Sứ Ðiệp Phục Sinh năm 2008
của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI
Sứ Ðiệp Phục Sinh năm 2008 của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI:
Resurrexi, et adhuc tecum sum. Alleluia! -
Con đã sống lại, Con vẫn hiện diện bên cạnh Cha. Alleluia!
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu, Ðấng chịu đóng đinh và đã sống lại, hôm nay lặp lại cho chúng ta lời công bố đầy vui mừng này: đó là lời công bố biến cố Phục Sinh. Chúng ta hãy chào đón lời công bố này với sự kinh ngạc sâu xa và lòng tri ân!
Resurrexi et adhuc tecum sum - Con đã sống lại, Con vẫn ở bên Cha đến muôn đời.
Ðược trích từ bản văn cổ xưa của Thánh Vịnh 138 (câu 18b), những lời này vang lên vào khởi đầu Thánh Lễ hôm nay. Trong những lời đó, vào lúc mặt trời Phục Sinh mọc lên, Giáo Hội nhận ra chính giọng nói của Chúa Giêsu, là Ðấng khi trỗi dậy từ trong kẻ chết, thì hướng về Chúa Cha đầy hạnh phúc và tình thương, và thốt lên: Thưa Cha, này con đây! Con đã sống lại, Con vẫn kề cận bên Cha, và Con sẽ ở bên Cha mãi mãi; Thánh Thần của Cha đã không bao giờ bỏ rơi Con. Như thế, chúng ta có thể hiểu một cách mới mẽ những kiểu nói khác nữa trong thánh vịnh 138 này như sau: "Con có lên trời, Chúa đang ngự đó; Con xuống dưới âm ty, Chúa vẫn có đó... Cả những bóng tối cũng chẳng u tối đối với Chúa, và đêm đen thì sáng tỏ như ban ngày; đối với Chúa, bóng tối cũng là như ánh sáng." (Tv 138:8-12). Thật thế: trong đêm canh thức Phục Sinh trọng thể này, bóng tối trở thành ánh sáng, đêm đen nhường chỗ cho ngày mới không biết đến chiều tà. Cái chết và sự phục sinh của Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể là một biến cố của tình yêu không gì có thể hơn được, là chiến thắng của Ðấng là Tình Yêu, là Ðấng đã giải thoát chúng ta khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Biến cố ấy đã thay đổi được giòng lịch sử, vừa đưa vào trong cuộc sống con người ý nghĩa và giá trị đã được canh tân và không thể phai tàn đi được.
"Con đã sống lại, Con vẫn kề cận bên Cha đến muôn đời". Những lời này mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô phục sinh, vừa để cho tiếng nói của Ngài vang lên trong tâm hồn ta. Với hy tế có giá trị cứu chuộc của Ngài, Chúa Giêsu thành Nagiarét đã làm cho chúng ta trở nên những con cái của Thiên Chúa, sao cho giờ đây chúng ta có thể đưa mình vào trong công cuộc đối thoại mầu nhiệm giữa Người và Chúa Cha. Chúng ta nhớ lại tất cả những gì mà một ngày kia Người đã nói với những ai đang lắng nghe: "Mọi sự đã được Cha Ta giao phó cho Ta. Và không ai biết rõ Cha trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mặc khải cho" (Mt 11:27). Trong viễn tượng này, chúng ta ghi nhận rằng những lời Chúa Giêsu phục sinh nói với Chúa Cha hôm nay - "Con vẫn kề cận bên Cha đến muôn đời" - cũng áp dụng gián tiếp cho cả chúng ta nữa, "những con cái của Thiên Chúa và là những người đồng thừa tự với Chúa Kitô, miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người, để tham dự vào vinh quang của Người" (x Rm. 8:17). Nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô, thì ngày hôm nay cả chúng ta đây, chúng ta được sống một cuộc sống mới, và nhờ kết hiệp tiếng nói chúng ta với tiếng nói của Người, chúng ta công bố rằng chúng ta muốn ở lại mãi mãi bên Thiên Chúa, Cha chúng ta, Ðấng tốt lành và nhân từ vô cùng.
Như thế, chúng ta tiến vào trong chiều sâu của mầu nhiệm Vượt Qua. Biến cố đáng kinh ngạc về sự Phục sinh của Chúa Giêsu thiết yếu là một biến cố của tình yêu: tình yêu của Chúa Cha, Ðấng trao ban Con Ngài để cứu rỗi thế gian; tình yêu của Chúa Con, Ðấng phó thác chính mình cho thánh ý Chúa Cha, vì tất cả chúng ta; tình yêu của Chúa Thánh Thần, Ðấng làm cho Chúa Giêsu phục sinh từ trong kẻ chết trong thân xác được vinh hiển của Người. Và còn nữa: tình yêu của Chúa Cha, Ðấng giang tay "ôm lại" Con Một mình, vừa bao bọc Người trong vinh quang; Tình yêu của Chúa Con, Ðấng nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà trở về cùng Thiên Chúa Cha, mang theo nhân loại chúng ta đã được biến đổi.
Từ lễ nghi long trọng hôm nay, một nghi lễ làm cho chúng ta sống lại kinh nghiệm tuyệt đối và riêng biệt của sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta nghe được lời mời gọi trở lại với Tình Yêu Thiên Chúa; chúng ta nghe được lời mời gọi hãy sống giải thoát khỏi trừ thù hận và ích kỷ, và hãy vâng phục bước theo những bước chân của Chiên Con bị sát tế để cứu rỗi chúng ta, hãy bắt chước Ðấng Cứu Ðộ "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng", Ðấng là "nơi yên nghỉ cho linh hồn chúng ta" (x. Mt 11:29).
Thưa anh chị em Kitô khắp nơi trên thế giới, hỡi những con người nam nữ có tinh thần chân thành mở rộng đón nhận sự thật! Ước gì không một ai đóng kín con tim mình trước quyền năng của tình yêu cứu chuộc! Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại cho tất cả mọi người; Ngài là niềm hy vọng của chúng ta; là niềm hy vọng đích thật của từng người. Hôm nay, --- như xưa Người đã làm với các môn đệ tại Galilê trước khi về với Chúa Cha, --- Chúa Giêsu phục sinh cũng sai chúng ta đến mọi nơi, như những chứng nhân cho niềm hy vọng của Người và Người bảo đảm với chúng ta rằng: Thầy sẽ ở cùng anh em luôn mọi ngày cho tới tận thế (x. Mt 28:20). Khi hướng nhìn về những vết thương vinh hiển nơi thân xác đã được biến đổi của Người, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị của đau khổ, chúng ta có thể chăm sóc cho nhiều vết thương đang tiếp tục rỉ máu nơi nhân loại, cả trong những ngày chúng ta đang sống. Nơi những thương tích vinh hiển của Người, chúng ta nhận ra những dấu chỉ không thể phai nhoà của lòng nhân từ vô cùng của Thiên Chúa, Ðấng mà tiên tri Isaia nói đến như sau: Ngài là Ðấng chữa lành những vết thương của những tâm hồn tan nát, là Ðấng bảo vệ những kẻ yếu đuối và công bố sự tự do cho những ai làm nô lệ, là Ðấng yên ủi tất cả những ai sầu khổ, là Ðấng ban cho họ dầu của niềm vui thay cho chiếc áo tang chế; là bài ca chúc tụng thay cho một tâm hồn sầu thương (x. Is 61:1,2,3). Nếu chúng ta xích lại gần Người với một lòng tín thác khiêm cung, chúng ta sẽ gặp thấy trong cái nhìn của Người câu trả lời cho những khát vọng sâu xa nhất trong tim chúng ta: đó là được biết Chúa và được thiết lập với Người một tương quan sống động, một tương quan đổ tràn đầy tình thương của Người vào cuộc sống chúng ta và vào trong những tương quan quốc tế và xã hội chúng ta. Vì thế, nhân loại cần đến Chúa Kitô: trong Người, niềm hy vọng chúng ta, "chúng ta đã được ơn cứu rỗi" (x Rm 8:24).
Biết bao lần, những tương quan giữa cá nhân với cá nhân, giữa các nhóm với nhau, giữa các dân tộc với nhau, thay vì được tình thương ghi dấu, thì lại bị ghi dấu bởi ích kỷ, bởi bất công, hận thù, bạo lực! Ðó là những tai ương của nhân loại, những vết thương công khai và gây ra đau khổ ở mọi nơi trên mặt đất, cho dù những vết thương thường không được biết đến và đôi khi bị cố ý che đậy; đó là những vết thương làm tan nát tinh thần và thân xác của vô số anh chị em chúng ta. Những vết thương đó đang chờ được chăm sóc và chữa lành bởi những vết thương vinh hiển của Chúa Phục Sinh (x 1 pherô 2:24-25) và bởi tình liên đới của tất cả những ai, theo bước chân Chúa và nhân danh Người, thực thi những công việc của tình thương, dấn thân hữu hiệu cho công lý, và phổ biến quanh mình những dấu chỉ sáng chói của niềm hy vọng, tại những nơi đẫm máu vì xung đột và tại bất cứ nơi nào mà phẩm giá con người tiếp tục bị xỉ nhục và chà đạp. Ước mong là tại chính những nơi đó được tăng thêm nhiều hơn những lời chứng cho sự hiền từ dịu dàng và sự tha thứ.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy để cho ánh sáng rạng ngời của Ngày long trọng hôm nay soi sáng chúng ta; với lòng phó thác chân thành, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa Kitô phục sinh, ngỏ hầu sức mạnh canh tân của Mầu nhiệm Vượt Qua được biểu lộ nơi mỗi người chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong những thành phố và trên đất nước chúng ta. Ước chi sức mạnh canh tạn của Mầu Nhiệm Vượt Qua được biểu lộ mọi nơi trên thế giới. Ðặc biệt trong giây phút này, làm sao không nghĩ đến vài vùng bên Phi châu, như tại Darfur và Somalia, nghĩ đến vùng Trung Ðông đẩm máu, nhất là đến Thánh Ðịa, đến Iraq, Liban, và cuối cùng đến Tibet; Ðây là những vùng đất mà tôi khuyến khích đi tìm những giải đáp duy trì được điều thiện hảo và bình an! Chúng ta hãy khẩn xin Chúa ban cho dư đầy những hồng ân phục sinh, nhờ lời cầu bàu của Mẹ Maria; Mẹ đã cảm nghiệm được niềm vui khôn tả của sự Phục Sinh Chúa, sau khi đã chia sẽ những đau khổ của cuộc thương khó và chịu đóng đinh của Con Mẹ, Ðấng Vô Tội. Ðược liên kết với vinh quang của Chúa Kitô, Xin Mẹ hãy bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trên con đường của tình huynh đệ liên đới và hoà bình.
Ðây là những lời cầu chúc Phục Sinh của tôi, gởi cho anh em hiện diện nơi đay, và cho những con người mọi đại lục và quốc gia, được kết hiệp với chúng ta qua đài phát thanh và truyền hình. Chúc Mừng Phục Sinh tất cả anh chị em!
Bênêđitô XVI, Giáo hoàng
Quý vị và các bạn thân mến! Sau những lời trên, Ðức Thánh Cha chúc mừng Phục Sinh bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, trong đó có tiếng Việt Nam: "Mừng Lễ Phục Sinh". Như quý vị và các bạn đã biết, trong suốt Thánh Lễ Phục Sinh sáng Chúa Nhật do ÐTC cử hành tại Thềm Ðền Thờ Thánh Phêrô, thời tiết tại Roma rất xấu, mưa tầm tả. Hàng trăm ngàn tín hữu tham dự tại quảng trường núp mình dưới rừng dù muôn màu. Kết thúc Sứ Ðiệp Phục Sinh, ÐTC đã ban Phép Lành long trọng cho thành Roma và cho toàn thế giới - URBI et ORBI - cùng với ơn toàn xá, cho những tín hữu hiện diện tại quảng trường và cho những tín hữu nào hiệp ý tham dự qua các Ðài Phát Thanh Truyền Hình và các phương tiện thông tin internet.
(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét