Thứ Năm, 21 tháng 2, 2008

CHUA NHAT III MUA CHAY-NAM A

Ngày 24 tháng 2, năm 2008

SUY NIỆM CHÚA NHẬT THỨ III MÙA CHAY - NĂM A

CON NGƯỜI CHỈ ĐƯỢC NO THỎA KHI CÓ THIÊN CHÚA

Hôm nay Hội Thánh muốn dùng các bài đọc để nhắc nhở chúng ta rằng “con người chỉ được no thỏa khi có Thiên Chúa”, vì Ngài là mạch nước vọt lên sự sống đời đời. Muốn có Thiên Chúa thì phải có Đức Tin, mà Đức Tin lại là một ân sủng của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không thiên vị ai nên Ngài luôn mời gọi mọi người tin vào Ngài như lời Đức Chúa Giêsu nói với ngưởi phụ nữ Samarita rằng hãy xin Người, và Người sẽ ban cho bà nước hằng sống.

Người phụ nữ Samarita tượng trưng cho những người không có Đức Tin. Họ đi tìm thỏa mãn nơi những thú vui tạm bợ. Họ tìm nương tựa nơi những gì chóng qua. Người này tìm thỏa mãn những khát khao nhục dục. Người khác tìm thỏa mãn nơi tiền tài, danh vọng. Nhưng tất cả đều chóng qua và con người vẫn còn đói khát. Ngay cả những người có Đức Tin nhiều khi cũng không tin tưởng và phó thác đủ vào Thiên Chúa. Họ phàn nàn, than trách Thiên Chúa như dân Do Thái trong hoang địa ngày xưa. Chính chúng ta đôi lúc cũng quên rằng “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” và “trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.” Người chết để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa để làm cho chúng ta trở nên công chính trước mặt Ngài. Nhờ đó lòng chúng ta được đầy Chúa Thánh Thần, là Đấng làm cho chúng ta no thỏa.

Theo Giáo Lý Công Giáo câu 153-165 thì Đức Tin có những đặc điểm sau:

  • Ðức tin là một ân sủng. Chúng ta chỉ có thể tin nhờ ân sủng.

  • Ðức tin là một hành động của con người. Trong đức tin, lý trí và ý chí của con người hợp tác với ân sủng của Thiên Chúa.
  • Chúng ta không hiểu tất cả những gì Chúa mặc khải, nhưng có thể tin vì Người đã chứng minh những điều ấy bằng các phép lạ, các lời tiên tri, và sự phát triển của Hội Thánh. Nền tảng của Ðức tin là Lời Thiên Chúa. Nhờ đức tin mà ta biết Thiên Chúa và hiểu Lời Chúa rõ ràng hơn. Đức tin không bao giờ mâu thuẫn với lý trí hay khoa học, vì chân lý không thể mâu thuẫn chân lý.

  • Ðức tin trong tự do. Ðức tin phải tự nguyện. Mặc dầu đức tin cần thiết cho ơn cứu độ, Thiên Chúa không cưỡng ép chúng ta tin.

  • Sự cần thiết của đức tin. Tin vào Đức Kitô và Ðấng đã sai Người đến để cứu độ chúng ta là điều cần thiết để đạt được ơn cứu độ.
  • Kiên trì trong đức tin. Ðức Tin là một ân sủng. Chúng ta có thể làm mất ân sủng ấy vì coi thường hay phạm tội. Cần phải nuôi dưỡng đức tin bằng việc học hỏi Lời Chúa, cầu nguyện, và các việc bác ái. Ðức tin phải được đức cậy nâng đỡ và đâm rễ trong đức tin của Hội Thánh.

Vì Thế Ðức tin là khởi điểm cuộc sống đời đời. Ðức tin cho ta nếm trước niềm vui được hưởng nhan Thiên Chúa, là mục đích đời ta. Ðức tin có thể bị thử thách bởi sự bất toàn của thế giới. Ta phải noi theo các gương mẫu của đức tin như Ông Abraham và Ðức Mẹ Maria, là người hiệp thông với khổ hình Thập Giá và cái chết Chúa Giêsu, cùng bao nhiêu nhân chứng đức tin khác.

SU DIEP MUA CHAY CUA DUC THANH CHA 2008

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2008 của ĐTC BÊNÊĐICTÔ XVI


“Đức Kitô làm cho Mình trở nên nghèo khó vì anh em” (2 Cor 8:9)

Anh Chị Em thân mến!

1. Mỗi năm, Mùa Chay đem lại cho chúng ta một dịp theo Chúa Quan Phòng để đào sâu giá trị của đời sống Kitô hữu của chúng ta, và khuyến khích chúng ta tái khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa, để đến lượt chúng ta trở nên thuơng cảm cho anh chị em của chúng ta hơn. Trong thời gian Mùa Chay, Hội Thánh thấy rằng mình có bổn phận phải đưa ra những công tác rõ ràng đi theo các tín hữu cách cụ thể trong tíến trình canh tân nội tâm: đó là việc cầu nguyện, ăn chay bố thí. Về sứ điệp Mùa Chay năm nay, Cha muốn dành ít thì giờ để suy niệm về việc thực hành bố thí, tượng trưng cho cách đặc biệt để giúp đỡ những người thiếu thốn, đồng thời, cũng để tập từ bỏ mình để giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc với những của cải thế gian. Càng bị thu hút mạnh mẽ bởi sự giàu có vật chất, thì chúng ta càng phải quyết tâm dứt khoát để không biến chúng thành thần tượng của chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định điều này cách rõ ràng: “Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi mammôn [tiền của] được” (Lc 16:13). Việc bố thí giúp chúng ta thắng được cám dỗ liên tục này, dạy chúng ta đáp ứng lại những nhu cầu của tha nhân và chia sẻ với người khác những gì chúng ta có được nhờ lòng nhân lành của Thiên Chúa. Đó chính là mục đích của việc quyên tiền đặc biệt cho người nghèo được quảng bá ở nhiều nơi trên thế giới trong Mùa Chay. Bằng cách này, việc thanh luyện nội tâm được kèm theo bằng một nghĩa cử của cộng đồng Hội Thánh, phản ảnh những gì đã xảy ra thời Hội Thánh Sơ Khai. Trong các Thánh Thư của ngài, Thánh Phaolô đã đề cập đến về việc này khi viết về việc quyên tiền giúp cộng đồng Gierusalem (xem 2 Cor 8-9; Rom 15:25-27).

2. Theo giáo huấn của Tin Mừng, chúng ta không làm chủ nhưng chỉ là những người quản lý các tài sản mà chúng ta có: cho nên không được coi những tài sản này là của riêng mình, nhưng là những phương tiện mà qua đó Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hành xử như một người quản lý theo sự quan phòng của Ngài đối với những người thân cận chúng ta. Như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở chúng ta, các của cải vật chất có chứa đựng giá trị xã hội, theo nguyên tắc qui về mục đích phổ quát của chúng (xem câu 2404).

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu thẳng tay khiển trách những người chỉ biết dùng sự giàu sang vật chất cách ích kỷ. Trước cảnh nghèo đói của đám đông, thiếu tốn đủ thứ, lời của Thánh Gioan vang lên giọng khiển trách: “Làm sao mà tình yêu Thiên Chúa có thể ngự nơi những người có nhiều của cải thế gian mà từ chối giúp đỡ anh chị em mình khi thấy họ thiếu thốn?” (1 Ga 3:17). Ở những quốc gia mà đa số dân chúng là Kitô hữu, lời kêu gọi chia sẻ còn khẩn cấp hơn nữa bởi vì họ càng có trách nhiệm đối với số đông người đang chịu cảnh nghèo đói và bị bỏ rơi. Giúp đỡ những người này là nhiệm vụ về công bằng trước khi được coi là việc bác ái.

3. Tin Mừng nhấn mạnh đến một đặc tính của việc bố thí của Kitô hữu là nó phải kín đáo. Chúa Giêsu quả quyết: “Đừng cho tay trái của các con biết việc tay phải các con làm, để việc bố thí của các con được thực hiện cách kín đáo” (Mt. 6:3-4). Chỉ một thời gian ngắn trước đó, Chúa nói rằng đừng tự hào về các việc lành mình làm để khỏi bị mất phần thưởng trên Trời (xem Mt 6:1-2). Người môn đệ phải quan tâm đến việc làm vinh danh Thiên Chúa. Chúa Giêsu cảnh cáo: “Bằng cách này, hãy làm cho ánh sáng của các con chiếu soi trước mặt người khác, để họ thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha Trên Trời” (Mt ). Như thế, chúng ta phải làm mọi sự để vinh danh Thiên Chúa chứ không phải vì danh dự của chúng ta. Anh chị em thân mến, sự hiểu biết này phải hậu thuẫn tất cả các nghĩa cử chúng ta làm cho tha nhân, đừng để cho chúng trở thành phương tiện biến chúng ta thành cái rốn của vũ trụ. Nếu trong khi chu toàn một nghĩa cử, chúng ta không có mục đích làm vinh danh Chúa và thật sự giúp đỡ anh chị em, mà lại tìm tư lợi, hay tiếng khen, thì chúng ta đã tự đặt mình ra ngoài nhãn quan của Tin Mừng. Trong thế giới của hình ảnh ngày nay, chúng ta phải rất thận trọng đề phòng bởi vì cám dỗ này quá lớn. Bố thí, theo Tin Mừng, không phải chỉ là việc thiện: mà còn là một sự diễn tả đức ái cách cụ thể, một nhân đức đối thần đòi hỏi một sự hoán cải nội tâm để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, theo gương Đức Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã chết trên Thánh Giá, đã hiến toàn thân cho chúng ta. Làm sao mà chúng ta không cảm tạ Thiên Chúa vì nhiều người đang âm thầm thực thi các việc làm quảng đại giúp đỡ tha nhân trong cơn quẫn bách bằng tinh thần này, vượt ra ngoài tầm kính của thế giới truyền thông? Thật là vô ích khi cho người khác của cải của mình nếu việc làm này biến lòng chúng ta thành tự hào trong hư danh: vì lý do này mà những người biết rằng Thiên Chúa “nhìn thấy trong kín đáo” và sẽ bí mật ban thưởng không tìm sự công nhận của loài người khi họ làm việc từ thiện.

4. Trong khi mời gọi chúng ta nghĩ đến việc bố thí với một cái nhìn sâu sắc hơn, vượt trên chiều kích thuần túy vật chất, Thánh Kinh dạy chúng ta rằng cho đi thì vui hơn nhận lại (xem TĐCV 20:35). Khi chúng ta làm vì yêu, chúng ta nói lên chân lý của bản chất con người chúng ta; quả thật, chúng ta không được dựng nên cho mình, nhưng cho Thiên Chúa và anh chị em chúng ta (xem 2 Cor 5:15). Mỗi lần chúng ta chia sẻ của cải với những người túng thiếu chung quanh chúng ta vì yêu Chúa, chúng ta khám phá ra rằng sự sung mãn của cuộc sống đến từ tình yêu, và tất cả lại trở về với chúng ta như phúc lành dưới dạng bình an, mãn nguyện và vui mừng nội tâm. Cha chúng ta ở trên Trời thưởng cho việc chúng ta bố thí bằng niềm vui của Ngài. Hơn nữa: Thánh Phêrô kể vào số những hoa quả thiêng liêng của việc bố thí là ơn tha tội. Ngài viết: “Đức ái che phủ vô vàn tội lỗi” (1 Phr 4:8). Như Phụng Vụ Mùa Chay thường nhắc lại rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta là những người tội lỗi khả năng được tha tội. Việc chia sẻ với người nghèo những gì chúng ta có làm cho chúng ta sẵn sáng lãnh nhận ơn ấy. Trong lúc này, cha lại nghĩ đến những người nhận ra sự trầm trọng của những tội ác họ đã làm, và chính vì lý do đó, họ cảm thấy mình xa cách Thiên Chúa, sợ hãi và hầu như không có khả năng trở về với Ngài. Bằng cách đến gần tha nhân qua việc bố thí, chúng ta được kéo lại gần Thiên Chúa; Bố thí có thể trờ một thành công cụ cho việc hoán cải và hòa giải thật sự với Ngài và anh em chúng ta.

5. Việc bố thí dạy chúng ta lòng quảng đại của đức ái. Thánh Giuse Bênêđictô Cottolengo đề nghị cách thẳng thắn: “Đừng bao giờ tính sổ số tiền bạn cho đi, bởi vỉ đó là điều mà tôi nói hoài: nếu trong việc bố thí tay trái không biết việc tay phải làm, thì tay phải cũng không nên biết việc mình làm.” (Detti e penseru, Edilibri, số 201). Về việc này, thì câu truyện trong Tin Mừng về bà goá rút ra từ sự nghèo túng của bà mà bỏ vào quỹ Đền Thờ “tất cả những gì bà có để sinh sống” (Mc 12:4) còn quan trọng hơn. Đồng xu nhỏ bé và tầm thường của bà trở thành một biểu hiệu hùng hồn: Bà goá này dâng cho Thiên Chúa không phải sự dư dật của bà, không phải là bao nhiêu tiền bà có, nhưng là chính bà. Toàn thân của bà.

Chúng ta thấy câu chuyện cảm động này được lồng vào trình thuật những ngày ngay trước cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, là Đấng làm cho mình trở nên nghèo khó để lấy cái nghèo của Người mà làm cho chúng ta nên giàu có như Thánh Phaolô viết (xem 2 Cor 8:9); Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta toàn thể con người của Người. Cũng qua việc thực hành bố thí, Mùa Chay khuyến khích chúng ta theo gương Người. Trong trường của Người, chúng ta có thể học cách làm cho cuộc đời chúng ta trở thành món quà toàn vẹn; theo gương Người, chúng ta có thể làm cho mình sẵn sàng, không phải chỉ để cho đi một phần của những gì mình có, nhưng cho đi chính bản thân chúng ta. Không phải là toàn thể Tin Mừng được tóm lại trong Giới Luật Yêu Thương sao? Như thế việc thực thi bố thí trong Mùa Chay trở nên một phương thế để đào sâu ơn gọi Kitô hữu của chúng ta. Bằng cách hiến mình cách vô vị lợi, người Kitô hữu làm chứng rằng chính tình yêu chứ không phải sự giàu sang vật chất là yếu tố làm nên định luật hiện hữu của mình. Như vậy tình yêu làm cho việc bố thí có giá trị; nó gợi hứng cho những hình thức ban tặng khác nhau, tùy theo khả năng và điều kiện của mỗi người.

6. Anh chị em thân mến, Mùa Chay mời gọi chúng ta “huấn luyện mình” cách thiêng liêng, cũng như qua việc thực hành bố thí, để chúng ta được lớn lên trong đức ái và nhận ra Chính Đức Kitô trong những người nghèo. Trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta đọc rằng Thánh Phêrô đã nói với nggười què đang ăn xin ở cổng Đền Thờ: “Tôi không có vàng hay bạc, nhưng điều gì tôi có thi tôi cho anh; nhân danh Đức Chúa Giêsu Kitô Thành Nadareth, anh hãy bước đi” (TĐCV 3:6). Trong việc bố thí, chúng ta tặng một cái gì là vật chất, là một biểu hiệu của món quà cao quý hơn mà chúng ta có thể tặng cho người khác qua việc rao truyền và làm chứng cho Đức Kitô, nhờ danh Người mà người ta tìm thấy sự sống thật. Như thế hãy đánh dấu thời gian này bằng cố gắng gắn bó với Đức Kitô của cá nhân và cộng đồng để chúng ta có thể trở nên nhân chứng cho tình yêu của Người. Nguyện xin Đức Maria, Mẹ và Tôi Tớ trung tín của Chúa giúp các tín hữu bước vào “cuộc chiến thiêng liêng” của Mùa Chay, được trang bị bằng kinh nguyện, ăn chay và thực hành bố thí, để được đổi mới tinh thần khi đến cử hành Đại Lễ Phục Sinh. Với những lời cầu chúc này, Cha long trọng ban Phép Lành Toà Thánh của Cha cho mọi người.

Làm tại Vatican, ngày 30 tháng 10, năm 2007

ĐTC Bênêđictô XVI

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2008

CHUA NHAT II MUA CHAY - NAM A

gày 17 tháng 2, năm 2008

SUY NIỆM CHÚA NHẬT THỨ II MÙA CHAY - NĂM A

THEO CHÚA LÊN NÚI TABORÊ

Hằng năm vào Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Chay, Hội Thánh nhắc lại việc Thiên Chúa gọi ông Abraham để nhắc nhở mỗi người chúng ta về ơn gọi của chính mình. Đó là ơn gọi nên thánh. Bài Tin Mừng cũng nói về việc Chúa Biến Hình (Hiển Dung) trên núi Taborê không những để củng cố đức tin của các môn đệ nòng cốt trước khi họ phải trải qua những thử thách cam go nhất trong đời môn đệ của họ trong những tuần sắp tới, mà còn cho chúng ta thấy thoáng qua cái vinh quang và hạnh phúc mà họ sẽ được hưởng đời sau.

Theo Sách Giáo Lý thì sau khi Thánh Phêrô tuyên xưng đức, Chúa Giêsu bắt đầu giải thích cho các ông biết rằng Người sẽ hy sinh mạng sống cho thế gian, nhưng Thánh Phêrô không chấp nhận, và các môn đệ khác cũng chẳng hiểu gì, nên Người đưa ba môn đệ lên núi và biến hình trước mặt các ông. Có sự hiện diện của ông Môsê và ông Êlia là đại diện cho Lề luật và Ngôn sứ trong Cựu Ước, là những người đã loan báo rằng Ðấng Messia phải chịu nhiều đau khổ. Chúa muốn các ông thấy vinh quang của Người để các ông khỏi thất vọng khi Người chịu khổ nạn và chịu chết. Cả Ba Ngôi cũng hiện diện trong biến cố này. Biến cố Hiển Dung cho ta nếm trước cuộc trở lại vinh quang của Người. Nhưng biến cố ấy cũng nhắc nhở chúng ta rằng "Phải trải qua nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa" (GLCG 554-556).

Hội Thánh cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn đến vinh quang mà Thiên Chúa đang chờ đợi để thưởng cho chúng ta sau này để chúng ta cũng có can đảm đi theo Chúa cho trọn con đường thương khó. Trong đời sống Kitô hữu, đôi khi Thiên Chúa cho chúng ta được hưởng một đôi phút vinh quang, hạnh phúc hay niềm vui. Và chúng ta đều muốn kéo dài những giây phút ấy như Thánh Phêrô: “"Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm.” Đó chính là những giây phút Hiển Dung trong đời chúng ta để giúp chúng ta đi trọn con đường nên thánh cam go. Vâng chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh, nhưng qua Đức Kitô, Thiên Chúa cho chúng ta được chia sẻ sự thánh thiện của Ngài. Tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi nghe lời Thiên Chúa, chấp nhận Tin Mừng và sống theo gương mẫu của Đức Kitô để được trở thành “Con Yêu Dấu” của Thiên Chúa (Mt 17:1-9). Muốn theo gương Đức Kitô thì chúng ta phải chấp nhận chia sẻ những đau khổ của Người để được vinh quang cùng Người. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô mời gọi chúng ta “hãy chia sẻ những khó nhọc vì Tin Mừng bằng sức mạnh đến từ Thiên Chúa” (2 Tim 1:8b). Sức mạnh này chúng ta lãnh nhận qua Lời Chúa và các Bí Tích. Nhờ sức mạnh có sức biến hình của ân sủng này chúng ta được thánh hóa và trở thành đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Con đường nên thánh được đánh dấu bằng những cuộc chiến đấu (xem GLCG 2015) với những lôi cuốn của tội lỗi, cám dỗ của Satan và yếu đuối của xác thịt. Bằng cách ôm chặt lấy Thánh Giá, chấp nhận con đường hy sinh, hãm mình và cầu nguyện, chúng ta sẽ toàn thắng. Vì chúng ta không chiến đầu đơn phương, mà chính Đức Kitô đang chỉ huy chúng ta. Vững bước theo Người qua cuộc chiến, chúng ta chắc chắn sẽ cùng Người chiến thắng vinh quang.

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2008

CHUA NHAT THU I MUA CHAY - NAM A

Ngày 10 tháng 2, năm २००८

SUY NIỆM CHÚA NHẬT THỨ I MÙA CHAY - NĂM

CHÚA GIÊSU CHỊU CÁM DỖ

Khởi đầu Mùa Chay, Hội Thánh nhắc lại cho chúng ta câu chuyện tạo dưng và sa ngã của Nguyên Tổ trong vườn Địa Đàng và câu chuyện ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa để giúp chúng ta cảng giác. Những con người đầu tiên đã phạm tôi vì không vâng phục Thiên Chúa. Họ đã chọn lựa nghe theo những lời dụ dỗ ngon ngọt của ma quỷ thay vì tuân theo lời cảnh cáo của Thiên Chúa, và đã đem sự chết vào thế gian cho họ và con cháu họ. Nhưng Thiên Chúa không để mặc họ. Ngài đã cho Con Một Ngài xuống thế để đền tội thay cho họ. Đấng Cứu Thế là Đức Chúa Giêsu Kitô đã lấy sự vâng phục và thực thi Thánh Ý Thiên Chúa làm châm ngôn. Mặc dầu bị ma quỷ cám dỗ, Người đã một mực trung thành với Thiên Chúa và luôn luôn dùng Lời Thiên Chúa để chống lại những cám dỗ của Satan. Chính nhờ sự vâng phục cho đến chết của Chúa Giêsu mà chúng ta được cứu độ.
Câu chuyện Thiên Chúa cấm con người ăn trái cấm là một biểu tượng nói lên rằng con người tùy thuộc vào Ðấng Tạo Hóa, nên phải tuân theo các định luật tự nhiên và các tiêu chuẩn luân lý khi sử dụng tự do. Nguyên tổ đã bị ma quỷ cám dỗ không vâng lời Thiên Chúa, nên đã mất tình trạng thánh thiện nguyên thủy. Khả năng điều khiển thân xác của họ bị thương tổn. Quan hệ giữa họ nên căng thẳng, đầy ham muốn và thống trị. Sự chết đã xâm nhập vào lịch sử nhân loại. Từ tội này cả thế gian và nhân loại bị chìm ngập trong tội. Chúng ta dễ hướng về sự dữ, và bị kiềm tỏa bởi ma quỷ. Những điều này chỉ có thể hiểu được trong mối tương quan với tội nguyên tổ. Tội này đã truyền lại cho ta một bản tính nhân loại bị mất sự thánh thiện và công chính. Nó không làm cho bản tính con người hoàn toàn sa đọa, hay mất sự tự do, nhưng làm cho nó nên yếu đuối, dễ phạm tội, dốt nát, đau khổ và chết. Bí tích Thánh Tẩy xóa bỏ tội Nguyên Tổ, nhưng không xóa bỏ khuynh hướng dễ phạm tội này, cho nên chúng ta phải luôn luôn chiến đấu với sự dữ. Chúng ta bị cám dỗ bởi ma quỷ và sự xấu xa của xã hội mà chúng ta đang sống. Hoàn cảnh bi đát này làm cho cuộc sống con người trở nên một cuộc chiến đấu cam go chống lại quyền lực sự dữ. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của Chúa mà thôi (GLCG 396-409).
Để giao hoà con người lại với Mình, Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài xuống thế làm người trong lòng Đức Nữ Trinh Nữ Maria. Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã hiến trọn đời làm theo Thánh Ý Đức Chúa Cha để cứu độ nhân loại.
Sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu đã ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa. Người đã đánh bại các cám dỗ của Satan, những cám dỗ làm ông Ađam cũng như dân Israel sa ngã. Người là Ađam mới sẽ thiết lập một Israel mới mà ma quỷ không thể thắng nối. Việc Chúa Giêsu chiến thắng ma quỷ này xảy ra trước chiến thắng trong cuộc khổ nạn, khi Người tuyệt đối vâng phục thánh ý Chúa Cha. (GLCG 538-540)
Chính nhờ sự vâng phục của Đức Kitô mà nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa. Những ai thuần phục Đức Kitô thì được Người làm cho trở thành anh em Người. Chính vì thế mà Thánh Phaolô gọi Chúa Giêsu là một Ađam mới. Còn Đức Trinh Nữ Maria cũng đã hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Mẹ đã vâng lời Thiên Chúa mà không màng đến danh dự và chính mạng sống Mẹ khi bằng lòng chịu thai Chúa Giêsu trước khi về nhà chồng. Mẹ đã can trường đứng dưới chân Thánh Giá dù không hiểu tại sao Con Thiên Chúa lại có thể chết tức tưởi như thế. Và sau cùng Mẹ đã vâng lời Chúa Giêsu nhận các môn đệ Người (mà Thánh Gioan là đại diện) làm con Mẹ. Vì thế mà các thánh Giáo Phụ tôn Mẹ làm Evà Mới, là Mẹ của tất cả những ai được tái sinh trong Đức Kitô.
Là những môn đệ của Chúa, đặc biệt là những người được Chúa trao cho một chút tài năng và quyền hành, đôi khi chúng ta quên rằng mình chỉ là những đầy tớ vô dụng. Cái cám dỗ thường xuyên nhất của người tông đồ là tìm hư danh, là muốn được người khác tôn trọng, là muốn thấy mình thành công. Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Bênêđictô nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phải làm mọi sự vì vinh danh Chúa chứ không phải để vinh danh mình. Ngài cảnh giác chúng ta rằng tìm hư danh trong thế giới truyền hình này là một cám dỗ rất lớn đối với mọi người. Để khỏi sa chước cám dỗ, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để tất cả chúng ta theo gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria, biết dùng sự vâng phục Thiên Chúa mà chiến thắng mọi cám dỗ trên cõi đời này. Amen.

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2008

CHUA NHAT 4 TN-NAM A

SUY NIỆM CHÚA NHẬT THỨ IV THƯỜNG NIÊN - NĂM A

SỐNG TÁM MỐI PHÚC THẬT

Thường trong dịp Tết, ngoài việc chúc nhau bình an, mạnh khỏe, chúng ta còn chúc nhau làm ăn phát đạt và thăng quan tiến chức…. Nhưng trong Chúa Nhật hôm nay Chúa Giêsu lại chúc phúc cho những người nghèo khó và bị bách hại thay vì cho những người giàu sang quyền thế. Như vậy quan niệm về hạnh phúc của Thiên Chúa hoàn toàn trái ngược với quan niệm của chúng ta.

Trong sách ngôn sứ Xôphônia, Thiên Chúa cho chúng ta biết rằng những người tuân giữ luật Chúa, tìm công lý và tìm sự khiêm nhường là những người sẽ được Thiên Chúa che chở. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mở đầu Bài Giảng Trên Núi bằng Tám Mối Phúc Thật. Vậy Tám Mối Phúc Thật là gì?

Theo Giáo Lý Công Giáo thì Tám Mối Phúc Thật là trọng tâm của những lời Chúa Giêsu giảng dạy. Tám Mối Phúc Thật phác họa dung mạo và đức ái của Người. Chúng diễn tả ơn gọi của các tín hữu là được liên kết với cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, soi sáng những hành động và thái độ đặc thù của đời Kitô hữu. Chúng nâng đỡ niềm hy vọng khi con người gặp hoạn nạn, cùng công bố những phúc lộc và phần thưởng các môn đệ đã được hưởng âm thầm (GLCG 1716-1717).

Tám Mối Phúc Thật đáp ứng ước vọng tự nhiên của con người là muốn được hạnh phúc. Ước vọng này bắt nguồn từ Thiên Chúa, là Ðấng duy nhất có thể cho làm chúng ta thỏa mãn. Ngài mời gọi chúng ta chung hưởng hạnh phúc của Ngài. Ơn gọi này được ban cho từng cá nhân, cũng như toàn thể Hội Thánh, Dân Mới, gồm những kẻ đón nhận và sống lời hứa đó trong đức tin (GLCG 1718-1719).

Chính vì thế mà trong bài đọc hai Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta làm môn đệ Ngài không phải vì chúng ta giàu sang quyền thế, mà chính vì sự hèn kém của chúng ta. Ngài muốn làm thế để chứng minh cho thế gian biết rằng Ngài có quyền làm cho những người bé nhỏ thành vĩ đại, những người ngu dốt thành thông thái, chứ không phải chỉ có tiền tài, danh vọng mới làm cho con người có giá trị. Thiên Chúa muốn cho mọi người biết rằng Chính Ngài là nguồn mọi sự sung mãn, còn tất cả sự giàu sang quyền thế trên đời chỉ là phù hoa. Muốn được hạnh phúc thật, con người phải biết tận hiến cho Thiên Chúa và thực thi Lời Ngài.

Vậy Tám Mối Phúc Thật chính là chìa khóa hạnh phúc cho mọi người và là yếu tố duy nhất có thể đem bình an đến cho nhân loại. Bao lâu con người còn dựa vào những giải pháp chính trị và quân sự để giải quyết xung đột, bấy lâu còn có bất hòa và tranh chấp. Nhưng nếu nơi nào mà người ta biết sống Tám Mối Phúc Thật thì nơi ấy có bình an trường cửu.

Là Giáo Lý viên, chúng ta cũng cố gắng theo gương Chúa Giêsu sống Tám Mối Phúc mỗi ngày trong đời sống chúng ta. Tám Mới Phúc phải là trọng tâm của đời sống cũng như cách dạy Giáo Lý của chúng ta, để chúng ta có thể thật sự phản ảnh dung mạo của Đức Kitô trước mặt mọi người, và chia sẻ phúc lành của Người với họ.