểm khoan dung và đa nguyên cho nên việc tin rằng Chân Lý thực sự đã tỏ lộ được coi là phạm đến sự khoan dung và sự tự do của con người. Tuy nhiên, nếu chân lý bị bãi bỏ, thì con người có phải là sinh vật bị tước đoạt mất ý nghiã không? Có phải chúng ta tự đẩy mình và thế giới vào chủ thuyết tương đối vô nghĩa không?”
Đức Thánh Cha tiếp: “Thật là quan trọng cho chúng ta khi củng cố mầu nhiệm cứu độ mà việc chúng ta cử hành lễ giáng sinh của Chúa Giêsu mang đến. Tại Bê Lem, Ánh Sáng đang chiếu dọi vào đời sống chúng ta được tỏ bày cho thế giới; chỉ cho chúng ta Con Đường đưa đền sự sung mãn của nhân tính của chúng ta. Nếu chúng ta không nhận ra rằng Thiên Chúa đã làm người, thì chúng ta cử hành Lễ Sinh Nhật có ý nghĩa gì không? Chúng ta, là các Kitô hữu, phải quả quyết bằng một xác tín sâu xa tận đáy lòng chân lý của Đức Kitô giáng sinh, để trờ thành nhân chứng trước mặt mọi người về món quà độc nhất vô nhị đang đem lại sự giàu sang không những cho chúng ta mà cho mọi người.
“Từ đó, đưa đến nhiệm vụ truyền giáo, tức là thông truyền ‘eu-angelion’ là “Tin Mừng”. Điều này được nhấn mạnh trong văn kiện vừa được Thánh Bộ Đức Tin phát hành ‘Chú Thích về Tín Lý về một số phương diện của Phúc Âm Hoá”, mà Cha muốn trình bày để các con suy niệm và nghiên cứu kỹ lưỡng từng cá nhân hay từng nhóm.”
Đức Thánh Cha nói: “Trong những ngày dẫn đến Lễ Giáng Sinh này, Hội Thánh cầu nguyện nhiệt thành hơn cho việc những niềm hy vọng về hoà bình và cứu độ được thể hiện, là những điều mà thế giới hôm nay vẫn còn cần đến rất nhiều. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa làm cho bạo lực bị sức mạnh của tình yêu đánh bại, làm cho xung khắc nhường bước cho hòa giải, ước muốn thống trị đổi thành ước ao thứ tha, công lý và hoà bình. Xin cho những ước muốn tốt lành và yêu thường mà chúng ta trao đổi trong những ngày này đi vào mọi lãnh vực của đời sống hằng ngày của chúng ta.”
Đức Thánh Cha kết luận: “Nguyện xin sứ điệp đoàn kết và chấp nhận lẫn nhau nảy sanh từ Lễ Giáng Sinh góp phần vào việc tạo nên một ý thức sâu xa về những hình thức nghèo đói cũ và mới, và về công ích mà mọi người đều được mới gọi tham gia.”
Hôm Nay Ðấng Cứu Thế Ðã Giáng Sinh Cho Chúng Ta
Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã Giáng Sinh cho chúng ta. Lời loan báo Chúa Giáng Sinh vang lên đêm nay, lời loan báo xa xưa và luôn mới mẻ. Lời loan báo vang lên cho những ai đang tỉnh thức, cho những mục đồng tại Bêlem cách đây 2,000 năm, nó vang lên cho những ai đang sống theo đòi hỏi của Mùa Vọng, và một khi đã tỉnh thức trong đợi chờ, sẵn sàng đón nhận sứ điệp vui mừng được hát lên trong Thánh Lễ hôm nay: "Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã Giáng Sinh cho chúng ta".
Dân Kitô đang tỉnh thức, toàn thể thế giới đang tỉnh thức trong đêm Giáng Sinh này. Trong những ngày này, dường như Giáo Hội không bao giờ ngừng lặp lại rằng:"Hôm nay Ðấng Cứu Thế Giáng Sinh cho chúng ta". Lời rao giảng này có tích chứa sức mạnh không bao giờ cạn để canh tân, nó vang dội trong Ðêm Thánh này một cách mạnh mẽ đặc biệt. Ðây là Giáng Sinh của đại năm thánh, kỷ niệm sống động của hai ngàn năm của Chúa Kitô, kỷ niệm cuộc sinh hạ kỳ diệu, một biến cố đã ghi dấu điểm khởi đầu mới của lịch sử. "Ngày hôm nay Ngôi Lời đã làm người và sống giữa chúng ta".
Ngày hôm nay trong đêm cực thánh này, thời gian được mở ra đến cõi đời đời, bởi vì Ngài, Lạy Chúa Kitô, Ngài đã từ trời cao mà sinh xuống giữa chúng con. Ngài sinh xuống trần gian từ cung lòng của một người nữ đã được chúc phúc hơn mọi người nữ. Ngài là con của Ðấng Tối Cao, sự thánh thiện của Ngài đã thánh hóa thời gian của chúng con một lần vĩnh viễn luôn mãi, những ngày tháng, những thế kỷ, những ngàn năm. Với sự Giáng Sinh của Ngài, Ngài đã làm cho thời gian trở thành cái hôm nay của ơn cứu rỗi.
Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã Giáng Sinh cho chúng ta. Ðêm nay chúng ta cử hành mầu nhiệm Bêlem, mầu nhiệm của một đêm đặc biệt cách nào đó nằm trong thời gian vừa đồng thời vượt qua thời gian, trong cung lòng của Ðức Nữ Ðồng Trinh một Con Trẻ đã sinh ra, một máng cỏ đã trở thành cái nôi cho Ðấng là sự sống đời đời.
Lễ Giáng Sinh là lễ của sự sống, bởi vì Ngài, Lạy Chúa Giêsu, khi đến trong thế gian như một người trong chúng con, Ngài đã chúc phúc cho giờ Ngài đã sinh ra, một giờ nói lên cách tượng trưng cho mầu nhiệm của cuộc sống con người, vừa liên kết những đau khổ của sự sinh hạ với niềm hy vọng, liên kết đau khổ với niềm vui. Tất cả những điều này đã xảy ra tại Bêlem, một người mẹ đã sinh con, một con người đã sinh ra trong trần gian, đó là con người, đó là mầu nhiệm của Bêlem.
Với niềm cảm xúc trong tâm hồn, tôi nghĩ lại những ngày hành hương năm Thánh của tôi bên Thánh Ðịa, tâm trí tôi trở lại với hang đá nơi tôi được dịp dừng lại cầu nguyện. Tôi hôn kính trong tinh thần, hôn kính miền đất được chúc phúc kia nơi phát sinh niềm vui không bao giờ tàn cho thế giới. Tôi lo âu cho những nơi Thánh và đặc biệt là thành Bêlem nơi mà buồn thay vì hoàn cảnh chính trị khó khăn không thể nào diễn ra Lễ Nghi Giáng Sinh với sự long trọng như mọi khi. Tôi mong muốn sao cho trong đêm nay, những cộng đoàn Kitô tại đó cảm thấy được tình liên đới tràn đầy của toàn thể Giáo Hội đối với họ.
Thưa anh chị em rất thân mến tại Bêlem,
Chúng tôi gần gũi với anh chị em với lời cầu nguyện thật sốt sắng. Cùng với anh chị em, chúng tôi rung động vì số phận của toàn vùng Trung Ðông.
Nguyện xin Thiên Chúa lắng nghe lời chúng ta khẩn cầu. Ước chi từ quảng trường này, trung tâm của thế giới Công Giáo được vang lên một lần nữa với sức mạnh được canh tân, vang lên lời loan báo của các thiên thần, của các mục đồng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao và hòa bình dưới thế cho mọi người được Chúa yêu thương".
Niềm hy vọng của chúng ta không thể nào bị lung lay, cũng như không thể nào thiếu đi sự khâm phục những gì chúng ta đang cử hành. Ngày hôm nay, Ðấng ban hòa bình cho thế gian Giáng Sinh. Hôm nay Ðấng Cứu Thế Giáng Sinh cho chúng ta. Ngôi Lời nằm khóc trong máng cỏ, Ngài được gọi là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa Cứu Rỗi, bởi vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi mọi tội lỗi.
Không phải trong một lâu đài mà Ðấng Cứu Chuộc sinh ra, Ðấng có sứ mạng thiết lập lại Vương Quốc đời đời và phổ quát. Ngài sinh ra trong một chuồng loài vật và sống giữa chúng ta, Ngài thắp lên trong thế giới ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa và ngọn lửa này sẽ không bao giờ tắt. Ước chi ngọn lửa này cháy lên trong các tâm hồn như một ngọn lửa tình bác ái hữu hiệu, tình bác ái trở thành sự tiếp đón, nâng đỡ cho biết bao anh chị em bị thử thách bởi sự nghèo cùng và đau khổ.
Lạy Chúa Giêsu mà chúng con chiêm ngắm trong cảnh nghèo hèn tại Bêlem, xin hãy làm cho chúng con trở nên những chứng nhân của tình yêu Chúa, của tình yêu đã thôi thúc Ngài cởi bỏ vinh quang của Thiên Chúa để sinh ra sống giữa con người và chịu chết vì chúng con, xin Ngài hãy đổ vào chúng con Thánh Thần của Ngài, ngõ hầu ân sủng của mầu nhiệm Nhập Thể khơi dậy nơi mỗi tín hữu sự dấn thân góp sức cách quảng đại hơn, phù hợp hơn với sự sống mới do Bí Tích Rửa Tội trao ban. Xin hãy làm cho ánh sáng của đêm hôm nay sáng hơn ban ngày, chiếu sáng trên tương lai và hướng dẫn những bước tiến của nhân loại trên con đường hòa bình.
Ðức Thánh Cha kết thúc bài giảng của Ngài với lời nguyện:
Lạy Chúa, Hoàng Tử của Hòa Bình, Ðấng Cứu Chuộc đã Giáng Sinh vì chúng con, xin hãy đồng hành với Giáo Hội Chúa trên con đường đang mở ra dẫn đưa Giáo Hội bước vào ngàn năm mới.
(Bài giảng Lễ Giáng Sinh của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét