Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2008

11 PHUONG PHAP DE GIU KY LUAT TRONG LOP

11 Phương Pháp để giữ Kỷ luật trong lớp

Đây là mười một phương pháp bạn có thể dùng để giữ kỷ luật trong lớp. Bài này được soạn theo một bài viết của Thomas R. McDaniel, nhan đề “A Primer on Classroom Discipline: Principles Old and New” Phi Delta Kappan, tháng 9, 1986 (Viết theo Discipline by Design, dịch giả sửa đổi đôi chút cho phù hợp với học sinh việt nam).

1. Làm cho Học Sinh Chú Ý

Trước khi bạn bắt đầu bài học phải chắc chắn rằng các học sinh trong lớp chú ý nghe bạn giảng dạy. Đừng cố giảng dạy khi các học sinh đang ồn ào và không chú ý.

Các thầy cô ít kinh nghiệm đôi khi nghĩ rằng cứ bắt đầu bài học thì lớp sẽ yên. Đôi khi cách này có kết quả, nhưng làm như thế các em nghĩ rằng các bạn chấp nhận việc các em không để tâm, và cho phép các em nói chuyện khi các bạn giảng bài.

Phương pháp chú ý có nghĩa là bạn đòi các em phải chú ý trước khi bắt đầu, nghĩa là bạn sẽ đợi và không bắt đầu cho đến khi mọi người ngồi yên. Các thầy cô có kinh nghiệm biết rằng đứng im không nói gì cả là điều rất hiệu quả. Họ sẽ đợi sau khi cả lớp im lặng từ 3 đến 5 giây rồi mới nói, và nói bằng giọng vừa đủ nghe.

Một thầy cô nói giọng nhẹ nhàng thường cũng làm cho lớp học im lặng hơn là một thầy cô lớn giọng. Học sinh sẽ ngồi im để lắng nghe.

2. Nói thẳng, nói cách trực tiếp

Kỹ thuật nói thẳng là bắt đầu mỗi lớp học bằng cách nói thẳng cho học sinh biết điều gì sẽ xảy ra. Thầy cô cho học sinh biết là mình và các em sẽ làm gì trong giờ học này, và giới hạn thì giờ cho mỗi việc làm trong lớp.

Cách tốt nhất là dùng chung với cách thứ nhất ở trên bằng cách cho các em một ít phút vào cuối lớp để làm những gì các em thích. Thầy cô có thể kết thúc việc liệt kê các việc làm trong lớp thế này: “Nếu các em làm theo thầy/cô nói, thầy/cô nghĩ rằng chúng ta sẽ có một ít giờ vào cuối lớp để các em chơi trò chơi, giải trí, nghe chuyện, nói chuyện…”

Làm như thế, thầy cô biết rằng mình có đủ thì giờ để chờ các em im lặng mà vẫn đạt được mục tiêu của mình. Chẳng bao lâu, các học sinh cũng nhận ra rằng thầy cô càng đợi lâu để bắt đầu lớp học thì các em càng có ít thì giờ tự do ở cuối giờ học.

3. Quan Sát

Điểm chính yếu của phương pháp này là đi vòng vòng. Đứng lên và đi vòng lớp học khi các em đang học hay làm bài để xem các làm làm ra sao.

Một thầy cô giỏi sẽ rảo qua cả lớp học trong vòng hai phút sau khi các em bắt đầu làm bài, để kiểm soát xem các học sinh có làm đúng trang và đề tên mình trên trang ấy không. Kiểm soát xem có học sinh nào không hiểu đầu bài để có thể giải thích cho em rõ ràng hơn. Nhờ vậy những em lo ra hay chậm hiểu có thể bắt kịp và những em đang lo ra chú ý hơn. Tuy nhiên thầy cô không cắt ngang lớp học để loan báo điều gí trừ khi thấy có một ít em có cùng một trở ngại. Khi ấy thầy cô nên giải thích cách nhỏ nhẹ cho các em.

4. Làm Gương

Các thầy cô nào tử tế, đúng giờ, hăng say, tự chủ, kiên nhẫn, và có óc tổ chức làm gương tốt cho học sinh qua chính thái độ và hạnh kiểm của mình. Thầy cô nào mà “lời nói không đi đôi với việc làm” sẽ làm cớ cho học sinh thành vô kỷ luật.

Nếu bạn muốn học sinh nói nhỏ nhẹ trong lớp của bạn thì bạn phải nói nhỏ nhẹ khi đi vòng quanh lớp giúp các em.

5. Dùng Dấu Hiệu

Khi tôi còn nhỏ, các thầy dạy tôi thường dùng thước kẻ gõ trên bàn khi muốn chúng tôi chú ý. Có nhiều dấu hiệu thầy cô có thể dùng trong lớp, như dùng tay, tắt rồi bật điện, thay đổi diện mạo, nhìn thẳng vào em nào vô kỷ luật. Cần phải chọn dấu hiệu nào bạn muốn dùng trong lớp học cách kỹ lưỡng, và bỏ thì giờ ra giải thích cho học sinh biết bạn muốn các em làm gì khi bạn ra dấu hiệu ấy.

6. Làm Chủ Môi Trường

Một lớp học phải được trang trí làm sao để các em hứng thú khi học. Một lớp Giáo Lý không phải là một lớp học thường mà phải là nơi để các em gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế lớp học Giáo Lý phải được trang hoàng với những dụng cụ thánh, phải có bầu không khí cầu nguyện, và mầu sắc phải thích hợp với Mùa Phụng Vụ. Cũng thế, một lớp Việt Ngữ phải có những hình ảnh, vật dụng và bầu khí Việt Nam.

Vì vậy các thầy cô phải mang theo mình đồ nghề để tạo nên bầu không khí mới mẻ trong mỗi lớp học cho phù hợp với bài học mình dạy. Đôi khi thầy cô nên đem theo những hình ảnh kỷ niệm của mình để chia sẻ với học sinh. Phải làm sao để các em cảm thầy gần gũi thầy cô là một điều thích thú. Càng biết và mến yêu thầy cô nhiều, các em càng muốn làm vui lòng thầy cô bằng cách giữ kỷ luật, không phải vì sợ mà vì không muốn thầy cô buồn.

7. Can thiệp cách cách ôn tồn

Hầu hết các học sinh bị gửi lên ban giám hiệu vì cãi nhau hoặc cứng đầu với thầy cô. Tình trạng nầy xảy ra vì các thầy cô nóng nảy hay không biết cách giải quyết vấn đề nên thầy trò trở thành đối thủ với nhau. Chúng ta sẽ tránh được nhiều trường hợp như thế nếu chúng ta bình tĩnh và ôn tồn giải 1uyết vấn đề với tư cách của một vị thầy.

Một thầy cô giỏi phải cố gắng làm sao để không biến một học sinh thành trọng tâm để mọi người chú ý đến. Thầy cô đi vòng lớp học, tiên liệu những gì có thể xảy ra trườc khi nó xảy ra. Đối xử với những học sinh vô kỷ luật một ccáh tự nhiên, mà không làm các học sinh khác bị lo ra.

Trong lúc giảng bài, thầy cô hãy dùng phương pháp “nhắc tên”. Nếu thấy em nào nói chuyện hay nghịch, thầy cô nhắc đến tên em đó trong bài giảng một cách thật tự nhiên. Thí dụ: “Hùng, em có thấy Chúa yêu em không?” Đang nói chuyện, tự nhiên Hùng nghe thấy thầy cô nhắc đến tên mình, em rụt lại, mà cả lớp không để ý.

8. Áp dụng kỷ luật cách cương quyết

Đây là cách kỷ luật độc đoán nhưng rất có hiệu quả vì học sinh rất sợ quyền bính. Thầy cô làm chủ và không học sinh nào có quyền làm trái luật hay làm phiền các học sinh khác trong lớp học. Muốn thế thì phải đưa luật ra một cách rõ ràng và phải áp dụng cách tuyệt đối.

9. Ra lệnh cách quả quyết: Thầy muốn…

Đây là một phần của phương pháp số 8. Dùng để đương đầu với những học sinh vô kỷ luật. Nó thẳng cho các học sinh này biết là các em phải làm gì một cách rõ ràng. Thầy cô biết dùng phương pháp này phải làm cho học sinh này chú ý đến điều tốt mình muốn em ấy làm, chứ không phải vào sự vô kỷ luật của em. Nói: “Thầy muốn em là…”, “Thầy yêu cầu em…”

Thầy cô có ít kinh nghiệm sẽ nói: “Thầy muốn em không làm…” hay “Em không được làm…”. Nó như thế sẽ làm cho các em chối cãi và đâm ra tranh luận với học trò, vì chúng ta chú trọng đến hành động vô kỷ luật của các em…

10. Cách nói Ba Bước

Dùng ba bước để diễn tả điều bạn muốn nói với một học sinh phạm kỷ luật:

  1. Nói lên việc làm của học sinh: “Trong khi thầy đang giảng thì em nói chuyện”
  2. Nói lên hậu quả cuả việc làm của học sinh: “và như thế thầy phải ngưng giảng…”
  3. Cho học sinh này biết bạn cảm thấy ra sao: “Thầy thấy buồn.”

Một thầy cô nói với một em nghịch nhất lớp rằng: “Thầy không biết thầy đã làm gì mà em không kính trọng thầy như các em khác trong lớp. Nếu thầy đã nóng nảy hay làm gì cho em buồn, làm ơn cho thầy biết. Thầy có cảm giác là thầy đã làm gì cho em bất mản, nên em tỏ ra không kính trọng thầy.” Và học sinh ấy không còn nghịch trong lớp nữa.

11. Kỷ Luật cách Tích Cực

Dùng những điều luật diễn tả những hạnh kiểm tốt bạn muốn học sinh học tập, chứ đừng liệt kê những điều học sinh không được làm. Thay vì nói “không được chạy trong phòng” thì nói “đi cách trật tự trong phòng.” Thay vì nói “không được đánh nhau” thì nói “giải quyết các vấn đề cách ổn thỏa.” Thay vì nói “đừng nhai kẹo cao su” thì nói “để kẹo cao su ở nhà.” Nói đến các điều luật như là những điều bạn mong muốn các em làm. Hãy cho các học sinh biết rằng đây là những điều bạn mong các em giữ trong lớp học.

Đừng tiếc lời khen. Khi thấy em nào có hạnh kiểm tốt, thì hãy nhìn nhận ngay. Không cần phải nói ra lời, chỉ cần mỉm cười hay cử chỉ là có thể khuyến khích các em.

NĂM MỚI MỘT TRÁI TIM MỚI


Năm rồi, ngày mồng một tết, tôi mở sách kinh ra, mắt tôi bắt gặp ngay câu "Xin Chúa cho con một trái tim mới." Tôi có cảm tưởng câu trên đúng là một món quà tết Chúa ban cho tôi.

Tôi nghĩ rằng khi Chúa gợi ý cho tôi xin Chúa sự gì, thì tôi được phép tin là Chúa muốn ban sự ấy cho tôi. Vì thế, với niềm tin tưởng, tôi đã xin cho tôi và cho những người thuộc về tôi sang năm mới được trái tim mới.

Hôm nay, sau 12 tháng, nhìn lại cuộc hành trình trái tim trên quãng đường đời, tôi thấy nơi nhiều người, đúng là có trái tim mới.

Tất nhiên, những trái tim mới nói đây vẫn là những trái tim cũ của họ, nhưng nay có những thao thức mới, những hy vọng mới, những vui mừng mới, những giá trị mới. Bởi vì, những trái tim ấy đã biết đón nhận cuộc sống một cách mới mẻ.

Cuộc sống mà họ đón nhận cũng vẫn là cuộc sống đời thường của họ.

Ðời thường như một dòng sông. Có lúc nước lên, có lúc nước xuống. Nước tốt nước xấu pha trộn vào nhau chảy không ngừng. Ai khéo khai thác dòng sông của mình, đã thấy dòng sông ấy chuyên chở nhiều sự sống mới.

Ðời thường như một cánh đồng. Có những cây lúa và có nhiều loại cỏ. Từ cách đồng ấy nhiều người đã thu hoạch được những mùa màng tốt, bởi vì họ đã đón nhận cánh đồng với nhiều chăm sóc.

Nơi nhiều người, nếu so sánh giá trị của họ hôm nay với giá trị của họ cách đây 12 tháng, tôi thấy có một sự khác biệt đáng ngỡ ngàng. Trình độ nhân bản, đạo đức, trí thức, văn hóa của họ đều tăng. Hôm nay họ là người hơn trước, họ có khả năng phục vụ hơn trước, trái tim họ tươi đẹp hơn trước, trí khôn họ tỏa sáng hơn trước. Bởi vì họ đã biết lợi dụng mọi điều kiện của đời thường, để mà thăng tiến.

Mỗi ngày có biết bao chân lý mới, biết bao vẻ đẹp thiêng liêng mới.

Ðang khi người dửng dưng hay tự mãn không biết thu lượm, thì họ khiêm tốn ân cần đón nhận với trái tim cởi mở. Họ đón nhận như hái những bông hoa. Một cách tế nhị, yêu thương và trân trọng.

Với những chân lý mới, với những vẻ đẹp mới, họ có những sáng kiến cho bản thân họ, cho những người thân, và cho đồng bào.

Thực ra, điều họ nói họ làm đều đã qua đi. Nhưng xét cho cùng, sau khi mọi sự đã qua đi rồi, vẫn còn một cái gì sâu lắng tồn tại bền vững. Những cái nhìn đều đã qua đi, những nụ cười đều đã qua đi, những lời nói đều đã qua đi, nhưng tình yêu trong những cái qua đi ấy sẽ không qua đi bao giờ. Tôi muốn nói tới một thứ tình yêu cao đẹp vị tha, mà Ðức Kitô đã chỉ rõ:

"Thầy cho các con một giới răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con." (Gioan 15,12)

Như thế là có một đời thường nổi và một đời thường chìm. Ðời thường chìm là những sinh hoạt âm thầm trong trái tim. Những sinh hoạt của tình Chúa tình người làm nên một kho tàng có chiều kích thiêng liêng và chiều kích hiệp thông. Ngày nào cũng có những giá trị mới được đưa vào kho tàng ấy. Bởi vì trái tim mến Chúa yêu người không ngừng cầu nguyện và hy sinh.

Những trái tim ấy gợi ý cho tôi nhớ tới trái tim Ðức Mẹ Maria. Một trái tim luôn đón nhận thánh ý Chúa Cha, một trái tim biết đón nhận đời mình, một trái tim biết đón nhận những Tin Mừng và những lời tiên tri loan báo tương lai đau đớn, một trái tim biết đón nhận nhân loại yếu đuối, một trái tim biết đón nhận Chúa Thánh Linh hiện xuống, và một Hội Thánh bé nhỏ khiêm nhường, một trái tim biết đón nhận nhiệm vụ canh thức cho lịch sử dân Chúa. Trong trái tim Ðức Mẹ có một tình yêu luôn được thanh luyện, luôn được hiến tế, để sản sinh ra những niềm tin mới và những niềm hy vọng mới.

Nhìn về phía trước, tôi tin là sẽ có nhiều trái tim mới theo gương trái tim Ðức Mẹ: Trái tim bốc lửa và có vòng gai quấn xung quanh. Ðó là một trái tim yêu thương biết chấp nhận hy sinh.

Không biết tôi có nên cầu chúc cho ai sang năm mới được một trái tim mới kiểu đó không. Nhưng tôi cầu nguyện cho tôi và cho đồng bào thân yêu của tôi biết đón nhận đời thường của mình với một trái tim mới do sức sống mới của giới răn mới, mà Ðức Kitô đã ban tặng. Ðó là giới luật yêu thương (Gioan 15, 17).

Ðức Cha J.B. Bùi Tuần

CHUA NHAT 3 TN. A

Ngày 27 tháng 1, năm 2008

Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Thường Niên – Năm A

Ơn Gọi Làm Giáo Lý Viên

Hôm nay Hội Thánh dùng bài đọc thứ nhất trong sách Ngôn Sứ Isaia để sửa soạn cho sự xuất hiện của Đức Kitô như “Ánh Sáng Thế Gian.” Ánh sáng đó thay vì chiếu soi giữa thủ đô của nước Do Thái thì lại chiếu soi trước hết ở vùng đất dân ngoại, vùng đất Gallilêa. Trong bài Tin Mừng Chúa đã gọi các môn đệ đầu tiên để huấn luyện và sau này sai họ đi làm ánh sáng ấy thay cho Người.

Khi Chúa bắt đầu cuộc đời rao giảng công khai thì người mời gọi mọi người “Hải hối cải vỉ Nước Trời đã gần”. Để sửa soạn đem Nước Trời đến với muôn dân, Người tụ tập các môn đệ bằng cách gọi họ, gọi đích dánh từng người như chúng ta thấy Chúa gọi các ông Andrê, Phêrô, Gioan và Giacôbê hôm nay là “Hãy theo Thầy”. Vì muốn theo Thầy nên các ông đã bỏ tất cả để đi theo, không một chút luyến tiếc.

Ngày nay khi nói đến ơn gọi, nhiều người vẫn chỉ nghĩ đến “ơn gọi tu trì”, mà quên rằng Chúa cũng gọi mỗi người theo Chúa trong hoàn cảnh và địa vị của mình. Chúng ta thấy trường hợp người bị quỷ ám trong Marcô 5:18. Sau khi được chữa lành, anh xin đi theo Chúa, “nhưng Người không cho phép, Người bảo: ‘Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.’ Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho anh.” Chúa cũng muốn chúng ta, là những giáo dân, “về với thân nhân và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho chúng ta, và Người đã thương chúng ta như thế nào”. Đây chính là ơn gọi của chúng ta. Nhưng với Giáo Lý viên, Chúa còn muốn chúng ta trực tiếp hợp tác vào sứ vụ Ngôn Sứ của Người. Chúa đặt chúng ta làm thầy dạy (1 Cor 12:28) không những chỉ cho những học viên Chúa trao cho chúng ta mà cho tất cả mọi người chúng quanh chúng ta bằng cách sống thế nào để làm chứng cho mọi người thấy Chúa thương yêu chúng ta thế nào và thương yêu họ thế nào qua lời nói, việc làm và cách cư sử của chúng ta.

Chấp nhận làm Giáo Lý viên là chấp nhận từ bỏ tất cả để theo Chúa. Mà việc đầu tiên là từ bỏ chính mình, chính ý riêng mình. Một Giáo Lý viên không bao giờ được dạy về kiến thức của mình, mà chỉ dạy những gì Chúa muốn chúng ta dạy qua Giáo Huấn Hội Thánh. Người Giáo Lý Viên phải ý thức sứ mạng quan trọng của mình trong chương trình Cứu Độ nhân loại của Thiên Chúa như thế nào, và phải biết chấp nhận hy sinh không những chỉ để phục vụ mà còn học hỏi để hiểu biết, yêu mến và kết hợp với Đức Kitô mỗi ngày một hơn. Không có gì có thể nói lên trọn vẹn sứ vụ của Giáo Lý Viên bằng tóm tắt Giáo Lý dưới đây:

“Dạy giáo lý là dạy về Ðức Kitô. Tất cả những điều khác được giảng dạy đều quy về Người. Ðức Kitô chính là Ðấng giảng dạy, còn những người khác đều là phát ngôn viên của Người, để Người dạy qua miệng lưỡi họ.... Mọi Giáo Lý viên đều phải áp dụng cho mình lời nói nhiệm mầu của Chúa Giêsu: "Giáo huấn tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Ðấng đã sai tôi." Ai được mời gọi để dạy về Ðức Kitô trước hết phải tìm “mối lợi tuyệt vời là hiểu biết Ðức Kitô; người đó phải “mất hết ... để được Ðức Kitô và được kết hợp với Người.” Từ sự hiểu biết Ðức Kitô trong tình yêu, chúng ta mới khao khát rao giảng về Người và đem tha nhân đến đức tin vào Người (426-429).”

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2008

CHUA NHAT II TN A

Ngày 20 tháng 1, năm 2008

Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Thường Niên – Năm A

ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA

Chúa nhật tuần này Hội Thánh nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm Chúa Giêsu là Đức Kitô, là “Người Tôi Tớ” mà Thiên Chúa đặt lên “làm ánh sáng cho các dân tộc để ơn cứu độ được lan tràn khắp địa cầu” (Is 49:6), là “Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1:29). Và chính chúng ta cũng được mời gọi để nên thánh (1 Cor 1:2) bằng cách chia sẻ sứ vụ của “Con Chiên” để trở thành “ánh sáng thế gian” là hình ảnh của “Con Chiên” giữa trần.

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia báo trước về sứ mạng của Người Tôi Tớ mà Thiên Chúa sẽ sai đến, là Đức Kitô. Đức Kitô xuống trần không phải để làm theo ý mình, mà làm theo ý Chúa Cha (x. Tv 39:8a, Ga ; ). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Goan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian,” là Người sẽ rửa tội chúng ta bằng Thánh Thần, là Người Được Tuyển Chọn.” Hình ảnh “Con Chiên” đối với người Do Thái là hình ảnh Chiên Vượt Qua mà máu của nó đã cứu dân Israel bên Ai Cập, là hình ảnh “những con chiên không tỳ vết” mà người Do Thái trong Cựu Ước vẫn sát tế để làm của lễ Toàn Thiêu, cũng là hình ảnh của “con chiên” gánh tội của người khác như đựợc nói đến trong bài ca thứ tư về Người Tôi Tớ của ngôn sứ Isaia. “Chiên Con” cũng được dùng trong sách Khải Huyền 27 lần để nói về Đức Kitô.

Đức Kitô được Thiên Chúa đặt làm “ánh sáng muôn dân.” Thánh Gioan Thánh Sử cũng giới thiệu Chúa Giêsu là “ánh sáng thế gian” (Ga 1:9), và Chúa Giêsu cũng cho chúng ta biết chính Người là “ánh sáng thế gian” (Ga ; ; 9:5; ). Trong thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta rằng chúng ta đã được Đức Kitô thánh hóa [nhờ Máu của Người đổ ra trên thập giá], cho nên tất cả chúng ta được mời gọi để nên thánh. Khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy và được tháp nhập vào Nhiệm Thể Đức Kitô thì chúng ta đã được thánh hóa, đồng thời chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để nên “hoàn thiện như Cha trên Trời” (Mt 5:48), và Người cũng trao cho chúng ta sứ vụ trở thành “ánh sáng thế gian” (Mt 5:14) vì Người cho chúng ta chia sẻ ánh sáng của Người. Mà muốn được chia sẻ ánh sáng của Người thì chúng ta cũng phải sẵn lòng chấp nhận chia sẻ trách nhiệm làm “Chiên Thiên Chúa” giữa trần gian, nghĩa là bằng lòng “kết hợp với Ðức Kitô qua một cái chết như cái chết của Người” (Rom 6:5), sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ (cũng như vinh quang) vì Chúa.

Theo Giáo Lý Công Giáo, tất cả mọi điều Chúa Giêsu nói, làm, và chịu đều có mục đích mặc khải về Chúa Cha. Cả cuộc đời Người là mầu nhiệm Cứu Ðộ qua máu của Người trên Thập Giá mà xuống trên chúng ta, để phục hồi chúng ta lại tình trạng nguyên thủy là con cái Thiên Chúa (GLCG 516-518). Ðức Kitô không chỉ sống cho mình, nhưng cho chúng ta, từ lúc nhập thể cho đến khi chết và phục sinh. Người là gương mẫu cho ta. Người sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Người. Chúng ta được hiệp thông với Người như chi thể của Nhiệm Thể Người (GLCG 519-521).

Cuộc đời công khai bắt đầu từ khi Người chịu phép rửa. Người bắt đầu sứ mạng làm người Tôi Tớ Ðau Khổ. Lúc Người chịu Phép Rửa, các tầng trời mà tội Ađam đã đóng lại, được mở ra, và dòng nước được thánh hóa bởi Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần báo hiệu cuộc sáng tạo mới. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng được cùng mai táng với Người để sống lại với Người bởi nước và Thánh Thần (GLCG 535-537).

Là Giáo Lý viên, chúng ta luôn luôn noi gương và kết hợp với Đức Kitô, khiêm nhường làm theo Thánh Ý Chúa như con chiên vui vẻ để người khác dẫn đi sát tế. Có như thế chúng ta mới nên giống Người mà trở thành ánh sáng thế gian. Theo gương Thánh Gioan Tiền Hô, chúng ta là những người chỉ đường cho người khác đến cùng Đức Kitô. Đức Kitô phải là trọng tâm của mọi việc chúng ta làm như Chúa Cha là trọng tâm của mọi việc Người đã làm. Chúng ta phải chấp nhận “nhỏ đi, để Đức Kitô được nổi lên” (x. Ga ).

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2008

CHUA NHAT CHUA GIESU CHIU PHEP RUA


Ngày 13 tháng 1, năm 2008
Chúa Nhật Lễ Chúa Chịu Phép Rửa



Chúa Nhật này đánh dấu ngày cuối cùng của mùa Giáng Sinh và mở đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Hôm nay cũng là ngày đầu tiên của Thường Niên, là mùa chúng ta dõi theo bước chân của Chúa Giêsu trên hành trình rao giảng Tin Mừng của Người.
Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa là dấu chỉ rằng Người đã hoàn toàn mặc lấy bản tính nhân loại. Các bài đọc hôm nay cũng như các bài đọc tuần trước nói lên việc Thiên Chúa tỏ mình ra trong con người Đức Chúa Giêsu Kitô. Tin Mừng trình bày ngày Chúa chịu phép rửa như thời điểm mà Thiên Chúa tỏ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Con Yêu Dấu của Ngài. Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy rằng việc Chúa chịu Phép Rửa là nền tảng cho sự hiểu biết của chúng ta về các Bí Tích Khai Tâm, đặc biệt là BÍ Tích Thánh Tẩy.
Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia nói rằng Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn sẽ giải thoát dân Người qua sự thương khó và khổ nạn của Người. Và Chúa Giêsu qua cuộc khổ nạn và cái chết của Người đã thật sự giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi.
Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì tất cả các tiên trưng trong Cựu Ước đều được thực hiện nơi Ðức Kitô. Người khởi sự cuộc đời công khai sau khi chịu phép rửa của thánh Gioan. Việc này cho thấy sự tự hạ của Người. Chúa Thánh Thần ngự trên Người như để mở đầu cho một cuộc tạo dựng mới, và Chúa Cha giới thiệu Người là "Con Yêu Dấu" của Ngài. Trong cuộc Vượt Qua, Người đã khơi nguồn bí tích Thánh Tẩy. Người nói về cuộc tử nạn tại Giêrusalem như "một Phép Rửa" Người phải lãnh nhận. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người trên thập giá tiên trưng cho bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể là những bí tích ban đời sống mới. Bí tích Thánh Tẩy đã phát xuất từ Thánh Giá, từ cái chết của Ðức Kitô (GLCG 1223-1225).
Người đã để lại cho chúng ta Bí Tích Thánh Tẩy, là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Ðức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG 1213).
Sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các thánh Tông Đồ và các cộng sự viên ban bí tích Thánh Tẩy cho tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu: Do Thái và ngoại giáo. Bí tích Thánh Tẩy luôn gắn liền với đức tin. Theo thánh Phaolô, nhờ bí tích Thánh Tẩy người tín hữu cùng chết với Ðức Kitô, được mai táng và phục sinh với Người. Những người được rửa tội "mặc lấy Đức Kitô" (GLCG 1226-1228).
Ngày nay với sự thịnh hành của thuyết tương đối về tôn giáo, có nhiều người đã chủ trương rằng không cần phải truyền giáo. Việc Chúa chịu phép rửa một lần nữa nhắc nhở cho tất cả chúng ta sứ vụ truyền giáo mà Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ trong các Tin Mừng (xem Mt 28:19-20; Mk 16:15; Lk24:4-7; Acts 1:3) và Hội Thánh vẫn thường xuyên nhắc nhở chúng ta, đặc biệt là trong văn kiện “
Doctrinal Note on some Aspects of Evangelization” ngày 14 tháng 12 vừa qua.

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2008

CHUA NHAT LE HIEN LINH NAM A


Ngày 6 tháng 1, năm 2008

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH


DÕI THEO ÁNH SAO
Mt 2,1-12

Dõi theo ánh sao các nhà đạo sĩ đã mau mắn lên đường trong hy vọng tràn đầy. “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện” (Mt 2,2). Các nhà đạo sĩ sau khi gặp Hêrôđê,các Ngài đã ra đi và cũng ánh sao đó lại xuất hiện, dẫn lối chỉ đường cho các Ngài đến hang đá Bêlem tìm gặp Hài Đồng Giêsu. Tin Mừng viết rõ, các Ngài dâng Hài Đồng Giêsu những đặc sản quí giá của địa phương là vàng, nhũ hương và mộc dược (Mt 2, 11).

ÁNH SÁNG BỪNG LÊN CHIẾU RỌI, ĐÓ LÀ ĐỨC GIÊSU KITÔ:

Ngôn sứ Isaia viết: “Dân đang lần bước trong tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1). Ánh sáng chiếu soi là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Sao Hy Vọng cho muôn dân, muôn nước. Quả thật, từ khi ông bà Adam và Evà phạm tội, nhân loại chìm trong tối tăm của khổ đau và sự chết. Con người tưởng rằng không bao giờ có thể thoát khỏi bóng tối của đau khổ, của tối tăm, của sự chết. Nhân loại vì nguyên tổ phạm tội luôn dò dẫm, lần mò trong bóng tối tăm, mong chờ,mỏi mòn chờ mong ánh sáng cứu độ chiếu rọi nhân gian, soi chiếu thế giới. Ngôi Sao Hy Vọng,một Ngôi Sao lạ xuất hiện ở phương trời Đông, và sẽ không bao giờ lặn. Lễ Hiển Linh là lễ Con Thiên Chúa đến trần gian không chỉ dành riêng cho Dân Do Thái nhưng là tỏ mình cho mọi người, cho dân ngoại. Đại diện là ba nhà đạo sĩ trong đó có tất cả mọi người chúng ta. Ngộ giả Chúa là Ngôi Sao Hy Vọng, đã chiếu rọi vào cuộc đời tăm tối của chúng ta thì Người cũng muốn mỗi người chúng ta phải trở thành những ánh sao soi chiếu người khác. Chúa luôn yêu thương, trung tín với con người dù cho con người thất trung, phản bội. Do đó, con người đừng bao giờ thất vọng về chính mình. Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Sao Hy Vọng đã không bao giờ làm ai thất vọng, chúng ta cũng đừng bao giờ để ai thất vọng vì chúng ta.

XIN CHO NGÔI SAO DẪN ĐƯỜNG CHO BA NHÀ ĐẠO SĨ PHƯƠNG ĐÔNG VẪN DẪN ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI GẶP CHÚA:

Ngôi sao xưa đã dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ Phương Đông đến gặp Chúa nơi hang đá Bêlem và rồi các nhà đạo sĩ đã gặp được Vua Trời Đất. Các Ngài vui mừng, phấn khởi. Tin Mừng không thấy ghi lại một câu nói nào của ba nhà đạo sĩ hay câu nói nào của Mẹ Maria hoặc thánh cả Giuse. Nhưng chúng ta có thể ngầm hiểu chính sự im lặng thánh của Mẹ Maria, của thánh cả Giuse và ngay sự im lặng của ba nhà đạo sĩ đã nói lên giờ phút linh thiêng Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại mà ba nhà đạo sĩ là đại diện mọi người. Sự im lặng thánh diễn tả việc các nhà đạo sĩ cung chiêm Chúa cả Trời Đất với tất cả lòng yêu mến, kính trọng và tin cậy của họ nơi Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô đã tỏ mình ra cho mọi dân tộc, Ngài đem an bình, hạnh phúc và ơn cứu độ đến cho mọi người. Chúa đã tỏ mình ra từ lâu nhưng thực tế còn biết bao người chưa nhận biết Chúa, còn biết bao người chưa thấy Ngôi Sao Hy Vọng dù rằng Ngôi Sao vẫn cứ luẩn quẩn trên bầu trời để dẫn đưa con người tìm gặp Chúa. Thế giới ngày nay văn minh, khoa học kỹ thuật tiến bộ, nhưng còn biết bao người chưa nhận ra Ngôi Sao dẫn đường để tìm gặp Chúa. Ngôi sao xưa đã dẫn các nhà đạo sĩ phương Đông tìm ra được nơi Chúa sinh ra và họ đã cung chiêm, bái lạy Hài Đồng Giêsu. Xin cho Ngôi Sao xưa vẫn là Ngôi sao ngày nay đang dẫn mọi người đến với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Ngôi Sao Hy Vọng, xin giúp nhiều người, mọi người nhận ra Chúa là Ngôi Sao Hy Vọng để tất cả như ba nhà đạo sĩ mau mắn đến thờ lạy Vua Giêsu. Xin cho chúng con trở thành những Ngôi Sao lạ để dẫn đường cho nhiều người tìm gặp Chúa. Amen.